Bài viết trong » «
Có lẽ, không ai có thể nghĩ đến một ngày nào đó, cô Thị Màu lúng liếng của sân khấu chèo cổ lại bước lên sân khấu cải lương, với một diện mạo mới cùng những hành động phá bỏ mọi luật lệ phong kiến để được sống là chính mình. Thế nhưng, điều đó đã trở thành hiện thực, tại sân khấu cải lương Hà Nội.
Đoàn cải lương Hoa Mai (Nhà hát cải lương Hà Nội) vừa cho ra mắt công chúng vở cải lương Truân chuyên dải yếm đào (tác giả kịch bản Lê Chí Trung, chuyển thể cải lương Đình Tư, đạo diễn – NSND Hoàng Quỳnh Mai, âm nhạc Hoàng Anh Tú, họa sỹ Đạt Tăng – NSƯT Lê Văn Trực, biên đạo múa Hoài Anh), với sự tham gia diễn xuất của các nghệ sỹ: NSƯT Quang Thanh vai Lý Trưởng, NSƯT Văn Túc vai Phú Ông, NSƯT Thái Vân vai Thị Kính, nghệ sỹ Thiên Hương vai Thị Màu, nghệ sỹ Hồng Nhung vai Mẹ Đốp, nghệ sỹ trẻ Xuân Vương vai Nô… cùng các nghệ sỹ đoàn cải lương Hoa Mai.
“Truân chuyên dải yếm đào” lấy nội dung từ vở chèo cổ nổi tiếng Quan Âm Thị Kính – một trong những vở chèo kinh điển và thuộc hàng mẫu mực của bộ môn nghệ thuật chèo. Vở diễn lấy Thị Màu làm nhân vật chính, câu chuyện xoay quanh tình yêu chân thành và sự mạnh mẽ nhưng cũng đầy nhân văn của Thị Màu trong việc dám đứng lên chống lại sự hà khắc của chế độ phong kiến để được sống thật với tình yêu của mình. Với một kịch bản được viết rất khéo léo, gọn gàng nhưng sâu lắng, cùng bàn tay dàn dựng tài hoa của đạo diễn – NSND Hoàng Quỳnh Mai, và sự tham gia của những gương mặt tài năng, vở diễn đã mang lại những cảm xúc thăng hoa cho khán giả.
Chứng kiến từ lúc tấm màn nhung mở ra, đến khi khép lại vở diễn, người viết bài này đã được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, lúc thì cười mãn nguyện, khi thì xúc động rưng rưng với mạch truyện lôi cuốn và lối diễn xuất nhuần nhị cùng những giọng ca tuyệt vời của các nghệ sỹ. Nhưng điều khiến vở diễn chinh phục người xem một cách thuyết phục nhất, chính là sự khéo léo của ekip dàn dựng, khi đã biến một câu chuyện kinh điển trên sân khấu chèo trở thành một vở diễn rất cải lương, đầy sự mới mẻ và mang đậm hơi thở của cuộc sống. Đạo diễn – NSND Hoàng Quỳnh Mai đã khôn khéo tiết chế tối đa những yếu tố đặc trưng của chèo để biến vở diễn thành một tác phẩm cải lương thuần túy nhưng vẫn giữ được cái cốt cách và nền tảng của câu chuyện trên sân khấu chèo.
Không chỉ tài tình trong việc tiết chế “chất” chèo để làm nó trở nên mềm mại đúng kiểu cải lương, biến câu chuyện nhiều bi ai của vở chèo Quan Âm Thị Kính thành một tác phẩm cải lương mang nhiều sự lãng mạn và truyền tải những thông điệp nhân văn một cách giản dị, gần gũi – đạo diễn NSND Hoàng Quỳnh Mai còn góp phần đưa các nghệ sỹ về đúng bản ngã của mình để được “bung tỏa” hết tài năng vốn có, tạo nên hiệu quả tối đa cho vai diễn.
Chính vì thế, các nghệ sỹ đã diễn như “cá về với nước”, thăng hoa trong từng cảnh diễn. Những gương mặt nổi bật nhất trong vở diễn phải kể đển NSƯT Quang Thanh (vai Lý Trưởng), nghệ sỹ Thiên Hương (vai Thị Màu) và đặc biệt là nghệ sỹ Hồng Nhung (vai Mẹ Mõ). Có thể nói, vai Mẹ Mõ qua phần diễn xuất của Hồng Nhung trở thành “cái đinh” của đêm diễn. Xuất hiện từ đầu đến cuối, tính chất nhân vật và thời lượng xuất hiện ngang với vai Thị Màu, chính vì thế, Hồng Nhung như “cá về với nước” khi vừa được đóng vai đúng sở trường, vừa có nhiều thời gian, nhiều đất diễn nên cô đã thực sự thăng hoa trong từng câu hát, từng động tác hình thể, trở thành “quan tòa” giải quyết mọi câu chuyện liên quan đến Thị Màu – đây là một trong những điểm khác lạ của Đốp “chèo” và Mõ “cải lương”.
NSƯT Quang Thanh vai Lý Trưởng cũng được đánh giá xuất sắc bởi sự chín muồi trong diễn xuất cũng như giọng hát của anh. Là một trong những nghệ sỹ nổi bật nhất của cải lương Hoa Mai, NSƯT Quang Thanh vào vai ngọt lịm, diễn vừa sinh động vừa tinh tế, phong thái chững chạc và giọng hát thuộc hàng “đẳng cấp”, làm điểm tựa cũng như tạo đà cho các đồng nghiệp “quăng miếng” rất ăn ý và hiệu quả. Anh là một trong những nhân vật quan trọng góp phần làm nên thành công của vở diễn.
Vai Thị Màu do nghệ sỹ Thiên Hương đảm nhận. Thiên Hương có thế mạnh là giọng hát, và có thể nói cô là người hát hay nhất trong dàn nghệ sỹ tham gia vở diễn này. Giọng hát của Thiên Hương vừa dày vừa sáng, nhưng lại rất ấm áp và tình cảm. Cách hát và cách phát âm của Thiên Hương mang nét đặc trưng của cải lương Bắc nên rất dễ đi vào lòng người. Với vai Thị Màu, Thiên Hương cũng làm rất tốt, thể hiện xuất sắc vai chính trong vở.
Ngoài ra, còn phải kể đến gương mặt trẻ Xuân Vương. Chàng trai 9x có ngoại hình đẹp và giọng hát sáng, khỏe cũng như lối diễn khá chân thật, thế nên anh vào vai Nô rất hợp. Mặc dù chưa hoàn hảo như các nghệ sỹ đàn anh, nhưng Xuân Vương cho thấy sự tiến bộ từng ngày và là một gương mặt đầy triển vọng, đủ khả năng tiếp nối thế hệ đi trước của cải lương Hoa Mai.
Vở diễn không đơn thuần chỉ mang lại tiếng cười và sự xúc động từ các nhân vật, mà nó còn truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa qua bàn tay dàn dựng của NSND Hoàng Quỳnh Mai. Rất nhiều hình ảnh mang những ý tứ sâu xa như cảnh Thị Màu ngồi gục khóc giữa hai vòng tròn chèn ép hai bên, thể hiện nỗi khổ của người phụ nữ thời xưa phải chịu sự kìm kẹp, trói buộc của cả những hủ tục lẫn kim tiền. Hay hình ảnh ba người phụ nữ: Thị Màu, Mẹ Mõ, Thị Kính “nương tựa” vào nhau để an ủi, động viên, chia sẻ với nhau những lúc họ rơi xuống vực thẳm. Khi xem cảnh ấy, khán giả ai cũng rơi nước mắt, và nhận ra rằng, đâu chỉ có một mình Thị Màu truân chuyên, mà còn cả Mẹ Mõ và Thị Kính cũng bất hạnh không kém, và họ đã tìm thấy sự đồng cảm của nhau nên đã gắn bó và nâng đỡ nhau trong cuộc sống.
Có một chi tiết rất đặc biệt, mà đúng là chỉ có cải lương mới “dám” làm, đó chính là cảnh Mẹ Mõ bất ngờ tiết lộ thân phận thật sự của Thị Kính cho Thị Màu biết khi cả ba người có mặt ở sân chùa. Và khi biết Thị Kính là nữ, Thị Màu đã trực tiếp bế con đến, quỳ xuống cầu xin Thị Kính nuôi con giúp cô – đây là một chi tiết rất đắt giá, khác biệt hoàn toàn với tình tiết bên sân khấu chèo, và chính tình tiết ấy đã “bẻ” câu chuyện Thị Màu đi theo một hướng khác, giúp người xem đỡ “nặng” vì nó mang màu sắc tươi sáng hơn, đỡ bi ai, oan ức như nhân vật Thị Kính bên chèo.
Có thể nói, với một kịch bản khá nhẹ nhàng, có những tình tiết thay đổi so với bản gốc khiến câu chuyện rẽ sang một hướng khác, cùng với bàn tay dàn dựng tài hoa của đạo diễn – NSND Hoàng Quỳnh Mai cùng dàn nhạc và các nghệ sỹ đoàn cải lương Hoa Mai – vở diễn Truân chuyên giải yếm đào thực sự đã mang đến một góc nhìn mới cho các nhân vật trong vở Quan Âm Thị Kính với một diện mạo tươi sáng hơn, trữ tình hơn và nhẹ nhõm hơn. Thực sự là một vở cải lương đáng xem trong thời điểm hiện tại.