Giám đốc Nhà hát cải lương Hà Nội Trần Quang Hùng: Phải tìm cách khiến khán giả rút tiền mua vé!

VOV số 63 đăng bài: Giám đốc Nhà hát cải lương Hà Nội Trần Quang Hùng:  Phải tìm cách khiến khán giả rút tiền mua vé! – Trang 18-19)

Gần một tháng nay, khán giả sân khấu cải lương hào hứng với “Yêu là thoát tội” – một vở cải lương có sự tích hợp với nghệ thuật điện ảnh. Sự sáng tạo ấy đã tạo sức sống, diện mạo mới cho nghệ thuật sân khấu cải lương. VOV có cuộc trò chuyện với đạo diễn Trần Quang Hùng – Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội.

NSUT Trần Quang Hùng – Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội

Bắt nguồn từ đâu Nhà hát Cải lương Hà Nội nảy sinh ý tưởng đưa nghệ thuật điện ảnh vào nghệ thuật sân khấu cải lương, thưa ông?

Các ngành nghệ thuật hiện đang rơi vào tình trạng rất khó khăn. Xã hội phát triển, các công nghệ giải trí hiện đại ra đời, trình độ thưởng thức nghệ thuật của khán giả đã ở một cấp độ cao hơn. Để đáp ứng được nhu cầu của công chúng, buộc sân khấu phải có sự đổi mới.

Và sự đổi mới này đã có hiệu quả?

Đúng là chúng tôi đã nhận thấy ngay tác dụng của nó. Cho đến nay, vở diễn “Yêu là thoát tội” được diễn tới 5 buổi rồi và đêm diễn nào cũng kéo được đông đảo khán giả tới rạp. Điều đó cho thấy, không hẳn khán giả không mặn mà với kịch hát truyền thống. Vấn đề ở chỗ những người làm nghệ thuật làm gì để thu hút công chúng, để giữ họ ở lại với đêm diễn, để họ phải rút tiền ra mua vé.

Sau 5 đêm diễn, khán giả đón nhận thử nghiệm mới ra sao?

Chúng tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến đánh giá và góp ý của báo giới về vở diễn này. Bên cạnh đó, mỗi đêm diễn, chúng tôi phát phiếu thăm dò khán giả. Kết quả, có đến 95 – 97% khán giả rất thích thú. Không còn hiện tượng khán giả đi lại trong rạp. Đặc biệt, không có khán giả nào bỏ về. Đó là hiện tượng lạ chưa từng có trước đây. Khán giả cho rằng sự sáng tạo này là vì họ, khán giả thấy mình được quan tâm, được tôn trọng. Hơn nữa, khi đưa thử nghiệm này vào, vở diễn đã tăng thêm 25 phút so với vở cũ nhưng không có khán giả nào nói là vở diễn quá dài.

Ngoài số khán giả ủng hộ, hưởng ứng, rất có thể sẽ có một lượng khán giả không đồng tình với sự hiện diện của loại hình nghệ thuật hiện đại trong một vở diễn mang tính truyền thống. Anh nghĩ sao về điều này?

Đương nhiên, đâu đó vẫn có những ý kiến còn băn khoăn về sự thử nghiệm này. Chẳng hạn như có ý kiến cho rằng, thiết kế mỹ thuật chưa thực sự gắn liền với nội dung vở diễn. Có một sự băn khoăn nữa cho rằng đưa nghệ thuật điện ảnh vào sân khấu không phù hợp vì sân khấu là con người thật, còn điện ảnh lại là con người của cái bóng. Tôi cho rằng băn khoăn này là không đúng. Cải lương được hình thành và hội tụ bởi các nền nghệ thuật khác, nó phải luôn luôn “động” và phải tự làm mới mình để đáp ứng sự mong đợi của người xem và theo kịp thời đại.

Nhưng chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng, cách dựng vở theo truyền thống vẫn có vẻ đẹp của sự cách điệu, ước lệ và nó có sự hấp dẫn riêng?

Sự kết hợp này không làm mất đi những vẻ đẹp cách điệu của sân khấu, của vở diễn, bởi “Yêu là thoát tội” dựng năm 2011 như thế nào, chúng tôi vẫn giữ nguyên. Mặt khác, ở nghệ thuật cải lương, sự cách điệu, ước lệ, tả ý chỉ ở mức độ chứ không nhiều như nghệ thuật chèo, tuồng. Vở diễn đã được công chiếu tới 5 lần, và có những khán giả đi xem hết ngần ấy buổi biểu diễn. Điều này chứng tỏ sự hấp dẫn của vở diễn. Với Hội đồng nghệ thuật thành phố, Ban Giám đốc sở từng duyệt vở diễn này vào năm 2011, khi ấy đã có những đánh giá rất tốt về mặt nghệ thuật, dàn dựng của tác phẩm, nhưng khi xem lại vở diễn lần này đều có đánh giá chung là tác phẩm hay hơn tác phẩm duyệt năm 2011 về mọi mặt. Điều quan trọng là trong thử nghiệm mới này, nghệ thuật cải lương của chúng tôi vẫn chiếm đến 95%. Còn tỷ lệ của điện ảnh chỉ là 5%. Ở đây chúng tôi xác định không đi sâu vào điện ảnh.

Đây là sự thử nghiệm đầu tiên của sự tích hợp giữa nghệ thuật điện ảnh và sân khấu cải lương. Vậy quá trình thực hiện hẳn sẽ gặp nhiều khó khăn?

Về tài chính, dù khó khăn nhưng chúng tôi xác định không đi xin tiền bằng một tờ trình. Bằng chính nội lực của nhà hát, chúng tôi quyết tâm làm để thuyết phục các nhà quản lý bằng một kết quả cụ thể. Mặt khác, trong dự án thử nghiệm này, những vấn đề liên quan đến chuyên môn của nghệ thuật điện ảnh, kỹ thuật điện ảnh, chúng tôi phải nhờ đến chuyên gia và những người có chuyên môn trong lĩnh vực này. Đồng thời, chúng tôi phải chỉ đạo diễn viên diễn xuất, cách phát âm, cách biểu cảm, cách tạo hình sao cho phù hợp với sự kết hợp giữa hai nghệ thuật, đương nhiên vẫn phải mang đặc trưng của sân khấu chứ không thể biến nhân vật sân khấu thành nhân vật của phim ảnh.

Sự thành công của thử nghiệm có đồng nghĩa sau này Nhà hát sẽ không đơn thuần dựng vở theo lối truyền thống nữa?

Chúng tôi chỉ thực hiện thử nghiệm này trong phạm vi Nhà hát Cải lương Hà Nội, còn mức độ ảnh hưởng, lan tỏa của nó như thế nào còn tùy thuộc vào sự cảm nhận, quan điểm của từng đơn vị nghệ thuật. Chúng tôi sẽ tiếp tục thử nghiệm này, không chỉ với những vở lịch sử và dã sử mà ở cả những tác phẩm đương đại. Hiện chúng tôi đang triển khai vở “Khi hoa nở trái mùa”. Khán giả đã đón nhận thử nghiệm này trong vở cổ, và chúng tôi muốn biết khán giả có đón nhận sự thử nghiệm này trong một tác phẩm đương đại không.

Trong vở diễn “Yêu là thoát tội”, có ý kiến cho rằng, ngoại hình của diễn viên đóng vai Thị Lan không tương xứng với nhân vật. Phải chăng Nhà hát đang thiếu dàn diễn viên kế cận?

Đối với sân khấu, nhất là đối với đơn vị nghệ thuật công lập thì chỉ có thể xoay quanh ngần ấy diễn viên. Hơn nữa, đối với sân khấu cải lương, ngoài ngoại hình ra còn liên quan đến khả năng ca hát. Vì vậy, không thể chọn một diễn viên chỉ có ngoại hình đẹp. Mặt khác, vở diễn này chúng tôi có chiếu rọi vào đấy quan điểm của người ngày hôm nay nhìn vào lịch sử, chứ không hẳn là tái hiện lịch sử nên không thể so sánh giữa Thị Lan – nhân vật với diễn viên vào vai này. Đương nhiên, hằng năm chúng tôi đều tính đến chuyện phải có thế hệ kế cận, trẻ hóa đội ngũ, để có diễn viên tài sắc vẹn toàn.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Vũ Ngọc thực hiện


Gửi phản hồi cho bài viết