Bài viết trong » Tháng Hai 20th, 2012«

Đưa nghệ thuật Cải lương đến gần hơn với khán giả quốc tế :

Văn học nghệ thuật 

15:21 | 19/02/2012
(ĐCSVN) - Nhằm thử nghiệm hình thức phục vụ khán giả mới và giới thiệu bộ môn nghệ thuật sân khấu Cải lương đến với du khách quốc tế, Nhà hát Cải lương Hà Nội tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật thử nghiệm bằng tiếng Anh trong 2 đêm (17- 18/2).

Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với NSƯT Trần Quang Hùng, Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội về chương trình biểu diễn này.

PV: Từ ý tưởng nào để Nhà hát đưa ra dự án tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật thử nghiệm bằng tiếng Anh và tiếp tục chương trình thử nghiệm lần thứ 2 rất táo bạo lần này?

NSƯT Trần Quang Hùng: Đối với Nhà hát Cải lương Hà Nội, việc duy trì, giới thiệu nghệ thuật Cải lương đến với khán giả nói chung và khán giả quốc tế nói riêng là chức năng nhiệm vụ của Nhà hát đã được quy định. Hơn thế, nghệ thuật Cải lương là loại hình nghệ thuật sân khấu độc đáo, rất có giá trị mà chúng tôi luôn tìm cách lưu giữ và giới thiệu tới khán giả. Với sự phát triển của công nghệ, sự phát triển của các hình thức giải trí hiện đại, cần làm gì để tiếp tục giữ những nét văn hóa nghệ thuật truyền thống và giới thiệu với bạn bè quốc tế, đó là điều chúng tôi luôn trăn trở. Bên cạnh đó, khi xã hội ngày càng phát triển, không thể thụ động chờ khán giả đến mà phải tìm đến công chúng mới, phải vận động và thể hiện sự tâm huyết của mình, đúng với sự phát triển của sân khấu, vì vậy, chúng tôi đã thực hiện dự án này.

NSƯT Trần Quang Hùng giới thiệu chương trình biểu diễn (Ảnh: HN)

Vào tháng 8/ 2011, cũng tại rạp Chuông Vàng, chúng tôi đã diễn vở “Mệnh đế vương” có dịch ra tiếng Anh. Sau khi công diễn, chúng tôi đã thực hiện phỏng vấn một số khán giả nước ngoài và tiếp nhận thêm một số ý kiến. Nhìn chung, các ý kiến cho rằng đây là một hiện tượng rất lạ của sân khấu Cải lương và họ rất thích thú với điều đó. Chúng tôi cũng tham khảo một số chuyên gia làm việc với người nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa. Họ đã tham vấn cho chúng tôi biết người nước ngoài cần gì, muốn gì ở văn hóa Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật Cải lương. Từ đó, Nhà hát tiếp tục họp bàn, rút kinh nghiệm, đưa ra các cách làm để khán giả quốc tế hiểu được nhiều nhất về Cải lương của Việt Nam.

Trong lần thử nghiệm thứ 2 này, Nhà hát đã chuẩn bị kỹ hơn. Mặc dù nằm trong giai đoạn thử nghiệm, những chương trình biểu diễn nghệ thuật tổng hợp được đầu tư rất lớn bao gồm cả múa, hát và kịch như: Màn trống hội, Liên khúc dân ca quan họ Bắc Ninh, hát Dạ cổ hoài lang, hát Lý ngựa ô, hát tân cổ giao duyên Tình yêu trên dòng sông quan họ, kịch Kẻ trộm đêm giao thừa… Khi xem các tiết mục trong chương trình, khán gải quốc tế sẽ được nghe thuyết minh tiếng Anh qua hệ thống tai nghe chuyên dụng.

PV: Những khó khăn mà Nhà hát Cải lương Hà Nội gặp phải khi thực hiện thử nghiệm táo bạo lần này?

NSƯT Trần Quang Hùng: Vì rào cản lớn về ngôn ngữ nên việc dịch và chuyển tải nội dung cũng như những cái hay, nét đẹp của nghệ thuật Cải lương đến với khán giả quốc tế là một vấn đề lớn mà chúng tôi gặp phải. Việc dịch các tiết mục biểu diễn sang tiếng Anh gặp khá nhiều trở ngại, bởi trong lời thoại có nhiều từ cổ nên người dịch cần am hiểu sâu về nghệ thuật nói chung và nghệ thuật Cải lương nói riêng mới có thể đảm bảo được sự chuyển đổi ngôn ngữ mà không mất đi sự biểu cảm của từng tình huống cụ thể. Tuy nhiên, chúng tôi đã rất may mắn khi được những người tâm huyết với nghệ thuật Cải lương đang hoạt động trong lĩnh vực dịch thuật giúp đỡ về vấn đề này.

Hiện nay tất cả mọi thứ chúng tôi đang làm chỉ trong phạm vi Nhà hát chứ chưa có sự đầu tư nào từ phía nhà nước, chưa có quy chế nào cho hoạt động này nên đó cũng đang là một khó khăn. Nhưng sau đây khi dự án biến thành hiện thực chúng tôi cũng sẽ có những quy chế cụ thể.

PV: Phản ứng của khán giả khi xem chương trình thử nghiệm lần này của Nhà hát như thế nào?

NSƯT Trần Quang Hùng: Có thể nói, chúng tôi rất vui khi thấy biểu hiện thích thú của khán giả khi xem các buổi biểu diễn và sự tiếc nuối của họ khi buổi diễn kết thúc. Nhiều khán giả đã khen chương trình lần này rất gọn nhẹ, đầy đủ mà lại có giá trị thẩm mỹ và giáo dục cao, các tiết mục biểu diễn không bị nặng nề, bó hẹp hay ràng buộc. Bên cạnh đó, vì chương trình biểu diễn được thu ngắn lại, nhiều khán giả đã cảm thấy như vậy là ít quá. Không khí đón nhận của khán giả lần này khiến chúng tôi cảm thấy công sức của mình một phần đã được đền đáp. Với phản ứng tích cực này của khán giả, Nhà hát sẽ tiếp thu các ý kiến để thực hiện những chương trình tiếp theo tốt hơn nữa.

Một tiết mục Cải lương biểu diễn trong đêm 18/2 (Ảnh: HN)


PV: Những kỳ vọng và mong muốn của Nhà hát khi thực hiện dự án lần này?

NSƯT Trần Quang Hùng: Trong những năm gần đây văn hóa nước ngoài du nhập vào nước ta rất nhiều, chúng tôi luôn nghĩ: tại sao chúng ta không quảng bá văn hóa của mình đến những bạn bè quốc tế đang sống và làm việc trên đất nước mình bằng nhiều cách, nhiều loại hình nghệ thuật, trong đó nghệ thuật Cải lương? Dự án lần này được chúng tôi thực hiện với nghĩa vụ, sự tâm huyết và niềm đam mê với Cải lương, bởi vậy, cũng không có quá nhiều kỳ vọng về kết quả sau khi dự án kết thúc. Chúng tôi không kỳ vọng khách sẽ nườm nượp đến và ngay lập tức có nhiều hợp đồng với Nhà hát. Tuy nhiên, sau khi thử nghiệm lần này kết thúc, bước tiếp theo chúng tôi muốn làm là đưa nghệ thuật Cải lương tiếp cận với khán giả nước ngoài nhiều hơn, biến rạp Chuông Vàng thành một địa chỉ “vàng” trong tour du lịch phố cổ.

PV: Ngoài dự án nhằm thu hút, giới thiệu Cải lương đến với khán giả quốc tế, Nhà hát có những dự án, kế hoạch nào khác nhằm thu hút khán giả trong nước, đặc biệt là khán giả trẻ?

NSƯT Trần Quang Hùng: Việc tìm kiếm cho mình những đối tượng khán giả mới và khán giả trẻ là điều Nhà hát đang hướng tới. Sau dự án lần này, chúng tôi sẽ thực hiện một dự án tiếp theo nhằm hướng tới đối tượng là khán giả trẻ. Trong dự án này, Nhà hát sẽ phối hợp với các trường Đại học để biểu diễn phục vụ sinh viên nhằm giới thiệu về lịch sử dân tộc qua nghệ thuật Cải lương. Đó sẽ là các vở diễn ca ngợi quê hương đất nước và con người; giới thiệu về thân thế, sự nghiệp, những đóng góp của các vị anh hùng dân tộc, các danh nhân văn hóa. Với dự án tiếp theo này, chúng tôi mong muốn sẽ giúp các bạn sinh viên hiểu biết thêm về lịch sử dân tộc, về các vĩ nhân, các anh hùng dân tộc. Từ đó, giáo dục lòng yêu nước, yêu nghệ thuật truyền thống cho sinh viên.

Bằng những công việc cụ thể, những vở diễn cụ thể, những tài năng cụ thể và tính độc đáo của Cải lương, Nhà hát mong muốn sẽ mang Cải lương đến gần hơn với khán giả trẻ; để ai chưa hiểu về Cải lương thì sẽ hiểu, ai đã hiểu rồi sẽ hiểu nhiều hơn, ai yêu Cải lương rồi sẽ yêu Cải lương hơn nữa. Tôi tin chắc rằng, với tâm huyết của chúng tôi cùng sự độc đáo của nghệ thuật này, chúng tôi sẽ thuyết phục được khán giả trẻ.

Các từ khóa theo tin:
Hồng Ngọc
Nhà hát cải lương Hà Nội:Đưa nghệ thuật truyền thống tới du khách quốc tế
23:38:00 Chủ Nhật, 19/02/2012

Báo tin tức -

Tối 17 và 18/2, Nhà hát Cải lương Hà Nội tổ chức biểu diễn thử nghiệm chương trình nghệ thuật có dịch trực tiếp tiếng Anh qua tai nghe hướng tới đối tượng là khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Một ý tưởng hay

Buổi diễn thử nghiệm này diễn ra tại rạp Chuông Vàng, số 72 Hàng Bạc (khu phố cổ Hà Nội) để lấy ý kiến Hội đồng nghệ thuật, doanh nghiệp du lịch, khán giả.

Tiết mục Màn trống hội.

Chương trình gồm các tiết mục: “Màn trống hội”, bài “Dạ cổ hoài lang”, “Lý ngựa ô”, kịch ngắn “Kẻ trộm đêm giao thừa”, “Múa Chăm”, bài tân cổ “Tình yêu trên dòng sông quan họ”, “Múa Sáo”. Ông Trần Quang Hùng, Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội cho biết: “Đây là lần thứ hai chúng tôi thử nghiệm diễn cải lương có dịch tiếng Anh. Tháng 8/2011, chúng tôi đã diễn vở “Mệnh đế vương” và có dịch ra tiếng Anh. Sau đợt diễn, chúng tôi có phỏng vấn khách nước ngoài cảm nhận ra sao và đóng góp ý kiến. Lần thử nghiệm thứ 2 này của nhà hát nhằm đa dạng hóa phong cách biểu diễn, cũng như góp phần giới thiệu bộ môn nghệ thuật cải lương của nước ta đến với khán giả quốc tế. Các nghệ sỹ sẽ biểu diễn bằng tiếng Việt và khán giả nước ngoài sẽ được nghe dịch tiếng Anh trực tiếp qua tai nghe được đặt sẵn tại ghế ngồi”.

Đánh giá về chương trình, NSND Thanh Trầm cho rằng, hình thức thử nghiệm dịch trực tiếp qua tai nghe hơn hẳn phụ đề hoặc đưa trước tờ giấy dịch nội dung cho khách. Các tiết mục súc tích, ngắn gọn, dễ hiểu. Chương trình phục vụ cho du khách là cần thiết, nhất là Nhà hát Chuông Vàng tọa lạc trung tâm khu phố cổ, rất thuận lợi thu hút khách. Tuy nhiên, theo NSND Thanh Trầm, chương trình nên tận dụng tối đa các màn múa và khai thác thêm nhiều những nét đặc sắc của nghệ thuật cải lương.

Còn ông Phạm Quang Long, Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội nhận xét: “Ý tưởng về một chương trình phục vụ du khách ngay trong khu phố cổ là cần thiết. Sở sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ để đơn vị đưa loại hình nghệ thuận dân tộc tới du khách, góp phần quảng bá hình ảnh Hà Nội cũng như Việt Nam. Về chuyên môn, chúng ta không nên biến cải lương thành ca nhạc tạp kỹ mà nên đưa tinh hoa của cải lương vào chương trình. Phần dịch hết sức lưu ý vì dịch hay có thể mang tới sự sáng tạo, gợi sự đam mê nhưng dịch sai cũng đồng nghĩa với “diệt”. Do đó nên tham khảo các chuyên gia để có bản dịch chuẩn”.

Phải quảng bá nghệ thuật truyền thống bản sắc Việt

“Đây là hướng đi cần thiết, bởi từ trước đến nay du khách đến Hà Nội có câu “Ăn tối, rối nước” là hết, không biết đi đâu; trong khi chúng ta luôn tự hào là Thủ đô ngàn năm văn hiến. Vì vậy, chương trình này sẽ làm đa dạng hoá sản phẩm du lịch phục vụ khách, đặc biệt rạp Chuông Vàng ở vị trí đắc địa trong khu phố cổ thuận tiện thu hút khách. Tuy vậy, các tiết mục nên chắt lọc, rút ngắn chỉ khoảng 1 tiếng để khách cảm nhận được bản sắc văn hóa dân tộc của vùng miền đang đến, nhất là Hà Nội. Ở một số trích đoạn cải lương cổ có thể giữ nguyên gốc vì đó là bản sắc. Tuy nhiên cũng có sự sáng tạo cho hợp thời vì thực tế một số nước làm du lịch quanh ta khi giới thiệu nghệ thuật truyền thống họ cũng ngắn gọn lắm, làm sinh động chương trình và thậm chí có tiết mục để khán giả giao lưu”, đại diện một doanh nghiệp lữ hành cho biết.

Đại diện phòng lữ hành, Sở VH,TT&DL Hà Nội cho biết: “Rạp Chuông Vàng với vị trí thuận tiện ngay trung tâm phố cổ và hoàn toàn có thể trở thành một địa chỉ “vàng” trong tour du lịch phố cổ, vấn đề là giới thiệu như thế nào nghệ thuật truyền thống tới du khách? Việc tự đầu tư để cho một sản phẩm mới sẽ còn được chỉnh sửa hợp lý theo nhu cầu của khách. Bên cạnh những chương trình khung cố định, Nhà hát Cải lương Hà Nội có thể làm theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp lữ hành chuyên đưa khách quốc tế đến Việt Nam”.

Xuân Cường