Bài viết trong danh mục »Báo chí viết về nghệ sĩ «

Kịch bản cải lương phục dựng Kiều ‘không một điểm trừ’

GD&TĐ – Báo Giáo dục&Thời đại trò chuyện với nghệ sĩ Hồng Nhung – Trưởng đoàn Cải lương Chuông Vàng, về việc phục dựng nguyên bản ‘Kiều’.
Nhà hát Cải lương Hà Nội mong muốn vở ‘Kiều’ sẽ đến với các trường học. Ảnh: Hoàng Anh
Nghệ sĩ Hồng Nhung – Trưởng đoàn Cải lương Chuông Vàng, Nhà hát Cải lương Hà Nội chia sẻ về việc phục dựng nguyên bản “Kiều” cũng như kế hoạch đưa vở diễn đến với các trường học.
- Mấy năm qua có nhiều nhà hát dựng Kiều và thường tìm cách thể hiện mới, hiện đại nhưng vở diễn của Nhà hát Cải lương Hà Nội lại phục dựng chuẩn chỉnh theo bản dựng của NSND Ngọc Dư từ năm 1993. Liệu rằng cách đi riêng này của nhà hát có thực sự hiệu quả không, thưa chị?
Nghệ sĩ Hồng Nhung: Với cảm nhận của mình, tôi thấy lối đi này hiệu quả, bởi qua rất nhiều phiên bản, nhiều loại hình dựng Kiều tôi chỉ mê Kiều của cải lương. Có thể do tôi là diễn viên cải lương nên dễ cảm nhận loại hình nghệ thuật này hơn chăng.
Với bản dựng của NSND Ngọc Dư, tôi thấy rất chuẩn chỉnh từ ý tứ văn thơ, lớp lang kịch cho đến âm nhạc, phục trang, trang trí… Tất cả không có một điểm trừ.
Chẳng thế mà khi khán giả đi xem họ luôn mong muốn Kiều phải như xưa. Chúng tôi quá mê bản dựng đó rồi và thực sự sau bao nhiêu năm khi đứng trên sân khấu, nay được hóa thân vào nàng Kiều tôi không thể ngơi cảm xúc, muốn nói sai thoại còn khó. Vì Kiều đã khắc đậm trong tâm trí tôi.
- Chị thấy các suất diễn vừa qua khán giả đã đón nhận vở diễn như thế nào?
Qua 3 đêm biểu diễn từ tháng 8 cho tới nay, vở cải lương “Kiều” vẫn đón nhận được sự yêu mến của khán giả. Hai đêm đầu khán phòng hết chỗ, đêm thứ 3 có giảm đi chút ít nhưng có khán giả đi xem lại lần thứ 3 với vở Kiều.
Có một số khán giả là người nước ngoài xem từ đầu cho đến hết vở. Do không phải thuê rạp, xe chuyên chở đồ diễn nên doanh thu các suất khá ổn so với các đêm diễn trước đây đi diễn nội – ngoại thành.
- Tới đây vở diễn tiếp tục được lên kế hoạch biểu diễn như thế nào, thưa chị?
Nhà hát tiếp tục chủ trương sáng đèn tại rạp 1 tháng 2 lần vào các tối thứ 5. Các vở sẽ luân phiên biểu diễn. Vừa rồi “Kiều” đi tiên phong trong mô hình sáng đèn thường xuyên tại rạp Chuông Vàng.
- Vậy còn có kế hoạch đưa vở diễn đến các trường học hoặc hợp đồng đưa học sinh đến rạp thì sao, thưa chị?
Nhà hát rất mong muốn sẽ không chỉ đưa “Kiều”, mà rất nhiều các tác phẩm đề tài lịch sử đến với sân khấu học đường. Đây là cách tiếp cận giới trẻ tốt nhất. Bên cạnh đó cũng là cách tiếp cận bộ môn Lịch sử đến với các em.
Ngoài những giờ lên lớp các em được biết, được thấy rõ hơn hình tượng các vị anh hùng trong lịch sử dân tộc trên sân khấu. Cũng là phát huy và khơi gợi tình yêu nghệ thuật với các em nhỏ.
Những năm qua, nhà hát thực hiện đề án an toàn giao thông tới các trường học. Nhưng với các tác phẩm văn học được đưa lên sân khấu thì cần đưa học sinh tới rạp sẽ thuận lợi hơn. Khi đó, các em được thưởng thức trong một không gian yên tĩnh sẽ cảm nhận rõ nét hơn nội dung, nghệ thuật của vở diễn.
Tuy nhiên, tùy điều kiện từng trích đoạn nhỏ và nhu cầu của nhà trường, nhà hát sẽ hợp lý các yêu cầu và nhu cầu của các em nhỏ, các trường học.

GD&TĐ – Khi các đơn vị nghệ thuật có những phá cách về hình tượng nàng Kiều thì Nhà hát Cải lương Hà Nội lại ‘trung thành’ với bản diễn 30 năm trước.


Điều thú vị là, dù “bảo thủ” giữ nguyên cách kể chuyện cũ mà vở cải lương này vẫn thu hút sự quan tâm của khán giả.
Cách đây hơn 60 năm, kịch thơ “Kiều” chuyển thể từ nguyên tác cho sân khấu cải lương đã được trình diễn và làm nức lòng khán giả mộ điệu. Đặc biệt, vở diễn từng giành Huy chương Vàng hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1962.
Nhiều thế hệ nghệ sĩ tỏa sáng khi tham gia vở diễn như: Kim Xuân, Khánh Hợi, Bích Được, Bích Lân, Phương Khanh, Kiều Hiệp, Tường Vy, Tuấn Sửu, Tiêu Lang, Sỹ Cát, Mộng Dần…
Sự trở lại lần này của vở “Kiều” do đạo diễn, NSƯT Thanh Vân thực hiện là phục dựng từ bản diễn từ năm 1993 của NSND Ngọc Dư.
Theo NSƯT Thanh Vân, ban đầu chị cũng mong muốn đưa ra những ý tưởng phá cách hoặc gắn với các vấn đề thời sự của cuộc sống hoặc bố cục lại để tăng thêm tính hấp dẫn, phù hợp với thị hiếu khán giả trẻ. Tuy nhiên, chủ trương của nhà hát vẫn là giữ nguyên bản dựng cách đây 30 năm, nhất là cốt truyện, lời thơ…
hính vì vậy, khi thưởng thức bản diễn “Kiều” của cải lương Hà Nội, khán giả thực sự được trở về với câu chuyện xưa từ diễn tiến kịch đến tạo hình nhân vật. Vở diễn bám sát nguyên tác “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, ngay sau lời hẹn ước Kim – Kiều ngọt ngào, lãng mạn là những gió dập sóng dồi của cuộc đời người con gái bị “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”.
Tất nhiên, nhiều lớp diễn đã được gọn lại, lược đi nhiều tình tiết để vừa vặn 2 tiếng sân khấu sáng đèn. Khi đó, vở diễn tập trung khắc họa những cảnh là nút thắt chính của câu chuyện như: Khi phải bán mình chuộc cha, nàng Kiều cậy nhờ Thúy Vân thay mình nối tiếp duyên với chàng Kim Trọng rồi cuộc mặc cả bán mua của Tú Bà với Sở Khanh, nhất là cảnh mụ Tú Bà ép Kiều tiếp khách.
Rồi cảnh Kiều gặp gỡ trao gửi niềm tin với Thúc Sinh để bị Hoạn Thư “ngứa ghẻ hờn ghen” đến nhục nhã, ê chề: “Lo gì việc ấy mà lo/Kiến trong miệng chén có bò đi đâu/Làm cho nhìn chẳng được nhau/Làm cho đầy đọa cất đầu chẳng lên…”.
Phân cảnh Kiều trở thành phu nhân của Từ Hải đứng ra xử án và khuyên giải chồng hàng phục triều đình cũng được tái hiện rõ nét…

Có thể thấy, lời thơ chuyển thể từ “Truyện Kiều” sang cải lương và những đoạn lẩy Kiều, vận ý… ở đây rất mượt mà, cảm xúc mà luôn rõ ý, hài hòa. Bởi thế, vở diễn thực sự thỏa mãn phần nghe, giúp khán giả hôm nay hiểu thêm phần nào vì sao ngày trước nhiều người nói “đi nghe cải lương”.
Cùng với đó, vở diễn vẫn có màu sắc, hơi thở mới khi được thể hiện bởi thế hệ nghệ sĩ tài năng hiện nay của Nhà hát Cải lương Hà Nội như NSND Thanh Hương, NSƯT Hoàng Viện, NSƯT Hồng Tuyến, NSƯT Kim Dung, Hồng Nhung, Nhật Linh…
Mỗi nhân vật, tích cách điển hình như Tú Bà – NSƯT Kim Dung, Hoạn Thư – NSND Thanh Hương, Thúc Sinh – NSƯT Hoàng Viện… đều có đất để các nghệ sĩ thể hiện khả năng ca diễn của mình.
Nhất là đào thương Hồng Nhung, Trưởng đoàn Chuông Vàng, khá vẹn toàn cả thanh lẫn sắc khi hóa thân thành nàng Kiều. Vẻ đẹp dịu hiền mà không kém phần “sắc sảo mặn mà” cùng diễn xuất được trau chuốt và giọng hát khá ngọt của Hồng Nhung đã để lại cho khán giả ấn tượng khó quên.
Chia sẻ về vai diễn đặc biệt này, Hồng Nhung cho biết, khi mới ra trường đầu quân về nhà hát cô đã diễn “Kiều”. “Nhưng lúc đó còn quá nhỏ để tôi có thể cảm thụ hết những gian truân cũng như diễn tả được hết nhân vật Kiều.
Giờ làm lại tác phẩm, tôi dùng 18 năm làm nghề để tinh chọn giọng ca, diễn xuất và những trải nghiệm từ chính cuộc sống để đưa vào “Kiều”. Tôi luôn chăm chút từng câu hát cũng như nội tâm để Kiều được rõ nét nhất trên sân khấu cải lương”, Hồng Nhung tâm huyết nói.
Ngoài ra, âm nhạc của vở diễn có một số phân đoạn được phối trộn nhạc jazz trên nền bài bản cải lương truyền thống. Theo nhạc sĩ Phạm Chỉnh, Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội, đó là cách để vừa giữ gìn “giá trị cốt lõi” của nghệ thuật truyền thống vừa làm mới để gần với khán giả hôm nay.
Ngay khi rạp Chuông Vàng hoàn thành nâng cấp, cải tạo và mở cửa trở lại, “Kiều” đã “tiên phong” là vở diễn được Nhà hát Cải lương Hà Nội tổ chức biểu diễn bán vé. Và không phải ngẫu nhiên mà các suất diễn “Kiều” từ tháng 8 đến nay rạp Chuông Vàng gần như kín chỗ cùng doanh thu khả quan. Cùng với các khán giả đã ở tuổi xưa nay hiếm còn có các bạn trẻ và cả du khách nước ngoài cũng mua vé tới xem.
Năm nay đã 84 tuổi, biết vở “Kiều” khai rạp Chuông Vàng, bà Minh ở phố Hàng Giầy liền đi bộ cùng nhóm bạn trong khu phố sang rạp 72 Hàng Bạc để thưởng thức ngay từ suất diễn đầu tiên.
Chăm chú dõi theo từng lời ca, bà Minh khen trang trí sân khấu đẹp, nghệ sĩ biểu diễn cũng hay nhưng sự truyền cảm thì bà vẫn thích thế hệ trước như Tuấn Sửu, Tùng Ngọc, Khánh Hợi, Bích Được, Kim Xuân, Mộng Dần…
“Ngày nhỏ, tôi vẫn thường sang đây (rạp Chuông Vàng – PV) mua vé xem cải lương. Lúc đó phải xếp hàng chờ mà có khi vẫn phải mua vé chợ đen. Giữ thói quen ấy, đến giờ mỗi tháng tôi lại mua vé đi xem 2 – 3 buổi để ủng hộ nghệ sĩ. Giờ tivi có đủ chương trình, đám trẻ ở nhà xem chứ mấy ai ra rạp đâu. Vậy nên nghệ sĩ tích cực biểu diễn thì khán giả phải ủng hộ chứ”, bà Minh nói.

Hà Nội có một cô “đào thương”


Sinh trưởng trong một gia đình không hề có truyền thống nghệ thuật ở vùng nông thôn Hà Tây (cũ), tình yêu cải lương đến với Lê Thị Hồng Nhung tự nhiên, nhẹ nhàng qua những làn điệu ngọt ngào, sâu lắng mà cô được nghe trên sóng phát thanh từ thuở nhỏ.
Có năng khiếu, nhưng ban đầu Hồng Nhung cũng không dám chắc mình có thể trụ được với nghề, bởi khi cô thi đậu vào Khoa Cải lương, Trường đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội, sân khấu cải lương đang gặp rất nhiều khó khăn. Hồng Nhung chia sẻ rằng mình may mắn, khi tốt nghiệp đã được đầu quân cho nhà hát cải lương Hà Nội và sớm được giao vai chính.
Từ vai diễn đầu tiên là Vương phi Nhật Lệ (vở diễn Vụ án một vương phi), Hồng Nhung dường như cũng gắn luôn với hình tượng đào thương chuẩn mực trên sân khấu cải lương – một dạng nữ nhân vật có số phận truân chuyên, éo le khiến khán giả cảm thương.

Vai diễn thứ hai, cũng là vai diễn Hồng Nhung tâm đắc là Lý Chiêu Hoàng trong vở Mệnh đế vương (2007). Mỗi lần diễn xong, cô đào trẻ lại nặng trĩu cõi lòng, khó thể thoát vai. Nhung rất thương nhân vật nên đã chọn vai Lý Chiêu Hoàng để dự thi Tài năng trẻ diễn viên sân khấu cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2014 tại Cần Thơ.
Trước đó, năm 2009, nàng Đào Mây mong manh nhưng quật cường trong vở Lễ mở xiêm áo dự Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc cũng làm khán giả TPHCM phải vương vấn. Mới đây, tại Liên hoan cải lương toàn quốc (đang diễn ra tại Long An), Hồng Nhung lại tiếp tục gắn với một số phận truân chuyên không kém nữa là Công chúa Phất Kim trong vở Phận má đào.
“Cầm kịch bản trong tay, tôi mới biết đến vị công chúa này. Chỉ đọc kịch bản mà tôi đã có rất nhiều cảm xúc. Phất Kim là một nàng công chúa phải hy sinh thân mình vì những mục đích lớn lao, dẹp bỏ tình riêng để làm tròn nhiệm vụ. Lúc tập khai vở rồi chuẩn bị lên đường dự liên hoan, tôi đều đến viếng đền thờ Công chúa Phất Kim ở Ninh Bình. Cứ cảm thấy ẩn hiện đâu đấy hình ảnh những người phụ nữ bất hạnh trong lịch sử, luôn nhận thua thiệt về mình cho những sứ mệnh cao cả” – Hồng Nhung nói.
Cô đồng cảm sâu sắc với những thân phận phụ nữ bi thương đó, đồng thời vô cùng khâm phục tấm lòng nhân ái bao la, sức mạnh nữ tính nội tại của họ.
Sự thấu cảm đó đã giúp Hồng Nhung chuyển tải những cảm xúc chân thành nhất đến người xem. Dạng nhân vật bi kịch điển hình vốn không khó thể hiện, nhưng nếu không khéo sẽ dễ thành sướt mướt. Hồng Nhung có lối diễn chừng mực, không rền rĩ, nức nở, mà vẫn lay động lòng người. Không sở hữu giọng ca quá đặc sắc, cũng không bùng nổ về diễn xuất, nhưng những Lý Chiêu Hoàng, Đào Mây, Phất Kim… của Hồng Nhung đều giàu cảm xúc.

Hồng Nhung (trái) trong một chương trình biểu diễn của Nhà hát Cải lương Hà Nội – Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đặc biệt, lợi thế về ngoại hình cũng hỗ trợ rất nhiều cho cô. Với vẻ đẹp mong manh, vóc dáng tơ liễu, động tác hình thể uyển chuyển, đẹp mắt, Hồng Nhung là lựa chọn hàng đầu cho những nhân vật phụ nữ có số phận bất hạnh trong xã hội xưa, nhất là các hình tượng trâm anh đài các. Đó chính là “chất đào thương” mà không nhiều nữ nghệ sĩ hiện nay có được.
Vì thế, cũng dễ hiểu khi ở tuổi gần 40, Hồng Nhung “vẫn cứ là công chúa”. Với vai trò lãnh đạo đoàn Chuông Vàng (nhà hát cải lương Hà Nội hiện có 3 đoàn là Chuông Vàng, Kim Phụng và Hoa Mai), Hồng Nhung cũng lo lắng về việc bồi dưỡng lực lượng kế thừa, nhất là tình trạng thiếu đào trẻ. “Các bạn có thanh, có sắc nhưng cách hát, cách truyền tải nhân vật còn thiếu sót nhiều. Đã thử giao vai, nhưng khi các vai nhỏ mà các bạn còn chưa đạt yêu cầu, thì không thể hoàn thành vai lớn được”.
Nghề này cần đào luyện, mà bẵng đi thời gian dài vì dịch bệnh, không được hát, không luyện tập thường xuyên, nên lại càng khó hơn. Với sự phục hồi của sàn diễn sau thời gian dịch bệnh, chúng tôi càng phải nghiêm túc, nỗ lực hơn trong việc tìm kiếm và bồi dưỡng đội ngũ kế thừa” – Hồng Nhung chia sẻ.
Càng thương, càng thấu hiểu những nhân vật của mình, Hồng Nhung cho biết cô càng tự hào về người phụ nữ hôm nay. Họ hoàn toàn tự chủ, có trí tuệ, có bản lĩnh, có ý thức vươn mình, tự phát triển về mọi mặt.
Hồng Nhung có sự nghiệp thành công và gia đình luôn ủng hộ. Là một nghệ sĩ năng động, ngoài hoạt động biểu diễn và công tác quản lý tại nhà hát, cô còn làm MC, kinh doanh, thỉnh thoảng tham gia đóng phim.
Đã hoàn thành chương trình cao học, Hồng Nhung còn tiếp tục nuôi ý định học đạo diễn sân khấu. Cô chia sẻ: “Liên hoan năm nay có sự xuất hiện của nhiều đạo diễn trẻ, có những người cũng xuất thân là diễn viên như tôi. Tôi không thể làm công chúa mãi được, cần bứt phá cho nghề nghiệp của mình”.

NSƯT Khánh Hợi: Nhân chứng cuối cùng của thế hệ đầu đàn cải lương Bắc

Cải lương sinh ra và phát triển thịnh vượng ở miền Nam, nhưng lại có những nghệ sĩ từ Hà Nội làm các ngôi sao Cải lương thượng thặng đất Sài Gòn phải kính nể. Một trong số ít đó, là cặp vợ chồng NSND Sỹ Tiến – NSƯT Khánh Hợi…
Lễ tang “lão tướng” vừa diễn ra sáng qua (15/8), tại Nhà tang lễ Quốc gia. Cuộc đời trăm năm của nghệ sĩ Khánh Hợi là hội tụ những độc đáo chưa từng có.
Tại sao lại là “lão tướng”? – NSƯT Lê Đại Chức (Nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam), học trò của NSND Sỹ Tiến – NSƯT Khánh Hợi, qua điếu văn xúc động, đã làm hiện lên chân dung một nghệ sĩ hiếm biệt: Chuyên và là bậc thầy của các vai nam võ, dũng tướng.
8 tuổi theo nghề diễn
Tính tuổi đời đến lúc qua đời, NSƯT Khánh Hợi (sinh năm Quý Hợi 1923) là nghệ sĩ biểu diễn cao tuổi nhất Việt Nam. Làm sao tìm thấy người thứ hai là nhân chứng sân khấu Cải lương Hà thành từ đầu thập niên 30, thế kỉ trước, ở năm 2022?
Năm 2020, tôi xem phim tài liệu về nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi, từ Pháp về, ra mắt tập về họa sĩ Thang Trần Phềnh. Tôi nhớ ra đây là người thầy đầu tiên, người tuyển cô bé Hợi năm 1931 vào gánh hát của ông. Thang Trần Phềnh là người Hoa sống ở phố cổ Hà Nội, họa sĩ thiết kế bối cảnh sân khấu. Mọi cảnh trí của vở diễn là phông của ông. Thường bầu gánh chủ yếu là người có của hoặc diễn viên đi lên. Họa sĩ mà lập ban, gánh, dạy nghề từ nhi đồng là hiếm. Ít lâu sau, tôi gặp nhà báo Thang Đức Thắng (Nguyên Tổng Biên tập báo điện tử VnExpress) trao đổi khi biết anh là cháu nội họa sĩ Phềnh.

Nghệ sĩ Khánh Hợi đóng vai Lã Bố trong vở “Lã Bố hí Điêu Thuyền”.
Mồ côi cha năm 7 tuổi, cô bé Hợi là con thứ trong gia đình 4 chị em. Trên có chị gái Chanh, dưới là hai em Dung, Khôi. 5 mẹ con sống túng thiếu tại 11 Hàng Hành. Mẹ pha trà, Chanh và Hợi xách đi bán cùng với ít thuốc lào vặt. Hợi thường bán hết trước chị gái, vì Hợi mau mắn chào hỏi lễ phép và còn hát tặng mọi người. Được tuyển vào Đồng Ấu ban của Thang Trần Phềnh, Hợi nhận 3 đồng bạc Đông Dương mỗi tháng, đủ mua gạo ăn cho mấy mẹ con. Sớm nhận gánh vác gia đình, Hợi chăm chỉ học nghề: rèn ca, luyện vũ đạo, dọn dẹp sân khấu, tự lập sớm không nề hà nhọc mệt. Cô bé Hợi học giỏi nhất, thường được chọn làm mẫu cho cả lớp. Chớm thiếu nữ, Khánh Hợi có vai thứ, tại Nhật Tân ban.
Và 17 tuổi nổi danh là đào chính, lại chuyên là “kép võ”. Hiếm diễn viên nào vừa hát hay, diễn tốt lại vũ đạo điêu luyện thế. Thôi thì gươm đao khiên trượng vào tay Khánh Hợi cứ là vun vút cực mãn nhãn. Khán giả nữ mê tít, kể cả đầm Tây cũng… chặn cửa rạp mà theo tận nhà, dù biết thừa là nữ.
Vì đam mê nghề, trách nhiệm với bầu gánh (vai/tiết mục đinh không thể ai thay, mà không có không được, vì nó hút khách nuôi cả đoàn) mà bụng bầu bó lại, Khánh Hợi lại mặc bộ giáp, hổ phù nặng trĩu, chân đi hia cao, xiến chân dịch chuyển, thoắt nhảy từ bục xuống, khi lại phi thân. Một lần diễn ở Thanh Hóa năm 1947, bà sảy thai. Đến 1957, khi bầu to bà vẫn đai giáp làm võ tướng ở rạp Chuông Vàng.
Vợ chồng nghệ sĩ Sỹ Tiến – Khánh Hợi thời trẻ.
Những ngôi sao sáng mãi
Khởi quen, Sỹ Tiến – Khánh Hợi phục tài nhau và lẫy lững làm nên thời vàng son đỉnh cao của Cải lương Bắc khi cùng là ngôi sao của Đoàn Tố Như. Sỹ Tiến (1916 – 1982) – chú bé trốn nhà đi bộ ra ga tìm tàu xe vào Nam, dừng ở Huế tham gia gánh xiếc mong kiếm chút tiền dắt lưng, cuốc bộ qua đèo Hải Vân, xuyên miền Trung vào Nam Bộ học nghề. Tự học, đọc, tích trải vốn sống, Sỹ Tiến sau này đã viết nên những cuốn lịch sử đa lĩnh vực, đặc biệt là giáo khoa thư cho Cải lương Việt Nam.
Chưa có kép nào người Hà Nội có dung mạo tuấn tú, diễn hay như Sỹ Tiến nên ông đã thành ngôi sao trên quê hương Cải lương, được gặp, cộng tác với những tên tuổi lớn thế hệ đầu. Chính ông đã đưa Cải lương ra Bắc, phát triển nó trong vai trò tác giả, đạo diễn và người thầy lớn.
Thầm thương đào Hợi, Sỹ Tiến – tác giả đầu tiên đưa quốc sử lên sân khấu đã dành cho “kép võ” đặc biệt này những vai mà không ai diễn qua/bì được. Giao vai, vì thấy được tố chất, năng lực. Song để toả sáng thành ngôi sao sân khấu, Khánh Hợi chịu sự rèn giũa hà khắc của chồng cũng là người thầy lớn nhất của bà. Bà đóng vai nào là vai ấy thành điển hình, vai mẫu.

Lão nghệ sĩ Khánh Hợi đi ăn tại nhà hàng Paris. Ảnh: Gia đình cung cấp.
Khánh Hợi là trường hợp hiếm khi sự nghiệp lẫy lừng bằng vai nam, mở đầu là Lã Bố năm 1940. Sau này khi nghệ sĩ gạo cội Phùng Há cũng nổi tiếng bằng vai Lã Bố ra Hà Nội, xem Khánh Hợi diễn Lã Bố, đã chắp tay “Xá, xá!” nể phục. Vì vũ đạo, nhất là tay của Phùng Há không mạnh mẽ bằng Khánh Hợi. Khánh Hợi mê hoặc người xem đến mức làm họ không “để ý” đấy là nữ, thậm chí biết là “đào” vẫn coi là “kép”. Các vai: Khương Linh Tá, Khương Tử Nha, Trọng Thuỷ (vở Mỵ Châu Trọng Thuỷ), Trần Khắc Chung (vở Huyền Trân công chúa), Đinh Văn Tả (vở Mạc Tuyết Lan) lẫn các tích cổ: Hứa Tiên (Thanh xà Bạch xà), Tàn phá Cô Tô…
Năm 1946, Sỹ Tiến dẫn đầu đoàn diễn viên theo chỉ đạo của Trần Huy Liệu, vào vùng kháng chiến. Không biết đi xe đạp, bàn chân ông lúc thiếu thời qua bao dặm, khi trung niên lại rong ruổi khắp Hà thành phát báo Cứu quốc. Người nghệ sĩ toàn năng ấy đã lấy ngôi sao Khánh Hợi năm 1942. Họ cống hiến cho lĩnh vực đào tạo, dạy nên một thế hệ vàng cả trong biểu diễn và sáng tác: Mộng Dần, Tuấn Sửu, Bích Được, Tường Vy, Nhật Minh, Ngọc Thụ, Huỳnh Điệp, Bích Lân…

Nghệ sĩ Khánh Hợi cùng vợ chồng con gái Lệ Quyên (bìa phải) và Kim Duyên đi chơi. Ảnh: Gia đình cung cấp.
Đoàn Tố Như là đoàn lớn mạnh nhất của Cải lương Bắc trước 1954. Sau 1954, Đoàn Chuông Vàng lại tiếp tục ngời danh. Nghệ sĩ Kim Chung (chị gái NSƯT Tiêu Lang – bác ruột NSND Như Quỳnh) còn làm nên kỳ tích với sự giúp đỡ tài chính của chồng – Bầu Long: lập 13 đoàn Kim Chung tại Sài Gòn, làm mưa làm gió một thời “át” cả Cải lương Nam Bộ.
Là Liên đoàn trưởng Liên đoàn Ca kịch Thủ đô (tương đương Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội ngày nay), Sỹ Tiến đã góp công lớn cho cách mạng sân khấu. Không chỉ đưa quốc sử lên sàn diễn, ông là người đầu tiên chuyển kiệt tác Kiều lên sân khấu mà toàn bộ thoại là thơ Sỹ Tiến. Tại Hội diễn Sân khấu toàn miền Bắc 1962, vở Kiều rực sáng bởi hàng loạt Huy chương Vàng. Năm 1964, Sỹ Tiến chỉnh lý nhuận sắc, sửa kết cho vở Đời cô Lựu của Trần Hữu Trang hay hơn, tác giả gửi lời cảm ơn qua Đài Phát thanh giải phóng. Em trai ông – NSƯT Sỹ Hùng đã dựng vở này cho Đoàn Cải lương Phương Đông Hải Phòng khi là lãnh đạo đoàn, giúp đào Phi Nga tỏa sáng vai để đời – cô Lựu, sau bà được phong NSND.
Năm 1966, chủ khảo Sỹ Tiến trong Liên hoan sân khấu đã hạ HCV của Khánh Hợi xuống Bạc, dù hoàn toàn là “Vàng ròng”.

Hình ảnh nghệ sĩ Khánh Hợi cùng hai con gái và con rể tại đồi Montmartre. Ảnh: Gia đình cung cấp.
Khí khái thế, thanh bạch thế, cả đời Sỹ Tiến không một lần đi nước ngoài, không được phân nhà. Vậy mà ông luôn tự hào về sự giàu có. Giàu bạn, giàu trò, được tin trọng nên Sỹ Tiến lập Quốc Hoa ca kịch đoàn với mong muốn tạo cơ hội, sân khấu cho lớp trẻ. Trụ sở Đoàn là rạp Thái Bình Dương (Nhà hát Ca múa Thăng Long, 31 Lương Văn Can hiện nay). Một tác giả, thầy tuồng quá chuyên tâm sáng tác, không biết đếm tiền, sao tính toán lỗ lãi mà gánh cơm áo cho gần trăm con người. Quốc Hoa tan. Song dư âm về người thầy uy danh thì còn vang truyền mãi.
Xem sổ lưu bút sinh nhật tuổi 60 của Sỹ Tiến, tổ chức năm 1975, tôi choáng về những bạn hữu yêu mến ông: Thế Lữ, Trần Văn Giàu, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Tuân, Phạm Văn Khoa, Vũ Khiêu, Lưu Trọng Lư, Văn Cao, Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm, Lê Đại Thanh, Hoàng Quốc Việt, Huy Cận, Hoàng Minh Giám, Đoàn Phú Tứ, Ngọc Giao, Ái Liên, Lưu Quang Thuận… lứa hậu bối: Trà Giang, Đoàn Dũng… toàn các tên tuổi thượng thặng, bậc thầy, dàn sao chói sáng… Tinh hoa hội tụ trên căn gác nhà 24 Lương Ngọc Quyến, trung tâm rạp hát, ăn chơi kinh kỳ.
Gầy rộc vì viết đêm ngày nuôi 8 đứa con và đàn cháu, Sỹ Tiến sống thanh bạch nhưng luôn sang. Sang vì không bao giờ kêu khó nghèo khổ nhọc. Sang vì vợ lúc nào cũng hào phóng hiếu khách, dành cho bạn chồng những gì ngon nhất có thể, dù có lúc gia cảnh túng phải bán nữ trang. Khi tuổi 97, sát bách niên, lão nghệ sĩ Khánh Hợi vẫn nhớ lời thoại Đinh Văn Tả khóc trước mộ Mạc Tuyết Lan. Kịch bản Mạc Tuyết Lan thuộc cụm tác phẩm được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh 2012, vốn là niềm vui cuối cùng mà nghệ sĩ Kim Chung báo với đàn anh khi Sỹ Tiến nằm trên giường bệnh: Mạc Tuyết Lan diễn thành công tại Paris 1982.

Nghệ sĩ Khánh Hợi tại nhà con gái Lệ Quyên ở Pháp. Ảnh: Gia đình cung cấp.
Cuối đời, nghệ sĩ Khánh Hợi hay nhắc kí ức. Người già sống bằng hồi tưởng. Bà nhớ chồng. Nhớ cả kỉ niệm Xuân 1981. “Hôm đó, ông Sỹ Tiến có áo khoác dạ mới, lâu lắm mới chịu cho vợ sắm áo mới. Mặc ra phố về thì không thấy. Hỏi thì ông kể là tình cờ gặp chú Lưu Quang Thuận. Anh em quý nhau, dù chú là lĩnh vực Chèo. Chú ấy tỏ ý thích cái áo, nên tôi cởi tặng luôn”. Cái áo khoác năm ấy là tài sản khá, Sỹ Tiến vui một thì vợ vui ba. Vì bà hay bị tiếng “tiêu hoang” xởi lởi, không những không tiếc rẻ mắng chồng như phụ nữ thường tình, bà Hợi lại trách: “Thế mà ông không kéo chú ấy vào ăn cơm”.
Ngờ đâu, câu trách của vợ thành tiếc nuối của hai ông bà vì chỉ ít ngày sau Tết đó thì tác giả Lưu Quang Thuận đột ngột gục xuống trước khi mở màn vở kịch “Herostratos – Kẻ đốt đền” tại Nhà hát Lớn.
Hội ngộ 40 năm
Là vợ chồng 40 năm, Sỹ Tiến ra đi. 40 năm, nghệ sĩ Khánh Hợi là quả phụ. Sinh thời, ông chưa từng xuất ngoại, thì về già, bạn đời ông được đi sau tuổi 70. Bà sang Mỹ ở với con trai Ái Hữu, bà sống nhiều năm ở Pháp với gia đình con gái Lệ Quyên – Nữ hoàng nhạc nhẹ đầu tiên của Việt Nam, từ đó qua Bỉ, Hà Lan, sang Đức thăm cháu nội. Tới đâu, bà đều nhận được trầm trồ không chỉ vì đại thọ tinh anh, mà vì họ được diện kiến nghệ sĩ Khánh Hợi – một người Hà Nội phố cổ nguyên chất (vợ chồng bà đều sinh ra tại lõi Hoàn Kiếm), nhân chứng cuối cùng của thế hệ sân khấu đầu tiên Việt Nam.
Bốn câu thơ GS, NGND Hoàng Như Mai (1919 – 2013) hoạ lại thơ Sỹ Tiến thật duyên định cho những cuộc đời sân khấu: “Buông tấm màn rồi, danh vọng hết/ Người về, trút lại mọi sầu thương/ Người vào, cởi áo lau son phấn/ Bỏ lại vinh hoa lẫn đoạn trường”.

Hai chị em lão nghệ sĩ Khánh Hợi và Tiêu Lang cùng con gái của họ – Lệ Quyên (bìa trái) và Như Quỳnh (phía sau) tại sân nhà nghệ sĩ Như Quỳnh ở 48 Hàng Đào, Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hữu Bảo
Người về là khán giả sau buổi diễn. Người vào là diễn viên.
Cuộc đời thiêu thân tận hiến cho sân khấu của Sỹ Tiến – Khánh Hợi và thế hệ đầu tiên thiệt thòi cả danh, lợi lẫn tư liệu để lại mai sau vì hiếm băng hình và ít ảnh. Kí ức người xem vẫn luân lưu, lịch sử kịch hát dân tộc và sân khấu thế kỷ XX không thể quên cống hiến vô song của họ.
Hồi ký Những mảnh tình nghệ sĩ mà Sỹ Tiến xuất bản từ 1952, tôi đọc lại mấy lần vẫn ngỡ ngàng về kiến văn, không kìm nổi lệ. Qua 70 năm, tâm can ấy vẫn bỏng cháy tình yêu lớn.
Sau gần 40 năm cách biệt sống trong thương nhớ, 16/8/2022, lão nghệ sĩ Khánh Hợi được đoàn tụ với phu quân tại nghĩa trang quê chồng, Thường Tín, Hà Nội. Tôi tin, nếu có kiếp sau thì họ lại dốc sinh lực và năm tháng đẹp nhất đời mình cho thánh đường Cải lương với mê say vô hạn./.

NSND Thanh Hương: “Tôi như con tằm nhả tơ đến cuối cuộc đời”

(HNMCT) – NSND Thanh Hương là mt trong s ít n danh ca ci lương ni tiếng bc nht Th đô. Nhc đến ch, khán gi nh ngay ti nhng vai din đẹp mà su bi, ly đi không biết bao nhiêu nước mt ca người xem. Chăm ch trên sàn din, sng hết mình vi ngh thut, ch luôn tâm nim nghip ca mình là din, mình như con tm, rút rut nh tơ cho đến phút cui cùng. Hànimi Cui tun đã có cuc trò chuyn thân mt vi ch v nhng đam mê vi ngh din.

- Nhc đến NSND Thanh Hương ca Nhà hát Ci lương Hà Ni, khán gi nh ngay ti nhng vai bi, chng hn như vai Kiu đã gn lin vi ngh danh, khiến nhiu người trong gii vn gi ch là Hương “Kiu”. Vy mà gn đây li thy ch xut hin trong mt tiu phm hài ci lương, vi vai din tr trung, dí dm. Ch có th chia s đôi chút v s mi m này?

- Nhà hát Cải lương Hà Nội vừa xây dựng một số tiểu phẩm ngắn để phục vụ công chúng. Đây là một sự đổi mới của nhà hát, nhằm “đổi món” cho khán giả, bởi gu của khán giả bây giờ là những vở ngắn, súc tích, vui vui, đôi khi dựng một vở dài mất nhiều công sức mà ít được khán giả đón nhận. Bản thân tôi cũng phải thay đổi để thích ứng. Tuy là lần đầu tiên tham gia một tiểu phẩm hài nhưng vai của tôi vẫn là chính kịch, làm nền để các anh chị khác thể hiện, nên cũng không có gì là quá mới mẻ hay khó khăn cả.

- Nhiu ngh sĩ nhà hát ch chia s rng đời sng ca người ngh sĩ ci lương min Bc hin quá cht vt. Vy vi riêng ch, mt trong nhng ngôi sao ca ci lương Hà Ni, đã khng định được mình bng nhiu vai din, huy chương và danh hiu, thì sao?

- Đó là khó khăn chung của sân khấu truyền thống, không riêng gì cải lương. Nhiều khi đi diễn, thấy vắng khán giả chúng tôi cũng buồn, tủi lắm. Nhưng rồi tôi vẫn thấy còn một lượng khán giả rất mê cải lương, họ vẫn đón nhận cải lương, không hề quay lưng lại với cải lương đâu dù họ có quá nhiều sự lựa chọn. Chính những khán giả đó tiếp thêm lửa để mình làm nghề.

Về đời sống, nghệ sĩ truyền thống hầu như ai cũng phải “chân ngoài dài hơn chân trong”. Ngoài các show diễn của nhà hát, tôi cũng tham gia một vài sân khấu định kỳ như sân khấu ngoài trời ở Nhà Bát giác (vườn hoa Lý Thái Tổ), tham gia lồng tiếng các bộ phim truyền hình Việt Nam, lồng tiếng cho phim nước ngoài… Tôi cũng phải làm nhiều công việc để đảm bảo cuộc sống nhưng may mắn những việc đó vẫn là làm nghệ thuật chứ không phải làm gì khác.

- Gn bó vi sân khu ci lương Hà Ni đã quá lâu, chng kiến mi thăng trm ca ngh thut này, đồng thi cũng chu nhiu khó khăn, vt v trong đời sng riêng tư vì nó. Đến gi ch nghĩ sao v quyết định c đời gn bó vi ngh thut ci lương ca mình?

- Tôi bắt đầu theo nghề từ năm 14 tuổi, vào những năm 85-86 của thế kỷ trước. Bố mẹ tôi cũng là diễn viên đoàn cải lương Kim Phụng ngày xưa – NSƯT Nhật Minh và nghệ sĩ Minh Nghĩa. Khi tôi muốn bước chân lên sân khấu, bố mẹ cũng không đồng ý vì thấy đời nghệ sĩ của mình vất vả quá. Ông bà theo đoàn đi diễn liên miên, mà ngày xưa không có điều kiện như bây giờ, đoàn đi diễn toàn phải ở nhờ nhà dân hoặc ở cánh gà và gầm sân khấu, con cái không có điều kiện chăm nom nên không muốn con mình tiếp tục vất vả.

Nhưng tôi thì yêu cải lương quá, quyết tâm bằng được để chứng tỏ với bố mẹ rằng mình yêu nghề, có khả năng theo nghề và ngoài nghệ thuật ra thì không làm được gì khác nên bố mẹ bắt buộc phải cho theo thôi. Bây giờ nhìn lại chặng đường thì thấy vất vả nhưng đó là đam mê, tôi sẵn sàng hy sinh vì nó. Dĩ nhiên là mất cái này thì được cái kia, mình hy sinh thì vinh quang với nghề mình cũng đã được nhận rồi.

- Có lúc nào ch nghĩ mt địa phương khác, như thành ph H Chí Minh chng hn, tài năng ci lương như ch s có nhiu điu kin để ta sáng hơn?

- Cũng có thể như vậy nhưng mỗi người lựa chọn một con đường riêng. Tôi cũng đã nhận được những lời mời nhưng tôi nghĩ rời bỏ nơi mình gắn bó thì sẽ vất vả hơn rất nhiều, kể cả mình có tài năng đi chăng nữa, rồi sẽ phải đánh đổi gia đình, con cái… Có nhiều điều chi phối khiến tôi không thể rời xa Hà Nội. Nhưng tôi cũng không có gì nuối tiếc bởi tôi đã từng được thể nghiệm ở nhiều sân khấu, được thể hiện ở nhiều dạng vai, được sống trọn vẹn với đam mê của mình.

- Đã thành danh vi nghip din, có rt nhiu kinh nghim sân khu, ch có ý định ln sân sang mt vai trò khác không, như làm đạo din chng hn?

- Nếu muốn làm đạo diễn có lẽ tôi đã chuyển hướng từ lâu rồi. Tôi nghĩ nghiệp của mình là diễn. Tôi sẽ chỉ làm diễn viên và “nhả tơ” đến cuối cuộc đời.

- Cm ơn ch đã chia s!

Người yêu cải lương hẳn đều biết đến giọng ca vàng của NSND Thanh Hương, Nhà hát Cải lương Hà Nội. Tài năng của chị đã được khẳng định qua các kỳ hội diễn sân khấu chuyên nghiệp với 9 Huy chương Vàng. Năm 2001, Thanh Hương được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT khi mới 29 tuổi. Tháng 1-2016, chị được trao tặng danh hiệu NSND.

TRÀ GIANG

dientu@hanoimoi.com.vn

Tiếp nối “lửa nghề” thắp sáng nghệ thuật cải lương

(SHTT) – Hiện nay, hầu hết các loại hình nghệ thuật truyền thống đều đang đứng trước những thử thách, cải lương cũng không ngoại lệ. Trước sự phát triển của xã hội, với bao khó khăn, vất vả, Nhà hát cải lương Hà Nội vẫn luôn giữ gìn và thắp sáng nghệ thuật cải lương qua các thế hệ.

Không riêng gì cải lương phải đương đầu với khó khăn 

Trong buổi trò chuyện với Nhạc sĩ Phạm Chỉnh – Phó giám đốc điều hành nhà hát Cải Lương Hà Nội, ông tâm sự: Trong thời buổi cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư đang phát triển như vũ bão hiện nay, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, hay chiếc tivi kết nối mạng là có thể xem cả trăm kênh giải trí khác nhau. Vì thế không riêng gì cải lương, mà các bộ môn nghệ thuật truyền thống khác như Tuồng, Chèo, Xẩm,… đều bị thử thách. Cái khó của Nhà hát Cải Lương Hà Nội cũng giống với nhiều nhà hát khác khi lưu giữ và phát huy các bộ môn nghệ thuật truyền thống. Đó là cái khó chung, cái khó mà bắt buộc phải đương đầu và vượt qua. Trong nhiều năm trước, các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… cũng phải rất khó khăn mới có thể vực dậy duy trì và phát triển các bộ môn nghệ thuật truyền thống được như bây giờ. Việt Nam cũng vậy, trong bối cảnh hiện nay khó khăn là tất yếu và mỗi một nghệ sĩ cần phải nỗ lực để gìn giữ và phát huy giá trị của nghệ thuật truyền thống. Nếu buông xuôi không sớm thì muộn, nghệ thuật Cải lương nói riêng và nghệ thuật truyền thống nói chung sẽ bị mai một.

 


Vở diễn cải lương “Ai đo được lòng người”

Được biết, Nhà hát Cải lương Hà Nội có quyết định thành lập Nhà hát vào năm 1993, từ các đơn vị thành viên được sát nhập như đoàn Cải lương Kim Phụng, đoàn Cải lương Chuông vàng và năm 2008 là đoàn Hoa Mai. Nhà hát hiện có khoảng hơn 100 cán bộ, nhân viên, nghệ sĩ. Một năm nhà hát cho ra ba vở diễn, mỗi vở diễn có thời lượng khoảng hơn hai tiếng. Ngoài ra, còn có các chương trình khác như ca múa nhạc mang âm hưởng cải lương…. Trước sức ép về sự cạnh tranh của nền giải trí hiện đại, kéo theo những khó khăn về đời sống kinh tế của cán bộ, nhân viên, anh chị em nghệ sĩ trong nhà hát. Khi “cơm áo gạo tiền” đã trở thành gánh nặng thì mấy ai còn tha thiết với nghề. Điều này càng khiến nghệ thuật cải lương gặp nhiều khó khăn hơn khi có không ít những nghệ sĩ yêu nghề nhưng phải bỏ nghề để đảm bảo cuộc sống.

Câu chuyện nghề phía sau ánh hào quang sân khấu

Thời đại phát triển, khán giả đứng trước rất nhiều sự lựa chọn khác nhau về giải trí, vì vậy cải lương cũng khó tiếp cận đến họ, nhất là giới trẻ. Hầu hết với các vở diễn cải lương tại Nhà hát Cải lương Hà Nội, lượng khán giả đến xem đều ở độ tổ trung niên trở lên. Giới trẻ hiện nay ít quan tâm đến cải lương và các bộ môn nghệ thuật truyền thống. Đây cũng là khó khăn chung mà cải lương nói riêng và nghệ thuật truyền thống nói chung phải đương đầu và vượt qua. Yếu tố cót lõi để nuôi dưỡng ngọn lửa nghề trường tồn chính là yếu tố con người, những nghệ sĩ tâm huyết với nhà hát, luôn say nghề, yêu nghề, mê nghề và vì nghề mà bám trụ, cố gắng không ngừng nghỉ. Đó không chỉ là thế hệ đi trước như: NSND Thanh Hương, NSUT Thục Vân, NSUT Thu Hoài mà còn là sự nối tiếp của nhiều thế hệ lớp trẻ.

Chia sẻ, câu chuyện về nghề, NSND Thanh Hương, thường được các nghệ sĩ trong nhà hát gọi với cái tên thân mật là “Má”.  Bởi vì má Hương như một ngọn đuốc truyền lửa nghề cho các thế hệ sau nối bước đi lên vượt mọi khó khăn để bảo tồn và phát triển nghệ thuật cải lương. Theo má, thế hệ trẻ ngày càng xa cách cải lương, bởi vì đây là bộ môn không phải dễ học. Chưa nói đến việc cuộc sống của các nghệ sĩ cải lương không mấy gì khá giả, nhất là những bạn sinh viên mới ra trường đang chập chững bước vào nghề. Họ khát khao có được công việc đúng đam mê nhưng cũng phải đủ điều kiện kinh tế để duy trì cuộc sống. Nhưng đã là nghệ sĩ cải lương, mấy ai dư giả và giàu có. Phải là người dũng cảm, quyết tâm và thực sự yêu nghề hơn tất cả, mới có thể bám trụ được. Mấy chục năm gắn bó trong nghề như NSND Thanh Hương, NSUT Thục Vân, NSUT Thu Hoài và một số các nghệ sĩ thế hệ đi trước, luôn dùng trái tim nhiệt huyết, say mê nghề để truyền lửa cho thế hệ sau cố gắng, dũng cảm và kiên trì nuôi dưỡng đam mê với cải lương.

NSND Thanh Hương diễn cùng các nghệ sĩ trẻ trong vở “Nước mắt không chảy ngược”

Nghệ sĩ Hồng Nhung, Hoàng Viện, Nhật Linh, Hữu Nhân và nhiều nghệ sĩ khác trong nhà hát đều là những người còn trẻ. Mỗi người lại có những hoàn cảnh xuất thân khác nhau. Nhưng tựu chung lại họ là đại diện của thế hệ trẻ đã vượt qua những khó khăn thử thách để sống với nghề. Cho đến nay thế hệ nghệ sĩ trẻ đó đã dần trở thành những kép chính nối gót các thế hệ đi trước giữ gìn phát huy nghệ thuật cải lương tại nhà hát.

Trên sân khấu, dưới ánh hào quang, những ông Vua, bà Hoàng, hay những ông Giám đốc giàu có kia cũng chỉ là hình ảnh của những mảnh đời yêu nghề vì nghề mà cống hiến. Cởi bỏ xiêm y sau những vở diễn hết mình trên sân khấu phục vụ khán giả, họ lại tất bật khoác lên mình những trang phục khác nhau để trang trải cho cuộc sống vì cơm áo gạo tiền. Người làm MC đám cưới, người chạy xe ôm, cô bán hàng nước, chị làm nhân viên bán hàng… dù có khó khăn, vất vả đến mấy ánh mắt họ vẫn tràn ngập sự khát khao được sống với nghề, vì nghề mà cống hiến. Liệu rằng mấy ai trong chúng ta những khán giả thấy được sau ánh hào quang trên sân khấu là nỗi vất vả mà các thế hệ nghệ sĩ đang kiên trì vượt qua để sống với đam mê của mình, góp phần nuôi dưỡng nghệ thuật truyền thống trường tồn?

Niềm tin thắp sáng nghệ thuật cải lương

Trong thời gian tới, Nhạc sĩ Phạm  Chỉnh – Phó giám đốc điều hành nhà hát Cải Lương Hà Nội cho biết: Nhà hát cải lương Hà Nội sẽ có những kế hoạch cụ thể để đổi mới mình, tạo nên sự đột phá, nhằm gìn giữ phát huy nghệ thuật cải lương. Nhiều năm nay, nhà hát Cải Lương Hà Nội không chỉ diễn ở nội thành Hà Nội và các quận huyện mà còn chuyển sang các tỉnh lân cận khác, và được bà con hưởng ứng đón nhận. Điều này không chỉ mang lại nguồn kinh phí để chăm lo tốt hơn cho đời sống của các nghệ sĩ, mà còn là động lực để các nghệ sĩ cố gắng khắc phục khó khăn bám trụ với nghề, giữ lấy ngọn đuốc nghệ thuật cải lương. Bên cạnh đó, nhà hát cũng sẽ chú trọng đầu tư nhiều hơn để chăm lo đời sống cho các nghệ sĩ, cán bộ nhân viên giúp họ an tâm sống trọn đam mê với nghề.

Để thu hút lượng khán giả trẻ đến gần hơn với nghệ thuật cải lương, trong thời gian tới nhà hát sẽ có những kế hoạch để tiếp cận với đối tượng khán giả trẻ. Đây là giải pháp cần thời gian và sự chung sức của nhiều cơ quan, nhưng nếu thành công sẽ mang lại kết quả tích cực. Bên cạnh các vở diễn đề tài lịch sử, Nhà hát sẽ xây dựng nhiều hơn nữa những tác phẩm, có tính thời sự, phản ảnh đời sống xã hội hiện đại, mang tính giáo dục cao, phù hợp với thị hiếu của khán giả, như vở nước mắt không chảy ngược, đen trắng vòng đời…. Bên cạnh đó, cho ra đời các chương trình, tiết mục mới như: Chùm hài kịch dự kiến ra mắt khán giả vào tháng 5/2019, hay những tiết mục múa, hát, biểu diễn nhạc cụ mang đậm màu sắc dân ca nam bộ và cải lương, có thời lượng ngắn gọn….

Với nỗ lực và sự quyết tâm, đoàn kết một lòng của lãnh đạo và anh chị em nghệ sĩ trong nhà hát, năm 2018 vừa qua, Nhà hát Cải lương Hà Nội vinh dự nhận được nhiều giải thưởng lớn. Tiêu biểu tại Hội diễn sân khấu cải lương Toàn Quốc năm 2018 tổ chức tại Long An, nhà hát Cải lương Hà Nội đã đạt huy chương bạc với vở diễn Những tấm lòng vàng. Ở Liên hoan sân khấu thủ đô năm 2018 được tổ chức định kỳ tại Hà Nội, Nhà hát cải lương Hà Nội đạt huy chương bạc với vở diễn Đen trắng vòng đời. Ngoài ra còn có rất nhiều các huy chương vàng, huy chương bạc do cá nhân các nghệ sĩ đã dành được tại 2 cuộc Liên hoan trên.

Đứng trước muôn vàn những khó khăn thách thức như vậy, nhưng Nhà hát Cải lương Hà Nội vẫn đạt được nhiều thành tích đáng ngưỡng mộ. Điều này càng minh chứng cho niềm tin vào bộ môn cải lương – giá trị truyền thống của dân tộc sẽ được bảo tồn phát huy và thắp sáng, bằng những con người luôn sống vì đam mê, sự yêu nghề, say mê nghề.

Thu Trang

 

 

 

SỸ TIẾN và công trình nghiên cứu bước đầu tìm hiểu sân khấu cải lương

PGS TẤT THẮNG

00.  Nhắc đến sân khấu Hà Nội nói chung và sân khấu cải lương Hà Nội nói riêng, người ta nghĩ ngay đến Sỹ Tiến cũng như nhắc đến Sỹ Tiến, người ta lại nhớ đến sân khấu cải lương Hà Nội một thời. Có thể nói rằng Sỹ Tiến là một trong những yếu nhân sáng lập ra sân khấu cải lương Hà Nội.

NSND Sỹ Tiến

01.   NSND Sỹ Tiến vừa là tác giả vừa là đạo diễn vừa là diễn viên vừa là nhà quản lý… với những đóng góp đáng kể vào sự hình thành và phát triển của sân khấu cải lương Hà Nội.

01.1.  Anh từng viết, soạn nhiều kịch bản cải lương, trong đó có những vở diễn nổi tiếng đến mức trở thành tác phẩm kinh điển của cải lương Hà Nội như Tà phá Cô Tô, Tam khí Chu Du, Kiều… Về phương diện sáng tác kịch bản, Sỹ Tiến là tác giả đi đầu trong việc đưa tư tưởng cách mạng vào nội dung vở diễn hoặc trực tiếp viết về đề tài cách mạng, đưa hiện thực cách mạng lên sân khấu cải lương Hà Nội. Điều này ta có thể nhận thấy rất rõ trong một số vở như: Tôi – Không ánh sáng, Dựng cờ độc lập, Trưng Vương khởi nghĩa, Huyền Trân công chúa, Đô Lương khởi nghĩa, Phạm Hồng Thái (thời kì 1945 – 1955).. Về đạo diễn, anh từng là thầy tuồng chủ chốt và duy nhất cho Đoàn cải lương Kim Khôi… với lao động dàn dựng cho hầu hết các tiết mục của Đoàn. Ngoài ra anh còn tham gia dàn dựng nhiều vở của các ban, gánh, đoàn cải lương Hà Nội thời kỳ trước 1945, như ta đã biết… Sau ngày thủ đô giải phóng, anh tham gia dàn dựng đạo diễn nhiều vở cho các đào Chuông Vàng, Kim Phụng… Về diễn viên, anh từng sắm những vai diễn để đời trong mọt số vở cải lương nổi tiếng. Nhưng nhắc đến Sỹ Tiến diễn viên, thì đông đảo nghệ sĩ và khán giả cải lương đều nhớ tới vai Chu Du mà anh từng diễn với tình tiết sáng tạo nó đem đến sự hấp dẫn đền kỳ thú, sự hài lòng đến cảm khoái cho người xem là tình tiết Tam khí Chu Du với sự uất ức đến hộc máu tươi của viên tướng này… Về phương diện quản lý, anh từng là người sáng lập ra Kim Khôi ca kịch đoàn, và cugnf với Phạm Ngọc Khôi lo lắng toàn bộ những công việc khó khăn, phức tạp, từ khâu sáng tạo đến khâu tài chính… của Đoàn. Sau đó, anh lại tham gia Đoàn Tố Như với nhiều trọng trách, từ soạn vở, viết vở, đến công việ của thầy tuồng, diễn viên và cả người phụ trách. Xem chi tiết…

Thuộc danh mục: Báo chí viết về nghệ sĩ, Tin nhà hát, Tin trong Ngành  Chức năng phản hồi cho bài viết này đang tạm dừng
Lão nghệ sĩ Khánh Hợi: Ánh hào quang cải lương Hà Thành

(TT&VH) - Tóc muối tiêu, nụ cười đôn hậu khoe hàm răng trắng còn gần nguyên, đôi mắt hóm sau cặp kính Versace, tay vung lên động tác vũ đạo. Đó là hình ảnh NSƯT Khánh Hợi, tuổi 88. Hiện bà là nữ nghệ sĩ cải lương cao tuổi nhất Việt Nam. Xưa kia, những vai võ tướng do nghệ sĩ Khánh Hợi thủ vai là những vai mẫu để đời mà ngày ấy và sau này, khó ai bì kịp.


NSƯT Khánh Hợi vai diễn để đời Lã Bố

Xem chi tiết…

Thuộc danh mục: Báo chí viết về nghệ sĩ, Tin nhà hát, Tin trong Ngành  Chức năng phản hồi cho bài viết này đang tạm dừng
BA GƯƠNG MẶT NỔI BẬT CỦA THẾ HỆ ĐẠO DIỄN CẢI LƯƠNG TRẺ ĐẤT BẮC

Điểm danh những tên tuổi các đạo diễn trẻ nối nghiệp cha anh của Cải lương Bắc, người ta không ngần ngại kể ra những cái tên đã trở nên quen thuộc với bạn nghề, ghi được những dấu ấn đáng kể trong lòng công chúng hâm mộ như Hoàng Quỳnh Mai, Triệu Trung Kiên, Trần Quang Hùng… Xem chi tiết…

Thuộc danh mục: Báo chí viết về nghệ sĩ, Tin nhà hát, Tin trong Ngành  Chức năng phản hồi cho bài viết này đang tạm dừng
Giới thiệu NSUT Lệ Thanh trên sóng đài tiếng nói Việt Nam

Thuộc danh mục: Báo chí viết về nghệ sĩ, Tin nhà hát  Chức năng phản hồi cho bài viết này đang tạm dừng