Bài viết trong » Tháng Chín 30th, 2023«
GD&TĐ – Báo Giáo dục&Thời đại trò chuyện với nghệ sĩ Hồng Nhung – Trưởng đoàn Cải lương Chuông Vàng, về việc phục dựng nguyên bản ‘Kiều’.
Nhà hát Cải lương Hà Nội mong muốn vở ‘Kiều’ sẽ đến với các trường học. Ảnh: Hoàng Anh
Nghệ sĩ Hồng Nhung – Trưởng đoàn Cải lương Chuông Vàng, Nhà hát Cải lương Hà Nội chia sẻ về việc phục dựng nguyên bản “Kiều” cũng như kế hoạch đưa vở diễn đến với các trường học.
- Mấy năm qua có nhiều nhà hát dựng Kiều và thường tìm cách thể hiện mới, hiện đại nhưng vở diễn của Nhà hát Cải lương Hà Nội lại phục dựng chuẩn chỉnh theo bản dựng của NSND Ngọc Dư từ năm 1993. Liệu rằng cách đi riêng này của nhà hát có thực sự hiệu quả không, thưa chị?
Nghệ sĩ Hồng Nhung: Với cảm nhận của mình, tôi thấy lối đi này hiệu quả, bởi qua rất nhiều phiên bản, nhiều loại hình dựng Kiều tôi chỉ mê Kiều của cải lương. Có thể do tôi là diễn viên cải lương nên dễ cảm nhận loại hình nghệ thuật này hơn chăng.
Với bản dựng của NSND Ngọc Dư, tôi thấy rất chuẩn chỉnh từ ý tứ văn thơ, lớp lang kịch cho đến âm nhạc, phục trang, trang trí… Tất cả không có một điểm trừ.
Chẳng thế mà khi khán giả đi xem họ luôn mong muốn Kiều phải như xưa. Chúng tôi quá mê bản dựng đó rồi và thực sự sau bao nhiêu năm khi đứng trên sân khấu, nay được hóa thân vào nàng Kiều tôi không thể ngơi cảm xúc, muốn nói sai thoại còn khó. Vì Kiều đã khắc đậm trong tâm trí tôi.
- Chị thấy các suất diễn vừa qua khán giả đã đón nhận vở diễn như thế nào?
Qua 3 đêm biểu diễn từ tháng 8 cho tới nay, vở cải lương “Kiều” vẫn đón nhận được sự yêu mến của khán giả. Hai đêm đầu khán phòng hết chỗ, đêm thứ 3 có giảm đi chút ít nhưng có khán giả đi xem lại lần thứ 3 với vở Kiều.
Có một số khán giả là người nước ngoài xem từ đầu cho đến hết vở. Do không phải thuê rạp, xe chuyên chở đồ diễn nên doanh thu các suất khá ổn so với các đêm diễn trước đây đi diễn nội – ngoại thành.
- Tới đây vở diễn tiếp tục được lên kế hoạch biểu diễn như thế nào, thưa chị?
Nhà hát tiếp tục chủ trương sáng đèn tại rạp 1 tháng 2 lần vào các tối thứ 5. Các vở sẽ luân phiên biểu diễn. Vừa rồi “Kiều” đi tiên phong trong mô hình sáng đèn thường xuyên tại rạp Chuông Vàng.
- Vậy còn có kế hoạch đưa vở diễn đến các trường học hoặc hợp đồng đưa học sinh đến rạp thì sao, thưa chị?
Nhà hát rất mong muốn sẽ không chỉ đưa “Kiều”, mà rất nhiều các tác phẩm đề tài lịch sử đến với sân khấu học đường. Đây là cách tiếp cận giới trẻ tốt nhất. Bên cạnh đó cũng là cách tiếp cận bộ môn Lịch sử đến với các em.
Ngoài những giờ lên lớp các em được biết, được thấy rõ hơn hình tượng các vị anh hùng trong lịch sử dân tộc trên sân khấu. Cũng là phát huy và khơi gợi tình yêu nghệ thuật với các em nhỏ.
Những năm qua, nhà hát thực hiện đề án an toàn giao thông tới các trường học. Nhưng với các tác phẩm văn học được đưa lên sân khấu thì cần đưa học sinh tới rạp sẽ thuận lợi hơn. Khi đó, các em được thưởng thức trong một không gian yên tĩnh sẽ cảm nhận rõ nét hơn nội dung, nghệ thuật của vở diễn.
Tuy nhiên, tùy điều kiện từng trích đoạn nhỏ và nhu cầu của nhà trường, nhà hát sẽ hợp lý các yêu cầu và nhu cầu của các em nhỏ, các trường học.
Điều thú vị là, dù “bảo thủ” giữ nguyên cách kể chuyện cũ mà vở cải lương này vẫn thu hút sự quan tâm của khán giả.
Cách đây hơn 60 năm, kịch thơ “Kiều” chuyển thể từ nguyên tác cho sân khấu cải lương đã được trình diễn và làm nức lòng khán giả mộ điệu. Đặc biệt, vở diễn từng giành Huy chương Vàng hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1962.
Nhiều thế hệ nghệ sĩ tỏa sáng khi tham gia vở diễn như: Kim Xuân, Khánh Hợi, Bích Được, Bích Lân, Phương Khanh, Kiều Hiệp, Tường Vy, Tuấn Sửu, Tiêu Lang, Sỹ Cát, Mộng Dần…
Sự trở lại lần này của vở “Kiều” do đạo diễn, NSƯT Thanh Vân thực hiện là phục dựng từ bản diễn từ năm 1993 của NSND Ngọc Dư.
Theo NSƯT Thanh Vân, ban đầu chị cũng mong muốn đưa ra những ý tưởng phá cách hoặc gắn với các vấn đề thời sự của cuộc sống hoặc bố cục lại để tăng thêm tính hấp dẫn, phù hợp với thị hiếu khán giả trẻ. Tuy nhiên, chủ trương của nhà hát vẫn là giữ nguyên bản dựng cách đây 30 năm, nhất là cốt truyện, lời thơ…
hính vì vậy, khi thưởng thức bản diễn “Kiều” của cải lương Hà Nội, khán giả thực sự được trở về với câu chuyện xưa từ diễn tiến kịch đến tạo hình nhân vật. Vở diễn bám sát nguyên tác “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, ngay sau lời hẹn ước Kim – Kiều ngọt ngào, lãng mạn là những gió dập sóng dồi của cuộc đời người con gái bị “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”.
Tất nhiên, nhiều lớp diễn đã được gọn lại, lược đi nhiều tình tiết để vừa vặn 2 tiếng sân khấu sáng đèn. Khi đó, vở diễn tập trung khắc họa những cảnh là nút thắt chính của câu chuyện như: Khi phải bán mình chuộc cha, nàng Kiều cậy nhờ Thúy Vân thay mình nối tiếp duyên với chàng Kim Trọng rồi cuộc mặc cả bán mua của Tú Bà với Sở Khanh, nhất là cảnh mụ Tú Bà ép Kiều tiếp khách.
Rồi cảnh Kiều gặp gỡ trao gửi niềm tin với Thúc Sinh để bị Hoạn Thư “ngứa ghẻ hờn ghen” đến nhục nhã, ê chề: “Lo gì việc ấy mà lo/Kiến trong miệng chén có bò đi đâu/Làm cho nhìn chẳng được nhau/Làm cho đầy đọa cất đầu chẳng lên…”.
Phân cảnh Kiều trở thành phu nhân của Từ Hải đứng ra xử án và khuyên giải chồng hàng phục triều đình cũng được tái hiện rõ nét…
Có thể thấy, lời thơ chuyển thể từ “Truyện Kiều” sang cải lương và những đoạn lẩy Kiều, vận ý… ở đây rất mượt mà, cảm xúc mà luôn rõ ý, hài hòa. Bởi thế, vở diễn thực sự thỏa mãn phần nghe, giúp khán giả hôm nay hiểu thêm phần nào vì sao ngày trước nhiều người nói “đi nghe cải lương”.
Cùng với đó, vở diễn vẫn có màu sắc, hơi thở mới khi được thể hiện bởi thế hệ nghệ sĩ tài năng hiện nay của Nhà hát Cải lương Hà Nội như NSND Thanh Hương, NSƯT Hoàng Viện, NSƯT Hồng Tuyến, NSƯT Kim Dung, Hồng Nhung, Nhật Linh…
Mỗi nhân vật, tích cách điển hình như Tú Bà – NSƯT Kim Dung, Hoạn Thư – NSND Thanh Hương, Thúc Sinh – NSƯT Hoàng Viện… đều có đất để các nghệ sĩ thể hiện khả năng ca diễn của mình.
Nhất là đào thương Hồng Nhung, Trưởng đoàn Chuông Vàng, khá vẹn toàn cả thanh lẫn sắc khi hóa thân thành nàng Kiều. Vẻ đẹp dịu hiền mà không kém phần “sắc sảo mặn mà” cùng diễn xuất được trau chuốt và giọng hát khá ngọt của Hồng Nhung đã để lại cho khán giả ấn tượng khó quên.
Chia sẻ về vai diễn đặc biệt này, Hồng Nhung cho biết, khi mới ra trường đầu quân về nhà hát cô đã diễn “Kiều”. “Nhưng lúc đó còn quá nhỏ để tôi có thể cảm thụ hết những gian truân cũng như diễn tả được hết nhân vật Kiều.
Giờ làm lại tác phẩm, tôi dùng 18 năm làm nghề để tinh chọn giọng ca, diễn xuất và những trải nghiệm từ chính cuộc sống để đưa vào “Kiều”. Tôi luôn chăm chút từng câu hát cũng như nội tâm để Kiều được rõ nét nhất trên sân khấu cải lương”, Hồng Nhung tâm huyết nói.
Ngoài ra, âm nhạc của vở diễn có một số phân đoạn được phối trộn nhạc jazz trên nền bài bản cải lương truyền thống. Theo nhạc sĩ Phạm Chỉnh, Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội, đó là cách để vừa giữ gìn “giá trị cốt lõi” của nghệ thuật truyền thống vừa làm mới để gần với khán giả hôm nay.
Ngay khi rạp Chuông Vàng hoàn thành nâng cấp, cải tạo và mở cửa trở lại, “Kiều” đã “tiên phong” là vở diễn được Nhà hát Cải lương Hà Nội tổ chức biểu diễn bán vé. Và không phải ngẫu nhiên mà các suất diễn “Kiều” từ tháng 8 đến nay rạp Chuông Vàng gần như kín chỗ cùng doanh thu khả quan. Cùng với các khán giả đã ở tuổi xưa nay hiếm còn có các bạn trẻ và cả du khách nước ngoài cũng mua vé tới xem.
Năm nay đã 84 tuổi, biết vở “Kiều” khai rạp Chuông Vàng, bà Minh ở phố Hàng Giầy liền đi bộ cùng nhóm bạn trong khu phố sang rạp 72 Hàng Bạc để thưởng thức ngay từ suất diễn đầu tiên.
Chăm chú dõi theo từng lời ca, bà Minh khen trang trí sân khấu đẹp, nghệ sĩ biểu diễn cũng hay nhưng sự truyền cảm thì bà vẫn thích thế hệ trước như Tuấn Sửu, Tùng Ngọc, Khánh Hợi, Bích Được, Kim Xuân, Mộng Dần…
“Ngày nhỏ, tôi vẫn thường sang đây (rạp Chuông Vàng – PV) mua vé xem cải lương. Lúc đó phải xếp hàng chờ mà có khi vẫn phải mua vé chợ đen. Giữ thói quen ấy, đến giờ mỗi tháng tôi lại mua vé đi xem 2 – 3 buổi để ủng hộ nghệ sĩ. Giờ tivi có đủ chương trình, đám trẻ ở nhà xem chứ mấy ai ra rạp đâu. Vậy nên nghệ sĩ tích cực biểu diễn thì khán giả phải ủng hộ chứ”, bà Minh nói.