Báo: baove.congly.vn/

Sáng 26/5, Nhà hát Cải lương Hà Nội đã chính thức khởi công dàn dựng 2 vở diễn mới “Những đứa con oan nghiệt” và “Trời Nam” tại Rạp Chuông Vàng 72 Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
“Những đứa con oan nghiệt” của tác giả NSND Doãn Hoàng Giang, chuyển thể cải lương Đình Tư, đạo diễn NSND Hoàng Quỳnh Mai là vở diễn khai thác về đề tài giáo dục. Có thể nói: Môi trường sống, môi trường giáo dục hình thành tính cách con người. Toàn bộ vở diễn xoay quanh hai gia đình ông Thầy Đồ và ông Tư Chớp – một tướng cướp. Ông Tư Chớp vì muốn cho con trai mình sau này không theo nghề trộm cướp mà phải đỗ đạt làm quan nên khi bà Chín – vợ ông và bà Đồ cùng chuyển dạ sinh con, ông đã cho người tráo đổi hai đứa con. Mâu thuẫn kịch bắt đầu từ đây.
Hai đứa con bị tráo đổi của hai nhà lớn lên trong môi trường khác nhau hoàn toàn. Hai Nhân – con ruột của ông Tư Chớp sống ở nhà ông Thầy Đồ vốn được học hành từ nhỏ nên đã sớm trở thành học trò giỏi, đi thi đỗ đạt thành quan tân trạng. Trong khi đó, Hai Đức – con ruột của ông Thầy Đồ sống ở nhà ông Tư Chớp ham mê tửu sắc, ăn nói thô tục, không thích học hành, chơi bời lêu lổng. Từ lòng ghen ghét đố kị, Hai Đức và anh trai Phi Long đã ra tay giết Hai Nhân trong lúc Hai Nhân trở về vinh quy bái tổ.
Ông Tư Chớp cho rằng bí mật tráo đổi con sẽ không bao giờ được phát hiện vì người thực hiện tráo đổi đã bị ông diệt trừ hậu họa, nhưng cái chết của Hai Nhân đã làm ông thức tỉnh. Tự bản thân ông đã nói ra sự thật và chịu sự trừng phạt của pháp luật và của chính lương tâm ông.
Bên cạnh đó, Nhà hát Cải lương Hà Nội còn dựng vở cải lương “Trời Nam” của tác giả kịch bản văn học Lê Duy Hạnh, chuyển thể cải lương Nguyên Phương, đạo diễn NSƯT Lê Nguyên Đạt. Vở cải lương “Trời Nam” là một tác phẩm sân khấu đề tài lịch sử, ngợi ca hình tượng người anh hùng áo vải Quang Trung trong cuộc chiến với nhà Thanh để đem lại hòa bình, mong muốn cho quốc thái dân an.
Một số hình ảnh trong trích đoạn “Trời Nam”
Chủ nghĩa anh hùng, sức mạnh của đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc được khẳng định và khắc họa rõ nét xuyên suốt trong toàn bộ tác phẩm. Những tình tiết nội tâm của các nhân vật cũng như những xung đột và nút thắt của kịch bản tạo cho người xem hiểu rõ hơn về một giai đoạn hào hùng của lịch sử với những con người đầy chí khí với non sông.
Các nhân vật như vua Quang Trung, Phạm Công Trị, Lê Ngọc Hân, Hoàng Cô, Lê Quyết, Bà Lão tướng… đã tạo cho tác phẩm nhiều tình tiết hấp dẫn đồng thời cũng làm sáng lên vẻ đẹp của những con người một lòng vì dân vì nước. Đặc biệt, sau khi đấu tranh với chính nội tâm của mình, hình ảnh Lê Quyết đã tự lấy trái tim từ lồng ngực mình gửi về đất mẹ “Trời Nam” đã tạo một điểm nhấn ấn tượng trong kịch bản, thể hiện rõ khí phách của một con người trung hiếu với non sông đất mẹ.
Với sự dàn dựng đầy sáng tạo của ê kíp có nhiều kinh nghiệm, cùng với sự thể hiện của các nghệ sĩ, diễn viên tài năng của Nhà hát Cải Lương Hà Nội, hy vọng vở diễn sẽ mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc, một góc nhìn mới về một giai đoạn lịch sử của dân tộc.
Nhạc sỹ Phạm Bá Chỉnh, Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội
Chia sẻ với phóng viên, Nhạc sỹ Phạm Bá Chỉnh, Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội cho biết: Trong thời gian 2 năm vừa qua, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Nhà hát Cải lương Hà Nội đã phải tạm dừng các hoạt động biểu diễn, tuy nhiên Nhà hát vẫn tổ chức dàn dựng các vở diễn theo kế hoạch hàng năm. Năm nay, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, Nhà hát Cải lương Hà Nội tiếp tục dàn dựng tác phẩm mới để giới thiệu tới đông đảo khán giả của Thủ đô cũng như cả nước. Các nghệ sĩ của Nhà hát rất vui mừng, phấn khởi sau thời gian bị ảnh hưởng của dịch bệnh đã có thể quay lại làm nghề, được cống hiến tài năng cho nghệ thuật. Hy vọng 2 vở diễn này sẽ đem tới cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc và những thông điệp ý nghĩa.


Gửi phản hồi cho bài viết