“Mong gió đừng đổi chiều”

“Mong gió đừng đổi chiều” Thứ sáu, 29/06/2012  Báo Tài nguyên & Môi trường

(TN&MT) – Đó là tên vở cải lương đề tài hiện đại hiếm hoi của sân khấu miền Bắc vừa ra mắt khán giả tại Rạp Hồng Hà. Tác phẩm do Nhà hát Cải lương Hà Nội dàn dựng, đề cập đến nhiều vấn đề nhức nhối của đời sống xã hội đương đại như: Thua cá độ, vỡ nợ vì chứng khoán…

Rạp Hồng Hà tối công diễn vở Mong gió đừng đổi chiều không còn ghế trống, ghế phụ được huy động cũng không đủ, nhiều người phải đứng xem suốt gần 2 tiếng đồng hồ. Một điều lạ là không có khán giả nào bỏ về…

Một phần vì vở diễn không bán vé, một phần vì cái tên đạo diễn Trần Quang Hùng đã được khẳng định qua nhiều giải thưởng, hội diễn và lâu lâu sân khấu cải lương Hà Nội mới ra một vở, mà đặc biệt là vở với đề tài hiện đại.

Gần đây, đạo diễn Trần Quang Hùng vốn được xem là người “mát tay” với các vở cải lương đề tài hiện đại như vở Khi hoa nở trái mùa ra mắt năm ngoái rất thành công và bây giờ là Mong gió đừng đổi chiều cũng khẳng định tài năng ở một vấn đề hiện đại. Tác phẩm có sự tham gia diễn xuất tên tuổi như : Quang Huy, Kim Dung, Hồng Nhung, Quang Tuấn…

Vở cải lương Mong gió đừng đổi chiều được tác giả Chí Trung cảm tác theo tác phẩm Sám hối của PGS.TS. Phạm Quang Long, ThS. Triệu Trung Kiên chuyển thể. Tác phẩm xoay quanh câu chuyện về những biến động trong đời sống gia đình thời hiện đại. Đó là gia đình ông Mưu với năm người con, vốn sở hữu khu đất lớn, giá trị ngày một tăng cao nên con cái ông đều nhìn vào tài sản đó để tính toán cho riêng mình. Các con ông, mỗi người một tính một nết. Một bên là ông và người con trai cả với mong muốn gìn giữ mảnh đất cùng chiếc giếng thơi trong lành, một bên là những thành viên còn lại trong gia đình cháy bỏng nhu cầu bán bằng được ngôi nhà cổ xưa. Mâu thuẫn giữa hai quan điểm trái ngược của những người cùng máu mủ huyết thống nhưng tiền tài vật chất đã khiến họ thay đổi, quên đi những giá trị tinh thần tốt đẹp và khiến đại gia đình này lâm vào vòng xoáy chiếm đoạt, lừa gạt lẫn nhau.

Vở cải lương đưa người xem bước vào vòng xoáy tiền – tình giữa chính những người thân trong gia đình. Ở đó trước sự cố gắng gìn giữ nền nếp gia phong như gìn giữ báu vật của quá khứ tốt đẹp của nhiều thành viên trong gia đình và cả sự bất chấp tất cả chỉ để đáp ứng nhu cầu vật chất của những thành viên khác. Trong vòng xoáy đến chóng mặt ấy, hình ảnh ngôi nhà cổ, chiếc giếng thơi… như một lời nhắn gửi: Hãy gìn giữ như báu vật những gì thuộc về quá khứ tốt đẹp, thuộc về truyền thống cha ông để có thể sống tốt hơn trong hiện tại và có cơ sở vươn tới tương lai vững chắc.

Có lẽ thành công của Mong gió đừng đổi chiều phải kể đến lối xử lý táo bạo trong âm nhạc của Trần Quang Hùng. Dẫu có nhiều nét nhạc mới, dẫu tiếng trống, tiếng sanh ban đã bị lược bớt, người xem vẫn thấy rất ngọt, vẫn thấy những bài vọng cổ, Dạ cổ hoài lang,… “rỉ rả thêm muồi” rất cải lương. Đặc biệt, đạo diễn đã tạo “đất diễn” rất lớn cho từng diễn viên được thể hiện giọng ca của mình qua những đoạn ca rất dài.

Sở trường của NSƯT Trần Quang Hùng trong những vở chính – bi kịch mang tính luận đề cao, một cách tư duy đa tầng, sắc sảo. Với Mong gió đừng đổi chiều cũng vậy, anh đã khéo léo đề cập đến nhiều vấn đề nhức nhối của đời sống xã hội đương đại như thua cá độ, vỡ nợ vì chứng khoán… để rút ra những bài học quí giá cho mỗi người xem.

Cái khéo léo của Trần Quang Hùng là đã biết đan xen trong vở diễn có tính “phê phán” như Mong gió đừng đổi chiều những tiếng cười sảng khoái nhưng thâm thuý. Cũng nhờ thủ pháp nghệ thuật này mà vở diễn không quá nặng nề. Trần Quang Hùng đã kể một câu chuyện hấp dẫn dựa trên một cốt truyện giản dị. Hiện thực trần trụi của cuộc sống không được đạo diễn bê nguyên xi lên sân khấu mà đã được nghệ thuật hóa và tinh giảm nhiều chi tiết vụn vặt. Có lẽ vì thế mà Mong gió đừng đổi chiều vẫn đầy chiêm nghiệm, rất đúng với phong cách dựng vở của Trần Quang Hùng.

Mai Hồng – Lê Thu

Category: Tin nhà hát

Gửi phản hồi cho bài viết