Bài viết trong danh mục »Báo chí viết về nhà hát «
Chủ nhật 08/07/2012 13:00
ANTĐ -Trong khi các nhà hát đang rầm rộ dựng vở để tham gia liên hoan sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc thì Nhà hát Cải lương Hà Nội đã kịp tung ra vở diễn liên quan tới đề tài nóng của cuộc sống đương đại. “Mong gió đừng đổi chiều” đã đề cập trực diện tới bi kịch gia đình nảy sinh từ đất đai.
Bi kịch của lòng tham
Dựa trên kịch bản của tác giả Lê Chí Trung, đạo diễn Trần Quang Hùng cùng các nghệ sỹ Nhà hát Cải Lương Hà Nội đã mang đến cho những người yêu mến nghệ thuật sân khấu một vở diễn đầy xung đột và kịch tính. Không lựa chọn lối vào vở gây kịch tính ngay từ giây phút mở màn, vở diễn đã mở ra trước mắt người xem khung cảnh hạnh phúc và đầm ấm của một gia đình thuần Việt.
Nhưng không để khán giả phải chờ đợi lâu, sự mâu thuẫn đã bắt đầu xuất hiện khi ông Mưu, người cha của 5 đứa con quyết định chia số tiền đã bán từ mảnh đất nhà ông. 5 hộp vàng được đưa ra để chia cho mỗi con một hộp. Cũng từ đó, sự nghi kỵ lẫn nhau giữa các con của ông Mưu về số vàng thực tế đựng trong mỗi hộp đã dẫn dắt khán giả đến với bi kịch của lòng tham, con lừa dối cha, em lừa dối anh, anh em ghen ghét, thù hằn nhau.
Vở cải lương đã được mở đầu bằng khung cảnh hạnh phúc của gia đình ông Mưu.
Nếu như vở diễn chỉ dừng lại ở việc diễn tả mâu thuẫn gia đình có lẽ đã không lấy đi của khán giả nhiều cảm xúc đến thế. Đan xen trong bi kịch đang đẩy cao dần qua từng lớp cảnh, đạo diễn đã dùng đến những hình ảnh mang tính biểu trưng cho nề nếp gia phong đã tồn tại bao đời này như: hình ảnh ngôi nhà cổ, chiếc giếng khơi để gợi người xem đến với ý nghĩa cao cả của truyền thống gia đình, quá khứ tốt đẹp đã từng hiện diện trong ngôi nhà của ông Mưu.
Hơn thế, việc tạo ra khung cảnh của ngôi nhà cổ ngay trên sân khấu cũng làm dịu đi và làm lòng người lắng xuống khi chứng kiến những mâu thuẫn gia đình đang dồn dập xảy ra. Không chỉ đề cập tới vấn đề đất đai, vở cải lương còn “nóng” ở nạn cá độ bóng đá, chơi chứng khoán bị thua khi các con của ông Mưu tham gia. Đó là những nguyên nhân khiến cho lòng tham trong mỗi con người được dịp bộc lộ rõ ràng và nhiều thủ đoạn mưu mô đã xuất hiện.
Ông Mưu đã ngã quỵ khi biết tin ngôi nhà cổ sẽ bị bán.
Sử dụng kết mở
Cậu em út trong gia đình từ một người khỏe mạnh nhưng vì nợ nần cá độ bóng đá đã giả vờ bị ung thư gan, rồi cô em gái cũng chơi chứng khoán nợ đến 5 tỷ…đã đưa đến việc ông bố bán ngôi nhà cổ để trả nợ cho các con. Thế nhưng, ngôi nhà cổ lại là nơi mà vợ chồng ông Mưu có nhiều kỷ niệm nên trong vở đã xuất hiện màn độc thoại ông Mưu với hồn ma người vợ đã mất rất mùi mẫn, khiến cho ai cũng rưng rưng xúc động.
Lúc này, gia đình ông Mưu đã chia thành 2 phe: một bên quyết giữ ngôi nhà cổ, một bên quyết bán để giả nợ. Cuối cùng, sau màn biểu quyết lấy ý kiến của số đông. Ngôi nhà đã quyết định được bán. Cao trào của vở kịch đã được đẩy lên đỉnh điểm khi cả gia đình ngồi chờ người mua đến giao tiền mới ngả ngửa ra: người bỏ tiền ra mua ngôi nhà này chính là anh cả, người đã chấp nhận bán ngôi nhà riêng anh ta đang ở cùng với số vàng được ông Mưu chia cho.
Người anh cả đã âm thầm bán ngôi nhà đang ở để cứu ngôi nhà cổ.
Nhưng đấy chưa phải là cái kết của vở cải lương. Những xung đột và câu chuyện đã từng diễn ra chỉ là giấc mơ của ông Mưu trong căn nhà cổ. Ông tỉnh dậy và vùng chạy khỏi những đứa con đang vây quanh mình. So với các vở cải lương hiện đại đã từng ra mắt trước đó, vở cải lương này đã tạo ra một cái kết mở để mỗi người xem khi rời rạp hát sẽ tự suy luận theo một hướng riêng cho vở diễn. Đó cũng là một nét mới trong khai thác cải lương hiện đại của đạo diễn Trần Quang Hùng. Ngay khi vừa ra mắt khán giả tại rạp Hồng Hà, vở cải lương đã nhận được cái gật đầu của các nhà quản lý và sẽ đưa vào khai thác biểu diễn bắt đầu từ tháng 7-2012.
Kết mở của vở cải lương là một cách khai thác mới về đề tài đất đai.
Thanh Xuân
09:47 | 26/06/2012 | ||
(ĐCSVN) – Tối 25/6, tại rạp Hồng Hà, Nhà hát Cải lương Hà Nội ra mắt vở diễn mới với tựa đề “Mong gió đừng đổi chiều”.
Vở cải lương được tác giả Chí Trung cảm tác theo tác phẩm “Sám hối” của PGS.TS Phạm Quang Long, Th.S Triệu Trung Kiên chuyển thể. Tác phẩm xoay quanh câu chuyện về những biến động trong đời sống gia đình thời hiện đại. Đó là gia đình ông Mưu với năm người con, vốn sở hữu khu đất lớn, giá trị ngày một tăng cao nên con cái ông đều nhìn vào tài sản đó để tính toán cho riêng mình. Các con ông, mỗi người một tính một nết, dù được cha bán bớt đất đi, chia cho một phần gia tài nhưng vì nhiều lý do như thua cá độ, vỡ nợ vì chứng khoán nên họ muốn cha mình bán nốt mảnh đất hương hỏa, mảnh đất lưu giữ bao kỷ niệm với người mẹ tảo tần đã mất. Một bên là ông và người con trai cả với mong muốn gìn giữ mảnh đất cùng chiếc giếng thơi trong lành, một bên là những thành viên còn lại trong gia đình cháy bỏng nhu cầu bán bằng được ngôi nhà cổ xưa. Mâu thuẫn giữa hai quan điểm trái ngược của những người cùng máu mủ huyết thống nhưng tiền tài vật chất đã khiến họ thay đổi, quên đi những giá trị tinh thần tốt đẹp và khiến đại gia đình này lâm vào vòng xoáy chiếm đoạt, lừa gạt lẫn nhau và bao biến cố lớn đã xuất hiện. Thông qua câu chuyện về một gia đình trước biến động lớn lao của xã hội, ê kíp dựng vở muốn gửi gắm qua hình ảnh ngôi nhà cổ, chiếc giếng thơi… như biểu tượng của truyền thống, của nề nếp gia phong lời nhắn gửi: Hãy gìn giữ như báu vật những gì thuộc về quá khứ tốt đẹp, thuộc về truyền thống cha ông để có thể sống tốt hơn trong hiện tại và có cơ sở vươn tới tương lai vững chắc. Tác phẩm do NSƯT Trần Quang Hùng đạo diễn, với dàn diễn viên tham gia diễn xuất tên tuổi như: Quang Huy, Kim Dung, Hồng Nhung, Quang Tuấn… |
||
Các từ khóa theo tin: | ||
K.T |
(LV) – Vở cải lương đã chính thức được các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Hà Nội ra mắt công chúng Thủ đô vào tối 26/6/2012 tại rạp Hồng Hà (51 Đường Thành, Hà Nội).
Vở cải lương được tác giả Chí Trung cảm tác theo tác phẩm “Sám hối” của PGS.TS Phạm Quang Long, xoay quanh câu chuyện về những biến động trong đời sống gia đình thời hiện đại. Trong không gian ngôi nhà cổ với chiếc giếng gợi lại nét đẹp văn hóa xưa, vở cải lương đưa người xem bước vào vòng xoáy tiền – tình giữa chính những người thân trong gia đình. Ở đó trước sự cố gắng gìn giữ nền nếp gia phong như gìn giữ báu vật của quá khứ tốt đẹp của nhiều thành viên trong gia đình, cũng có cả sự bất chấp tất cả chỉ để đáp ứng nhu cầu vật chất của những thành viên khác.
Các diễn viên tham gia vở cải lương “Mong gió đừng đổi chiều”. |
Đó là gia đình ông Mưu với năm người con, vốn sở hữu khu đất lớn, giá trị ngày một tăng cao nên con cái ông đều nhìn vào tài sản đó để tính toán cho riêng mình. Các con ông, mỗi người một tính một nết, dù được cha bán bớt đất đi, chia cho một phần gia tài nhưng vì nhiều lý do như thua cá độ, vỡ nợ vì chứng khoán nên họ muốn cha mình bán nốt mảnh đất hương hỏa, mảnh đất lưu giữ bao kỷ niệm với người mẹ tảo tần đã mất. Một bên là ông và người con trai cả với mong muốn gìn giữ mảnh đất cùng chiếc giếng thơi trong lành, một bên là những thành viên còn lại trong gia đình cháy bỏng nhu cầu bán bằng được ngôi nhà cổ xưa. Mâu thuẫn giữa hai quan điểm trái ngược của những người cùng máu mủ huyết thống nhưng tiền tài vật chất đã khiến họ thay đổi, quên đi những giá trị tinh thần tốt đẹp và khiến đại gia đình này lâm vào vòng xoáy chiếm đoạt, lừa gạt lẫn nhau và bao biến cố lớn đã xuất hiện.
Tác phẩm do NSƯT Trần Quang Hùng đạo diễn cũng đề cập đến nhiều vấn đề nhức nhối của đời sống xã hội đương đại như: thua cá độ, vỡ nợ vì chứng khoán… với sự tham gia diễn xuất của dàn nghệ sĩ cải lương tên tuổi như: Quang Huy, Kim Dung, Hồng Nhung, Quang Tuấn…
Vũ Minh
Thứ hai 25/06/2012 22:37
Vở cải lương được tác giả Chí Trung cảm tác theo tác phẩm “Sám hối” của PGS.TS Phạm Quang Long, xoay quanh câu chuyện về những biến động trong đời sống gia đình thời hiện đại. Trong không gian ngôi nhà cổ với chiếc giếng gợi lại nét đẹp văn hóa xưa, vở cải lương đưa người xem bước vào vòng xoáy tiền – tình giữa chính những người thân trong gia đình. Ở đó trước sự cố gắng gìn giữ nền nếp gia phong như gìn giữ báu vật của quá khứ tốt đẹp của nhiều thành viên trong gia đình, cũng có cả sự bất chấp tất cả chỉ để đáp ứng nhu cầu vật chất của những thành viên khác.
Tác phẩm do NSƯT Trần Quang Hùng đạo diễn cũng đề cập đến nhiều vấn đề nhức nhối của đời sống xã hội đương đại như: thua cá độ, vỡ nợ vì chứng khoán… với sự tham gia diễn xuất của dàn nghệ sĩ cải lương tên tuổi như: Quang Huy, Kim Dung, Hồng Nhung, Quang Tuấn…
Ngọc Hà
http://www.anninhthudo.vn/Hau-truong/Mong-gio-dung-doi-chieu/452788.antd
Cải lương Hà Nội:
Kiên trì tìm khán giả
Trích nguồn: Báo Hà Nội mới số Cuối tuần (Số 9) Thứ Bảy ngày 03/03/2012.; Tg: Hà Trường
Đưa tiếng Anh vào cải lương để phục vụ khách du lịch, đem hiệu ứng hình ảnh của sân khấu hiện đại vào vở diễn, tận dụng những mảng miếng rất mới… không ai có thể phủ nhận sự cố gắng đến cần mẫn của Nhà hát Cải lương Hà Nội trong việc đổi mới tìm khán giả.
Nhiều tìm tòi…
Lần nào gặp tôi cũng “bị” đạo diễn, NSƯT Trần Quang Hùng “quấn phăng” vào cuộc nói chuyện dài tới vài tiếng về các vở diễn. Câu chuyện lúc nào cũng bắt đầu từ cảm hứng, ý tưởng vở diễn, cảm xúc cực trào ở các mảng miếng và kết thúc trong nỗi trăn trở tìm khán giả. Thước đo của sân khấu là khán giả, người đạo diễn dẫu có tài năng, nhà hát dẫu có dàn diễn viên tốt mà khán giả không tìm đến thì cũng chỉ là con số không tròn trĩnh mà thôi. Vì muốn tìm khán giả, với những vở diễn mới ra lò, Nhà hát đều bấm bụng thuê rạp rộng hơn để diễn. Vì khán giả, có khi tập thể Nhà hát phải bớt phần tiền công của mình để chi cho những đạo cụ đắt tiền. Vì khán giả, ban giám đốc Nhà hát cũng “lặn lội” hơn trong việc tìm tới các đơn vị truyền thông, báo chí… Nhưng để tìm thêm đất sống cho cải lương bằng cách đưa tiếng Anh vào vở diễn, đó là một thử nghiệm táo bạo, không chỉ riêng với Nhà hát Cải lương Hà Nội.
Nằm trong khu phố cổ Hà Nội, rạp Chuông Vàng là một địa chỉ được nhiều khách du lịch nước ngoài ghé thăm. Nhưng do chưa tìm được cách tiếp cận đúng nên đây mới chỉ là nơi du khách ghé qua, chưa thành một địa chỉ đỏ trong tour du lịch Hà Nội. Chính điều này đã tạo nên động lực cho một dự án được ấp ủ từ lâu: đưa cải lương đến với du khách nước ngoài. Đạo diễn, NSƯT Trần Quang Hùng, giám đốc Nhà hát chia sẻ: “Trước đây, với mỗi vở diễn, Nhà hát đều làm các tờ rơi, trong đó có phần tóm tắt nội dung bằng tiếng Anh để phát cho du khách. Tháng 8/2011, Nhà hát có thử nghiệm dịch trực tiếp nội dung lần đầu tiên với vở “Mệnh đế vương”, dịch cả lời thoại, lời hát và thu đĩa sau đó phát qua tai nghe cho người xem. Tuy nhiên, thời lượng vở diễn quá dài, cách dịch trước này đôi khi không khớp, khiến khán giả theo dõi rất mệt mỏi, thậm chí… không hiểu. Vì vậy, mới đây Nhà hát đã cho ra mắt dự án dịch tiếng Anh trực tiếp với những trích đoạn tiêu biểu của nghệ thuật cải lương, dân ca. Chúng tôi xây dựng một phòng thu riêng, dịch trực tiếp theo thoại, hát trên sân khấu”.
Có công mài sắt…
Đầu tư khá tốn kém, việc dịch cũng phải chọn mặt gửi vàng, nhờ người am hiểu nghệ thuật cải lương thực hiện… nhưng những gì Nhà hát Cải lương Hà Nội nhận được sau hai đêm diễn công bố dự án, tối 17, 18/2 vừa qua chưa thật sự như kỳ vọng. Khán giả vẫn chật rạp Chuông Vàng, nhưng du khách thì thưa thớt. Có lẽ họ chưa biết nhiều tới dự án này. Nỗ lực làm mới chưa được truyền thông một cách thích đáng?
Tuy nhiên, sự mới mẻ và tính thu hút của dự án được những người tham dự đánh giá rất cao. Đứng ở góc độ của khách du lịch, những trích đoạn ngắn với phần dịch nội dung đầy đủ có thể giới thiệu đến du khách nghệ thuật cải lương một cách hợp lý nhất. Đại diện một công ty lữ hành cho rằng việc bắt tay với Nhà hát Cải lương Hà Nội sẽ làm tăng thêm nhiều chương trình đa dạng để “chào mời” du khách nước ngoài khi đi tour trong nội đô Hà Nội. Tuy nhiên vẫn còn những hạt sạn trong việc chọn tiết mục biểu diễn. NSND Mạnh Tưởng góp ý Nhà hát nên chọn những gì tinh túy nhất của cải lương để giới thiệu cho khán giả trong và ngoài nước thay vì thực hiện những chương trình mang tính tạp kỹ.
Sân khấu kịch hát truyền thống đang trong cơn khủng hoảng khán giả và những người tha thiết với nó không còn cách nào khác ngoài việc tìm tòi đổi mới. Nỗ lực ấy nhọc nhằn ở ngay cả ở quê hương cải lương, nơi vùng đất Nam Bộ, khi chúng ta đã chứng kiến những vở cải lương được đầu tư cả tỷ đồng vẫn vắng khách. Ở đất Bắc, nỗ lực ấy càng nhọc nhằn hơn, dù rằng nơi này, nghệ thuật cải lương cũng đã có những thời kỳ thăng hoa. Chính NSƯT Trần Quang Hùng thừa nhận: Ban lãnh đạo Nhà hát và các anh nghệ sỹ đang trên con đường mày mò, tự suy nghĩ, tự bàn và tự làm. Chúng tôi không đặt nhiều kỳ vọng lớn trong dự án nghệ thuật. Còn kết quả đến mức độ nào thì chúng tôi đều sẵn sàng đón nhận. Nhưng tôi nghĩ, hãy cứ làm và mạnh dạn làm thì mới “phát lộ” ra nhiều ý tưởng hay và nghệ thuật cải lương sẽ phát triển.
Và với một tình yêu chân thành dành cho kịch hát truyền thống như thế, một nỗ lực như thế, khán giả nỡ lòng nào quay lưng với họ?!
20/02/2012 08:52:36 AM
(LĐ) – Với mong muốn đưa nghệ thuật cải lương đến gần hơn với khán giả quốc tế, Nhà hát Cải lương Hà Nội quyết định “thử nghiệm lần hai” bằng cách ở mỗi tiết mục của chương trình nghệ thuật sẽ có bản dịch tiếng Anh dành cho khán giả nước ngoài… thông qua tai nghe.
Tránh tình trạng gây mệt mỏi cho khán giả ngoại quốc khi phải “đeo bám” nội dung dài như ở lần thử nghiệm đầu tiên với vở “Mệnh đế vương”, lần này, Nhà hát Cải lương Hà Nội rút bớt thời lượng trong 7 tiết mục ngắn: Màn trống hội, bài hát Dạ cổ hoài lang, bài hát Lý ngựa ô, kịch ngắn Kẻ trộm đêm giao thừa, múa Chăm, bài hát tân cổ Tình yêu trên dòng sông quan họ và múa sáo.
Có thể coi việc đưa tiếng Anh vào chương trình là một hành động tích cực của Nhà hát Cải lương Hà Nội trong việc quảng bá nghệ thuật truyền thống VN tới du khách nước ngoài.
Theo NSƯT Trần Quang Hùng – GĐ Nhà hát Cải lương Hà Nội – thì điều khó nhất là phải truyền tải được hết ý nghĩa đến với khán giả ngoại, vì vậy, ở tiết mục kịch ngắn sẽ có lời dịch lời thoại của diễn viên trực tiếp thông qua tai nghe còn với các tiết mục múa hát sẽ có bản dịch giới thiệu sơ lược về nội dung.
Có hai đêm (17 và 18.2) công diễn để trưng cầu ý kiến, chương trình này nhận được khá nhiều góp ý của các nhà chuyên môn, quản lý, các công ty lữ hành và khán giả nước ngoài. NSND Mạnh Tưởng khẳng định đây là một ý tưởng khá táo bạo của Nhà hát Cải lương Hà Nội. Tuy nhiên, không nên biến cải lương thành tạp kỹ, hãy chọn cái gì tinh túy nhất của cải lương để giới thiệu cho khán giả trong và ngoài nước.
Ông Phạm Quang Long – GĐ Sở VHTTDL Hà Nội – lại cho rằng phần lời dịch là “mấu chốt” quan trọng. Chính vì vậy, phải lựa chọn người dịch thật sự am hiểu về nghệ thuật cải lương và thông thạo tiếng Anh mới có thể chuyển tải đúng ngữ điệu, giúp khán giả hiểu được kịch tính và nội dung của chương trình.
Chăm chú theo dõi từ đầu đến cuối chương trình, ông Steve Grove – 67 tuổi, một du khách Australia – hào hứng nói: “Đây là lần đầu tiên tôi với vợ đến VN du lịch, có rất nhiều địa điểm cũng như nền văn hóa của các bạn gây tò mò xen lẫn thú vị cho chúng tôi. Đặc biệt sau khi xem chương trình nghệ thuật này, chúng tôi hiểu rõ hơn về một trong những loại hình nghệ thuật cổ truyền của nước bạn…”.
Ông Lê Quang Đạo – Phó GĐ Cty du lịch Tầm Nhìn Việt – nhìn nhận, hợp lý nhất là đưa loại hình cải lương vào một không gian văn hóa quy củ và là một phần của một cụm văn hóa như Bảo tàng Dân tộc học hay tương tự, như vậy mới có thể truyền bá cải lương.
Ông Đạo cũng bày tỏ hy vọng, việc “bắt tay” giữa Nhà hát Cải lương Hà Nội và các doanh nghiệp lữ hành sẽ làm tăng thêm nhiều chương trình đa dạng để “chào mời” du khách nước ngoài khi đi tour trong nội đô Hà Nội.
Mai Châu
(LV) – Trong tuần qua, có một số hoạt động văn hoá đáng chú ý là chương trình vinh danh Hát Xoan Phú Thọ và buổi thử nghiệm biểu diễn cải lương bằng tiếng Anh của Nhà hát Cải lương Hà Nội.
Một tiết mục hát xoan. |
Tối 18/2 tại khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đã tổ chức buổi lễ vinh danh Hát Xoan-Di sản Văn hoá thế giới.
Một chương trình nghệ thuật đặc sắc, đậm chất văn hóa vùng Đất Tổ với sự tham gia của khoảng 800 diễn viên và cácnghệ nhân của 4 làng Xoan gốc của tỉnh Phú Thọ được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam đã mang đến cho nhân dân cả nước và khách quốc tế cảm nhận một cách khái quát về giá trị độc đáo, quý giá của Hát Xoan Phú Thọ.
Đây là lần đầu tiên tỉnh Phú Thọ tổ chức một chương trình có quy mô lớn tôn vinh Hát Xoan, di sản nghệ thuật quý báu của cha ông, Di sản Văn hoá thế giới sau khi chính thức được UNESCO công nhận là di sản Tiếp sau đó, tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục tổ chức Liên hoan Hát Xoan lần thứ 3 vào ngày 8-9/3 âm lịch (tức ngày 29-30/3/2012).
Trong một nỗ lực nhằm vừa bảo tồn vừa quảng bá nghệ thuật truyền thống của dân tộc đến đông đảo bạn bè quốc tế, Nhà hát Cải lương Hà Nội đã trình diễn một chương trình cải lương thử nghiệm bằng tiếng Anh vào các tối 17 và 18/2 tại Rạp Chuông Vàng (72 Hàng Bạc, Hà Nội).
Đây là chương trình thử nghiệm hình thức phục vụ khán giả mới và giới thiệu bộ môn nghệ thuật sân khấu cải lương, một trong các hình thức nghệ thuật cổ truyền dân tộc đến với khách du lịch quốc tế.
Chương trình gồm 7 tiết mục: Màn Trống hội, Dạ cổ hoài lang, Lý ngựa ô, hát tân cổ giao duyên Tình yêu trên dòng sông Quan họ, múa Chăm, múa sáo và vở kịch Kẻ trộm đêm Giao thừa.
Vở cải lương thử nghiệm dành cho du khách quốc tế của Nhà hát Cải lương Hà Nội. |
Trong chương trình này, các nghệ sỹ biểu diễn bằng tiếng Việt và khán giả người nước ngoài sẽ được nghe bản dịch tiếng Anh qua tai nghe đã được đặt sẵn tại ghế ngồi. Với các tiết mục kịch ngắn sẽ được dịch trực tiếp theo lời thoại của diễn viên nhưng với các tiết mục hát sẽ có bản dịch giới thiệu sơ lược về nội dung.Đây là lần thứ 2, Nhà hát Cải lương Hà Nội thực hiện chương trình biểu diễn thử nghiệm dành cho khán giả là khách du lịch quốc tế. Lần đầu là vào tháng 8/2011 với vở cải lương “Mệnh đế vương” được đông đảo khán giả yêu thích.
Việc thực hiện chương trình biểu diễn thử nghiệm bằng tiếng Anh của Nhà hát Cải lương Hà Nội thể hiện sự chủ động của các đơn vị nghệ thuật khi quyết tâm đi tìm lớp công chúng mới hay nói một cách khác, một số loại hình nghệ thuật cổ truyền của dân tộc như Chèo, Cải lương, với nỗ lực của các nghệ sỹ, đang đi tìm thêm cách thức hoạt động mới, công chúng mới, qua đó làm mới mình và tiếp nối mạch sống mạnh mẽ, lâu bền..
Trước đó, Nhà hát Chèo Hà Nội đã xây dựng chương trình diễn riêng cho du khách quốc tế bằng cách dịch nội dung chính của vở diễn ra tiếng Anh. Giờ đây Nhà hát Cải lương Hà Nội mạnh dạn dịch cả vở cải lương dài 1 tiếng 45 phút ra tiếng Anh để phục vụ công chúng là khách du lịch nước ngoài
Đây là cách thu hút khách quốc tế khi đến Việt Nam vì họ có cơ hội thưởng thức văn hóa, nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, đồng thời chúng ta cũng khắc phục được tình trạng du khách quốc tế chỉ được xem… rối nước.
Có thể nói, các hình thức bảo tồn và phát huy giá trị của văn hoá, nghệ thuật dân tộc (như thi biểu diễn và dạy Hát Xoan, chuyển ngữ các vở chèo, cải lương) chính là cách bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hoá trong đời sống hiện đại hết sức hiệu quả. Điều này cho thấy, trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật cũng rất cần sự năng động trong tư duy, trong cách thức thực hiện.
Một hoạt động văn hoá khác cũng hết sức thú vị là từ ngày 10/2 (và kéo dài đến ngày 25/2), chương trình biểu diễn rối nước Việt Nam đặc sắc mang tên “Người thầy của những con rối” do đạo diễn người Pháp Dominique Pitoiset, Giám đốc Nhà hát quốc gia Bordeaux en Aquitaine dàn dựng, được công diễn tại Nhà hát Claude Lévi-Strauss trong khuôn viên của Bảo tàng Quai Branly ở thủ đô Paris (Pháp).
Điểm đặc biệt của chương trình là ở chỗ, các tích trò rối nước được biểu diễn trên nền nhạc và giọng ngâm các bài thơ cổ, lẩy Kiều, hoặc trên nền những làn điệu chèo, câu ca quan họ, nhịp hát ả đào… của nghệ sĩ Ngô Thị Thanh Hoài.
Ngày 17/2, tại Hà Nội, Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh họa sỹ Hoàng Tích Chù (18/2/1912- 18/2/2012), một trong những người đặt nền móng cho nền nghệ thuật hội họa sơn mài Việt Nam.
Ông đã có những tìm tòi, sáng tạo trong việc cách tân sử dụng màu sắc, bố cục để phát triển nghệ thuật hội họa sơn mài truyền thống Việt Nam. Tranh sơn mài của ông đã góp phần phán ánh vẻ đẹp đất nước, cuộc sống con người Việt Nam, cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh với tình cảm trong sáng, dung dị. Họa sỹ Hoàng Tích Chù là một trong số ít họa sỹ nổi tiếng ở thể loại tranh sơn mài. Không những thế, ông đã đào tạo nhiều thế hệ học trò về nghệ thuật sơn mài, nay đã trở thành những họa sỹ tên tuổi…
Tác phẩm “Tổ đổi công cấy lúa” cùng với 3 tác phẩm khác của họa sỹ Hoàng Tích Chù là “Bác Hồ trồng cây với thiếu nhi”, “Mùa gặt”, “Đêm hậu cứ” đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (Mỹ thuật) năm 2000.
HTSN (Theo VGP)
|
Tối 17 và 18/2, Nhà hát Cải lương Hà Nội tổ chức biểu diễn thử nghiệm chương trình nghệ thuật có dịch trực tiếp tiếng Anh qua tai nghe hướng tới đối tượng là khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Một ý tưởng hay
Buổi diễn thử nghiệm này diễn ra tại rạp Chuông Vàng, số 72 Hàng Bạc (khu phố cổ Hà Nội) để lấy ý kiến Hội đồng nghệ thuật, doanh nghiệp du lịch, khán giả.
Tiết mục Màn trống hội. |
Chương trình gồm các tiết mục: “Màn trống hội”, bài “Dạ cổ hoài lang”, “Lý ngựa ô”, kịch ngắn “Kẻ trộm đêm giao thừa”, “Múa Chăm”, bài tân cổ “Tình yêu trên dòng sông quan họ”, “Múa Sáo”. Ông Trần Quang Hùng, Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội cho biết: “Đây là lần thứ hai chúng tôi thử nghiệm diễn cải lương có dịch tiếng Anh. Tháng 8/2011, chúng tôi đã diễn vở “Mệnh đế vương” và có dịch ra tiếng Anh. Sau đợt diễn, chúng tôi có phỏng vấn khách nước ngoài cảm nhận ra sao và đóng góp ý kiến. Lần thử nghiệm thứ 2 này của nhà hát nhằm đa dạng hóa phong cách biểu diễn, cũng như góp phần giới thiệu bộ môn nghệ thuật cải lương của nước ta đến với khán giả quốc tế. Các nghệ sỹ sẽ biểu diễn bằng tiếng Việt và khán giả nước ngoài sẽ được nghe dịch tiếng Anh trực tiếp qua tai nghe được đặt sẵn tại ghế ngồi”.
Đánh giá về chương trình, NSND Thanh Trầm cho rằng, hình thức thử nghiệm dịch trực tiếp qua tai nghe hơn hẳn phụ đề hoặc đưa trước tờ giấy dịch nội dung cho khách. Các tiết mục súc tích, ngắn gọn, dễ hiểu. Chương trình phục vụ cho du khách là cần thiết, nhất là Nhà hát Chuông Vàng tọa lạc trung tâm khu phố cổ, rất thuận lợi thu hút khách. Tuy nhiên, theo NSND Thanh Trầm, chương trình nên tận dụng tối đa các màn múa và khai thác thêm nhiều những nét đặc sắc của nghệ thuật cải lương.
Còn ông Phạm Quang Long, Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội nhận xét: “Ý tưởng về một chương trình phục vụ du khách ngay trong khu phố cổ là cần thiết. Sở sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ để đơn vị đưa loại hình nghệ thuận dân tộc tới du khách, góp phần quảng bá hình ảnh Hà Nội cũng như Việt Nam. Về chuyên môn, chúng ta không nên biến cải lương thành ca nhạc tạp kỹ mà nên đưa tinh hoa của cải lương vào chương trình. Phần dịch hết sức lưu ý vì dịch hay có thể mang tới sự sáng tạo, gợi sự đam mê nhưng dịch sai cũng đồng nghĩa với “diệt”. Do đó nên tham khảo các chuyên gia để có bản dịch chuẩn”.
Phải quảng bá nghệ thuật truyền thống bản sắc Việt
“Đây là hướng đi cần thiết, bởi từ trước đến nay du khách đến Hà Nội có câu “Ăn tối, rối nước” là hết, không biết đi đâu; trong khi chúng ta luôn tự hào là Thủ đô ngàn năm văn hiến. Vì vậy, chương trình này sẽ làm đa dạng hoá sản phẩm du lịch phục vụ khách, đặc biệt rạp Chuông Vàng ở vị trí đắc địa trong khu phố cổ thuận tiện thu hút khách. Tuy vậy, các tiết mục nên chắt lọc, rút ngắn chỉ khoảng 1 tiếng để khách cảm nhận được bản sắc văn hóa dân tộc của vùng miền đang đến, nhất là Hà Nội. Ở một số trích đoạn cải lương cổ có thể giữ nguyên gốc vì đó là bản sắc. Tuy nhiên cũng có sự sáng tạo cho hợp thời vì thực tế một số nước làm du lịch quanh ta khi giới thiệu nghệ thuật truyền thống họ cũng ngắn gọn lắm, làm sinh động chương trình và thậm chí có tiết mục để khán giả giao lưu”, đại diện một doanh nghiệp lữ hành cho biết.
Đại diện phòng lữ hành, Sở VH,TT&DL Hà Nội cho biết: “Rạp Chuông Vàng với vị trí thuận tiện ngay trung tâm phố cổ và hoàn toàn có thể trở thành một địa chỉ “vàng” trong tour du lịch phố cổ, vấn đề là giới thiệu như thế nào nghệ thuật truyền thống tới du khách? Việc tự đầu tư để cho một sản phẩm mới sẽ còn được chỉnh sửa hợp lý theo nhu cầu của khách. Bên cạnh những chương trình khung cố định, Nhà hát Cải lương Hà Nội có thể làm theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp lữ hành chuyên đưa khách quốc tế đến Việt Nam”.
Xuân Cường
(VOV) – Các nghệ sỹ sẽ biểu diễn bằng tiếng Việt và khán giả nước ngoài sẽ được nghe bản dịch tiếng Anh thông qua tai nghe.
Nhằm đưa nghệ thuật cải lương tiếp cận với khán giả nước ngoài, biến rạp Chuông Vàng thành một địa chỉ “vàng” trong tour du lịch phố cổ, ngày 17/2, Nhà hát Cải lương Hà Nội sẽ biểu diễn chương trình nghệ thuật thử nghiệm bằng tiếng Anh và biểu diễn chính thức vào ngày 18/2. Phóng viên VOV phỏng vấn NSƯT Trần Quang Hùng, Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội
PV: Được biết là đây không phải là lần đầu tiên Nhà hát Cải lương thử nghiệm chương trình biểu diễn bằng tiếng Anh. Dựa vào những kinh nghiệm nào mà Nhà hát tiếp tục chương trình thử nghiệm lần thứ 2 tới đây, thưa ông?
NSƯT Trần Quang Hùng: Đúng, đây là lần thứ hai chúng tôi thử nghiệm diễn cải lương có dịch tiếng Anh. Tháng 8 năm ngoái, cũng tại rạp Chuông vàng 72 Hàng Bạc, Hà Nội này, chúng tôi đã diễn vở Mệnh đế vương với hình thức có dịch ra Tiếng Anh.
Sau đợt diễn, chúng tôi có mở tổ chức cuộc phỏng vấn nho nhỏ đối với các đối tượng khách nước ngoài để họ đánh giá như thế nào, cảm nhận gì và có ý kiến gì đóng góp cho nhà hát. Nhìn chung mọi người cũng thấy đây là một hiện tượng rất lạ của sân khâu cải lương và họ rất thích thú. Thông qua ý kiến của họ chúng tôi lại tiếp tục ngồi bàn, rút kinh nghiệm và chuẩn bị đầu tư cho lần thử nghiệm thứ 2 này. Lần này chúng tôi chuẩn bị kỹ hơn.
PV: Những tiết mục nào được giới thiệu trong chương trình thử nghiệm lần thứ hai này?
NSƯT Trần Quang Hùng: Chương trình là một thử nghiệm mới mẻ của Nhà hát nhằm đa dạng hóa phong cách biểu diễn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả cũng như góp phần giới thiệu bộ môn nghệ thuật cải lương của nước ta đến với khán giả quốc tế.
Chương trình sẽ có 7 tiết mục: Màn trống Hội, bài hát Dạ cổ Hoài Lang, bài hát Lý Ngựa Ô, kịch ngắn Kẻ trộm đêm giao thừa, múa Chăm, bài hát tân cổ Tình yêu trên dòng sông Quan họ và múa Sáo.
PV: Dư luận vừa qua xôn xao lo lắng về chuyện diễn cải lương bằng Tiếng Anh thì sẽ… phá cải lương, ông nghĩ sao?
NSƯT Trần Quang Hùng: Nếu hiểu chúng tôi hát cải lương bằng Tiếng Anh là nhầm. Chúng tôi vẫn diễn như bình thường nên đối tượng khách trong nước vẫn xem như trước đây. Các nghệ sỹ sẽ biểu diễn bằng tiếng Việt và khán giả nước ngoài sẽ được nghe bản dịch tiếng Anh thông qua tai nghe đã được đặt sẵn tại ghế ngồi.
Với tiết mục kịch ngắn sẽ dịch trực tiếp theo từng lời thoại của diễn viên nhưng với các tiết mục hát sẽ có bản dịch giới thiệu sơ lược về nội dung. Với bản “Dạ cổ hoài lang”, sẽ có bản dịch nhằm thể hiện lịch sử của bài ca, sự tồn tại cũng như sức sống bền bỉ của bản ca có tuổi đời 90 năm này.
“Dạ cổ hoài lang” đóng vai trò quan trọng với sự hình thành, phát triển phong trào đờn ca tài tử Nam bộ; làm phong phú thêm các điệu thức của nghệ thuật sân khấu cải lương, góp phần tạo ra những giai điệu mới cho tân nhạc Việt Nam. Thông qua đó, bạn bè quốc tế sẽ hiểu thêm về nghệ thuật, sân khấu của Việt Nam.
Người dịch các tiết mục sang tiếng Anh cũng là “con nhà nòi” trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, có nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu về nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam, đặc biệt là sân khấu cải lương. Thêm vào đó, người dịch đã có nhiều năm làm việc, sinh sống ở nước ngoài nên việc chuyển ngữ đảm bảo truyền tải hết nội dung, ý nghĩa cũng như sự biểu cảm của từng tiết mục đến với khán giả quốc tế…
PV: Thưa ông, Nhà hát Tuồng đã có chương trình dành cho khách nước ngoài nhưng với hình thức dùng bảng chạy chữ nhưng không thu hút được khán giả, thậm chí có những suất chiếu chỉ thu hút được vài khán giả. Vậy trước khi đưa ra chương trình thử nghiệm này, Nhà hát có tham khảo hay nghiên cứu thông tin?
NSƯT Trần Quang Hùng: Tôi không biết các đơn vị khác thể nghiệm như thế nào. Hiện nay, chúng tôi đã tham khảo một số chuyên gia làm việc với người nước ngoài, hàng ngày họ làm việc với người nước ngoài, đặc biệt họ tiếp xúc lĩnh vực văn hóa thì họ tham vấn cho chúng tôi là người nước ngoài cần gì, muốn gì ở văn hóa Việt Nam, đặc biệt là sân khấu, trong đó có nghệ thuật cải lương. Tôi thấy là ít nhiều tham vấn đó ít nhiều có tác dụng dối với chúng tôi, để tôi biết cái gì, đưa ra gì và làm như thế nào. Trong những cái khó thì chúng tôi sẽ cố gắng ở mức độ có thể.
Không chỉ hướng tới khán giả là người nước ngoài, Nhà hát Cải lương Hà Nội đang có kế hoạch đưa các vở diễn về đề tài lịch sử đến với giới trẻ, nhất là học sinh, sinh viên để các em hiểu hơn về nghệ thuật cải lương và thêm yêu mến, trân trọng văn hóa lịch sử nước nhà, kéo khán giả đến với sân khấu cải lương.
PV: Những khó khăn nào mà Nhà hát Cải lương Hà Nội phải vượt qua để thực hiện những thể nghiệm táo bạo của mình?
NSƯT Trần Quang Hùng: Hiện nay tất cả mọi thứ chúng tôi đang làm chỉ trong phạm vi nhà hát chứ chưa có sự đầu tư nào từ phía nhà nước, chưa có quy chế nào cho hoạt động này, còn sau đây biến thành hiện thực thì chúng tôi sẽ có quy chế cụ thể. Một khó khăn nữa về khâu dịch ra Tiếng Anh. Tiếng Việt của chúng ta thường hiểu theo nghĩa đa nghĩa, khi dịch sang Tiếng Anh thì phải là người giỏi Tiếng Anh và am hiểu sâu về nghệ thuật nói chung và nghệ thuật cải lương mới dịch thành công được.
PV: Khi mới có thông tin là Nhà hát cải lương Hà Nội thử nghiệm chương trình bằng tiếng Anh, nhiều người ủng hộ thử nghiệm táo bạo này, nhưng cũng có nhiều người e ngại. Là người đứng đầu Nhà hát, ông nghĩ sao về vấn đề này?
NSƯT Trần Quang Hùng: Chúng tôi không có ý định trèo cao nên sẽ không ngã đau. Nếu chương trình thu hút không nhiều khách quốc tế thì chúng tôi vẫn phục vụ khán giả trong nước, đồng thời cải thiện về chuyên môn trong nhà hát. Chúng tôi nâng cấp các tiết mục hiện nay đang biểu diễn để phù hợp với đối tượng phục vụ và có tính chuyên nghiệp. Chưa làm thì chưa biết như thế nào, cứ phải làm đã, đúng không?
PV: Vậy ông kỳ vọng gì từ chương trình thử nghiệm này?
NSƯT Trần Quang Hùng: Chúng tôi không cho rằng làm gì cũng phải kỳ vọng. Chức năng của chúng tôi là phải phục vụ công chúng. Trong những năm gần đây văn hóa nước ngoài du nhập vào nước ta rất nhiều, tại sao chúng ta không quảng bá văn hóa của mình đến những người đang trên đất nước mình bằng nhiều cách, nhiều loại hình nghệ thuật, trong đó nghệ thuật cải lương cũng có bề dày và có sự hình thành trên dưới 100 năm rồi.
Chúng tôi cũng không kỳ vọng là khách sẽ nườm nượp đến và ngay lập tức có nhiều hợp đồng. Trước mắt chúng tôi thấy là chúng tôi không thụ động chờ khán giả đến, mà chúng tôi quyết đi tìm một công chúng mới. Công việc này có thể thành công, cũng có thể không thành công. Nhưng cái chính là chúng tôi đã làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, chúng tôi vận động và thể hiện sự tâm huyết của mình, đúng với sự phát triển của sân khấu.
PV: Các chương trình biểu diễn thử nghiệm lần này có bán vé không thưa ông?
NSƯT Trần Quang Hùng: Hiện nay chúng tôi chưa bán vé, 2 buổi sắp tới chúng tôi mời các tổ chức tour du lịch trong nước cũng như các tổ chức nước ngoài ở Việt Nam. Chúng tôi cũng mạnh dạn mời một số tham tán văn hóa ở các đại sứ quán, các nhà quản lý liên quan tới du lịch và những nhà chuyên môn đến xem để sau đó góp ý với chúng tôi tất cả mọi lĩnh vực, từ khâu tổ chức, tiết mục, cách làm sao cho chuyên nghiệp.
Sau đêm diễn, Nhà hát Cải lương Hà Nội sẽ dành thời gian trưng cầu ý kiến khán giả để có điều chỉnh chương trình biểu diễn cho phù hợp. Nếu chương trình thử nghiệm thành công, Nhà hát Cải lương Hà Nội sẽ kết hợp với du lịch để bán vé, giới thiệu rộng rãi tới công chúng chương trình này và và có hướng đầu tư dự án lớn hơn trong tương lai.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Mai Hồng – Lê Thu/VOV1