“Làm mới” cho nghệ thuật cải lương

Văn hoá » Giải trí

Thứ Tư, 24/07/2013 01:03 (Báotintức.vn)

Những ngày gần đây, NSƯT Nguyễn Quang Hùng, Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội đã trở thành tâm điểm của công luận, khi anh đưa nghệ thuật cải lương kết hợp với điện ảnh để “làm mới” khâu chuyển cảnh trong vở diễn “Yêu là thoát tội”. Việc “kết duyên” giữa sân khấu và điện ảnh đầy mới mẻ này đã góp phần đưa nghệ thuật cải lương đến gần hơn với thế hệ khán giả trẻ.

Những đoạn phim điện ảnh được dàn dựng công phu, chạy trong khi chuyển cảnh góp phần tạo nên diện mạo mới cho Cải lương.

Sự kết hợp giữa sân khấu và điện ảnh không phải là điều mới mẻ, nhưng việc dùng kỹ thuật điện ảnh để “lấp đầy” khoảng trống trong cảm nhận khán giả khi thay cảnh lại là một sáng tạo có tính khai phá.
Đã thành công thức mặc định, sân khấu Việt Nam từ xưa đến nay cứ hết màn đổi cảnh là tắt đèn, là những “lục đục” rất vất vả của công nhân hậu đài với đòi hỏi phải thật nhanh, thật chính xác trong “bóng tối”. Trong điều kiện sân khấu xưa với trang thiết bị còn quá thô sơ, không có máy lạnh, cảnh trí, bục bệ còn nhiều, thì việc thay cảnh nhiều khi là “ác mộng” đối với tập thể cán bộ, công nhân viên của đơn vị. Bóng tối giúp che đi những gì… không được “thẩm mỹ” cho lắm, nhưng đôi khi xảy ra “sự cố” làm mất đi những xúc cảm đẹp đẽ trong công chúng. Chẳng hạn, để cho công việc nhanh gọn, nhiều diễn viên trong vai ông hoàng, bà chúa cũng xắn quần, vén áo, toát mồ hôi để bưng bê đồ đạc, vận chuyển cảnh trí… Nếu không may một ánh đèn soi vào, công chúng bỗng mất đi xúc cảm khi nhìn thấy ông vua đầy quyền lực, hay một bà hoàng kiêu sa, một công chúa rực rỡ khuê các… đang khăn áo xộc xệch, khiêng vác nhọc nhằn.
Gắn bỏ cả đời với ảnh đèn sân khấu, NSƯT Trần Quang Hùng lâu nay đã có nhiều ý tưởng thử nghiệm. Anh cũng lâm vào sự bế tắc khi với sàn diễn hạn hẹp, nhưng lại mơ ước để có thể diễn tả cái vô tận, khoáng hoạt, bao la của hiện thực cuộc sống trên sàn diễn vài chục mét vuông. Anh tìm tòi học hỏi bạn nghề khi họ đưa điện ảnh tích hợp vào sân khấu. Anh cũng đã thử nghiệm để đưa những âm thanh sống động, rất thực vào cảnh diễn… Những trăn trở đó đã đưa anh tới với việc thử nghiệm ngày hôm nay. Sự trình diễn của tập thể nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Hà Nội trong đêm diễn báo cáo qua vở cải lương “Yêu là thoát tội”, thử nghiệm này đã khiến vở diễn có một diện mạo mới mẻ trong con mắt đông đảo khán giả yêu thích cải lương.
“Yêu là thoát tội” vẫn giữ cách dàn dựng, lối diễn xuất và diễn tiến sân khấu (duy chỉ có những thay đổi để thêm phần khắc họa tâm địa độc ác, xấu xa của hoàng hậu) nhưng đã có thêm 6 phân cảnh điện ảnh được trình chiếu. Mỗi lần chuyển cảnh, màn hình từ từ chạy xuống với những đoạn phim được đầu tư khá công phu. Bởi vậy, với khán giả, những đoạn phim đã có hiệu quả tốt, gắn liền và trở thành một phần của vở cải lương. Sự hỗ trợ của các yếu tố điện ảnh như tiếng động: Tiếng đàn, tiếng gió, tiếng lá bay, tiếng vó ngựa, tiếng nước chảy… và các hình ảnh nội ngoại thất của lớp, cảnh diễn sắp tới, sự liền lạc giữa cảnh diễn thể hiện trên màn hình và cảnh diễn thực trên sân khấu… đã đem lại cảm giác liên tục, trong thưởng thức vở diễn của khán giả. Thêm nữa, việc kỹ thuật điện ảnh tham gia vào tác phẩm sân khấu đã gây được hiệu ứng “hiện đại” rõ nét cho lớp khán giả trẻ, kéo họ gần hơn tới sàn diễn của sân khấu kịch hát dân tộc vốn luôn bị họ cho là lạc hậu, không có gì mới.
Vẫn còn những băn khoăn của giới nghề về thử nghiệm này liệu có làm mất đi cái “e” (bản sắc riêng) của cải lương, mất đi hiệu quả của những thủ pháp “cách điệu, ước lệ” của sân khấu kịch hát dân tộc nói chung, cải lương nói riêng. Hay đôi chỗ, hiệu ứng âm thanh sống động chưa thật khớp, chưa đạt tới độ mỹ cảm như khi rót rượu, cốc thì nhỏ, nhưng tiếng động dài và quá rõ… Nhưng tất cả những tiểu tiết đó không thể phủ nhận sự cố gắng làm mới và những hiệu quả đáng kể của đêm diễn. Mong sao ngày càng có những thử nghiệm để sân khấu luôn sống động và mới mẻ trong tiếp nhận của đông đảo công chúng yêu mến nền nghệ thuật đậm chất văn hóa dân tộc này.
Cao Ngọc


Gửi phản hồi cho bài viết