Bài viết trong danh mục »Báo chí viết về nhà hát «

Ra mắt vở cải lương mới ”Thiên mệnh”

(HNMO) - Tối 11-1, tại Trung tâm Văn hóa thành phố (số 7 Phùng Hưng, Hà Đông, Hà Nội), Nhà hát Cải lương Hà Nội đã giới thiệu tới khán giả Thủ đô vở cải lương mới mang tên “Thiên mệnh”.

Vở “Thiên mệnh”, còn có tên gọi khác là “Thiên mệnh Đông A”, được đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Quỳnh Mai chuyển thể cải lương và dàn dựng từ kịch bản của tác giả Hoàng Thanh Du.

Vở diễn đã khắc họa thành công hình tượng nhân vật lịch sử Thái sư Trần Thủ Độ, một nhà chính trị xuất sắc thời Trần. Bằng tài năng của mình, Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Quỳnh Mai đã mang đến cho khán giả một câu chuyện lịch sử với nhiều bài học sâu sắc trên một sân khấu cải lương. Chất cải lương đậm đặc với những đoạn ca đẩy cảm xúc đến cao trào đã giữ khán giả ở lại đến phút cuối, bất chấp thời tiết càng về đêm càng lạnh giá của Hà Nội những ngày này.

Nghệ sĩ ưu tú Quang Thanh đã hóa thân xuất sắc vào vai Trần Thủ Độ với diễn xuất tinh tế, thể hiện được tài trí, đức độ của vị Thái sư lừng danh.

Cùng với đó là sự nhập vai nhuần nhuyễn và giàu cảm xúc của dàn diễn viên Đoàn Cải lương Hoa Mai, Nhà hát Cải lương Hà Nội, như Nghệ sĩ ưu tú Trần Hà (vai Trần An Quốc), nghệ sĩ Thiên Hương (vai Trần Thị Dung, phu nhân Trần Thủ Độ), nghệ sĩ Phú Hải, Xuân Vương, Minh Hương…

Nhạc sĩ Phạm Chỉnh, Giám đốc Nhà hát cho biết: “Sau đêm diễn ra mắt, ê-kíp thực hiện sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến của khán giả, các nghệ sĩ trong Hội đồng nghệ thuật của thành phố để hoàn thiện hơn nữa trong các buổi biểu diễn tiếp theo để phục vụ đông đảo khán giả Thủ đô”.


Phận má đào’ kéo người xem đến rạp

LĐTĐ18/08/20 15:42 GMT+7Gốc

Một trong những cái khó của việc viết kịch bản về đề tài lịch sử là sự hư cấu nghệ thuật không có đất mà vẫy vùng. Nếu như không khéo, người viết rất dễ sa vào lối mòn xưa là kể lại một câu chuyện đã biết bằng ngôn ngữ khác. Nhà văn Vũ Thanh Lịch đã vượt qua được lối mòn này khi viết kịch bản vở cải lương ‘Phận má đào’ vừa được khán giả đón nhận nhiệt tình khi trình diễn tại Nhà hát Cải lương Hà Nội.

Nhà văn Vũ Thanh Lịch hiện đang là đương kim quán quân của cuộc thi truyện ngắn do tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức. Lần này, chị thử nghiệm mình với kịch bản sân khấu, một thể loại mà rất nhiều nhà văn đã không thành công, bởi ngôn ngữ sân khấu và ngôn ngữ văn học khác nhau rất nhiều. Nhà văn viết kịch thường có văn nhưng ít kịch tính, bởi thế mạnh của văn chương là ở tâm lý, ở tả cảnh tả tình, ít khi lưu tâm vào sự kiện và sự biến như sân khấu.

“Phận má đào” kể về cuộc đời của công chúa Phất Kim, con gái của Đinh Tiên Hoàng. Công chúa được gả cho Ngô Nhật Khánh là một trong 12 sứ quân, và chính Đinh Tiên Hoàng cũng lấy mẹ của sứ quân này. Đây rõ ràng là một cuộc hôn nhân thuần túy về mặt chính trị, để giúp vị hoàng đế họ Đinh có thể quy giang sơn về một mối.

Phân cảnh trong vở cải lương “Phận má đào” (ảnh chụp sân khấu)

Dù là lần đầu viết kịch, nhưng nhà văn Vũ Thanh Lịch đã phần nào tránh được lối mòn kể lại câu chuyện lịch sử bằng ngôn ngữ khác. Kịch bản của chị có thêm một vài nhân vật, không có trong chính sử, có tham gia vào câu chuyện nhưng không làm sai lệch lịch sử. Với hiểu biết của mình về vùng đất Ninh Bình nơi mình sinh ra, lớn lên và cống hiến, Vũ Thanh Lịch gần như tung hết những hiểu biết của mình về lịch sử cũng như dân gian cho kịch bản. Và đó là điều tạo nên sự hấp dẫn của vở diễn.

Vở cải lương này quy tụ gần như những ngôi sao sáng nhất của Nhà hát Cải lương Hà Nội. Nghệ sĩ nhân dân Phạm Thanh Hương trong vai mẹ Ngô Nhật Khánh. Như mọi lần nghệ sỹ nhân dân Phạm Thanh Hương không bao giờ làm cho khán giả thất vọng. Với bản lĩnh sân khấu và nhất là khả năng làm chủ giọng ca cũng như lối diễn, chị đã lột tả đến tận cùng nỗi đau của nhân vật khi không thể khuyên nhủ con mình dừng việc soán ngôi trước khi quá muộn. Phạm Thanh Hương, còn rất biết “tới, lui” để nhường đất diễn cho bạn nghề, chỉ dồn sức vào cảnh độc thoại nội tâm của mình.

Nghệ sĩ Quang Tuấn trong những năm gần đây được đồng nghiệp đánh giá cao với những vai kép độc, và lần này, nhân vật Ngô Nhật Khánh được anh đẩy lên tận cùng, khi mà sự đam mê quyền lực đã khiến con người ta trở nên điên loạn và không kiểm soát được bản thân.

Chỉ tiếc một điều, Nghệ sĩ ưu tú Hồng Nhung trong vai công chúa Phất Kim lại không phát huy được hết những khả năng tiềm tàng của mình, có lẽ do khi thành vở diễn, nhân vật không được khai thác nhiều lắm. Trong khi, với thanh sắc của mình, Hồng Nhung hoàn toàn có thể khiến khán giả thăng hoa nhiều hơn nữa theo những cung bậc cảm xúc của nhân vật.

Đáng tiếc nhất là vai Thủy Tùng, người tình thời thanh mai trúc mã của công chúa Phất Kim do nghệ sĩ trẻ Nhật Linh thể hiện, lại không được đào sâu cho đến tận cùng, mà chỉ thấp thoáng đi qua đời công chúa. Bởi Nhật Linh với thanh sắc của mình, có thể tạo nên một vai phụ ấn tượng như cách anh tận hiến với sân khấu không kể vai lớn hay nhỏ.

Phân cảnh trong vở cải lương.

Nghệ si ưu tú Hoàng Viện, một trong những giọng ca đẹp nhất của cải lương Bắc, vẫn tiếp tục tròn vai như mọi khi với vai diễn Tiên Hoàng. Chỉ tiếc, anh đã không thể hiện hết khí chất quân vương của một trong những vị hoàng đế có được ngai vàng từ chiến công chứ không phải do truyền lại. Nếu như Hoàng Viện trau chuốt thêm cách diễn xuất sao cho nhân vật tỏa ra một cái uy lớn hơn nữa, thì nhân vật do anh thủ vai sẽ trở thành mẫu mực của dạng vai thứ chính.

Với kịch hát truyền thống, nhiều khi, điều đọng lại với khán giả nhất lại là cách ca diễn. Với “Phận má đào”, điều này lại một lần nữa được khẳng định. Các nhân vật trong “Phận má đào” được ca theo chất cải lương Bắc, tạo ra một nét riêng như từ lâu nay Nhà hát Cải lương Hà Nội vẫn vậy. Mỗi đoàn nghệ thuật có truyền thống và bề dày đều có chất, hay còn gọi là phong cách riêng, bởi nghệ thuật cần cá tính, khán giả cần cá tính.

Nhà hát Cải lương Hà Nội, với tiền thân là các đoàn cải lương nghệ thuật lừng danh như Kim Phụng, Chuông Vàng, vẫn tiếp nối được điều ấy. Người ta đi nghe hát trước khi gọi là đi xem hát. “Phận má đào” làm rất tốt điều đó khi mà dung lượng bài bản vừa đủ, sử dụng linh hoạt, khi cần bi ai sẽ bi ai, khi cần da diết sẽ da diết, và khi đủ để lột tả tâm trạng thì bài ca dừng lại nhường đất cho diễn xuất.

Về tổng thể, “Phận má đào” chỉn chu, gọn gàng, giàu chất tự sự, tuy nhiên Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Quỳnh Mai, đạo diễn vở cải lương còn để xảy ra một vài hạt sạn không đáng có như trong lời của nhân vật có câu “lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”, nó giống hoàn toàn một câu trong danh tác “Kiều” của thi hào Nguyễn Du, mà xét về thời điểm thì thời nhà Đinh tồn tại trước khi danh tác này ra đời rất lâu, nên ở một góc độ nào đó cũng sẽ làm cho người xem có một sự liên tưởng nào đó.

Cũng một điều tiếc nữa, do tận dụng quá mức khả năng ca diễn tự sự của các diễn viên, mà vở diễn hơi dài và có phần nặng nề với khán giả. Tuy nhiên, trong bối cảnh cải lương đang ngày càng khó tìm được những kịch bản hay thì “Phận má đào” xứng đáng là một thỏi nam châm kéo người xem đến rạp!./.

Bảo Thoa

Sân khấu cải lương kể chuyện công chúa nhà Đinh

TTO – Lần đầu tiên sân khấu cải lương kể chuyện về nàng công chúa nhà Đinh – nàng Phất Kim, con vua Đinh Tiên Hoàng – qua vở diễn Phận má đào. Vở diễn vừa được Nhà hát Cải lương Hà Nội tổng duyệt tại rạp Hồng Hà, Hà Nội tối 13-8.

Nghệ sĩ Hồng Nhung (vai công chúa Phất Kim) và nghệ sĩ Bạch Quang Tuấn (vai Ngô Nhật Khánh) trong vở Phận má đào - Ảnh: ĐỨC TRIẾT

Phận má đào được mở ra từ câu chuyện vua Đinh Tiên Hoàng (NSƯT Hoàng Viện) thu phục các sứ quân cùng thuận lòng quy phục triều đình, trong số đó có sứ quân vẫn một mực chống đối – Ngô Nhật Khánh (nghệ sĩ Bạch Quang Tuấn) trấn ở Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội.

Vì thấy Ngô Nhật Khánh là người có tài và cũng vì không muốn tiếp tục binh đao đổ máu, vua dùng kế sách kết nối mối thâm giao gia đình khi ông kết hôn với mẹ Ngô Nhật Khánh, đồng thời gả cô con gái yêu của mình là Phất Kim (nghệ sĩ Hồng Nhung) cho hắn.

Bắt đầu từ đây, nàng công chúa Phất Kim đành chôn chặt mối tương tư với chàng lái đò năm xưa mà dấn thân vào cuộc hôn nhân chính trị những mong giúp cha bớt kẻ thù, cũng là giúp cho đất nước thái bình.

NS Nhật Linh và NS Hồng Nhung

Từ kịch bản văn học của nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phận má đào được đạo diễn – NSND Hoàng Quỳnh Mai chuyển thể sang cải lương và trực tiếp dàn dựng. Lãng mạn đan cài hiện thực, Hoàng Quỳnh Mai khéo léo khắc họa nàng công chúa Phất Kim với biệt tài “thêu hoa kết ngọc” nên những đôi mắt của các linh vật trên những tấm hoàng bào.

Nghệ sĩ Hồng Nhung (vai công chúa Phất Kim)

Những tưởng nàng chỉ biết vui vầy bên khung cửi nhưng khi đất nước cần thì chính những đường kim mũi chỉ và tấm lòng trung trinh ái quốc của nàng đã kết thành linh khí nhấn chìm tham vọng của kẻ phản bội.

Phận má đào có một thiết kế sân khấu khá ấn tượng khi được “phủ kín” bởi 9 khung gỗ. Những khung gỗ ấy không hề khô cứng mà biến ảo, lúc là những khung cửi để công chúa thêu hoàng bào, lúc lại là bức bình phong thấp thoáng dáng hình thiếu nữ, lúc hóa thành đôi phượng uyên ương…

Đặc biệt, chính những khung gỗ ấy xếp hình thành đoàn thuyền vượt biển mang công chúa nhà Đinh quyết theo Ngô Nhật Khánh để ngăn cản chồng mưu phản…

Bởi thế, bên cạnh sự mùi mẫn của những câu vọng cổ, điệu lý của cải lương cùng chút bảng lảng từ những giai âm của ca trù, vở diễn còn khá hấp dẫn về phần nhìn.

NSND Thanh Hương và NS Bạch Quang Tuấn

Tuy nhiên, sẽ thuyết phục hơn nếu như các vai được trau chuốt, tự nhiên hơn, cũng như trang phục nhân vật gần với bối cảnh lịch sử câu chuyện được kể.

NSƯT Hoàng Viện và NS Hồng Nhung

Theo nhạc sĩ Phạm Bá Chỉnh – giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội, nhà hát sẽ tiếp tục chỉnh sửa vở để công diễn trước khán giả thủ đô khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Các Nghệ sĩ tham gia tác phẩm "Phận Má Đào".

Nhà hát Cải lương Hà Nội phục dựng thành công vở diễn “Tình kỹ nữ”

Nhà hát Cải lương Hà Nội vừa phục dựng thành công vở dieecn mang tên “Tình Kỹ Nữ” do NSƯT Thanh Vân dàn dựng. Tác giả Bùi Vũ Minh, chuyển thể Cải lương NSND Triêu Trung Kiên, với sự chỉ đạo sản xuất của Phó Giám đốc điều hành -  nhạc sĩ Phạm Chỉnh.

Tối ngày 7/1/2020, vở diễn “Tình kỹ nữ” đã được diễn ra tại rạp Hồng Hà (51 Đường Thành, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) thu hút đông đảo khán giả đến thưởng thức.

Cảnh mở màn trong vở diễn “Tình kỹ nữ”

Vở diễn “Tình kỹ nữ” nói về chuyện tình đầy hy sinh và cao thượng của Ngọc Trâm, cô đào hát tài sắc vẹn toàn nơi chốn lầu xanh mà vẫn quyết giữ sự trong trắng và tình cảm dành cho chàng công tử Văn Bình. Văn Bình là chàng công tử con quan với những thú vui tầm thường nhưng Ngọc Trâm đã tìm thấy ở chàng một người giàu lòng trắc ẩn, hướng thiện, dám làm và dám chịu. Văn Bình thất cơ lỡ vận, nguy cơ vướng vòng lao lý, Ngọc Trâm đã bán kỷ vật gia bảo, chứa đựng những bí quyết quý giá của nghề dệt cha mẹ để lại cho chính kẻ thù từng giết cả gia đình cô với ý định cứu người tri kỷ và cũng là khép lại mối thâm thù với kẻ giết người năm nào.

Rất đông khán giả đã đến xem vở diễn "Tình kỹ nữ"

Bằng tấm lòng chân thành, Ngọc Trâm đã giúp Văn Bình tìm được lẽ sống, chuyên tâm học hành đỗ đạt. Vinh hiển trở về mái nhà xưa, Văn Bình không gặp được Ngọc Trâm vì nàng tủi cho thân phận mình không xứng với người tri kỷ nên lánh vào rừng sâu. Nhưng tên lái buôn lọc lừa và tàn bạo năm nào vẫn không “ngộ” được sự tha thứ cao cả của Ngọc Trâm đã tìm kiếm nàng nơi rừng sâu núi thẳm, âm mưu chiếm đoạt thân xác mỹ nữ… May mắn thay, người của Văn Bình đã kịp tới giải cứu Ngọc Trâm. Tên lái buôn đã phải chịu hình phạt do tội lỗi mà hắn đã gây ra.

Nghệ sĩ Hồng Nhung và Nghệ sĩ Nhật Linh khắc họa thành công nhân vật Ngọc Trâm và Văn Bình

Quan Tổng đốc – cha của Văn Bình khi hiểu ra sự thật đã thuận tình cho hai người nên duyên, nhưng một lần nữa Ngọc Trâm hy sinh hạnh phúc riêng, để Văn Bình thênh thang trên con đường công danh, tránh cho chàng miệng tiếng thế gian khi kết hôn cùng người con gái không “môn đăng hộ đối”.

Vở diễn vẽ nên bức tranh về nghề dệt truyền thống của làng Lụa Vạn Phúc nổi tiếng hàng ngàn năm nay

Vở diễn “Tình kỹ nữ” không chỉ ca ngợi tình yêu thủy chung, son sắc của Ngọc Trâm dành cho Văn Bình mà còn khắc họa nên bức tranh về nghề dệt truyền thống của làng Lụa Vạn Phúc nổi tiếng hàng ngàn năm nay. Làng lụa Vạn Phúc với nghề dệt lụa truyền thống đã góp phần làm nên những thước lụa quý lưu truyền hàng ngàn năm và ngày nay vẫn còn được lưu giữ, phát huy.

Với cách bày trí sân khấu chân quê, mộc mạc, miêu tả chân thực làng lụa Vạn Phúc thời xưa đã phần nào đó tạo cho khán giả cảm giác rất gần gũi và thân quen. Một làng nghề dệt lụa tơ tằm đẹp nổi tiếng có từ ngàn năm trước đã được khắc họa thành công trên sân khấu với sự kết hợp tài tình giữa ánh sáng, hình họa, âm thanh, phối cảnh,….

Các nghệ sĩ đều hóa thân rất thành công vào các vai diễn

Bằng lời ca truyền cảm và lối diễn mộc mạc nhưng tinh tế, các nghệ sĩ đã khắc họa thành công từng vai diễn của mình. Không chỉ có vai chính Ngọc Trâm do NS Hồng Nhung thủ vai và công tử Văn Bình do NS Nhật Linh đảm nhận gây được dấu ấn trong lòng khán giả. Mà các vai thứ chính, vai phụ khác như: Lái buôn – NS Quang Tuấn, Chu Đồng – NS Hữu Nhân, Chủ kỹ viện – NS Thanh Hậu, Quan tổng đốc – NS Văn Thiếu, Phu nhân Tổng đốc – NSUT Kim Dung, Trần Trang Chủ – NSUT Hồng Tuyến…. Cũng đã khắc họa thành công những nét riêng của từng vai diễn đưa khán giả đi theo dòng chảy của cốt truyện, từ cung bậc cảm xúc này đến cung bậc cảm xúc khác.

Dưới đây là một số hình ảnh đặc sắc trong đêm diễn tối ngày 7/1/2020 vừa qua.

Thu Trang

Sân khấu Hà Nội: Nghĩ xa để tiến xa

(HNM) – Cách mng công nghip 4.0 va m ra cơ hi, va đặt ra thách thc cho ngh thut sân khu để tn ti và phát trin. Sân khu Th đô dù đang có nhng bước chuyn mình, nhưng vn cn nghĩ xa để tiến xa hơn, đáp ng nhu cu ca khán gi, nht là thế h “công dân toàn cu”.

Chùm kịch ngắn mới đây của Nhà hát Cải lương Hà Nội đã khai thác thành công những đề tài hay trong thời đại mới.

Chưa thích ng kp

Đêm diễn ra mắt chùm kịch ngắn “Tình yêu qua mạng – Sếp vợ – Bệnh quảng cáo” của Nhà hát Cải lương Hà Nội tuần qua để lại nhiều suy ngẫm cho khán giả, nhất là tiểu phẩm “Tình yêu qua mạng”. Tiểu phẩm mở ra một không gian sống không xa, khi trí tuệ nhân tạo lên ngôi, con người được hưởng vô vàn tiện nghi chỉ bằng động tác vuốt nhẹ tay hoặc điều khiển bằng ý nghĩ…

Tiểu phẩm trong chùm kịch do tác giả Phạm Văn Quý và Nguyễn Toàn Thắng viết kịch bản, Nghệ sĩ ưu tú Thanh Vân chuyển thể cải lương, Nghệ sĩ nhân dân Tuấn Hải đạo diễn vừa truyền tải một câu chuyện rất đáng quan tâm trong thời đại số, vừa đem đến một không khí sân khấu mới mẻ, kết hợp vừa đủ giữa cải lương, hài kịch và âm nhạc hiện đại.

Song, phải thừa nhận, sân khấu Hà Nội có quá ít tác phẩm phần nào theo kịp tư duy của thời đại như thế. Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học, nghệ thuật Hà Nội cho biết, sân khấu Thủ đô vẫn còn chậm đổi mới, chưa thích ứng với những tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ ba và sẽ còn loay hoay, lúng túng nhiều hơn nữa trước những cơ hội và thách thức của Cách mạng công nghiệp 4.0.

Trước tiên phải nói về mặt sáng tạo, một trong những điều cốt yếu của sân khấu là tính dự báo. Chẳng hạn như vở kịch “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” đang rất thành công của Nhà hát Tuổi trẻ bởi sự nhìn xa, trông rộng. Đó là câu chuyện giả tưởng về cuộc sống với máy móc thay thế con người đáng kinh ngạc, được tác giả Lưu Quang Vũ viết từ cách đây hơn 30 năm.

Dự báo là cái tài của người sáng tạo và cũng là thách thức với họ, song nhìn ra sân khấu Thủ đô nói riêng và sân khấu Việt Nam nói chung khá nhiều vở diễn lịch sử, dân gian phục dựng y nguyên. Vở diễn về đề tài hiện thực thiên về kể chuyện hơn là nâng tầm, đưa đến khán giả những suy niệm xa xôi. Trong khi, “Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra không gian mới, lớp người mới, câu chuyện mới cho những người sáng tạo nhào nặn”, như lời PGS.TS Trần Trí Trắc, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Sân khấu Hà Nội.

Bên cạnh nội dung, Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra thách thức về mặt phương thức thể hiện cho sân khấu Thủ đô. Thời gian qua, một số đơn vị nghệ thuật đã cho ra đời những vở diễn tiến kịp thời đại như “Ionah” (Nhà hát Star Galaxy) kết hợp kịch, múa, xiếc, công nghệ hình ảnh 3D, sân khấu xoay tự động; vở thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” (Công ty cổ phần Tuần Châu Hà Nội) với sân khấu mặt nước tựa lưng vào núi, sử dụng kỹ thuật chiếu sáng tạo hiệu ứng 3D choáng ngợp…

Tuy nhiên, những sân khấu mang tính đột phá như thế khá ít ỏi. Theo Nghệ sĩ nhân dân Lê Huy Quang, hầu hết sân khấu các nhà hát ở Hà Nội cũ kỹ, đơn điệu về mọi phương diện… Ở những rạp, nhà hát được cho là hàng đầu Thủ đô như Nhà hát Lớn Hà Nội, Rạp Xiếc trung ương, Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt – Xô, Rạp Công nhân, Rạp Đại Nam, Nhà hát Múa rối Thăng Long… vẫn còn tình trạng loa thùng, đèn chiếu xếp choán một phần sân khấu; người điều khiển âm thanh, ánh sáng phải chăm chú mọi diễn tiến trên sân khấu để điều chỉnh thiết bị cho khớp…

Đổi mi tư duy sáng to

Có lẽ, đã đến lúc sân khấu Hà Nội thay đổi tư duy sáng tạo để có bước tiến xứng tầm. Theo PGS.TS Trần Trí Trắc, nhiệm vụ của người sáng tạo sân khấu Hà Nội hiện nay là thể hiện nổi bật hình tượng con người mới, cuộc sống mới ở Hà Nội khi tiến vào Cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời thiết kế hệ giá trị chân – thiện – mỹ cho người Hà Nội trong thời đại mới. Nghĩa là, từ nhà viết kịch đến đạo diễn, diễn viên phải nghĩ xa hơn về bối cảnh ở thời đại mới, tìm cách phản ánh, hiện thực hóa trên sàn diễn một cách thuyết phục.

Còn với các công đoạn khác, theo Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Đăng Tiến, sân khấu Hà Nội phải thay đổi cách vận hành, sử dụng công nghệ số để xử lý âm thanh, ánh sáng, hình ảnh… Một số phương thức biểu diễn thủ công, nên được thay thế, cải thiện. “Chẳng hạn, trong nghệ thuật múa rối nước, có thể áp dụng công nghệ chế tạo robot để điều khiển chú Tễu nhắm mắt, mở mắt, mếu, cười, hay dùng thiết bị điều khiển từ xa để gươm thần từ tay Vua Lê bay về miệng của Rùa thần… Như thế vừa không làm thay đổi bản chất của nghệ thuật rối nước, vừa tạo sự linh hoạt, sinh động cho con rối, lại gây bất ngờ cho khán giả”, nghệ sĩ nêu ý tưởng.

Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm cho rằng, sân khấu Thủ đô phải xuất phát sớm, trước hết ở cơ chế khuyến khích, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ tiếp cận, thâm nhập để phát huy tài năng, sức sáng tạo trong những vấn đề mới, kỹ thuật, công nghệ mới. Các khâu khác như thiết kế sân khấu, âm thanh, ánh sáng, phục trang, tổ chức biểu diễn, quảng bá… cũng cần được đào tạo chuyên nghiệp, cập nhật công nghệ để hỗ trợ tác phẩm hấp dẫn, dễ tiếp cận khán giả hơn.

Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm đề xuất, mỗi đơn vị nghệ thuật nên có sân khấu riêng, trang thiết bị hiện đại, phù hợp với từng tác phẩm, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng…

AN NHI

dientu@hanoimoi.com.vn

Sân khấu cải lương: Nỗ lực đổi mới

(HNMCT) – Tìm kiếm khán gi có l là bài toán khó nht ca sân khu truyn thng hin nay. Và bng nhng v din có li dàn dng hin đại, ng dng nhiu th pháp mi…, hai nhà hát ci lương ln nht min Bc là Nhà hát Ci lương Vit Nam và Nhà hát Ci lương Hà Ni đều đang cho thy nhng n lc tích cc trong vic đổi mi sân khu truyn thng.

Cảnh trong chùm kịch ngắn Tình yêu qua mạng – Bệnh quảng cáo – Sếp vợ của Nhà hát Cải lương Hà Nội.

Nhiu màu sc hơn

Nhiều năm trở lại đây, Nhà hát Cải lương Hà Nội đã có rất nhiều tìm tòi trong việc làm mới sân khấu cải lương. Những vở diễn kết hợp ngôn ngữ điện ảnh, múa hiện đại do cố đạo diễn, NSƯT Trần Quang Hùng thực hiện, dẫu chưa hẳn tạo ra đột phá, nhưng cũng thổi thêm một làn gió mới mẻ vào nghệ thuật này. Bên cạnh những vở mang màu sắc chính luận, có khả năng “câu nước mắt”, tháng 6 vừa qua, nhà hát này đã cho ra mắt chùm kịch ngắn Tình yêu qua mạng – Bệnh quảng cáo – Sếp vợ.

Bên cạnh việc khai thác thế mạnh của cải lương với lối diễn xuất ngọt và những bài ca mùi mẫn, ê kíp cũng đã đưa vào đó nhiều tình huống hài, những ca khúc chế theo những bài hát đang “hot” để dễ gây ấn tượng với khán giả. Những vở kịch ngắn tươi mới đã góp phần làm phong phú thêm “thực đơn” nghệ thuật của nhà hát, giúp nhà hát linh động hơn trong các chương trình biểu diễn của mình.

Mới đây nhất, Nhà hát Cải lương Hà Nội tiếp tục khởi công dựng vở cải lương Đi tìm Đại vương, hứa hẹn sẽ dàn dựng theo một phong cách hoàn toàn mới. Đạo diễn, NSND Tuấn Hải chia sẻ: “Đi tìm Đại vương là vở diễn pha cổ tích, huyền thoại và giai thoại dân gian nên mang rất nhiều màu sắc huyền bí. Chúng tôi không đặt nặng vấn đề lịch sử mà muốn gợi cho khán giả nhớ đến những nét của Thăng Long xưa bởi Chúa Chổm nổi tiếng với rất nhiều giai thoại về Thăng Long, về phố Cấm Chỉ, về “đi chữ đại, lại chữ vương”, về “sông Tô cờ son nón sắt”… Vở diễn sẽ được xây dựng phù hợp với khán giả hôm nay. Bên cạnh những gương mặt đã quen thuộc với giới sân khấu như NSND Hoàng Anh Tú làm âm nhạc, NSƯT Lê Sơn làm sân khấu, nghệ sĩ Diệu Linh làm vũ đạo…, tôi còn mời võ sư Út Nguyễn, người đang giữ đai đỏ (đẳng cấp cao nhất) của phái võ cổ truyền Bình Định Gia, từng giành rất nhiều huy chương vàng võ thuật, đồng thời là Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo võ thuật tài năng trẻ Hà Nội về tập võ thuật cho anh chị em. Các diễn viên sẽ phải đánh với 5 loại binh khí trên sân khấu và có những màn võ thuật rất đẹp mắt, khác hẳn với cách múa võ thường thấy ở sân khấu truyền thống”.

Làn gió đổi mới cũng được người xem cảm nhận khá rõ ở Nhà hát Cải lương Việt Nam. Vì sao lạc xứ vở diễn mới ra mắt của nhà hát đã cho thấy những nỗ lực rất lớn của đạo diễn và họa sĩ thiết kế trong dàn dựng bối cảnh sân khấu, nhất là trong những phần chuyển cảnh để giảm bớt sự nặng nề, chậm chạp của sân khấu truyền thống. Cách chuyển cảnh bằng âm nhạc cùng những lớp diễn xen kẽ và cách cấu trúc nhiều tầng không gian phía sau sân khấu giúp đẩy nhanh tiết tấu vở, giúp quá trình thưởng thức và cảm xúc của khán giả gần như không bị ngắt quãng. Bên cạnh đó, vở diễn cũng được áp dụng nhiều kỹ xảo ánh sáng, thủ pháp sân khấu khác nhau để thu hút sự tập trung chú ý của khán giả.

Đổi mi là tt yếu

Gắn bó với nghệ thuật cải lương từ khi lọt lòng, bố mẹ cũng là những nghệ sĩ của Đoàn Cải lương Kim Phụng, thuộc Nhà hát Cải lương Hà Nội, NSND Thanh Hương có lẽ thấu hiểu hơn ai hết những thăng trầm của nghệ thuật này. Trải qua cả những đêm diễn mà khán giả phải xếp hàng mua vé những năm 80 của thế kỷ trước và cả những đêm diễn thưa thớt khán giả gần dây, chị chia sẻ: “Đứng trên sân khấu mà nhìn xuống thấy vắng khán giả thì buồn lắm. Nhưng tôi thấy còn một lượng khán giả vẫn rất mê nghệ thuật cải lương. Chính những khán giả đó tiếp thêm lửa để mình làm nghề, cũng như thôi thúc mình phải có những sáng tạo gì đó mới mẻ hơn”.

Sáng tạo đó theo cảm nhận của nghệ sĩ Tiến Hiệp là phải gần gũi hơn với gu thưởng thức của khán giả hôm nay: “Khán giả bây giờ khó kiên nhẫn để ngồi xem một vở diễn lê thê hơn 2 tiếng đồng hồ. Họ cũng đến sân khấu với mong muốn được thư giãn, giải trí thực sự hơn là tiếp cận với những vấn đề “đao to búa lớn”. Chính vì vậy mà dòng hài kịch, tiểu phẩm ngắn vẫn có đất sống, trong khi các vở lớn, hoành tráng nhiều khi chỉ dựng xong để đấy”. Bản thân nghệ sĩ Tiến Hiệp cũng là một điển hình của nghệ sĩ thuộc sân khấu truyền thống phải năng động “chân ngoài dài hơn chân trong” để lo toan cho cuộc sống, anh nổi danh trên sân khấu hài với nghệ danh Hiệp “vịt” dù rằng xuất thân từ sân khấu cải lương.

Nhạc sĩ Phạm Bá Chỉnh, Phó Giám đốc điều hành Nhà hát Cải lương Hà Nội khẳng định: “Đổi mới là xu thế tất yếu của sân khấu truyền thống nói chung và sân khấu cải lương nói riêng để đến gần hơn với khán giả. Và sự đón nhận bước đầu của khán giả với những sản phẩm mới của nhà hát như chùm kịch ngắn Tình yêu qua mạng – Bệnh quảng cáo – Sếp vợ là những tín hiệu rất đáng mừng”. Bên cạnh đó, việc thổi những làn gió mới vào sân khấu còn giúp động viên các nghệ sĩ theo đuổi nghệ thuật truyền thống rất nhiều.

NSND Tuấn Hải chia sẻ: “Trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay mà các nghệ sĩ cải lương miền Bắc vẫn rất tâm huyết với nghề, vẫn muốn giữ lửa truyền thống với trái tim nóng bỏng”. Hy vọng những đổi mới của sân khấu cải lương sẽ gặp được sự tri âm của khán giả để “lửa truyền thống” có thêm nhiều năng lượng tỏa sáng.

AN ĐỊNH

dientu@hanoimoi.com.vn

 

NHÀ HÁT CẢI LƯƠNG HÀ NỘI: TỰ KHẲNG ĐỊNH HƯỚNG ĐI

Biểu diễn nghệ thuật cho du khách là một trong những định hướng của rất nhiều đơn vị nghệ thuật. Chính vì thế, hầu như tất cả các Nhà hát đóng trên địa bàn Hà Nội đều đã có những chương trình nhằm hướng tới khai thác phân khúc khán giả khá đặc biệt này. Tuy nhiên, ngoại trừ thành công ngoạn mục của múa rối thì hoạt động sân khấu cho du khách ngay tại Thủ đô còn khá èo uột, mặc cho những cố gắng của người làm nghề. Trong gần 4 năm qua, Nhà hát Cải lương Hà Nội đã duy trì thành công chương trình nghệ thuật tổng hợp Golden Bell khi ký kết hợp đồng với Công ty du lịch Tầm nhìn Việt. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với NSUT Trần Quang Hùng, Giám đốc Nhà hát

Thưa ông, xuất phát từ ý tưởng nào để Nhà hát hình thành chương trình này?

-  Cũng xuất phát từ thực tế hoạt động của đơn vị trên địa bản khá đắc địa: nằm ngay trong khu phố cổ Hà Nội, có chợ đêm cuối tuần, có tuyến phố đi bộ thí điểm. Vì vậy, khách khi đến khu vực này, thấy hoạt động của Nhà hát thì có vào xem. Nhưng đa phần đã mau chóng đi ra sau ít phút vì dù cảm nhận thấy hay nhưng họ hoàn toàn không hiểu những gì đang diễn ra trên sàn diễn. Trong Ban giám đốc vì vậy đã tìm cách để giúp du khách đến gần hơn với mình. Quan trọng nhất là phải làm sao để dù bất đồng ngôn ngữ nhưng họ hiểu nhân vật đang làm gì, đang nói gì… Ban đầu thì chúng tôi thí điểm dịch các vở diễn của Nhà hát sang tiếng Anh. Cách làm này không mới vì các nhà hát khác cũng đã từng làm bằng nhiều cách như cho chạy chữ, dịch ý… nhưng đều đòi hỏi những kỹ thuật, những trình độ tương đối chuyên nghiệp mà nhà hát không có điều kiện. Chúng tôi cố gắng bằng cách khác: trang bị tai nghe, khách có nhu cầu thì dùng tai nghe được treo tại chỗ, người dịch trực tiếp qua hệ thống tiếng Anh. Với cách làm này thì hiệu quả đối với cảm nhận của khách quốc tế được nâng lên rõ ràng… Và sau đó, với mong muốn đem đến những nét văn hóa đặc biệt từng vùng miền trên cả nước, chúng tôi đã dàn dựng chương trình tổng hợp ca- múa- nhạc- kịch cho du khách với việc dịch sang tiếng Anh như trên, số lượng khách đến với chương trình, ủng hộ và tham gia đã tốt hơn.

Có biện pháp nào để lấy ý kiến khán giả, đo đếm thử công việc mình làm hiệu quả ra sao?

-  Giai đoạn đầu, chúng tôi tiến hành phỏng vấn trực tiếp sau mỗi đêm diễn, rồi chuẩn bị phiếu thăm dò với những câu hỏi mà khách chỉ cần tick vào để cho ý kiến. Tận dụng mạng xã hội, chúng tôi lấy ý kiến nhận xét trên các trang cá nhân của khách…. Họ đánh giá cao. Hầu hết du khách đều nhận định: đi du lịch thời gian rất quý, nên chỉ với thời lượng 60’ họ biết được một số nét văn hóa của người Việt họ rất thích. Có những tham tán văn hóa các nước như Nhật, Hàn Quốc đã tới xem đến vài lần…

Thuận lợi và khó khăn của sân khấu Cải lương trong việc giới thiệu với du khách?

-  Việc giới thiệu văn hóa Việt, trong đó có nghệ thuật truyền thống thì nghệ thuật sân khấu truyền thống dường như có lợi thế hơn các hình thức nghệ thuật hiện đại. Sân khấu kịch hát truyền thống là di sản văn hóa dân tộc rất cần được bảo tồn, đặc biệt cải lương với Đàn ca tài tử đã được UNSCO công nhận là di sản phi vật thể, đại diện cho nhân loại, mà chúng ta chưa có hành động bảo tồn, đầu tư. Vì vậy, cần có những cách làm khác nhau để khẳng định vị trí xứng đáng của sân khấu cải lương.

Sân khấu Chèo, Tuồng vẫn đang có những cố gắng trong việc giới thiệu nét đẹp, độc đáo của loại hình đến công chúng nhưng dường như đều gặp khó khăn, chưa có hiệu quả cao. Việc Nhà hát duy trì được chương trình này sau thời gian khá dài quả là thành tích đáng kể.

-  Dù vẫn duy trì nhưng rõ ràng, để tính đến hiệu quả thì còn chưa cao. Khi kết hợp với Công ty du lịch, chúng tôi đã có “đầu ra” để sáng đèn định kỳ. Tuy nhiên, vẫn chỉ đủ bù chi phí… Nhìn rộng ra thì thấy, để hoạt động này có hiệu quả thực sự thì còn nhiều việc phải làm, với sự kết hợp của nhiều bộ ngành. Với đơn vị chúng tôi, chỉ là trong giai đoạn này, chúng tôi nhận thức rõ, các đơn vị cần phải phát huy tính tự lực, năng động để có thể tự khẳng định giá trị của mình… Còn hướng đi lâu dài thì cần có đầu tư lớn, cần sự định hướng chiến lược. Nếu không, chúng tôi sẽ chỉ có thể duy trì mà không phát triển tốt được theo chiều hướng tích cực

Vâng, xin được cảm ơn ông về cuộc trao đổi thẳng thắn này.

Ngọc Bảo (thực hiện)

Biểu diễn nghệ thuật thuyết minh tiếng Anh: Khéo chiều ý khán giả

(HNM) – Một chương trình đã đứng vững và sống khỏe suốt 3 năm qua là “Biểu diễn nghệ thuật cho du khách có thuyết minh bằng tiếng Anh” tại rạp Chuông Vàng vẫn được Nhà hát Cải lương Hà Nội quyết định đổi mới để cho ra mắt một diện mạo khác, bắt đầu phục vụ khán giả từ giữa tháng 3.

Cách đây 3 năm Nhà hát Cải lương Hà Nội đã tạo bước đột phá trong việc đưa nghệ thuật truyền thống đến khán giả nước ngoài khi ra mắt chương trình này. Nhà hát đã có đầu tư không nhỏ về kỹ thuật khi trang bị ba hàng ghế treo tai nghe cá nhân để nghe được thuyết minh tiếng Anh, hai màn hình LED ở hai bên sân khấu, phòng thu phát tương thích… rồi đầu tư về nhân lực, trong đó người dịch, thuyết minh giỏi tiếng Anh, có hiểu biết sâu về sân khấu, nghệ thuật. Vậy nhưng, ngay khi đó, trả lời báo giới, NSƯT Trần Quang Hùng, Giám đốc Nhà hát cũng khẳng định: “Chỉ cố làm việc cần phải làm, chứ thành hay bại thì không thể biết được!”. Nay, lượng khách đã khá đều, đặt lịch kín từng tháng, từng quý nhưng những người nghệ sĩ giàu suy tư nghề nghiệp vẫn quyết định đổi mới bởi có khá nhiều đóng góp hay của công chúng, đồng nghiệp và nhất là du khách nước ngoài.

Sự đổi mới này trước hết ở kết cấu chương trình đã rõ ràng, rành mạch hơn, không bị bó buộc bởi diễn cải lương mà là hầu hết những hình thức biểu diễn nghệ thuật dân gian độc đáo của các vùng miền với tên gọi “Giới thiệu văn hóa các vùng miền Việt Nam”. Ở mỗi tiết mục đều chỉ cụ thể trên hình bản đồ Việt Nam vị trí của địa phương – nơi xuất xứ của hình thức diễn xướng, biểu diễn tiết mục, hay tiết mục biểu diễn quan trọng, cơ bản, đặc trưng của địa phương nơi đó. Và dứt khoát với tiêu chí biểu diễn các hình thức nghệ thuật của Việt Nam, nên ngoài 6 tiết mục cũ, nhà hát mạnh dạn khai thác thêm các tiết mục khác như múa “Cồng chiêng Tây Nguyên”, “Múa sạp” của đồng bào Thái…, hay thay đổi tiết mục bài tân cổ giao duyên “Tình yêu trên dòng sông Quan họ” bằng cả màn múa – hát Quan họ da diết, ngọt ngào. Toàn bộ tiết tấu chương trình được đẩy nhanh, thay đổi tiết mục liên tục để giữ được thời lượng cần thiết. Từng tiết mục cũng được đầu tư kỹ lưỡng hơn từ dàn dựng cho diễn viên đến phông cảnh trên sàn diễn. Ở lần đổi mới này còn có sự xuất hiện một cô gái thuyết minh tiếng Anh xinh đẹp, phát âm khá chuẩn, uyển chuyển để hướng sự chú ý của khán giả vào những điểm cần tập trung ở từng tiết mục. Tuy nhiên, không quá lệ thuộc vào sự thuyết minh này, đạo diễn cũng tận dụng ngôn ngữ hình thể, ngôn ngữ của âm nhạc… cho các tiết mục của mình. Du khách cũng rất thích thú khi được mời lên sân khấu chụp ảnh, tham gia màn múa sạp tưng bừng, rộn rã để kết thúc đêm diễn.

Thưởng thức đêm diễn, sự nhẹ nhàng, thư thái khiến người xem yêu mến thêm những diễn viên, nghệ sĩ của nhà hát. Có những diễn viên giỏi nghề, chuyên đóng vai chính nay cũng khiêm nhường múa phụ họa, thậm chí cầm sào tre để gõ nhịp cho màn múa sạp. Dù vẫn còn đôi ba chỗ cần đến sự dàn dựng công phu và tập luyện kỹ lưỡng hơn nhưng đây thực sự là chương trình khiến những khán giả khó tính cũng sẵn lòng vỗ tay tán thưởng. Rõ ràng, biết lắng nghe, đổi mới liên tục với những sáng tạo, cập nhật xu thế thời đại chính là yếu tố duy trì bền lâu lượng khách cho Nhà hát.

Bảo Anh

“Khi hoa nở trái mùa” Dự án phối hợp điện ảnh ra mắt khán giả thủ đô!

(sankhau.com.vn)

19/09/2013 4:58:09 CH

Tối 18/9, tại Rạp Hồng Hà (Hà Nội), Nhà hát Cải lương Hà Nội đã ra mắt vở cải lương đương đại “Khi hoa nở trái mùa” được lồng ghép ngôn ngữ điện ảnh. Đây là tác phẩm thứ 2 trong dự án đưa ngôn ngữ điện ảnh vào tác phẩm sân khấu của Nhà hát Cải lương Hà Nội.

Việc đưa tiếng động, âm thanh của nghệ thuật điện ảnh phục vụ cho sinh hoạt, hành động của diễn viên trong tác phẩm sân khấu đương đại “Khi hoa nở trái mùa” có mục đích như cầu nối làm liền mạch tác phẩm, sân khấu không còn bị gián đoạn giữa các màn. Với cách làm như vậy, không gian của sự việc rõ ràng được mở rộng, làm tăng tính hiệu quả tổng thể.

 

Một cảnh trong vở “Khi hoa nở trái mùa”

Hướng đi mới này của Nhà hát Cải lương Hà Nội hiện đang nhận được nhiều luồng phản ứng trái chiều từ phía khán giả và giới chuyên môn. “Sân khấu và điện ảnh (nhất là loại hình nghệ thuật Cải lương) có nên song hành trong cùng một tác phẩm nghệ thuật?” lại một lần nữa được đặt ra với “Khi hoa nở trái mùa”.

 

Vở cải lương “Khi hoa nở trái mùa” xoay quanh câu chuyện của một hoạ sĩ yêu đắm say người thiếu nữ nhưng cô lại lựa chọn người bạn khác. Quá cay đắng, anh ta đã nguỵ tạo chứng cứ cùng bức thư giả để làm quà tặng hôn lễ. Đúng đêm tân hôn, gói quà được mở ra. Chú rể là người quá coi trọng sự hoàn hảo, không thể chấp nhận tình huống có thể bị cô dâu lừa dối nên hôn nhân tan vỡ. Cô gái với mầm sống trong bụng mình đã không thể chịu đựng nổi tình trạng oan trái, gieo mình tự vẫn. Nhưng cô đã được anh hoạ sĩ cứu sống và chấp nhận cô cùng đứa con trong bụng mà anh yêu quí như con đẻ.

 

Hai mươi năm sau… rất nhiều đổi thay đã đến với gia đình nhỏ của họ khi người bố hoàn toàn biến thành người khác và mắc trọng bệnh. Cô con gái nhỏ bị bệnh tim cần phải được phẫu thuật thay tim. Ông bố, trước cái chết cận kề, sự thật và những mối quan hệ rắc rối của 20 mươi năm trước đã bộc lộ mong đến sự thông cảm, thấu hiểu và xin được tha thứ.

 

Trước “Khi hoa nở trái mùa”, Nhà hát Cải lương Hà Nội từng cho ra mắt khán giả vở “Yêu là thoát tội” cũng theo hình thức lồng ghép giữa nghệ thuật sân khấu và nghệ thuật điện ảnh(?)

 

Một số thông tin về vở cải lương “Khi hoa nở trái mùa”:

 

Tác giả: Chu Thơm

Chuyển thể cải lương: Thạc sĩ, NSƯT Triệu Trung Kiên

Cố vấn văn học: PGS, TS Phạm Quang Long

Cố vấn nghệ thuật: NSƯT Trần Quốc Chiêm

Đạo diễn: NSƯT Trần Quang Hùng

Trợ lí đạo diễn: NSƯT Thanh Hương

Thư ký đạo diễn: Thu Hà

Âm nhạc: Đào Trung

Thiết kế mỹ thuật: NSƯT Tất Ngọc

Biên đạo múa: Hoàng Thùy Linh

Hướng dẫn ca hát: Mỹ Vân

Âm thanh: Ngọc Tiến

Ánh sáng: Anh Thao, Hồng Hải, Bá Bảo

Chủ nhiệm công trình: Tô Hồng

Chỉ đạo nghệ thuật: Giám đốc Nhà hát – NSƯT Trần Quang Hùng

Chỉ huy đêm diễn: Lại Xuân Tiến

 

Bảng phân vai:

 

Hoài: NSƯT Thanh Hương – Hồng Nhung

Phong: Quang Tuấn

Thiết: Hoàng Viện

Hoài Thu: Thu Hường – Diệu Linh

Cam Ly: Thy Nhung – Phương Hà

Lộc: Xuân Đại– Đôn Hồ

Bà mẹ: Kim Dung – Ngọc Dung

Giáo sư: Hoàng Dân

Người mẫu: Thuỳ Trang, Thanh Hà, Vân Anh,

Bác sĩ, y tá: Đức Long, Công hợp, …

 

Cùng tập thể nam, nữ nghệ sĩ, nhạc công, kỹ thuật viên tham gia biểu diễn.

 

Hội NSSK VN

 

Khi hoa nở trái mùa: Thông điệp về sự thức tỉnh!

(suckhoedoisong.vn)

Thứ Ba, 06/12/2011 08:24

Lâu lắm mới thấy một vở diễn có tìm tòi và xây dựng được một kết cấu chặt khá hấp dẫn, có tính thuyết phục như Khi hoa nở trái mùa của Nhà hát Cải lương Hà Nội. Vở diễn dung dị nhưng sâu lắng với một thông điệp về sự thức tỉnh của con người dù có lúc lầm lỗi.

Tác giả Chu Thơm tỏ ra có nghề nhưng không “thợ” với cách xây dựng nhân vật. Chú rể Phong trong ngày cưới phát hiện trong đống quà mừng “chiếc khăn trinh tiết” của ai đó gửi và cơn ghen, sự hồ đồ ích kỷ khiến anh ra đi bỏ mặc cô dâu Hoài với đứa con trong bụng. Hoài bị oan và không thể thanh minh đã tìm đến cái chết. Tại bờ sông, Hoài gặp người bạn cũ là nghệ sĩ nhiếp ảnh cứu và rồi họ lấy nhau.

Cái bi kịch khởi đầu ấy đeo đẳng suốt 20 năm dù Thiết yêu con riêng của vợ như con đẻ. Lòng biết ơn không làm nên tình yêu và Thiết chán chường sa vào rượu chè cùng những cuộc tình bất tận. Hoài muốn ly hôn nhưng Thiết không đồng ý. Phong sau 20 năm tìm về muốn nhận lại con nhưng Hoài cũng chẳng thuận

Cảnh trong vở “Khi hoa nở trái mùa”

Thế rồi toàn bộ tuyến kịch và nhận thức của các nhân vật bỗng đảo ngược khi Thiết bị trọng bệnh. Biết mình sắp chết, Thiết đồng ý ly hôn nhưng Hoài lại đau đớn phản đối là một nét nhân bản khi viết về phụ nữ. Nguyện vọng của Thiết trước khi chết muốn được ghép trái tim mình cho con nuôi đang bị bệnh tim bẩm sinh và muốn nói lên sự thật nhưng Phong lại muốn giữ kín vì người nuôi dưỡng, yêu thương con mình mới thực sự là cha. Với cách tổ chức xung đột để thay đổi nhận thức nhân vật theo kiểu đảo chiều của tác giả làm vở diễn có chiều sâu, mang được tính nhân văn sâu sắc.

Đạo diễn, NSƯT Trần Quang Hùng sau một loạt vở dàn dựng thành công gần đây như một hiện tượng sân khấu lại một lần nữa thành công trong cách thể hiện kịch bản bằng ngôn ngữ đạo diễn rất riêng, có phong cách ở Khi hoa nở trái mùa. Không sa vào trò, miếng để câu khách dễ dãi, anh tìm sự hấp dẫn của vở diễn qua việc khai thác chiều sâu nội tâm nhân vật, đi đến tận cùng những góc khuất của tâm hồn nhân vật. Lớp kịch “trả ảnh người tình cũ” gọn mà sinh động thể hiện sự bất cần, thậm chí ích kỷ của nhân vật nhưng trong con người ích kỷ ấy có tình yêu thương con nuôi thật sự, yêu đến nồng nàn. Những chi tiết kịch được đạo diễn chăm chút, chuẩn bị khiến hành động kịch phát triển tự nhiên, tính cách nhân vật và phẩm chất bên trong được bộc lộ một cách logic, làm nên tính thuyết phục. Cảnh  kịch “trong bệnh viện” là cảnh kịch xúc động nhất mang được thông điệp toàn vở diễn nhưng không gò ép và áp đặt. Xúc động còn bởi cảm xúc khán giả được đạo diễn chuẩn bị suốt tuyến hành động để đến cao trào bùng nổ thành nhận thức về sự cảm thông và tha thứ trong cuộc sống này.

Thành công của vở diễn không thể không nói đến tác giả chuyển thể Triệu Trung Kiên với những lời ca mượt mà, đậm chất dân gian trong một vở kịch hát đích thực chứ không phải “kịch nói pha ca” như vẫn thường gặp.

Giữa lúc sân khấu ngập tràn hề kịch hoặc những vở diễn vô thưởng vô phạt khiến khán giả quay lưng thì sự xuất hiện của Khi hoa nở trái mùa là một tín hiệu đáng mừng bởi sự nghiêm túc trong kịch bản và dàn dựng cũng như tính nhân văn trong nội dung vở diễn.

Khi hoa nở trái mùa là vở diễn đáng xem và suy ngẫm. Tập thể sáng tạo của Nhà hát Cải lương Hà Nội đã lao động nghiêm túc, để lại được dấu ấn trong lòng khán giả sau đêm diễn với những dấu hỏi cõng nặng suy tư trong đầu khi tấm màn nhung khép lại…

Lưu Thủy