Cải lương làm “mới mình” giữa thời đại @

(Báo Pháp luật Việt Nam đăng bài – Trang 36-37) PV Thuỳ Dương

Sống giữa thời đại kỹ thuật số, hầu hết tất cả các loại hình nghệ thuật dân tộc đều bị thử thách. Nhà hát Cải lương Hà Nội luôn trăn trở hướng đi mới để cải lương đi sâu vào đời sống tinh thần của khán giả. Thậm chí, ý kiến của khán giả, đặc biệt khán giả trẻ, xem họ muốn gì, cần gì, để cung ứng cho ho, được Nhà hát coi trọng. Và, dự án đưa Nghệ thuật Điện ảnh vào sân khấu Cải lương cũng như chương trình nghệ thuật thử nghiệm bằng tiếng Anh là những bước đi đầy táo bạo của Cải lương Hà Nội nhằm hút khán giả gắn bó hơn môn nghệ thuật có hơn trăm tuổi này.

Đưa điện ảnh lồng vào những đoạn đổi cảnh

Hiện nay, việc chuyển cảnh sân khấu dù đã có nhiều tiến bộ so với thời kỳ bục bệ, phông màn cồng kềnh trước đây, nhưng những phút tắt đèn giữa khi vở diễn đang hồi căng thẳng gây khá nhiều phản cảm, gián đoạn trong tiếp nhận của công chúng.

Nhiều ấn tượng, cảm xúc thật, cảm nhận cái đẹp… đang được dâng lên trong lòng khán giả bỗng chốc bị xóa nhòa vì màn hạ, đèn tắt để chuyển cảnh. Rồi việc chuyển cảnh trong bóng tối với những nhân viên hậu đài, phụ thêm là các diễn viên trong quần áo trang phục lộn xộn, với cách làm việc còn chưa khoa học ở hầu hết các đơn vị sân khấu như hiện nay…

Những điều kể trên dễ dẫn tới những rối loạn, nhầm lẫn, thậm chí gây ra những lỗi lớn về nghệ thuật, ảnh hưởng nhiều tới hiệu quả đêm diễn. Tất cả những điều đó ám ảnh suy tư nhiều ngày tháng cho người nghệ sĩ luôn trăn trở cho chất lượng của các đêm diễn.

Để khán giả không bị “chưng hửng” giữa những màn đổi cảnh, NSƯT Trần Quang Hùng – Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội đã táo bạo thực hiện dự án đưa “Nghệ thuật Điện ảnh vào sân khấu Cải lương” là dùng sự hỗ trợ của kỹ thuật Điện ảnh. Đó là các hình ảnh ngoại cảnh, nội cảnh và các âm thanh của tình huống…

Tối 10/7 vừa qua,  sau một thời gian chuẩn bị, luyện tập, Nhà hát Cải lương Hà Nội đã tổ chức biểu diễn thử nghiệm tác phẩm “Yêu là thoát tội” lần đầu tiên có sự kết hợp giữa sân khấu cải lương và ngôn ngữ điện ảnh.

Từ công tác chỉ đạo nghệ thuật, công tác đạo diễn cũng như những năm tháng dài trong vai trò của người nghệ sĩ trực tiếp sáng tạo lên hình tượng nghệ thuật, vị giám đốc Nhà hát đam mê nghề nghiệp này đã mạnh dạn tìm cách đi mới khi có ý tưởng: đưa nghệ thuật điện ảnh vào xử lý âm thanh, hình ảnh ở những phút thay cảnh.

Đèn dần tối để màn ảnh với các thủ pháp điện ảnh đưa tới cho người xem bối cảnh sân khấu mới, hình ảnh nhân vật với âm thanh rất thực… kéo người xem tập trung tối đa cho cảnh diễn tiếp theo.

Và rất nhiều cảnh diễn vì sự hạn chế của sàn diễn không thể diễn tả được sẽ được thể hiện trực tiếp trên màn hình, thông qua những kỹ xảo rất nghệ thuật của điện ảnh. Hiệu quả dễ thấy là sự liên tục không bị ngắt quãng trong tiếp nhận của khán giả, là một không khí nghệ thuật tràn đầy, không có chỗ cho những sự phân tán như việc thay cảnh trước đây thường gây ra cho người thưởng thức cũng như lấp đầy những khoảng trống trên sân khấu.

Đưa nghệ thuật điện ảnh vào sân khấu không phải là việc mới mẻ. Nhiều tác phẩm sân khấu trước đây đã đầu tư tiền của, công sức, trí tuệ cho sự gắn kết hai loại hình nghệ thuật này ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Nhưng việc thử nghiệm phương pháp áp dụng điện ảnh vào để mở rộng không gian cho sàn diễn, để thay cảnh một cách nghệ thuật và hiện đại, phải khẳng định là một cách làm mới sân khấu đáng trân trọng. Nó phù hợp với xu hướng tích hợp các loại hình nghệ thuật, đem những hình thức nghệ thuật khác vào để “làm mới” cho sân khấu kịch…Trước đây, trong sân khấu cổ đại, người biểu diễn vừa hát, múa, đóng kịch…, và cùng với thời gian, sự chuyên nghiệp hóa, nhân loại có các hình thức opera, nhạc kịch, kịch múa, sân khấu kịch… Và việc kết hợp với hình ảnh, âm thanh sống động của nghệ thuật điện ảnh vào khâu chuyển cảnh cho sân khấu là một cách làm phù hợp với xu hướng đổi mới nghệ thuật của thời đại @.

“Khai phá” đưa ngoại ngữ vào chương trình cải lương

Trước đó, năm 2012, Nhà hát cải lương Hà Nội cũng “khai phá” bước đi mới để cải lương đến gần với khách du lịch. Ông Hùng luôn đau đáu câu hỏi: : “Trong những năm gần đây văn hóa nước ngoài du nhập vào nước ta rất nhiều. Đặc biệt, hiện nay con số người nước ngoài đến sống, học tập, làm việc và du lịch ở Việt Nam ngày càng gia tăng, tại sao chúng ta không  quảng bá văn hóa của mình đến những người đang trên đất nước mình bằng nhiều cách, nhiều loại hình nghệ thuật, trong đó nghệ thuật cải lương cũng có bề dày và có sự hình thành trên dưới 100 năm rồi”. Chính suy nghĩ này mà Nhà hát cải lương Hà Nội đang định hình phong cách nghệ thuật riêng cho mình với nhiều dự án nghệ thuật. Điểm nhấn vẫn là “cuộc chiến” thử nghiệm dịch tiếng Anh một số trích đoạn, vở diễn ngắn và vở diễn tiêu biểu để đưa cải lương tiếp cận với khán giả nước ngoài, biến rạp Chuông Vàng thành một địa chỉ “vàng” trong tour du lịch Phố cổ.

Sau bao ngày nỗi lực, một chương trình nghệ thuật thử nghiệm bằng tiếng Anh đã ra đời.  Chương trình sẽ có 7 tiết mục: Màn trống Hội, bài hát Dạ cổ Hoài Lang, bài hát Lý Ngựa Ô, kịch ngắn Kẻ trộm đêm giao thừa, múa Chăm, bài hát tân cổ Tình yêu trên dòng sông Quan họ và múa Sáo. Chương trình diễn như bình thường nên đối tượng khách trong nước vẫn xem như trước đây. Các nghệ sỹ sẽ biểu diễn bằng tiếng Việt và khán giả nước ngoài sẽ được nghe bản dịch tiếng Anh thông qua tai nghe đã được đặt sẵn tại ghế ngồi.

Với tiết mục kịch ngắn sẽ dịch trực tiếp theo từng lời thoại của diễn viên nhưng với các tiết mục hát sẽ có bản dịch giới thiệu sơ lược về nội dung. Với bản “Dạ cổ hoài lang”, sẽ có bản dịch nhằm thể hiện lịch sử của bài ca, sự tồn tại cũng như sức sống bền bỉ của bản ca có tuổi đời 90 năm này.

“Dạ cổ hoài lang” đóng vai trò quan trọng với sự hình thành, phát triển phong trào đờn ca tài tử Nam bộ; làm phong phú thêm các điệu thức của nghệ thuật sân khấu cải lương, góp phần tạo ra những giai điệu mới cho tân nhạc Việt Nam. Thông qua đó, bạn bè quốc tế sẽ hiểu thêm về nghệ thuật, sân khấu của Việt Nam.

Sau những buổi biểu diễn thử nghiệm, nhà hát luôn có phiếu, hoặc hỏi trực tiếp những khán giả và sự phản hồi là: “lạ” và “thích thú”.

Song hành việc giữ được đặc trưng của loại hình nghệ thuật cải lương, nhà hát còn có sự tìm tòi, sáng tạo mới về phương pháp nghệ thuật, hình thực thể hiện. Những chương trình thử nghiệm, những dự án mới như đợt “sách hạch” để tạo nên những bữa tiệc nghệ thuật đầy thăng hoa. Và những phản hồi của khán giả rất hữu ích để nhà hát cải luơng Hà Nội cũng như những nhà hát khác tìm được một hướng đi mới phát triển nghệ thuật cải lương trong thời đại @.

Thùy Dương


Gửi phản hồi cho bài viết