Thử nghiệm cải lương bằng tiếng Anh: Liệu có hiệu quả?

20/02/2012 08:52:36 AM

(LĐ) – Với mong muốn đưa nghệ thuật cải lương đến gần hơn với khán giả quốc tế, Nhà hát Cải lương Hà Nội quyết định “thử nghiệm lần hai”  bằng cách ở mỗi tiết mục của chương trình nghệ thuật sẽ có bản dịch tiếng Anh dành cho khán giả nước ngoài… thông qua tai nghe.

Tránh tình trạng gây mệt mỏi cho khán giả ngoại quốc khi phải “đeo bám” nội dung dài như ở lần thử nghiệm đầu tiên với vở “Mệnh đế vương”, lần này, Nhà hát Cải lương Hà Nội rút bớt thời lượng trong 7 tiết mục ngắn:  Màn trống hội, bài hát Dạ cổ hoài lang, bài hát Lý ngựa ô, kịch ngắn Kẻ trộm đêm giao thừa, múa Chăm, bài hát tân cổ Tình yêu trên dòng sông quan họ và múa sáo.

Có thể coi việc đưa tiếng Anh vào chương trình là một hành động tích cực của Nhà hát Cải lương Hà Nội trong việc quảng bá nghệ thuật truyền thống VN tới du khách nước ngoài.

Theo NSƯT Trần Quang Hùng – GĐ Nhà hát Cải lương Hà Nội – thì điều khó nhất là phải truyền tải được hết ý nghĩa đến với khán giả ngoại, vì vậy, ở tiết mục kịch ngắn sẽ có lời dịch lời thoại của diễn viên trực tiếp thông qua tai nghe còn với các tiết mục múa hát sẽ có bản dịch giới thiệu sơ lược về nội dung.

Có hai đêm (17 và 18.2) công diễn để trưng cầu ý kiến, chương trình này nhận được khá nhiều góp ý của các nhà chuyên môn, quản lý, các công ty lữ hành và khán giả nước ngoài. NSND Mạnh Tưởng khẳng định đây là một ý tưởng khá táo bạo của Nhà hát Cải lương Hà Nội. Tuy nhiên, không nên biến cải lương thành tạp kỹ, hãy chọn cái gì tinh túy nhất của cải lương để giới thiệu cho khán giả trong và ngoài nước.

Ông Phạm Quang Long – GĐ Sở VHTTDL Hà Nội – lại cho rằng phần lời dịch là “mấu chốt” quan trọng. Chính vì vậy, phải lựa chọn người dịch thật sự am hiểu về nghệ thuật cải lương và thông thạo tiếng Anh mới có thể chuyển tải đúng ngữ điệu, giúp khán giả hiểu được kịch tính và nội dung của chương trình.

Chăm chú theo dõi từ đầu đến cuối chương trình, ông Steve Grove – 67 tuổi, một du khách Australia – hào hứng nói: “Đây là lần đầu tiên tôi với vợ đến VN du lịch, có rất nhiều địa điểm cũng như nền văn hóa của các bạn gây tò mò xen lẫn thú vị cho chúng tôi. Đặc biệt sau khi xem chương trình nghệ thuật này, chúng tôi hiểu rõ hơn về một trong những loại hình nghệ thuật cổ truyền của nước bạn…”.

Ông Lê Quang Đạo – Phó GĐ Cty du lịch Tầm Nhìn Việt – nhìn nhận, hợp lý nhất là đưa loại hình cải lương vào một không gian văn hóa quy củ và là một phần của một cụm văn hóa như Bảo tàng Dân tộc học hay tương tự, như vậy mới có thể truyền bá cải lương.

Ông Đạo cũng bày tỏ hy vọng, việc “bắt tay” giữa Nhà hát Cải lương Hà Nội và các doanh nghiệp lữ hành sẽ làm tăng thêm nhiều chương trình đa dạng để “chào mời” du khách nước ngoài khi đi tour trong nội đô Hà Nội.

Mai Châu


Gửi phản hồi cho bài viết