“Yêu là thoát tội”
Thứ ba 26/07/2011 00:46
Lạ và quen
Vở diễn chưa ra mắt, nhiều khán giả đã kháo nhau: Đây chính là vở “Đêm của bóng tối” mà Nhà hát Kịch Việt Nam đã dàn dựng cách đây vài tháng. Điều này mới chỉ đúng một nửa khi 2 vở diễn có cùng một cha đẻ là nhà viết kịch Lê Chí Trung. Tuy nhiên, khác với NSND Lê Hùng khi xây dựng vở diễn theo lối phản ánh lịch sử thì đạo diễn Trần Quang Hùng lại nảy ra ý tưởng sẽ dã sử hóa kịch bản. Vì thế, khán giả khi xem vở diễn đều cảm nhận được sự quen thuộc trong cái lạ, lạ về cách kết thúc của câu chuyện, lạ về nhiều thủ pháp nghệ thuật được sử dụng ăn nhập với ngôn ngữ và tiết tấu của cải lương.
Chính cái sự lạ này đã giúp đạo diễn Trần Quang Hùng tạo nên một vở cải lương ấn tượng thể hiện được dấu ấn cá nhân. Có quá nhiều đường dẫn và cách tiếp cận để khán giả có thể hiểu được ý đồ của đạo diễn và tinh thần của vở diễn. Một hòn bi ve được đặt trong hộp khi viên hoạn quan mở ra và bắt đầu cho những âm mưu và thủ đoạn xấu xa nhằm hãm hại Nguyễn Thái úy được đạo diễn Trần Quang Hùng dùng làm hình ảnh tượng trưng cho tấm lòng ngay thẳng, không gợn lòng tham và toan tính cá nhân. Và có một chi tiết khá thú vị là hình ảnh rừng trúc được chiếu làm phông nền cho một cảnh diễn với sự liên tưởng cây mọc thẳng khỏe khoắn vươn lên trời cao gợi mở cho khán giả đến với nhân vật Nguyễn Thái Úy chính trực một lòng vì nước, vì dân.
Từ những thủ pháp nghệ thuật
Tuy không tuân thủ một cách nghiêm ngặt những tình tiết của lịch sử song đạo diễn Trần Quang Hùng vẫn lấy được nước mắt của khán giả với nỗi đau của kỳ án Lệ Chi Viên. Và vở diễn vẫn làm toát lên vẻ đẹp của người Anh hùng dân tộc với nỗi niềm về giang sơn, gấm vóc. Bên cạnh đó, khán giả vẫn thấy hiện lên hình ảnh của người phụ nữ tài sắc vẹn toàn-học sỹ Thị Lan giằng xé mối tình với nhà vua và Nguyễn Thái Úy. Đây có thể coi là yếu tố hư cấu và thể hiện cái nhìn riêng của đạo diễn Trần Quang Hùng về lịch sử.
Chỉ dựa trên yếu tố này, đạo diễn đã tạo ra nhiều lớp cảnh thể hiện nội tâm nhân vật Thị Lan với đạo cụ sân khấu đẹp mắt mang tính gợi mở. Chẳng hạn như màn chơi ánh sáng với bóng của Thị Lan in trên bình phong. Và khi nhà vua bước vào, xung đột kịch được đẩy lên cao, trên sân khấu là màn rượt đuổi giữa 2 cái bóng và kết thúc bằng việc nhà vua và Thị Lan xé toạc bình phong bước ra ngoài. Bằng thủ pháp nghệ thuật này, đã lột tả được ý đồ của đạo diễn khi muốn chuyển tải đến khán giả một thông điệp: vua là người đặt ra luật lệ nhưng cũng sẵn sàng phá rào để được sống như một người bình thường, được yêu và được hưởng hạnh phúc.
Cảnh diễn đỉnh điểm của vở cải lương thể hiện được tính nhân văn cho toàn bộ vở diễn là cảnh kết thúc khi nhà vua về quê của Nguyễn Thái Úy. Khi xem đến đây, rất nhiều người sẽ nhầm tưởng về một kết thúc bi thảm. Nhưng không, vở diễn lại mở ra trước mắt người xem những giây phút hồi hộp, chờ đợi để rồi nhẹ nhõm khi mọi âm mưu đều tan biến trước sức mạnh của tình yêu và lòng vị tha. Nhà vua có thể dùng quyền lực để ép buộc Thị Lan nhưng tấm lòng và tâm hồn của người ấy đã thuộc về Thái Úy thì việc sở hữu thể xác không còn ý nghĩa.
Kết thúc có hậu, ca ngợi tình yêu cao cả, vở cải lương “Yêu là thoát tội” đã khép lại trong tiếng vỗ tay của khán giả.
Phạm Thu Hương
Báo điện tử An Ninh Thủ Đô
http://www.anninhthudo.vn/Giai-tri/Yeu-la-thoat-toi/408378.antd