Khi cải lương “dựa lưng” điện ảnh
07:00 | 12/07/2013
(PetroTimes) - Xuất phát từ ý tưởng cài hình ảnh vào phân đoạn chuyển cảnh nhằm khắc phục những phút “chết” của sân khấu, nghệ sỹ cải lương đã nghĩ đến việc “dựa lưng” vào điện ảnh.
Theo đó, những hình ảnh ngoại cảnh, nội cảnh, âm thanh, ánh sáng… sẽ được thể hiện một cách chân thực, sống động hơn trên sân khấu bằng những thước phim điện ảnh.
Nhìn nhận từ thực tế hiện nay, việc chuyển cảnh sân khấu dù đã có nhiều tiến bộ so với thời kỳ trước. Những kỹ thuật bục bệ, phông màn… của hậu kỳ được giảm thiểu rất nhiều so với sự cồng kềnh trước đây. Nhưng việc tắt đèn, phân cảnh giữa các phân đoạn trong khi diễn vở đã vô tình cắt đứt mạch cảm xúc của khán giả, giảm đi những hồi hộp, căng thẳng cần có.
Hơn nữa, việc chuyển cảnh trong bóng tối vô tình có nhiều sự nhầm lẫn không đáng có, thậm chí gây lỗi lớn trong nghệ thuật mà khó khắc phục khi đang diễn trực tiếp… Đó là lý do khiến không ít nghệ sỹ đau đầu tìm phương hướng khắc phục. Vì vậy, việc đưa điện ảnh vào sân khấu là phương pháp hữu hiệu cho những điểm yếu trên.
Một cảnh trên sân khấu của vở “Yêu là thoát tội”Đưa điện ảnh vào sân khấu không phải là ý tưởng mới, khi nhiều nước trên thế giới đã áp dụng hình thức này. Nhưng ở Việt Nam, thì mới có các nghệ sỹ sân khấu cải lương mạnh dạn có những bước đi đầu. Và vở “Yêu là thoát tội” vừa được chiếu thử nghiệm dành cho khán giả thủ đô đã đem đến những xúc cảm riêng.
“Yêu là thoát tội” là một vở cải lương được dàn dựng lại từ vụ án Lệ Chi Viên nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, diễn ra vào năm Nhâm Tuất thời Hậu Lê (1442). Nhắc đến Thị Lan, nữ đại học sỹ và danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi hẳn ai cũng nhớ đến bản án thế kỷ “Tru di tam tộc”. Vụ án với nỗi bi kịch được xem là thê thảm bậc nhất trong lịch sử triều đại phong kiến đó đến nay vẫn còn làm nhói đau bao trái tim Việt. Hai năm trước, “Yêu là thoát tội” cũng đã ra mắt khán giả và để lại trong lòng công chúng nhiều tình cảm đẹp khi đưa ra một giả thiết mới cho vụ án. Còn với bản dựng mới này, “Yêu là thoát tội” lại là câu chuyện kể thông suốt, những nút thắt của câu chuyện được lột tả sâu hơn, cụ thể hơn khi kết hợp với điện ảnh.
Điều mà vở diễn làm được là giảm thiểu được những phút “chết” của sân khấu. Thay vì phải theo dõi thuần chỉ là cảnh dựng trên sân khấu thì khán giả lại được dịp đổi món bằng những thước quay điện ảnh sống động, chân thực hơn.
Cái được của việc đưa điện ảnh vào sân khấu này phải thừa nhận, vừa tiết kiệm được thời gian, xóa đi những giây phút chờ đợi của khán giả. Và khi xem những phân đoạn chuyển cảnh bằng điện ảnh thì tạo được sự phấn khích cho khán giả theo dõi, những mạch cảm xúc không bị đứt đoạn và những cao trào thì được đẩy lên đỉnh điểm, kéo người xem tập trung tối đa cho vở diễn. Nhiều cảnh diễn do hạn chế của sân khấu, không được thực hiện thì được điện ảnh giải quyết một cách triệt để. Điều này đã giúp sân khấu cải lương được mở rộng, bao quát hơn.
So với sự nhàm chán mà sân khấu truyền thống đang mắc phải thì đây quả là biện pháp hữu hiệu khắc phục những điểm yếu còn tồn đọng. NSƯT Trần Quang Hùng – Giám đốc Nhà hát Cải lương chia sẻ với Petrotimes: “Dự án đưa điện ảnh vào sân khấu cải lương bằng việc dùng sự hỗ trợ của kỹ thuật điện ảnh cho những phân đoạn mà không gian bó hẹp của sân khấu khó chuyển tải được. Bên cạnh đó, việc hạ màn ở mỗi phân đoạn thường làm khán giả bị mất cảm hứng. Chúng tôi đã trăn trở nhiều về vấn đề này, nên việc tìm đến điện ảnh để cứu nguy như vậy mong rằng sẽ hữu hiệu. Đây là sự cố gắng của chúng tôi nhằm đưa sân khấu cải lương đến gần với khán giả”.
Một phân cảnh dựng bằng điện ảnh được trình chiếu trong vở cải lươngMột điều phải thừa nhận rằng, làm sao tìm được khán giả là câu hỏi khiến các nghệ sỹ phải đau đầu, điều này xảy ra không chỉ với cải lương mà còn tồn đọng ở nhiều sân khấu truyền thống khác. Trong khi, sân khấu chèo chủ trương tìm đến những chiếu chèo nhỏ, sân khấu tuồng tìm khán giả bằng dự án “Sân khấu học đường” thì việc cải biên của cải lương cũng là một hình thức độc đáo, đáng ghi nhận. Biết rằng, mỗi loại hình sẽ có một lối đi riêng và với sân khấu cải lương thì việc “kết duyên” với điện ảnh là một nỗ lực đáng ghi nhận. Mong rằng, với những sự “thay máu” tương tự, sân khấu truyền thống không còn quá xa lạ với khán giả.
Huyền Anh