Bài viết trong » 2013 «

NGÀY HỘI CỦA NHỮNG GIỌNG CA TÀI TỬ!

Chương trình Tiếng đờn, giọng ca cải lương hội tụ giữa lòng Hà Nội của Nhà hát Cải lương Hà Nội sau một năm hoạt động, đã có 14 chương trình được thực hiện. Ngày kỷ niệm vừa tròn 1 tuổi của chương trình đã được Nhà hát cùng với đội ngũ cộng tác viên, những nghệ sĩ không chuyên chuẩn bị công phu. Dường như không còn ranh giới giữa chuyên nghiệp và nghiệp dư ở đêm diễn này. Tất cả chỉ còn lại sự háo hức, tưng bừng, thể hiện hết sự nhiệt tâm với nghệ thuật Cải lương. Lãnh đạo Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cùng các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ và rất đông khán giả yêu Cải lương đã tới dự đêm diễn.

Hình ảnh các Nam, nữ tài tử của chương trình “Tiếng đờn, giọng ca Cải lương hội tụ giữa lòng Hà Nội” kỷ niệm 01 năm hoạt động chương trình

Ông Nguyễn Văn Trực, trưởng phòng Quản lý nghệ thuật của Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch rất vui mừng với thành công của chương trình và đánh giá, đây là một chương trình rất tốt, rất có ý nghĩa trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Nhà hát đã làm được một trong những hoạt động có sức lan tỏa trong cộng đồng và thực hiện đúng chủ trương phát triển văn hóa không chỉ trông chờ vào các nghệ sĩ chuyên nghiệp, trông chờ vào nguồn ngân sách Nhà nước mà đã mạnh dạn thực hiện phát triển văn hóa theo phương thức xã hội hóa. Có thể nói, đây là hoạt động đi rất đúng với tinh thần Nghị quyết TW 5 về phát triển văn hóa và rất cần được khuyến khích khi tạo sân chơi lành mạnh cho người dân.

Nam tài tử Đình Hải và nữ tài tử Thục Quyên thể hiện tiết mục kỷ niệm 01 năm hoạt động chương trình “Tiếng đờn, giọng ca Cải lương hội tụ giữa lòng Hà Nội”

NSND Mạnh Tưởng cũng rất phấn khởi với kết quả này. Người nghệ sĩ lão thành của nghệ thuật Cải lương đã phát biểu:

“ Đây là một chương trình thể hiện được sự công phu, kết quả lao động sáng tạo nghệ thuật vất vả của anh em nghệ sĩ Nhà hát và của các nghệ sĩ tài tử. Theo tôi, đây là một hướng phát triển rất tốt, tuy về mặt kinh tế không lớn nhưng đã đạt tới cái đích nghề nghiệp khi có giá trị thúc đẩy, tạo đà cho nghệ thuật Cải lương đi sâu hơn vào tâm thức công chúng. Nhìn lại lịch sử phát triển của Cải lương thì có thể thấy, miền Bắc tuy không phải là chiếc nôi sản sinh loại hình nghệ thuật này nhưng sự hưởng ứng và niềm đam mê đối với Cải lương không hề thua kém bất kỳ địa phương nào. Ngay từ những năm đầu khi phong trào Đàn ca tài tử tiến dần lên thành hình thức sân khấu Cải lương thì khắp các tỉnh thành như Hải Phòng, Nam Định, Hà Nội, Thanh Hóa… phong trào đàn ca các bài bản Cải lương cũng diễn ra rầm rộ. Vì vậy, khi Nhà hát Cải lương Hà Nội có ý tưởng và mạnh dạn thực hiện chương trình thật đáng biểu dương. Anh em tài tử có nơi sinh hoạt, tạo môi trường hoạt động như một thú vui thanh tao và sau đó là sự lan tỏa tình yêu Cải lương. Một chương trình nhưng có nhiều tác dụng như: giúp khôi phục phong trào đờn ca Cải lương ở phía Bắc, kích thích tình yêu đối với Cải lương trong công chúng, tạo được nguồn cho những ai có khả năng bước vào con đường nghề nghiệp… Theo tôi, cần nhân rộng mô hình chương trình này, đặc biệt là trong bối cảnh Đờn ca tài tử đang trong thời kỳ trình lên UNESCO để được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của VN…”

Nữ tài tử Bích Dậu – một người rất ham mê ánh đèn sân khấu Nhà hát Cải lương Hà Nội

NSUT Triệu Trung Kiên, người cũng có ý tưởng cho ra đời chương trình Đờn ca tài tử, khoảng trời phương Nam thì khẳng định, chương trình của Nhà hát Cải lương Hà Nội và chương trình của anh có nhiều điểm tương đồng về mục đích nhưng cách thức hoạt động có khác. Chương trình của anh và các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam là chương trình của các nghệ sĩ chuyên nghiệp biểu diễn, có sự giao lưu góp vui của các khách mời, các khán giả. Trong khi đó, chương trình Tiếng đàn giọng ca Cải lương giữa lòng Thủ đô lại là chương trình lấy các nghệ sĩ không chuyên, những người yêu thích Cải lương làm trung tâm, là sân chơi của họ và các nghệ sĩ chuyên nghiệp chỉ là người cùng tham gia, giúp đỡ. Cả hai đều là những chương trình làm phong phú thêm cho hoạt động nghệ thuật, đa dạng hóa các hình thức để tạo dựng niềm đam mê Cải lương cho đông đảo công chúng và có những điểm mạnh riêng. Về chương trình của Nhà hát Cải lương Hà Nội, NSUT Triệu Trung Kiên cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, thực hiện được như Nhà hát là rất tốt rồi, thật khó có thể làm tốt hơn được. Tuy còn có những điểm chưa thật hoàn chỉnh như sự ngỡ ngàng, nhịp phách chưa thật chỉnh… nhưng các chương trình thật sinh động, làm thành vẻ hồn nhiên, hồ hởi, tinh khôi của những nghệ sĩ không chuyên. Có được những chương trình như vậy cần ghi nhận công lao của NSUT Trần Quang Hùng, giám đốc Nhà hát cùng tập thể nghệ sĩ…

NSUT Trần Quang Hùng và nữ tài tử Thanh Vân trong trích đoạn “Mẹ của chúng con” nhân kỷ niệm 01 năm hoạt động chương trình “Tiếng đờn, giọng ca Cải lương hội tụ giữa lòng Hà Nội”

Đánh giá chung về đêm kỷ niệm 1 năm hoạt động của Chương trình, tất cả những người tham dự đều rất tán đồng cách làm như một lễ hội nghệ thuật nhỏ của Cải lương. Sự lan tỏa sức ảnh hưởng của những Chương trình như thế này trong cộng đồng là điểm không thể phủ nhận. Chính từ một mặt bằng yêu thích, đam mê nghệ thuật của quân chúng, nghệ thuật Cải lương chuyên nghiệp mới có được nguồn nội lực cần thiết để tiếp tục đi tiếp và phát triển tới đỉnh cao… Có mặt trong đêm đó mới cảm nhận hết cái hay, cái đẹp cũng như tình yêu dành cho loại hình nghệ thuật này dường như chưa bao giờ phai nhạt trong lòng công chúng Thủ đô.

Một số hình ảnh của lễ Kỷ niệm 01 năm hoạt động chương trình

“Tiếng đờn, giọng ca Cải lương hội tụ giữa lòng Hà Nội”

 

TIẾP TỤC DÀN DỰNG TÁC PHẨM SÂN KHẤU MỚI THỨ 2: “NỢ NON SÔNG”

Tiếp tục thực hiện kế hoạch dàn dựng tiết mục mới năm 2013 của Ban Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nội giao, Nhà hát Cải lương Hà Nội đã trình kịch bản “Nợ Non Sông” và được Ban Giám đốc Sở, HĐNT Thành phố Hà Nội thẩm định và ra Quyết định số: 845/QĐ-VHTT&DL ngày 22/8/2013 về việc cho phép Nhà hát Cải lương Hà Nội được dàn dựng kịch bản: “NỢ NON SÔNG”; Tác giả kịch bản: Phạm Hoàng Hưng.

Trong những ngày này, trên sân khấu Nhà hát Cải lương Hà Nội, Đạo diễn NSUT Thanh Vân cùng toàn bộ các thành phần tham gia xây dựng,  sáng tạo tác phẩm sân khấu và dàn diễn viên tài năng của Nhà hát hăng say luyện tập tác phẩm sân khấu mới “NỢ NON SÔNG” của tác giả Phạm Hoàng Hưng; Cố vấn Nghệ thuật NSUT Trần Quốc Chiêm; Chuyển thể Cải lương NSUT Triệu Trung Kiên;  Âm nhạc Nhạc sĩ Như Sơn; Hoạ sĩ NSUT Tất Ngọc; Biên đạo múa Th.s Hoàng Thuỳ Linh; Chỉ đạo nghệ thuật NSUT Trần Quang Hùng; Chủ nhiệm công trình NS Tô Hồng; trợ lý đạo diễn NSUT Mỹ Vân; Hướng dẫn ca hát NSUT Thanh Hương; thư ký đạo diễn NS Thu Hà; Âm thanh Xuân Tiến – Kim Thuỷ; Ánh sáng Anh Thao; Đài trưowrng Lại Xuân Tiến… Nhà hát sẽ hoàn thành tác phẩm trong thời gian sớm để  Báo cáo các cấp Lãnh đạo và ra mắt công chúng Thủ đô.

Dự kiến Bảng phân vai vở “Nợ Non sông”

Phan Thượng thư Nhật Linh – Quang Huy
Phan phu nhân Thanh Hương – Kim Dung
Phan Nghĩa Hải Nam – Quang Tuấn
Thiên Hương Thi Nhung – Hồng Nhung
Văn Thành Quang Tuấn – Quang Thuyết
Hoàng Thái hậu Kim Dung – Đan Thanh
Vua

Hoàng Viện

Văn Bảo Minh Đức – Văn Thiếu
Nguyễn Thương Quang Huy – Xuân Tiến
Hạnh Hoa Thu Liệu – Phương Hoa
Toản Quang Hưng
Quản gia Đức Long
Cai ngục Hoàng Dân
Khách chúc thượng thọ Trọng Nguyên, Thanh Hậu

 

KHỞI CÔNG DÀN DỰNG TÁC PHẨM SÂN KHẤU MỚI!

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của Nhà hát Cải lương Hà Nội;

Căn cứ vào kế hoạch xây dựng tiết mục mới năm 2013 của Ban Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nội giao cho Nhà hát Cải lương Hà Nội.

Căn cứ vào quyết định số: 709/QĐ-VHTT&DL ngày 18/7/2013  của Ban Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nội về việc cho phép Nhà hát Cải lương Hà Nội được dàn dựng kịch bản Cải lương “Thất trảm sớ”

Vào những ngày đầu tháng 08/2013, Nhà hát Cải lương Hà Nội đã tiến hành khởi công dàn dựng tác phẩm sân khấu mới “THẤT TRẢM SƠ” của tác giả Phi Hùng.

Nhà hát đã đầu tư cho công trình này với các thành phần tham gia xây dựng, sáng tạo tác phẩm sân khấu có uy tín trong nghề như Biên tập và Đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang; Cố vấn Nghệ thuật NSUT Trần Quốc Chiêm; Chuyển thể Cải lương NS Đình Tư; Âm nhạc NS Tiến Minh; Thiết kế mỹ thuật NSUT Hoàng Song Hào; Biên đạo múa NS Hoài Anh; Chỉ đạo nghệ thuật NSUT Trần Quang Hùng; Chủ nhiệm công trình NS Tô Hồng … Nhà hát Cải lương Hà Nội, Đoàn Cải lương Hoa Mai và thành phần tham gia xây dựng, sáng tạo tác phẩm đã có một lịch làm việc chặt chẽ để vở diễn có thể ra mắt đúng kế hoạch.

Dự kiến Bảng phân vai tác phẩm sân khấu “Thất trảm sớ”:

Stt

Nhân vật

Diễn viên đảm nhiệm

1

Chu Văn An NS Tuấn An

2

Dụ Tông NSUT Trần Hà

3

Dương Nhật Lễ NSUT Gia Túc

4

Dương Nhật Lữ NS Quang Thanh

5

Châu Canh NS Xuân Long

6

Phạm Sư Mạnh NS Vũ Hải

7

Thái Giám NS Ân Chinh

8

Trần Quản NS Đức Cảnh

9

Trần Nhật Hạch NS Xuân Hùng

10

Chu Lan NS Thiên Hương, NS Lan Tường

11

Công chúa Thiên Ninh NS Thái Vân, NSUT Thu Hoài

12

Vợ Chu Văn An NS Kiều Hương, NS Thu Thuỷ

13

Cung nữ Nguyệt Hà NS Thu Hiền, NS Mai Hiền

14

Tì nữ của Thiên Ninh NS Trang Nhung

15

Cô gái xây hồ NS Lan Tường

16

Ông lão xây hồ NS Ân Chinh

17

Nam xây hồ Sơn, Vinh

18

Lính + dân làng Sơn, Vinh, Dũng, Thư, Giang, Hùng

19

Thể nữ + dân làng Mai Hiền, Phương Nụ, Thu Thuỷ, Lan Tường, Thu Hồng, Bảo Phiến, Trang Nhung

20

Chỉ huy đêm diễn NSUT Thu Hoài

21

Quản lý tập Thu Hương

22

Thư ký đạo diễn Trang Nhung
Giám đốc Nhà hát cải lương Hà Nội Trần Quang Hùng: Phải tìm cách khiến khán giả rút tiền mua vé!

VOV số 63 đăng bài: Giám đốc Nhà hát cải lương Hà Nội Trần Quang Hùng:  Phải tìm cách khiến khán giả rút tiền mua vé! – Trang 18-19)

Gần một tháng nay, khán giả sân khấu cải lương hào hứng với “Yêu là thoát tội” – một vở cải lương có sự tích hợp với nghệ thuật điện ảnh. Sự sáng tạo ấy đã tạo sức sống, diện mạo mới cho nghệ thuật sân khấu cải lương. VOV có cuộc trò chuyện với đạo diễn Trần Quang Hùng – Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội.

NSUT Trần Quang Hùng – Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội

Bắt nguồn từ đâu Nhà hát Cải lương Hà Nội nảy sinh ý tưởng đưa nghệ thuật điện ảnh vào nghệ thuật sân khấu cải lương, thưa ông?

Các ngành nghệ thuật hiện đang rơi vào tình trạng rất khó khăn. Xã hội phát triển, các công nghệ giải trí hiện đại ra đời, trình độ thưởng thức nghệ thuật của khán giả đã ở một cấp độ cao hơn. Để đáp ứng được nhu cầu của công chúng, buộc sân khấu phải có sự đổi mới.

Và sự đổi mới này đã có hiệu quả?

Đúng là chúng tôi đã nhận thấy ngay tác dụng của nó. Cho đến nay, vở diễn “Yêu là thoát tội” được diễn tới 5 buổi rồi và đêm diễn nào cũng kéo được đông đảo khán giả tới rạp. Điều đó cho thấy, không hẳn khán giả không mặn mà với kịch hát truyền thống. Vấn đề ở chỗ những người làm nghệ thuật làm gì để thu hút công chúng, để giữ họ ở lại với đêm diễn, để họ phải rút tiền ra mua vé.

Sau 5 đêm diễn, khán giả đón nhận thử nghiệm mới ra sao?

Chúng tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến đánh giá và góp ý của báo giới về vở diễn này. Bên cạnh đó, mỗi đêm diễn, chúng tôi phát phiếu thăm dò khán giả. Kết quả, có đến 95 – 97% khán giả rất thích thú. Không còn hiện tượng khán giả đi lại trong rạp. Đặc biệt, không có khán giả nào bỏ về. Đó là hiện tượng lạ chưa từng có trước đây. Khán giả cho rằng sự sáng tạo này là vì họ, khán giả thấy mình được quan tâm, được tôn trọng. Hơn nữa, khi đưa thử nghiệm này vào, vở diễn đã tăng thêm 25 phút so với vở cũ nhưng không có khán giả nào nói là vở diễn quá dài.

Ngoài số khán giả ủng hộ, hưởng ứng, rất có thể sẽ có một lượng khán giả không đồng tình với sự hiện diện của loại hình nghệ thuật hiện đại trong một vở diễn mang tính truyền thống. Anh nghĩ sao về điều này?

Đương nhiên, đâu đó vẫn có những ý kiến còn băn khoăn về sự thử nghiệm này. Chẳng hạn như có ý kiến cho rằng, thiết kế mỹ thuật chưa thực sự gắn liền với nội dung vở diễn. Có một sự băn khoăn nữa cho rằng đưa nghệ thuật điện ảnh vào sân khấu không phù hợp vì sân khấu là con người thật, còn điện ảnh lại là con người của cái bóng. Tôi cho rằng băn khoăn này là không đúng. Cải lương được hình thành và hội tụ bởi các nền nghệ thuật khác, nó phải luôn luôn “động” và phải tự làm mới mình để đáp ứng sự mong đợi của người xem và theo kịp thời đại.

Nhưng chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng, cách dựng vở theo truyền thống vẫn có vẻ đẹp của sự cách điệu, ước lệ và nó có sự hấp dẫn riêng?

Sự kết hợp này không làm mất đi những vẻ đẹp cách điệu của sân khấu, của vở diễn, bởi “Yêu là thoát tội” dựng năm 2011 như thế nào, chúng tôi vẫn giữ nguyên. Mặt khác, ở nghệ thuật cải lương, sự cách điệu, ước lệ, tả ý chỉ ở mức độ chứ không nhiều như nghệ thuật chèo, tuồng. Vở diễn đã được công chiếu tới 5 lần, và có những khán giả đi xem hết ngần ấy buổi biểu diễn. Điều này chứng tỏ sự hấp dẫn của vở diễn. Với Hội đồng nghệ thuật thành phố, Ban Giám đốc sở từng duyệt vở diễn này vào năm 2011, khi ấy đã có những đánh giá rất tốt về mặt nghệ thuật, dàn dựng của tác phẩm, nhưng khi xem lại vở diễn lần này đều có đánh giá chung là tác phẩm hay hơn tác phẩm duyệt năm 2011 về mọi mặt. Điều quan trọng là trong thử nghiệm mới này, nghệ thuật cải lương của chúng tôi vẫn chiếm đến 95%. Còn tỷ lệ của điện ảnh chỉ là 5%. Ở đây chúng tôi xác định không đi sâu vào điện ảnh.

Đây là sự thử nghiệm đầu tiên của sự tích hợp giữa nghệ thuật điện ảnh và sân khấu cải lương. Vậy quá trình thực hiện hẳn sẽ gặp nhiều khó khăn?

Về tài chính, dù khó khăn nhưng chúng tôi xác định không đi xin tiền bằng một tờ trình. Bằng chính nội lực của nhà hát, chúng tôi quyết tâm làm để thuyết phục các nhà quản lý bằng một kết quả cụ thể. Mặt khác, trong dự án thử nghiệm này, những vấn đề liên quan đến chuyên môn của nghệ thuật điện ảnh, kỹ thuật điện ảnh, chúng tôi phải nhờ đến chuyên gia và những người có chuyên môn trong lĩnh vực này. Đồng thời, chúng tôi phải chỉ đạo diễn viên diễn xuất, cách phát âm, cách biểu cảm, cách tạo hình sao cho phù hợp với sự kết hợp giữa hai nghệ thuật, đương nhiên vẫn phải mang đặc trưng của sân khấu chứ không thể biến nhân vật sân khấu thành nhân vật của phim ảnh.

Sự thành công của thử nghiệm có đồng nghĩa sau này Nhà hát sẽ không đơn thuần dựng vở theo lối truyền thống nữa?

Chúng tôi chỉ thực hiện thử nghiệm này trong phạm vi Nhà hát Cải lương Hà Nội, còn mức độ ảnh hưởng, lan tỏa của nó như thế nào còn tùy thuộc vào sự cảm nhận, quan điểm của từng đơn vị nghệ thuật. Chúng tôi sẽ tiếp tục thử nghiệm này, không chỉ với những vở lịch sử và dã sử mà ở cả những tác phẩm đương đại. Hiện chúng tôi đang triển khai vở “Khi hoa nở trái mùa”. Khán giả đã đón nhận thử nghiệm này trong vở cổ, và chúng tôi muốn biết khán giả có đón nhận sự thử nghiệm này trong một tác phẩm đương đại không.

Trong vở diễn “Yêu là thoát tội”, có ý kiến cho rằng, ngoại hình của diễn viên đóng vai Thị Lan không tương xứng với nhân vật. Phải chăng Nhà hát đang thiếu dàn diễn viên kế cận?

Đối với sân khấu, nhất là đối với đơn vị nghệ thuật công lập thì chỉ có thể xoay quanh ngần ấy diễn viên. Hơn nữa, đối với sân khấu cải lương, ngoài ngoại hình ra còn liên quan đến khả năng ca hát. Vì vậy, không thể chọn một diễn viên chỉ có ngoại hình đẹp. Mặt khác, vở diễn này chúng tôi có chiếu rọi vào đấy quan điểm của người ngày hôm nay nhìn vào lịch sử, chứ không hẳn là tái hiện lịch sử nên không thể so sánh giữa Thị Lan – nhân vật với diễn viên vào vai này. Đương nhiên, hằng năm chúng tôi đều tính đến chuyện phải có thế hệ kế cận, trẻ hóa đội ngũ, để có diễn viên tài sắc vẹn toàn.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Vũ Ngọc thực hiện

Cải lương làm “mới mình” giữa thời đại @

(Báo Pháp luật Việt Nam đăng bài – Trang 36-37) PV Thuỳ Dương

Sống giữa thời đại kỹ thuật số, hầu hết tất cả các loại hình nghệ thuật dân tộc đều bị thử thách. Nhà hát Cải lương Hà Nội luôn trăn trở hướng đi mới để cải lương đi sâu vào đời sống tinh thần của khán giả. Thậm chí, ý kiến của khán giả, đặc biệt khán giả trẻ, xem họ muốn gì, cần gì, để cung ứng cho ho, được Nhà hát coi trọng. Và, dự án đưa Nghệ thuật Điện ảnh vào sân khấu Cải lương cũng như chương trình nghệ thuật thử nghiệm bằng tiếng Anh là những bước đi đầy táo bạo của Cải lương Hà Nội nhằm hút khán giả gắn bó hơn môn nghệ thuật có hơn trăm tuổi này.

Đưa điện ảnh lồng vào những đoạn đổi cảnh

Hiện nay, việc chuyển cảnh sân khấu dù đã có nhiều tiến bộ so với thời kỳ bục bệ, phông màn cồng kềnh trước đây, nhưng những phút tắt đèn giữa khi vở diễn đang hồi căng thẳng gây khá nhiều phản cảm, gián đoạn trong tiếp nhận của công chúng.

Nhiều ấn tượng, cảm xúc thật, cảm nhận cái đẹp… đang được dâng lên trong lòng khán giả bỗng chốc bị xóa nhòa vì màn hạ, đèn tắt để chuyển cảnh. Rồi việc chuyển cảnh trong bóng tối với những nhân viên hậu đài, phụ thêm là các diễn viên trong quần áo trang phục lộn xộn, với cách làm việc còn chưa khoa học ở hầu hết các đơn vị sân khấu như hiện nay…

Những điều kể trên dễ dẫn tới những rối loạn, nhầm lẫn, thậm chí gây ra những lỗi lớn về nghệ thuật, ảnh hưởng nhiều tới hiệu quả đêm diễn. Tất cả những điều đó ám ảnh suy tư nhiều ngày tháng cho người nghệ sĩ luôn trăn trở cho chất lượng của các đêm diễn.

Để khán giả không bị “chưng hửng” giữa những màn đổi cảnh, NSƯT Trần Quang Hùng – Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội đã táo bạo thực hiện dự án đưa “Nghệ thuật Điện ảnh vào sân khấu Cải lương” là dùng sự hỗ trợ của kỹ thuật Điện ảnh. Đó là các hình ảnh ngoại cảnh, nội cảnh và các âm thanh của tình huống…

Tối 10/7 vừa qua,  sau một thời gian chuẩn bị, luyện tập, Nhà hát Cải lương Hà Nội đã tổ chức biểu diễn thử nghiệm tác phẩm “Yêu là thoát tội” lần đầu tiên có sự kết hợp giữa sân khấu cải lương và ngôn ngữ điện ảnh.

Từ công tác chỉ đạo nghệ thuật, công tác đạo diễn cũng như những năm tháng dài trong vai trò của người nghệ sĩ trực tiếp sáng tạo lên hình tượng nghệ thuật, vị giám đốc Nhà hát đam mê nghề nghiệp này đã mạnh dạn tìm cách đi mới khi có ý tưởng: đưa nghệ thuật điện ảnh vào xử lý âm thanh, hình ảnh ở những phút thay cảnh.

Đèn dần tối để màn ảnh với các thủ pháp điện ảnh đưa tới cho người xem bối cảnh sân khấu mới, hình ảnh nhân vật với âm thanh rất thực… kéo người xem tập trung tối đa cho cảnh diễn tiếp theo.

Và rất nhiều cảnh diễn vì sự hạn chế của sàn diễn không thể diễn tả được sẽ được thể hiện trực tiếp trên màn hình, thông qua những kỹ xảo rất nghệ thuật của điện ảnh. Hiệu quả dễ thấy là sự liên tục không bị ngắt quãng trong tiếp nhận của khán giả, là một không khí nghệ thuật tràn đầy, không có chỗ cho những sự phân tán như việc thay cảnh trước đây thường gây ra cho người thưởng thức cũng như lấp đầy những khoảng trống trên sân khấu.

Đưa nghệ thuật điện ảnh vào sân khấu không phải là việc mới mẻ. Nhiều tác phẩm sân khấu trước đây đã đầu tư tiền của, công sức, trí tuệ cho sự gắn kết hai loại hình nghệ thuật này ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Nhưng việc thử nghiệm phương pháp áp dụng điện ảnh vào để mở rộng không gian cho sàn diễn, để thay cảnh một cách nghệ thuật và hiện đại, phải khẳng định là một cách làm mới sân khấu đáng trân trọng. Nó phù hợp với xu hướng tích hợp các loại hình nghệ thuật, đem những hình thức nghệ thuật khác vào để “làm mới” cho sân khấu kịch…Trước đây, trong sân khấu cổ đại, người biểu diễn vừa hát, múa, đóng kịch…, và cùng với thời gian, sự chuyên nghiệp hóa, nhân loại có các hình thức opera, nhạc kịch, kịch múa, sân khấu kịch… Và việc kết hợp với hình ảnh, âm thanh sống động của nghệ thuật điện ảnh vào khâu chuyển cảnh cho sân khấu là một cách làm phù hợp với xu hướng đổi mới nghệ thuật của thời đại @.

“Khai phá” đưa ngoại ngữ vào chương trình cải lương

Trước đó, năm 2012, Nhà hát cải lương Hà Nội cũng “khai phá” bước đi mới để cải lương đến gần với khách du lịch. Ông Hùng luôn đau đáu câu hỏi: : “Trong những năm gần đây văn hóa nước ngoài du nhập vào nước ta rất nhiều. Đặc biệt, hiện nay con số người nước ngoài đến sống, học tập, làm việc và du lịch ở Việt Nam ngày càng gia tăng, tại sao chúng ta không  quảng bá văn hóa của mình đến những người đang trên đất nước mình bằng nhiều cách, nhiều loại hình nghệ thuật, trong đó nghệ thuật cải lương cũng có bề dày và có sự hình thành trên dưới 100 năm rồi”. Chính suy nghĩ này mà Nhà hát cải lương Hà Nội đang định hình phong cách nghệ thuật riêng cho mình với nhiều dự án nghệ thuật. Điểm nhấn vẫn là “cuộc chiến” thử nghiệm dịch tiếng Anh một số trích đoạn, vở diễn ngắn và vở diễn tiêu biểu để đưa cải lương tiếp cận với khán giả nước ngoài, biến rạp Chuông Vàng thành một địa chỉ “vàng” trong tour du lịch Phố cổ.

Sau bao ngày nỗi lực, một chương trình nghệ thuật thử nghiệm bằng tiếng Anh đã ra đời.  Chương trình sẽ có 7 tiết mục: Màn trống Hội, bài hát Dạ cổ Hoài Lang, bài hát Lý Ngựa Ô, kịch ngắn Kẻ trộm đêm giao thừa, múa Chăm, bài hát tân cổ Tình yêu trên dòng sông Quan họ và múa Sáo. Chương trình diễn như bình thường nên đối tượng khách trong nước vẫn xem như trước đây. Các nghệ sỹ sẽ biểu diễn bằng tiếng Việt và khán giả nước ngoài sẽ được nghe bản dịch tiếng Anh thông qua tai nghe đã được đặt sẵn tại ghế ngồi.

Với tiết mục kịch ngắn sẽ dịch trực tiếp theo từng lời thoại của diễn viên nhưng với các tiết mục hát sẽ có bản dịch giới thiệu sơ lược về nội dung. Với bản “Dạ cổ hoài lang”, sẽ có bản dịch nhằm thể hiện lịch sử của bài ca, sự tồn tại cũng như sức sống bền bỉ của bản ca có tuổi đời 90 năm này.

“Dạ cổ hoài lang” đóng vai trò quan trọng với sự hình thành, phát triển phong trào đờn ca tài tử Nam bộ; làm phong phú thêm các điệu thức của nghệ thuật sân khấu cải lương, góp phần tạo ra những giai điệu mới cho tân nhạc Việt Nam. Thông qua đó, bạn bè quốc tế sẽ hiểu thêm về nghệ thuật, sân khấu của Việt Nam.

Sau những buổi biểu diễn thử nghiệm, nhà hát luôn có phiếu, hoặc hỏi trực tiếp những khán giả và sự phản hồi là: “lạ” và “thích thú”.

Song hành việc giữ được đặc trưng của loại hình nghệ thuật cải lương, nhà hát còn có sự tìm tòi, sáng tạo mới về phương pháp nghệ thuật, hình thực thể hiện. Những chương trình thử nghiệm, những dự án mới như đợt “sách hạch” để tạo nên những bữa tiệc nghệ thuật đầy thăng hoa. Và những phản hồi của khán giả rất hữu ích để nhà hát cải luơng Hà Nội cũng như những nhà hát khác tìm được một hướng đi mới phát triển nghệ thuật cải lương trong thời đại @.

Thùy Dương

“Làm mới” cho nghệ thuật cải lương

Văn hoá » Giải trí

Thứ Tư, 24/07/2013 01:03 (Báotintức.vn)

Những ngày gần đây, NSƯT Nguyễn Quang Hùng, Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội đã trở thành tâm điểm của công luận, khi anh đưa nghệ thuật cải lương kết hợp với điện ảnh để “làm mới” khâu chuyển cảnh trong vở diễn “Yêu là thoát tội”. Việc “kết duyên” giữa sân khấu và điện ảnh đầy mới mẻ này đã góp phần đưa nghệ thuật cải lương đến gần hơn với thế hệ khán giả trẻ.

Những đoạn phim điện ảnh được dàn dựng công phu, chạy trong khi chuyển cảnh góp phần tạo nên diện mạo mới cho Cải lương.

Sự kết hợp giữa sân khấu và điện ảnh không phải là điều mới mẻ, nhưng việc dùng kỹ thuật điện ảnh để “lấp đầy” khoảng trống trong cảm nhận khán giả khi thay cảnh lại là một sáng tạo có tính khai phá.
Đã thành công thức mặc định, sân khấu Việt Nam từ xưa đến nay cứ hết màn đổi cảnh là tắt đèn, là những “lục đục” rất vất vả của công nhân hậu đài với đòi hỏi phải thật nhanh, thật chính xác trong “bóng tối”. Trong điều kiện sân khấu xưa với trang thiết bị còn quá thô sơ, không có máy lạnh, cảnh trí, bục bệ còn nhiều, thì việc thay cảnh nhiều khi là “ác mộng” đối với tập thể cán bộ, công nhân viên của đơn vị. Bóng tối giúp che đi những gì… không được “thẩm mỹ” cho lắm, nhưng đôi khi xảy ra “sự cố” làm mất đi những xúc cảm đẹp đẽ trong công chúng. Chẳng hạn, để cho công việc nhanh gọn, nhiều diễn viên trong vai ông hoàng, bà chúa cũng xắn quần, vén áo, toát mồ hôi để bưng bê đồ đạc, vận chuyển cảnh trí… Nếu không may một ánh đèn soi vào, công chúng bỗng mất đi xúc cảm khi nhìn thấy ông vua đầy quyền lực, hay một bà hoàng kiêu sa, một công chúa rực rỡ khuê các… đang khăn áo xộc xệch, khiêng vác nhọc nhằn.
Gắn bỏ cả đời với ảnh đèn sân khấu, NSƯT Trần Quang Hùng lâu nay đã có nhiều ý tưởng thử nghiệm. Anh cũng lâm vào sự bế tắc khi với sàn diễn hạn hẹp, nhưng lại mơ ước để có thể diễn tả cái vô tận, khoáng hoạt, bao la của hiện thực cuộc sống trên sàn diễn vài chục mét vuông. Anh tìm tòi học hỏi bạn nghề khi họ đưa điện ảnh tích hợp vào sân khấu. Anh cũng đã thử nghiệm để đưa những âm thanh sống động, rất thực vào cảnh diễn… Những trăn trở đó đã đưa anh tới với việc thử nghiệm ngày hôm nay. Sự trình diễn của tập thể nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Hà Nội trong đêm diễn báo cáo qua vở cải lương “Yêu là thoát tội”, thử nghiệm này đã khiến vở diễn có một diện mạo mới mẻ trong con mắt đông đảo khán giả yêu thích cải lương.
“Yêu là thoát tội” vẫn giữ cách dàn dựng, lối diễn xuất và diễn tiến sân khấu (duy chỉ có những thay đổi để thêm phần khắc họa tâm địa độc ác, xấu xa của hoàng hậu) nhưng đã có thêm 6 phân cảnh điện ảnh được trình chiếu. Mỗi lần chuyển cảnh, màn hình từ từ chạy xuống với những đoạn phim được đầu tư khá công phu. Bởi vậy, với khán giả, những đoạn phim đã có hiệu quả tốt, gắn liền và trở thành một phần của vở cải lương. Sự hỗ trợ của các yếu tố điện ảnh như tiếng động: Tiếng đàn, tiếng gió, tiếng lá bay, tiếng vó ngựa, tiếng nước chảy… và các hình ảnh nội ngoại thất của lớp, cảnh diễn sắp tới, sự liền lạc giữa cảnh diễn thể hiện trên màn hình và cảnh diễn thực trên sân khấu… đã đem lại cảm giác liên tục, trong thưởng thức vở diễn của khán giả. Thêm nữa, việc kỹ thuật điện ảnh tham gia vào tác phẩm sân khấu đã gây được hiệu ứng “hiện đại” rõ nét cho lớp khán giả trẻ, kéo họ gần hơn tới sàn diễn của sân khấu kịch hát dân tộc vốn luôn bị họ cho là lạc hậu, không có gì mới.
Vẫn còn những băn khoăn của giới nghề về thử nghiệm này liệu có làm mất đi cái “e” (bản sắc riêng) của cải lương, mất đi hiệu quả của những thủ pháp “cách điệu, ước lệ” của sân khấu kịch hát dân tộc nói chung, cải lương nói riêng. Hay đôi chỗ, hiệu ứng âm thanh sống động chưa thật khớp, chưa đạt tới độ mỹ cảm như khi rót rượu, cốc thì nhỏ, nhưng tiếng động dài và quá rõ… Nhưng tất cả những tiểu tiết đó không thể phủ nhận sự cố gắng làm mới và những hiệu quả đáng kể của đêm diễn. Mong sao ngày càng có những thử nghiệm để sân khấu luôn sống động và mới mẻ trong tiếp nhận của đông đảo công chúng yêu mến nền nghệ thuật đậm chất văn hóa dân tộc này.
Cao Ngọc

Đưa điện ảnh vào sân khấu: Cải lương vẫn nguyên vẹn?

Báo Hà Nội mới Cuối tuần

          Thay vì đèn đóm bỗng tắt ngúm, phông màn kéo xuống và nhân viên hậu đài chạy lăng quăng trên sân khấu để thay cảnh, khâu chuyển cảnh của sân khấu cải lương sẽ được thay bằng những thước phim điện ảnh. Ý tưởng này vừa được đạo diễn, NSƯT Trần Quang Hùng thể nghiệm trong vở cải lương “Yêu là thoát tội”.

Một phân cảnh của vở “Yêu là thoát tội” được trình chiếu trong lúc thay cảnh.

“Gặp” điện ảnh trong cải lương

“Yêu là thoát tội” là vở cải lương đã nổi tiếng của Nhà hát Cải lương Hà Nội. Dùng một tựa đề hiện đại và có phần khó đoán, vở cải lương “Yêu là thoát tội” thể hiện một cách nhìn mới về vụ án Lệ Chi Viên, sự kiện dẫn tới việc tru di ba họ danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi – vốn là một đại thần dưới triều Lê Sơ – một bi kịch thê thảm bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Không nhằm tìm kiếm một lời giải đáp cho vụ án lịch sử, câu chuyện dưới góc nhìn của tác giả kịch bản Lê Chí Trung và đạo diễn Trần Quang Hùng xoay quanh những cung bậc của “yêu” và “hận” để đồng điệu với nỗi niềm của người xưa ở góc độ “con người” nhất, nhân bản nhất. Trở lại sàn diễn vào tháng 7 này trong “phiên bản” mới, vở diễn khiến người xem bất ngờ bởi nhiều ý tưởng đổi mới. Đây có lẽ là vở cải lương đầu tiên được sử dụng thêm sự hỗ trợ của các yếu tố điện ảnh: tiếng động hỗ trợ cho các tình huống biểu diễn: tiếng đàn, tiếng gió, tiếng lá bay, tiếng vó ngựa, tiếng nước chảy… và các hình ảnh nội ngoại thất của lớp, cảnh diễn sắp tới, làm cho vở diễn được liên tục không bị cảm giác chờ đợi khó chịu về tâm lý khi chạy cảnh, thay đổi trang trí…

Đạo diễn, NSƯT Trần Quang Hùng, tác giả của dự án chia sẻ: Khán giả của sân khấu thay đổi từng ngày, bản thân các vở diễn cũng đã thay đổi rất nhiều nhưng công tác chuyển cảnh còn rất ấu trĩ, không khác gì 40 năm trước khi tôi bắt đầu vào nghề. Những phút tắt đèn giữa khi vở diễn đang hồi căng thẳng gây khá nhiều phản cảm, gián đoạn trong tiếp nhận của công chúng. Nhiều ấn tượng về cái thật, cái đẹp… đang được cảm nhận bỗng chốc bị xóa nhòa vì màn hạ, đèn tắt để chuyển cảnh. Rồi việc chuyển cảnh trong bóng tối với những nhân viên hậu đài, phụ thêm là các diễn viên trong quần áo trang phục lộn xộn, với cách làm việc còn chưa khoa học ở hầu hết các đơn vị sân khấu như hiện nay… dễ dẫn tới những rối loạn, nhầm lẫn, thậm chí gây ra những lỗi lớn về nghệ thuật, ảnh hưởng tới hiệu quả đêm diễn. Việc đưa nghệ thuật điện ảnh vào xử lý hình ảnh, âm thanh ở những phút thay cảnh kéo người xem tập trung tối đa cho cảnh diễn tiếp theo. Và rất nhiều cảnh diễn vì hạn chế của sàn diễn không thể diễn tả được sẽ được thể hiện trực tiếp trên màn hình, thông qua những kỹ xảo rất nghệ thuật của điện ảnh. Hiệu quả dễ thấy là sự liên tục không bị ngắt quãng trong tiếp nhận của khán giả, là một không khí nghệ thuật tràn đầy, không có chỗ cho những sự phân tán như việc thay cảnh trước đây.

Có làm… “mất chất”?

Để thực hiện được những clip thay thế cho phần chuyển cảnh, đạo diễn Trần Quang Hùng cho biết, anh cùng các thành viên nhà hát đã phải đi tìm những nơi có ngoại cảnh phù hợp với vở diễn, dàn dựng nội dung clip sao cho gắn liền với vở. Phần tiếng động, anh nhờ đến Hãng phim truyện Việt Nam. Nhưng ngay từ cái kỳ công đổi mới ấy của nhà hát đã làm nẩy sinh một câu hỏi: Liệu tính tả thực của điện ảnh có làm mất đi tính ước lệ, cách điệu của sân khấu?

Trả lời cho lo ngại này, nghệ sĩ Quang Hùng cho biết: với công chúng hôm nay, những cái có tính ước lệ, cách điệu quá sẽ khó hấp dẫn người xem. Việc đổi mới không làm “mất chất” cải lương, mà chỉ khắc phục những nhược điểm của việc chuyển cảnh, làm cho sân khấu thêm sống động. Đồng thời sẽ “cởi trói” phần nào cho những sáng tạo của đạo diễn, vốn trước nay bị bó gọn trong không gian sàn diễn.

Thực ra đưa nghệ thuật điện ảnh vào sân khấu không phải là việc mới mẻ nhưng việc thử nghiệm phương pháp áp dụng điện ảnh vào để mở rộng không gian cho sàn diễn, để thay cảnh là một cách làm mới. Ngay với sân khấu cải lương, từ trước tới nay, người ta cũng đã có nhiều cố gắng để đổi mới vở diễn. Cũng là sân khấu truyền thống, nhưng cải lương với đặc trưng “tuồng tích sánh văn minh” rất hợp với những đổi mới, cải tiến. Chúng ta cũng đã từng chứng kiến vở cải lương Kiều được đầu tư dàn dựng với số tiền lên tới cả tỷ đồng năm 2006, có kết hợp cải lương với các loại hình nghệ thuật khác như xiếc gây được ấn tượng nhất định với người xem. Hay như bản thân chương trình dịch cải lương sang tiếng Anh của Nhà hát Cải lương Hà Nội, lúc đầu được xem là “khó khả thi” đến nay cũng đã có được lượng khán giả thường xuyên.

Một ý tưởng mới, có thể làm hài lòng người này, chưa được lòng người kia, nhưng rõ ràng trong bối cảnh hiện nay, đó là một nỗ lực đáng trân trọng trong việc đi tìm công chúng cho sân khấu truyền thống. Để có đánh giá của riêng mình, khán giả hãy thử xem “Yêu là thoát tội” phiên bản mới!

Hà Trường

Cải lương Hà Nội thử nghiệm đưa nghệ thuật điện ảnh vào sân khấu

cailuongvietnam.com đăng bài:

14.07.2013 03:39

Nhà hát cải lương Hà Nội đang có những thử nghiệm mới bằng việc đưa nghệ thuật điện ảnh vào sân khấu cải lương và vở diễn Yêu là thoát tội là tác phẩm đầu tiên thử nghiệm hình thức mới này vừa ra mắt công chúng thủ đô trong hai đêm 9 và 10/7 vừa qua tại Rạp Hồng Hà.

Vở “Yêu là thoát tội” – kịch dã sử mang yếu tố Nghệ thuật cao

Theo đạo diễn NSƯT Trần Quang Hùng, giám đốc Nhà hát đồng thời cũng là người khởi xướng cho ý tưởng đưa nghệ thuật điện ảnh vào cải lương thì: Sân khấu nói chung và cải lương nói riêng luôn có những phần chuyển cảnh, những giây phút tắt đèn đôi khi khiến vở diễn bi gián đoạn, là giảm đi những cảm xúc của khán giả… Bằng sự hỗ trợ của các kỹ thuật điện ảnh như: hình ảnh ngoại cảnh, nội cảnh và câm thanh của tình huống sẽ mở rộng không gian sự việc, làm tăng tính hiệu quả tổng thể của vở diễn và xóa đi dấu ấn “bị cách quãng” của việc “chạy cảnh” từ màn trước sang màn sau của vở diễn. Bên cạnh đó, có những chi tiết, những cảnh diễn mà sân khấu không thể hiện được thì với sự hỗ trợ của kỹ xảo điện ảnh, nó sẽ được thể hiện trên màn hình. Tất cả những yếu đó sẽ giúp cho vở diễn được liền mạch, cảm xúc của khán giả không bị đứt quãng… và hơn tất cả là mang đến cho người xem những cảm nhận mới lạ về sân khấu.

Bước đột phá của cải lương?

BÁO HÀ NỘI MỚI

Thứ Bảy 7:05 13/07/2013

(HNM) – Ý tưởng đưa kỹ thuật vào sân khấu luôn được Nhà hát Cải lương Hà Nội chú trọng mà việc thực hiện thành công chương trình “Cải lương có hỗ trợ phiên dịch tiếng Anh” trong vòng một năm trở lại đây là ví dụ cụ thể. Giữa tuần qua, các nghệ sĩ của nhà hát lại thử nghiệm hình thức mới – “Đưa nghệ thuật điện ảnh vào sân khấu cải lương” – thông qua vở “Yêu là thoát tội”.

Cảnh trong vở “Yêu là thoát tội”

“Yêu là thoát tội” không phải là vở diễn mới, bởi năm 2011 Nhà hát Cải lương Hà Nội đã dàn dựng và diễn liên tục ở nhiều địa phương. Tuy thế, ở lần ra mắt mới, sự có mặt của nghệ thuật điện ảnh trong vở diễn thực sự gây bất ngờ cho khán giả. Theo kịch bản của tác giả Lê Chí Trung, NSƯT Triệu Trung Kiên chuyển thể cải lương và NSƯT Trần Quang Hùng đạo diễn, “Yêu là thoát tội” có nội dung xoay quanh vụ án Lệ Chi Viên. Có nhiều vở diễn (cả của sân khấu kịch, chèo, cải lương) về vụ án lịch sử này đã được dựng, phần lớn đều phản ánh theo nội dung chính sử. “Yêu là thoát tội” năm 2013 được dựng theo hướng dã sử, khai thác chiều sâu tâm lý nhân vật.

Trong lần diễn thử nghiệm có kết hợp yếu tố điện ảnh, “Yêu là thoát tội” vẫn giữ nguyên cách dàn dựng, lối diễn xuất và diễn tiến sân khấu. Tuy nhiên, đạo diễn Quang Hùng đã đưa các đoạn phim, các clip hình ảnh vào những đoạn chuyển cảnh. Theo đó, vở diễn có tới 7 màn, tức là 6 lần chuyển cảnh, cũng có nghĩa 6 clip hình ảnh được trình chiếu. Mỗi lần chuyển cảnh, thay vì đèn phụt tắt, màn nhung che kín, sân khấu tối om để các diễn viên thay đổi cảnh trí, một tấm màn hình máy chiếu xuất hiện với những đoạn phim có ý nghĩa phụ trợ giúp khán giả hiểu thêm về vở diễn. Theo đạo diễn Trần Quang Hùng, để có được những đoạn phim ấy, anh cùng những người thực hiện đã phải đi khảo sát nhiều di tích, lựa chọn cảnh quay phù hợp, rồi lo trang phục của diễn viên, luyện cách đi lại, cách diễn xuất phù hợp với từng chi tiết của vở diễn trên sân khấu. Bởi vậy, với khán giả, những đoạn phim đã trở thành một phần của vở cải lương, hiệu quả dễ thấy. Nếu như trước đây, khán giả thường mất thời gian chờ đợi chuyển cảnh, mạch cảm xúc bị đứt quãng thì giờ đây, mạch cảm xúc được duy trì liên tục trong suốt vở diễn. Thêm vào đó, những clip chuyển cảnh còn giúp biểu đạt nội dung, bổ sung thêm chi tiết mà diễn xuất trên sân khấu chưa thể hiện được.

So với “Yêu là thoát tội” phiên bản 2011, rõ ràng là bản dựng kết hợp với điện ảnh này mang lại nhiều cảm xúc hơn cho người xem. Nghệ thuật điện ảnh đã bổ trợ, lấp đầy những khoảng khuyết mà ngôn ngữ cải lương chưa chuyển tải hết. Tuy thế, dù nhận được những tràng pháo tay dài của khán giả trong buổi diễn ra mắt, các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Hà Nội tự nhận đây chỉ là một dự án thử nghiệm, còn phải chỉnh sửa nhiều.

Sự thử nghiệm thường vấp phải phản kháng. Có thể một số khán giả khó tính không đồng tình với sự hiện diện của một loại hình nghệ thuật hiện đại trong một vở diễn mang tính truyền thống. Tuy thế, khi sự thể nghiệm mang lại hiệu quả, cảm xúc mới, thu hút nhiều đối tượng khán giả đến với nghệ thuật truyền thống thì đó là sự sáng tạo đáng khích lệ. Rất có thể, cách thử nghiệm nói trên sẽ được áp dụng đối với nhiều loại hình sân khấu khác như kịch nói, chèo… để tạo bước đột phá cho sân khấu truyền thống.

Lâm Đại

Khi cải lương “dựa lưng” điện ảnh!

Khi cải lương “dựa lưng” điện ảnh

07:00 | 12/07/2013

(PetroTimes) - Xuất phát từ ý tưởng cài hình ảnh vào phân đoạn chuyển cảnh nhằm khắc phục những phút “chết” của sân khấu, nghệ sỹ cải lương đã nghĩ đến việc “dựa lưng” vào điện ảnh.

Theo đó, những hình ảnh ngoại cảnh, nội cảnh, âm thanh, ánh sáng… sẽ được thể hiện một cách chân thực, sống động hơn trên sân khấu bằng những thước phim điện ảnh.

Nhìn nhận từ thực tế hiện nay, việc chuyển cảnh sân khấu dù đã có nhiều tiến bộ so với thời kỳ trước. Những kỹ thuật bục bệ, phông màn… của hậu kỳ được giảm thiểu rất nhiều so với sự cồng kềnh trước đây. Nhưng việc tắt đèn, phân cảnh giữa các phân đoạn trong khi diễn vở đã vô tình cắt đứt mạch cảm xúc của khán giả, giảm đi những hồi hộp, căng thẳng cần có.

Hơn nữa, việc chuyển cảnh trong bóng tối vô tình có nhiều sự nhầm lẫn không đáng có, thậm chí gây lỗi lớn trong nghệ thuật mà khó khắc phục khi đang diễn trực tiếp… Đó là lý do khiến không ít nghệ sỹ đau đầu tìm phương hướng khắc phục. Vì vậy, việc đưa điện ảnh vào sân khấu là phương pháp hữu hiệu cho những điểm yếu trên.

Một cảnh trên sân khấu của vở “Yêu là thoát tội”

Đưa điện ảnh vào sân khấu không phải là ý tưởng mới, khi nhiều nước trên thế giới đã áp dụng hình thức này. Nhưng ở Việt Nam, thì mới có các nghệ sỹ sân khấu cải lương mạnh dạn có những bước đi đầu. Và vở “Yêu là thoát tội” vừa được chiếu thử nghiệm dành cho khán giả thủ đô đã đem đến những xúc cảm riêng.

“Yêu là thoát tội” là một vở cải lương được dàn dựng lại từ vụ án Lệ Chi Viên nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, diễn ra vào năm Nhâm Tuất thời Hậu Lê (1442). Nhắc đến Thị Lan, nữ đại học sỹ và danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi hẳn ai cũng nhớ đến bản án thế kỷ “Tru di tam tộc”. Vụ án với nỗi bi kịch được xem là thê thảm bậc nhất trong lịch sử triều đại phong kiến đó đến nay vẫn còn làm nhói đau bao trái tim Việt. Hai năm trước, “Yêu là thoát tội” cũng đã ra mắt khán giả và để lại trong lòng công chúng nhiều tình cảm đẹp khi đưa ra một giả thiết mới cho vụ án. Còn với bản dựng mới này, “Yêu là thoát tội” lại là câu chuyện kể thông suốt, những nút thắt của câu chuyện được lột tả sâu hơn, cụ thể hơn khi kết hợp với điện ảnh.

Điều mà vở diễn làm được là giảm thiểu được những phút “chết” của sân khấu. Thay vì phải theo dõi thuần chỉ là cảnh dựng trên sân khấu thì khán giả lại được dịp đổi món bằng những thước quay điện ảnh sống động, chân thực hơn.

Cái được của việc đưa điện ảnh vào sân khấu này phải thừa nhận, vừa tiết kiệm được thời gian, xóa đi những giây phút chờ đợi của khán giả. Và khi xem những phân đoạn chuyển cảnh bằng điện ảnh thì tạo được sự phấn khích cho khán giả theo dõi, những mạch cảm xúc không bị đứt đoạn và những cao trào thì được đẩy lên đỉnh điểm, kéo người xem tập trung tối đa cho vở diễn. Nhiều cảnh diễn do hạn chế của sân khấu, không được thực hiện thì được điện ảnh giải quyết một cách triệt để. Điều này đã giúp sân khấu cải lương được mở rộng, bao quát hơn.

So với sự nhàm chán mà sân khấu truyền thống đang mắc phải thì đây quả là biện pháp hữu hiệu khắc phục những điểm yếu còn tồn đọng. NSƯT Trần Quang Hùng – Giám đốc Nhà hát Cải lương chia sẻ với Petrotimes: “Dự án đưa điện ảnh vào sân khấu cải lương bằng việc dùng sự hỗ trợ của kỹ thuật điện ảnh cho những phân đoạn mà không gian bó hẹp của sân khấu khó chuyển tải được. Bên cạnh đó, việc hạ màn ở mỗi phân đoạn thường làm khán giả bị mất cảm hứng. Chúng tôi đã trăn trở nhiều về vấn đề này, nên việc tìm đến điện ảnh để cứu nguy như vậy mong rằng sẽ hữu hiệu. Đây là sự cố gắng của chúng tôi nhằm đưa sân khấu cải lương đến gần với khán giả”.

Một phân cảnh dựng bằng điện ảnh được trình chiếu trong vở cải lương

Một điều phải thừa nhận rằng, làm sao tìm được khán giả là câu hỏi khiến các nghệ sỹ phải đau đầu, điều này xảy ra không chỉ với cải lương mà còn tồn đọng ở nhiều sân khấu truyền thống khác. Trong khi, sân khấu chèo chủ trương tìm đến những chiếu chèo nhỏ, sân khấu tuồng tìm khán giả bằng dự án “Sân khấu học đường” thì việc cải biên của cải lương cũng là một hình thức độc đáo, đáng ghi nhận. Biết rằng, mỗi loại hình sẽ có một lối đi riêng và với sân khấu cải lương thì việc “kết duyên” với điện ảnh là một nỗ lực đáng ghi nhận. Mong rằng, với những sự “thay máu” tương tự, sân khấu truyền thống không còn quá xa lạ với khán giả.

Huyền Anh