Bài viết trong » Tháng Bảy, 2012 «

Vị đắng cần thiết…

Mong gió đừng đổi chiều:

Báo Hà nội mới cuối tuần.

Bảo Lâm

Nhìn từ hàng ghế khán giả, vở diễn “Mong gió đừng đổi chiều” đúng là một hiện tượng của cải lương Hà Nội: Hầu hết các đêm diễn đều không còn ghế trng, hôm ra mắt, ghế ph được huy động cũng không đủ, nhiu người phi đứng xem đến cảnh cuối…

Đắng lòng chuyện hậu đô thị hóa

Vở cải lương “Mong gió đừng đổi chiều” được tác giả Chí Trung cảm tác theo tác phẩm “Sám hối” của PGS.TS. Phạm Quang Long, ThS. Triệu Trung Kiên chuyển thể, NSƯT Trần Quang Hùng đạo diễn. Đây là một câu chuyện mang tính phổ biến về hệ lụy của cơn lốc đô thị hóa, khi đất đai trở thành một thứ tài sản có giá trị quá lớn, và truyền thống gia đình bị xem nhẹ. Khái quát là thế, nhưng khi đi vào mỗi gia đình, câu chuyện ấy hiện hữu bằng những rạn vỡ, trả giá bằng nước mắt, nỗi xót xa, thậm chí cả mạng sống.

“Mong gió đừng đổi chiều” lấy bối cảnh duy nhất là ngôi nhà cổ của ông Mưu – người cha đơn thân sở hữu một khu đất rộng lớn với 5 người con đã trưởng thành. Khi quyết định bán đi một phần đất để mua vàng chia cho các con, chỉ giữ lại ngôi nhà cổ với cái giếng thơi, ông Mưu những tưởng mình đã có thể yên tâm sống với góc riêng đầy kỷ niệm. Nhưng đó lại là sự khởi đầu của bi kịch. Người con trai thứ vì thua cá độ giả mắc bệnh nan y để được chia thêm tiền, cô con gái út cậy nhà nhiều đất lao vào chứng khoán như một con thiêu thân, những người khác thì tranh giành, nghi kỵ lẫn nhau bởi nghĩ bố chia của không đều và ép ông bán nốt ngôi nhà cổ. Người cha chua chát trong nỗi đau bị con cái dày vò vì tiền bạc, trong suy nghĩ “quạt rách không làm nên gió”, ông đã đồng ý bán đi phần “hồn” của mình. Người anh cả muốn giúp cha giữ nhà, bèn bày ra màn kịch ăn cắp vàng của chính mình. Nhưng lương tri không được đánh thức một cách dễ dàng bằng nhận thức về sự tan vỡ của một đại gia đình, mà nó còn là sự trả giá của mỗi cá nhân: người con giả bệnh ngã bệnh thật, người anh cả bị tai biến… “Mong gió đừng đổi chiều” đưa đến một cái kết mở khá bất ngờ: người cha tỉnh dậy và biết rằng những thứ ông vừa trải qua chỉ là một cơn ác mộng, nhưng cùng lúc đó, các con ông lại đưa ra đề nghị… bán nhà! Vở diễn kết thúc với cảnh người cha đập vào những chiếc mặt nạ từ trên nóc sân khấu rơi xuống – những chiếc mặt nạ mà các con ông vẫn đeo nhưng giờ ông mới nhận ra – cùng với tiếng chuông cảnh tỉnh về đạo làm con, làm người, cảnh tỉnh về sự cần thiết phải giữ gìn giá trị truyền thống.

Đổi mới cải lương để gần với khán giả

Đi xem vở diễn, nhiều người quen ngạc nhiên khi thấy đạo diễn, NSƯT Trần Quang Hùng lặng lẽ ngồi lẫn vào hàng ghế khán giả. Thì ra, với vở nào của Nhà hát, anh cũng cố tình làm vậy để lắng nghe được những phản hồi thật nhất từ người xem. Sau một số buổi diễn, đạo diễn này đã có thể thở phào sung sướng vì tác phẩm đã được người xem đồng cảm, hứng thú. Anh tâm sự: “Thành công nhất của tôi với vở diễn này là đã kéo được khán giả đến xem, bàn luận và suy ngẫm khi ra về. Sân khấu đã nói được tiếng nói của họ, đề cập đến vấn đề họ quan tâm và tác động đến nhận thức, hành động của người xem – điều rất cần với một vở diễn về đề tài hiện đại”.

Không chỉ gây ấn tượng bởi đề cập đến một vấn đề nóng bỏng và nhạy cảm là mối quan hệ gia đình, cách đối xử với các giá trị truyền thống trước vòng xoáy đô thị hóa, vở diễn còn khơi gợi hứng thú với nghệ thuật cải lương ở nhiều thế hệ khán giả nhờ một lối dàn dựng hiện đại, giàu chất điện ảnh. Cách kết mở gợi nhiều suy ngẫm nơi người xem và cũng chứng tỏ đạo diễn rất dụng công trong việc tìm hiểu tâm lý xã hội và khắc họa chúng trên sân khấu. Người xem từng thưởng thức những vở do Trần Quang Hùng đạo diễn như “Luận anh hùng”, “Lễ mở xiêm áo”, “Mẹ của chúng con”, “Yêu là thoát tội”, “Khi hoa nở trái mùa”… sẽ dễ dàng nhận thấy phong cách dựng của anh: một lối dựng chính kịch sâu sắc với nhiều tầng ý nghĩa, thể hiện thông điệp bằng nhiều hình ảnh có tính biểu trưng cao.

Nhà biên kịch, phê bình sân khấu Lê Quý Hiền nhận xét: “Mong gió đừng đổi chiều” là một vở diễn đặc sắc, thể hiện sự tinh tế của đạo diễn khi chọn đề tài hiện đại, thời sự nhưng cũng rất giầu tính nhân văn. Đạo diễn đã đưa lên sân khấu nhiều mảng miếng có tính biểu tượng, giàu triết lý, những tình huống hết sức bất ngờ với người xem và thể hiện vở diễn một cách mạch lạc. Một vở diễn đảm bảo được cả yếu tố nghe và xem, đúng chất cải lương mà vẫn rất hấp dẫn với khán giả hiện nay”.

Đất đai, cá độ, chứng khoán… cùng ‘bước’ vào cải lương

Chủ nhật 08/07/2012 13:00

ANTĐ -Trong khi các nhà hát đang rầm rộ dựng vở để tham gia liên hoan sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc thì Nhà hát Cải lương Hà Nội đã kịp tung ra vở diễn liên quan tới đề tài nóng của cuộc sống đương đại. “Mong gió đừng đổi chiều” đã đề cập trực diện tới bi kịch gia đình nảy sinh từ đất đai.

Bi kịch của lòng tham

Dựa trên kịch bản của tác giả Lê Chí Trung, đạo diễn Trần Quang Hùng cùng các nghệ sỹ Nhà hát Cải Lương Hà Nội đã mang đến cho những người yêu mến nghệ thuật sân khấu một vở diễn đầy xung đột và kịch tính. Không lựa chọn lối vào vở gây kịch tính ngay từ giây phút mở màn, vở diễn đã mở ra trước mắt người xem khung cảnh hạnh phúc và đầm ấm của một gia đình thuần Việt.

Nhưng không để khán giả phải chờ đợi lâu, sự mâu thuẫn đã bắt đầu xuất hiện khi ông Mưu, người cha của 5 đứa con quyết định chia số tiền đã bán từ mảnh đất nhà ông. 5 hộp vàng được đưa ra để chia cho mỗi con một hộp. Cũng từ đó, sự nghi kỵ lẫn nhau giữa các con của ông Mưu về số vàng thực tế đựng trong mỗi hộp đã dẫn dắt khán giả đến với bi kịch của lòng tham, con lừa dối cha, em lừa dối anh, anh em ghen ghét, thù hằn nhau.
Vở cải lương đã được mở đầu bằng khung cảnh hạnh phúc của gia đình ông Mưu.

Nếu như vở diễn chỉ dừng lại ở việc diễn tả mâu thuẫn gia đình có lẽ đã không lấy đi của khán giả nhiều cảm xúc đến thế. Đan xen trong bi kịch đang đẩy cao dần qua từng lớp cảnh, đạo diễn đã dùng đến những hình ảnh mang tính biểu trưng cho nề nếp gia phong đã tồn tại bao đời này như: hình ảnh ngôi nhà cổ, chiếc giếng khơi để gợi người xem đến với ý nghĩa cao cả của truyền thống gia đình, quá khứ tốt đẹp đã từng hiện diện trong ngôi nhà của ông Mưu.

Hơn thế, việc tạo ra khung cảnh của ngôi nhà cổ ngay trên sân khấu cũng làm dịu đi và làm lòng người lắng xuống khi chứng kiến những mâu thuẫn gia đình đang dồn dập xảy ra. Không chỉ đề cập tới vấn đề đất đai, vở cải lương còn “nóng” ở nạn cá độ bóng đá, chơi chứng khoán bị thua khi các con của ông Mưu tham gia. Đó là những nguyên nhân khiến cho lòng tham trong mỗi con người được dịp bộc lộ rõ ràng và nhiều thủ đoạn mưu mô đã xuất hiện.

Ông Mưu đã ngã quỵ khi biết tin ngôi nhà cổ sẽ bị bán.

Sử dụng kết mở
Cậu em út trong gia đình từ một người khỏe mạnh nhưng vì nợ nần cá độ bóng đá đã giả vờ bị ung thư gan, rồi cô em gái cũng chơi chứng khoán nợ đến 5 tỷ…đã đưa đến việc ông bố bán ngôi nhà cổ để trả nợ cho các con. Thế nhưng, ngôi nhà cổ lại là nơi mà vợ chồng ông Mưu có nhiều kỷ niệm nên trong vở đã xuất hiện màn độc thoại ông Mưu với hồn ma người vợ đã mất rất mùi mẫn, khiến cho ai cũng rưng rưng xúc động.

Lúc này, gia đình ông Mưu đã chia thành 2 phe: một bên quyết giữ ngôi nhà cổ, một bên quyết bán để giả nợ. Cuối cùng, sau màn biểu quyết lấy ý kiến của số đông. Ngôi nhà đã quyết định được bán. Cao trào của vở kịch đã được đẩy lên đỉnh điểm khi cả gia đình ngồi chờ người mua đến giao tiền mới ngả ngửa ra: người bỏ tiền ra mua ngôi nhà này chính là anh cả, người đã chấp nhận bán ngôi nhà riêng anh ta đang ở cùng với số vàng được ông Mưu chia cho.
Người anh cả đã âm thầm bán ngôi nhà đang ở để cứu ngôi nhà cổ.

Nhưng đấy chưa phải là cái kết của vở cải lương. Những xung đột và câu chuyện đã từng diễn ra chỉ là giấc mơ của ông Mưu trong căn nhà cổ. Ông tỉnh dậy và vùng chạy khỏi những đứa con đang vây quanh mình. So với các vở cải lương hiện đại đã từng ra mắt trước đó, vở cải lương này đã tạo ra một cái kết mở để mỗi người xem khi rời rạp hát sẽ tự suy luận theo một hướng riêng cho vở diễn. Đó cũng là một nét mới trong khai thác cải lương hiện đại của đạo diễn Trần Quang Hùng. Ngay khi vừa ra mắt khán giả tại rạp Hồng Hà, vở cải lương đã nhận được cái gật đầu của các nhà quản lý và sẽ đưa vào khai thác biểu diễn bắt đầu từ tháng 7-2012.

Kết mở của vở cải lương là một cách khai thác mới về đề tài đất đai.

Thanh Xuân

“Mong gió đừng đổi chiều”

“Mong gió đừng đổi chiều” Thứ sáu, 29/06/2012  Báo Tài nguyên & Môi trường

(TN&MT) – Đó là tên vở cải lương đề tài hiện đại hiếm hoi của sân khấu miền Bắc vừa ra mắt khán giả tại Rạp Hồng Hà. Tác phẩm do Nhà hát Cải lương Hà Nội dàn dựng, đề cập đến nhiều vấn đề nhức nhối của đời sống xã hội đương đại như: Thua cá độ, vỡ nợ vì chứng khoán…

Rạp Hồng Hà tối công diễn vở Mong gió đừng đổi chiều không còn ghế trống, ghế phụ được huy động cũng không đủ, nhiều người phải đứng xem suốt gần 2 tiếng đồng hồ. Một điều lạ là không có khán giả nào bỏ về…

Một phần vì vở diễn không bán vé, một phần vì cái tên đạo diễn Trần Quang Hùng đã được khẳng định qua nhiều giải thưởng, hội diễn và lâu lâu sân khấu cải lương Hà Nội mới ra một vở, mà đặc biệt là vở với đề tài hiện đại.

Gần đây, đạo diễn Trần Quang Hùng vốn được xem là người “mát tay” với các vở cải lương đề tài hiện đại như vở Khi hoa nở trái mùa ra mắt năm ngoái rất thành công và bây giờ là Mong gió đừng đổi chiều cũng khẳng định tài năng ở một vấn đề hiện đại. Tác phẩm có sự tham gia diễn xuất tên tuổi như : Quang Huy, Kim Dung, Hồng Nhung, Quang Tuấn…

Vở cải lương Mong gió đừng đổi chiều được tác giả Chí Trung cảm tác theo tác phẩm Sám hối của PGS.TS. Phạm Quang Long, ThS. Triệu Trung Kiên chuyển thể. Tác phẩm xoay quanh câu chuyện về những biến động trong đời sống gia đình thời hiện đại. Đó là gia đình ông Mưu với năm người con, vốn sở hữu khu đất lớn, giá trị ngày một tăng cao nên con cái ông đều nhìn vào tài sản đó để tính toán cho riêng mình. Các con ông, mỗi người một tính một nết. Một bên là ông và người con trai cả với mong muốn gìn giữ mảnh đất cùng chiếc giếng thơi trong lành, một bên là những thành viên còn lại trong gia đình cháy bỏng nhu cầu bán bằng được ngôi nhà cổ xưa. Mâu thuẫn giữa hai quan điểm trái ngược của những người cùng máu mủ huyết thống nhưng tiền tài vật chất đã khiến họ thay đổi, quên đi những giá trị tinh thần tốt đẹp và khiến đại gia đình này lâm vào vòng xoáy chiếm đoạt, lừa gạt lẫn nhau.

Vở cải lương đưa người xem bước vào vòng xoáy tiền – tình giữa chính những người thân trong gia đình. Ở đó trước sự cố gắng gìn giữ nền nếp gia phong như gìn giữ báu vật của quá khứ tốt đẹp của nhiều thành viên trong gia đình và cả sự bất chấp tất cả chỉ để đáp ứng nhu cầu vật chất của những thành viên khác. Trong vòng xoáy đến chóng mặt ấy, hình ảnh ngôi nhà cổ, chiếc giếng thơi… như một lời nhắn gửi: Hãy gìn giữ như báu vật những gì thuộc về quá khứ tốt đẹp, thuộc về truyền thống cha ông để có thể sống tốt hơn trong hiện tại và có cơ sở vươn tới tương lai vững chắc.

Có lẽ thành công của Mong gió đừng đổi chiều phải kể đến lối xử lý táo bạo trong âm nhạc của Trần Quang Hùng. Dẫu có nhiều nét nhạc mới, dẫu tiếng trống, tiếng sanh ban đã bị lược bớt, người xem vẫn thấy rất ngọt, vẫn thấy những bài vọng cổ, Dạ cổ hoài lang,… “rỉ rả thêm muồi” rất cải lương. Đặc biệt, đạo diễn đã tạo “đất diễn” rất lớn cho từng diễn viên được thể hiện giọng ca của mình qua những đoạn ca rất dài.

Sở trường của NSƯT Trần Quang Hùng trong những vở chính – bi kịch mang tính luận đề cao, một cách tư duy đa tầng, sắc sảo. Với Mong gió đừng đổi chiều cũng vậy, anh đã khéo léo đề cập đến nhiều vấn đề nhức nhối của đời sống xã hội đương đại như thua cá độ, vỡ nợ vì chứng khoán… để rút ra những bài học quí giá cho mỗi người xem.

Cái khéo léo của Trần Quang Hùng là đã biết đan xen trong vở diễn có tính “phê phán” như Mong gió đừng đổi chiều những tiếng cười sảng khoái nhưng thâm thuý. Cũng nhờ thủ pháp nghệ thuật này mà vở diễn không quá nặng nề. Trần Quang Hùng đã kể một câu chuyện hấp dẫn dựa trên một cốt truyện giản dị. Hiện thực trần trụi của cuộc sống không được đạo diễn bê nguyên xi lên sân khấu mà đã được nghệ thuật hóa và tinh giảm nhiều chi tiết vụn vặt. Có lẽ vì thế mà Mong gió đừng đổi chiều vẫn đầy chiêm nghiệm, rất đúng với phong cách dựng vở của Trần Quang Hùng.

Mai Hồng – Lê Thu