Vị đắng cần thiết…

Mong gió đừng đổi chiều:

Báo Hà nội mới cuối tuần.

Bảo Lâm

Nhìn từ hàng ghế khán giả, vở diễn “Mong gió đừng đổi chiều” đúng là một hiện tượng của cải lương Hà Nội: Hầu hết các đêm diễn đều không còn ghế trng, hôm ra mắt, ghế ph được huy động cũng không đủ, nhiu người phi đứng xem đến cảnh cuối…

Đắng lòng chuyện hậu đô thị hóa

Vở cải lương “Mong gió đừng đổi chiều” được tác giả Chí Trung cảm tác theo tác phẩm “Sám hối” của PGS.TS. Phạm Quang Long, ThS. Triệu Trung Kiên chuyển thể, NSƯT Trần Quang Hùng đạo diễn. Đây là một câu chuyện mang tính phổ biến về hệ lụy của cơn lốc đô thị hóa, khi đất đai trở thành một thứ tài sản có giá trị quá lớn, và truyền thống gia đình bị xem nhẹ. Khái quát là thế, nhưng khi đi vào mỗi gia đình, câu chuyện ấy hiện hữu bằng những rạn vỡ, trả giá bằng nước mắt, nỗi xót xa, thậm chí cả mạng sống.

“Mong gió đừng đổi chiều” lấy bối cảnh duy nhất là ngôi nhà cổ của ông Mưu – người cha đơn thân sở hữu một khu đất rộng lớn với 5 người con đã trưởng thành. Khi quyết định bán đi một phần đất để mua vàng chia cho các con, chỉ giữ lại ngôi nhà cổ với cái giếng thơi, ông Mưu những tưởng mình đã có thể yên tâm sống với góc riêng đầy kỷ niệm. Nhưng đó lại là sự khởi đầu của bi kịch. Người con trai thứ vì thua cá độ giả mắc bệnh nan y để được chia thêm tiền, cô con gái út cậy nhà nhiều đất lao vào chứng khoán như một con thiêu thân, những người khác thì tranh giành, nghi kỵ lẫn nhau bởi nghĩ bố chia của không đều và ép ông bán nốt ngôi nhà cổ. Người cha chua chát trong nỗi đau bị con cái dày vò vì tiền bạc, trong suy nghĩ “quạt rách không làm nên gió”, ông đã đồng ý bán đi phần “hồn” của mình. Người anh cả muốn giúp cha giữ nhà, bèn bày ra màn kịch ăn cắp vàng của chính mình. Nhưng lương tri không được đánh thức một cách dễ dàng bằng nhận thức về sự tan vỡ của một đại gia đình, mà nó còn là sự trả giá của mỗi cá nhân: người con giả bệnh ngã bệnh thật, người anh cả bị tai biến… “Mong gió đừng đổi chiều” đưa đến một cái kết mở khá bất ngờ: người cha tỉnh dậy và biết rằng những thứ ông vừa trải qua chỉ là một cơn ác mộng, nhưng cùng lúc đó, các con ông lại đưa ra đề nghị… bán nhà! Vở diễn kết thúc với cảnh người cha đập vào những chiếc mặt nạ từ trên nóc sân khấu rơi xuống – những chiếc mặt nạ mà các con ông vẫn đeo nhưng giờ ông mới nhận ra – cùng với tiếng chuông cảnh tỉnh về đạo làm con, làm người, cảnh tỉnh về sự cần thiết phải giữ gìn giá trị truyền thống.

Đổi mới cải lương để gần với khán giả

Đi xem vở diễn, nhiều người quen ngạc nhiên khi thấy đạo diễn, NSƯT Trần Quang Hùng lặng lẽ ngồi lẫn vào hàng ghế khán giả. Thì ra, với vở nào của Nhà hát, anh cũng cố tình làm vậy để lắng nghe được những phản hồi thật nhất từ người xem. Sau một số buổi diễn, đạo diễn này đã có thể thở phào sung sướng vì tác phẩm đã được người xem đồng cảm, hứng thú. Anh tâm sự: “Thành công nhất của tôi với vở diễn này là đã kéo được khán giả đến xem, bàn luận và suy ngẫm khi ra về. Sân khấu đã nói được tiếng nói của họ, đề cập đến vấn đề họ quan tâm và tác động đến nhận thức, hành động của người xem – điều rất cần với một vở diễn về đề tài hiện đại”.

Không chỉ gây ấn tượng bởi đề cập đến một vấn đề nóng bỏng và nhạy cảm là mối quan hệ gia đình, cách đối xử với các giá trị truyền thống trước vòng xoáy đô thị hóa, vở diễn còn khơi gợi hứng thú với nghệ thuật cải lương ở nhiều thế hệ khán giả nhờ một lối dàn dựng hiện đại, giàu chất điện ảnh. Cách kết mở gợi nhiều suy ngẫm nơi người xem và cũng chứng tỏ đạo diễn rất dụng công trong việc tìm hiểu tâm lý xã hội và khắc họa chúng trên sân khấu. Người xem từng thưởng thức những vở do Trần Quang Hùng đạo diễn như “Luận anh hùng”, “Lễ mở xiêm áo”, “Mẹ của chúng con”, “Yêu là thoát tội”, “Khi hoa nở trái mùa”… sẽ dễ dàng nhận thấy phong cách dựng của anh: một lối dựng chính kịch sâu sắc với nhiều tầng ý nghĩa, thể hiện thông điệp bằng nhiều hình ảnh có tính biểu trưng cao.

Nhà biên kịch, phê bình sân khấu Lê Quý Hiền nhận xét: “Mong gió đừng đổi chiều” là một vở diễn đặc sắc, thể hiện sự tinh tế của đạo diễn khi chọn đề tài hiện đại, thời sự nhưng cũng rất giầu tính nhân văn. Đạo diễn đã đưa lên sân khấu nhiều mảng miếng có tính biểu tượng, giàu triết lý, những tình huống hết sức bất ngờ với người xem và thể hiện vở diễn một cách mạch lạc. Một vở diễn đảm bảo được cả yếu tố nghe và xem, đúng chất cải lương mà vẫn rất hấp dẫn với khán giả hiện nay”.


Gửi phản hồi cho bài viết