Nghệ thuật truyền thống trong cuộc sống hiện đại:
09:04 | 20/02/2012

(LV) – Trong tuần qua, có một số hoạt động văn hoá đáng chú ý là chương trình vinh danh Hát Xoan Phú Thọ và buổi thử nghiệm biểu diễn cải lương bằng tiếng Anh của Nhà hát Cải lương Hà Nội.

Một tiết mục hát xoan
Một tiết mục hát xoan.

Tối 18/2 tại khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đã tổ chức buổi lễ vinh danh Hát Xoan-Di sản Văn hoá thế giới.

Một chương trình nghệ thuật đặc sắc, đậm chất văn hóa vùng Đất Tổ với sự tham gia của khoảng 800 diễn viên và cácnghệ nhân của 4 làng Xoan gốc của tỉnh Phú Thọ được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam đã mang đến cho nhân dân cả nước và khách quốc tế cảm nhận một cách khái quát về giá trị độc đáo, quý giá của Hát Xoan Phú Thọ.

Đây là lần đầu tiên tỉnh Phú Thọ tổ chức một chương trình có quy mô lớn tôn vinh Hát Xoan, di sản nghệ thuật quý báu của cha ông, Di sản Văn hoá thế giới sau khi chính thức được UNESCO công nhận là di sản Tiếp sau đó, tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục tổ chức Liên hoan Hát Xoan lần thứ 3 vào ngày 8-9/3 âm lịch (tức ngày 29-30/3/2012).

Trong một nỗ lực nhằm vừa bảo tồn vừa quảng bá nghệ thuật truyền thống của dân tộc đến đông đảo bạn bè quốc tế, Nhà hát Cải lương Hà Nội đã trình diễn một chương trình cải lương thử nghiệm bằng tiếng Anh vào các tối 17 và 18/2 tại Rạp Chuông Vàng (72 Hàng Bạc, Hà Nội).

Đây là chương trình thử nghiệm hình thức phục vụ khán giả mới và giới thiệu bộ môn nghệ thuật sân khấu cải lương, một trong các hình thức nghệ thuật cổ truyền dân tộc đến với khách du lịch quốc tế.

Chương trình gồm 7 tiết mục: Màn Trống hội, Dạ cổ hoài lang, Lý ngựa ô, hát tân cổ giao duyên Tình yêu trên dòng sông Quan họ, múa Chăm, múa sáo và vở kịch Kẻ trộm đêm Giao thừa.

Vở cải lương thử nghiệm dành cho du khách quốc tế của Nhà hát Cải lương Hà Nội
Vở cải lương thử nghiệm dành cho du khách quốc tế của Nhà hát Cải lương Hà Nội.

Trong chương trình này, các nghệ sỹ biểu diễn bằng tiếng Việt và khán giả người nước ngoài sẽ được nghe bản dịch tiếng Anh qua tai nghe đã được đặt sẵn tại ghế ngồi. Với các tiết mục kịch ngắn sẽ được dịch trực tiếp theo lời thoại của diễn viên nhưng với các tiết mục hát sẽ có bản dịch giới thiệu sơ lược về nội dung.Đây là lần thứ 2, Nhà hát Cải lương Hà Nội thực hiện chương trình biểu diễn thử nghiệm dành cho khán giả là khách du lịch quốc tế. Lần đầu là vào tháng 8/2011 với vở cải lương “Mệnh đế vương” được đông đảo khán giả yêu thích.

Việc thực hiện chương trình biểu diễn thử nghiệm bằng tiếng Anh của Nhà hát Cải lương Hà Nội thể hiện sự chủ động của các đơn vị nghệ thuật khi quyết tâm đi tìm lớp công chúng mới hay nói một cách khác, một số loại hình nghệ thuật cổ truyền của dân tộc như Chèo, Cải lương, với nỗ lực của các nghệ sỹ, đang đi tìm thêm cách thức hoạt động mới, công chúng mới, qua đó làm mới mình và tiếp nối mạch sống mạnh mẽ, lâu bền..

Trước đó, Nhà hát Chèo Hà Nội đã xây dựng chương trình diễn riêng cho du khách quốc tế bằng cách dịch nội dung chính của vở diễn ra tiếng Anh. Giờ đây Nhà hát Cải lương Hà Nội mạnh dạn dịch cả vở cải lương dài 1 tiếng 45 phút ra tiếng Anh để phục vụ công chúng là khách du lịch nước ngoài

Đây là cách thu hút khách quốc tế khi đến Việt Nam vì họ có cơ hội thưởng thức văn hóa, nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, đồng thời chúng ta cũng khắc phục được tình trạng du khách quốc tế chỉ được xem… rối nước.

Có thể nói, các hình thức bảo tồn và phát huy giá trị của văn hoá, nghệ thuật dân tộc (như thi biểu diễn và dạy Hát Xoan, chuyển ngữ các vở chèo, cải lương) chính là cách bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hoá trong đời sống hiện đại hết sức hiệu quả. Điều này cho thấy, trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật cũng rất cần sự năng động trong tư duy, trong cách thức thực hiện.

Một hoạt động văn hoá khác cũng hết sức thú vị là từ ngày 10/2 (và kéo dài đến ngày 25/2), chương trình biểu diễn rối nước Việt Nam đặc sắc mang tên “Người thầy của những con rối” do đạo diễn người Pháp Dominique Pitoiset, Giám đốc Nhà hát quốc gia Bordeaux en Aquitaine dàn dựng, được công diễn tại Nhà hát Claude Lévi-Strauss trong khuôn viên của Bảo tàng Quai Branly ở thủ đô Paris (Pháp).

Điểm đặc biệt của chương trình là ở chỗ, các tích trò rối nước được biểu diễn trên nền nhạc và giọng ngâm các bài thơ cổ, lẩy Kiều, hoặc trên nền những làn điệu chèo, câu ca quan họ, nhịp hát ả đào… của nghệ sĩ Ngô Thị Thanh Hoài.

Ngày 17/2, tại Hà Nội, Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh họa sỹ Hoàng Tích Chù (18/2/1912- 18/2/2012), một trong những người đặt nền móng cho nền nghệ thuật hội họa sơn mài Việt Nam.

Ông đã có những tìm tòi, sáng tạo trong việc cách tân sử dụng màu sắc, bố cục để phát triển nghệ thuật hội họa sơn mài truyền thống Việt Nam. Tranh sơn mài của ông đã góp phần phán ánh vẻ đẹp đất nước, cuộc sống con người Việt Nam, cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh với tình cảm trong sáng, dung dị. Họa sỹ Hoàng Tích Chù là một trong số ít họa sỹ nổi tiếng ở thể loại tranh sơn mài. Không những thế, ông đã đào tạo nhiều thế hệ học trò về nghệ thuật sơn mài, nay đã trở thành những họa sỹ tên tuổi…

Tác phẩm “Tổ đổi công cấy lúa” cùng với 3 tác phẩm khác của họa sỹ Hoàng Tích Chù là “Bác Hồ trồng cây với thiếu nhi”, “Mùa gặt”, “Đêm hậu cứ” đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (Mỹ thuật) năm 2000.

HTSN (Theo VGP)


Gửi phản hồi cho bài viết