Bài viết trong » Tháng Bảy 12th, 2013«

Khi cải lương “dựa lưng” điện ảnh!

Khi cải lương “dựa lưng” điện ảnh

07:00 | 12/07/2013

(PetroTimes) - Xuất phát từ ý tưởng cài hình ảnh vào phân đoạn chuyển cảnh nhằm khắc phục những phút “chết” của sân khấu, nghệ sỹ cải lương đã nghĩ đến việc “dựa lưng” vào điện ảnh.

Theo đó, những hình ảnh ngoại cảnh, nội cảnh, âm thanh, ánh sáng… sẽ được thể hiện một cách chân thực, sống động hơn trên sân khấu bằng những thước phim điện ảnh.

Nhìn nhận từ thực tế hiện nay, việc chuyển cảnh sân khấu dù đã có nhiều tiến bộ so với thời kỳ trước. Những kỹ thuật bục bệ, phông màn… của hậu kỳ được giảm thiểu rất nhiều so với sự cồng kềnh trước đây. Nhưng việc tắt đèn, phân cảnh giữa các phân đoạn trong khi diễn vở đã vô tình cắt đứt mạch cảm xúc của khán giả, giảm đi những hồi hộp, căng thẳng cần có.

Hơn nữa, việc chuyển cảnh trong bóng tối vô tình có nhiều sự nhầm lẫn không đáng có, thậm chí gây lỗi lớn trong nghệ thuật mà khó khắc phục khi đang diễn trực tiếp… Đó là lý do khiến không ít nghệ sỹ đau đầu tìm phương hướng khắc phục. Vì vậy, việc đưa điện ảnh vào sân khấu là phương pháp hữu hiệu cho những điểm yếu trên.

Một cảnh trên sân khấu của vở “Yêu là thoát tội”

Đưa điện ảnh vào sân khấu không phải là ý tưởng mới, khi nhiều nước trên thế giới đã áp dụng hình thức này. Nhưng ở Việt Nam, thì mới có các nghệ sỹ sân khấu cải lương mạnh dạn có những bước đi đầu. Và vở “Yêu là thoát tội” vừa được chiếu thử nghiệm dành cho khán giả thủ đô đã đem đến những xúc cảm riêng.

“Yêu là thoát tội” là một vở cải lương được dàn dựng lại từ vụ án Lệ Chi Viên nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, diễn ra vào năm Nhâm Tuất thời Hậu Lê (1442). Nhắc đến Thị Lan, nữ đại học sỹ và danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi hẳn ai cũng nhớ đến bản án thế kỷ “Tru di tam tộc”. Vụ án với nỗi bi kịch được xem là thê thảm bậc nhất trong lịch sử triều đại phong kiến đó đến nay vẫn còn làm nhói đau bao trái tim Việt. Hai năm trước, “Yêu là thoát tội” cũng đã ra mắt khán giả và để lại trong lòng công chúng nhiều tình cảm đẹp khi đưa ra một giả thiết mới cho vụ án. Còn với bản dựng mới này, “Yêu là thoát tội” lại là câu chuyện kể thông suốt, những nút thắt của câu chuyện được lột tả sâu hơn, cụ thể hơn khi kết hợp với điện ảnh.

Điều mà vở diễn làm được là giảm thiểu được những phút “chết” của sân khấu. Thay vì phải theo dõi thuần chỉ là cảnh dựng trên sân khấu thì khán giả lại được dịp đổi món bằng những thước quay điện ảnh sống động, chân thực hơn.

Cái được của việc đưa điện ảnh vào sân khấu này phải thừa nhận, vừa tiết kiệm được thời gian, xóa đi những giây phút chờ đợi của khán giả. Và khi xem những phân đoạn chuyển cảnh bằng điện ảnh thì tạo được sự phấn khích cho khán giả theo dõi, những mạch cảm xúc không bị đứt đoạn và những cao trào thì được đẩy lên đỉnh điểm, kéo người xem tập trung tối đa cho vở diễn. Nhiều cảnh diễn do hạn chế của sân khấu, không được thực hiện thì được điện ảnh giải quyết một cách triệt để. Điều này đã giúp sân khấu cải lương được mở rộng, bao quát hơn.

So với sự nhàm chán mà sân khấu truyền thống đang mắc phải thì đây quả là biện pháp hữu hiệu khắc phục những điểm yếu còn tồn đọng. NSƯT Trần Quang Hùng – Giám đốc Nhà hát Cải lương chia sẻ với Petrotimes: “Dự án đưa điện ảnh vào sân khấu cải lương bằng việc dùng sự hỗ trợ của kỹ thuật điện ảnh cho những phân đoạn mà không gian bó hẹp của sân khấu khó chuyển tải được. Bên cạnh đó, việc hạ màn ở mỗi phân đoạn thường làm khán giả bị mất cảm hứng. Chúng tôi đã trăn trở nhiều về vấn đề này, nên việc tìm đến điện ảnh để cứu nguy như vậy mong rằng sẽ hữu hiệu. Đây là sự cố gắng của chúng tôi nhằm đưa sân khấu cải lương đến gần với khán giả”.

Một phân cảnh dựng bằng điện ảnh được trình chiếu trong vở cải lương

Một điều phải thừa nhận rằng, làm sao tìm được khán giả là câu hỏi khiến các nghệ sỹ phải đau đầu, điều này xảy ra không chỉ với cải lương mà còn tồn đọng ở nhiều sân khấu truyền thống khác. Trong khi, sân khấu chèo chủ trương tìm đến những chiếu chèo nhỏ, sân khấu tuồng tìm khán giả bằng dự án “Sân khấu học đường” thì việc cải biên của cải lương cũng là một hình thức độc đáo, đáng ghi nhận. Biết rằng, mỗi loại hình sẽ có một lối đi riêng và với sân khấu cải lương thì việc “kết duyên” với điện ảnh là một nỗ lực đáng ghi nhận. Mong rằng, với những sự “thay máu” tương tự, sân khấu truyền thống không còn quá xa lạ với khán giả.

Huyền Anh

 

“Yêu là thoát tội”: Ấm áp cái nhìn nhân ái với lịch sử bi thương!

CAND (online)

09:36:00 12/07/2013

Những nghi vấn từ tấn bi kịch thảm khốc nhất trong lịch sử nước Việt khi đại thần Nguyễn Trãi bị vu oan và bị tru di tam tộc vẫn dai dẳng với muôn điều lý giải ròng rã gần 600 năm qua. Giờ đây, thêm một lần nữa, vụ án lại được đưa lên sân khấu Hà Nội, dưới một góc nhìn khác, ấm áp tính nhân văn và cảm thông sâu sắc trong vở “Yêu là thoát tội” (kịch bản: Lê Chí Trung, đạo diễn: NSƯT Quang Hùng).

Với cái nhìn tự do, phóng khoáng về một khoảnh khắc bi thảm của lịch sử, “Yêu là thoát tội” ra mắt tối 10/7 đầy đặn sự cảm thông với thân phận của Thị Lan, người phụ nữ tài sắc vẹn toàn của Nguyễn Trãi. Phẩm chất thanh liêm, chính trực của Nguyễn Trãi như ánh sao khuê sáng chói trên bầu trời, khiến ông trở thành mục tiêu để bao mưu đồ chính trị nhắm vào. Trong khi đó, tài năng, sắc đẹp của Thị Lan cũng lọt vào mắt thiên tử. Bị vây bọc bởi những nhóm lợi ích quay cuồng trong những mưu toan chính trị nơi cung đình, vị vua trẻ càng khát thèm một tri kỷ, tri âm. Tình yêu ông dành cho Thị Lan vừa nồng nàn, dữ dội, vừa bền bỉ, thẳm sâu, bất chấp rào cản của lề thói phong kiến.

Khác với nhiều tác phẩm sân khấu, văn học từng viết về vụ án Lệ Chi Viên, “Yêu là thoát tội” đã để cho Nữ nghi Học sĩ giàu lòng trắc ẩn cũng yêu vị vua trẻ. Bi kịch nảy nở từ đây khi lòng ghen của Hoàng hậu, cộng với những âm mưu tranh giành quyền lực chốn hậu cung đã đẩy tấn bi kịch chính trị lên đến đỉnh điểm. Và thảm họa tru di 3 họ đã xảy ra.

Một cảnh trong vở “Yêu là thoát tội” – Đạo diễn NSUT Trần Quang Hùng – Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội

“Yêu là thoát tội” tiếp tục đánh dấu sự thành công của NSƯT Quang Hùng. Sự sáng tạo của anh mang đậm tính nghệ thuật, thỏa mãn được thị giác lẫn những ý nghĩa sâu xa gửi gắm. Đạo diễn Quang Hùng đã khai thác tận cùng tâm lý các nhân vật, để nghệ sĩ được thể hiện tài năng sáng tạo.

NSƯT Thanh Hương đã hóa thân vào một Thị Lan đầy tâm trạng giằng xé trước tình yêu và bổn phận người vợ dịu dàng và quyến rũ, lấy được sự thương cảm, xót xa và chia sẻ của người xem. Giọng ca truyền cảm của Thanh Hương càng cuốn hút người xem vào từng lớp diễn.

Nghệ sĩ Thy Nhung, người vừa giành được Huy chương Vàng tại LHSK chuyên nghiệp toàn quốc cũng rất thành công với vai Hoàng hậu hiểm độc, có chiều sâu, đa phong cách.

Phản ánh sâu sắc bi kịch của số phận các nhân vật trong quá khứ, “Yêu là thoát tội” mang đến một cách lý giải riêng về vụ án vườn vải cách đây gần 6 thế kỷ, soi chiếu dưới một góc nhìn tinh tế, thấm đẫm sự bao dung của hậu thế! Vở diễn như một món quà dâng lên trước ngày giỗ Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ đang đến gần.

TH.

Thử nghiệm mới trong dàn dựng sân khấu cải lương!

Thử nghiệm mới trong dàn dựng sân khấu cải lương 15:43 | 11/07/2013

 

(ĐCSVN) Tối 10/7, sau một thời gian chuẩn bị, luyện tập, Nhà hát Cải lương Hà Nội đã tổ chức biểu diễn thử nghiệm tác phẩm “Yêu là thoát tội” lần đầu tiên có sự kết hợp giữa sân khấu cải lương và ngôn ngữ điện ảnh.

Tác phẩm thử nghiệm được biểu diễn lần này chính là thành quả của sự tìm tòi, sáng tạo, lao động miệt mài, nghiêm túc, cùng với niềm đam mê sân khấu của tập thể nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Cải lương Hà Nội với mong muốn được cống hiến cho khán giả những tác phẩm sân khấu thật đặc sắc, mới lạ, hấp dẫn mà vẫn không làm mất đi giá trị nghệ thuật vốn có của sân khấu cải lương.

Từ công tác chỉ đạo nghệ thuật, công tác đạo diễn cũng như những năm tháng dài trong vai trò của người nghệ sĩ trực tiếp sáng tạo nên hình tượng nghệ thuật, Giám đốc Nhà hát – NSƯT Trần Quang Hùng đã mạnh dạn tìm cách đi mới khi có ý tưởng: đưa nghệ thuật điện ảnh vào xử lý âm thanh, hình ảnh ở những phút thay cảnh. Đèn dần tối để màn ảnh với các thủ pháp điện ảnh đưa tới cho người xem bối cảnh sân khấu mới, hình ảnh nhân vật với âm thanh rất thực… kéo người xem tập trung tối đa cho cảnh diễn tiếp theo. Và, rất nhiều cảnh diễn vì sự hạn chế của sàn diễn không thể diễn tả được sẽ được thể hiện trực tiếp trên màn hình, thông qua những kỹ xảo rất nghệ thuật của điện ảnh.

Theo NSƯT Trần Quang Hùng, dự án đưa nghệ thuật điện ảnh vào sân khấu cải lương có thể làm tăng tính hiệu quả tổng thể của vở diễn, mở rộng không gian của sự việc, xoá đi dấu ấn “bị cách quãng” của việc “chạy cảnh” từ màn trước sang màn sau của quá trình diễn tiến vở diễn.

Sau những sáng tạo mang tính thử nghiệm mới mẻ này, hy vọng sân khấu sẽ ngày càng có thêm sức cuốn hút của nhịp điệu hiện đại, của sự mở rộng không gian và thời gian diễn tả cho sàn diễn, “cởi trói” phần nào cho những sáng tạo của các đạo diễn thêm bay bổng… Những thử nghiệm này sẽ được tập thể Nhà hát Cải lương Hà Nội đưa vào biểu diễn trong thời gian tới với mong muốn sẽ nhận được những phản hồi tích cực từ phía người xem cũng như các nhà chuyên môn để tiếp tục hoàn thiện và phục vụ tốt nhất cho nghệ thuật biểu diễn./.

Các từ khóa theo tin:

QT

 

Yêu là thoát tội – Vở cải lương mang đậm tính nhân văn sâu sắc

VOV5 ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM

HỆ PHÁT THANH ĐỐI NGOẠI

Nhịp cầu kết nối Việt Nam với bạn bè quốc tế

10 Tháng Bảy 2013

(VOV5) – Nhà hát Cải lương Hà Nội đang bước đầu thực hiện thử nghiệm đưa nghệ thuật điện ảnh vào sân khấu cải lương bằng sự hỗ trợ của kỹ thuật điện ảnh. Sau một thời gian luyện tập, tối 9/7, Nhà hát Cải lương Hà Nội chính thức công diễn trước khán giả Thủ đô tác phẩm sân khấu thử nghiệm “Yêu là thoát tội” của đạo diễn Nghệ sĩ Ưu tú Trần Quang Hùng.

 

Vở cải lương “Yêu là thoát tội” được dựng lại từ vụ án Lệ Chi Viên nổi tiếng của lịch sử Việt Nam, diễn ra vào năm Nhâm Tuất (1442) thời Hậu Lê , dẫn đến cái chết của danh nhân Nguyễn Trãi cũng như thảm án tru di tam tộc cả dòng họ của ông . Bi kịch của gia tộc họ Nguyễn được lý giải dưới một góc nhìn khác, đậm tính nhân văn. Nguyễn Thị Lộ, một phụ nữ tài, sắc vẹn toàn, có một tình yêu chân thành đi kèm với sự tôn kính người chồng là một bậc khai quốc công thần có rất nhiều công lao với triều đình. Tài năng, nhan sắc của  bà cùng tình yêu lớn của bà cũng không thể giúp bà thoát khỏi mưu đồ chính trị nhắm vào Nguyễn Trãi. Mong muốn đưa bằng được con mình lên ngai vàng, hoàng hậu cấu kết với bọn gian thần đầu độc nhà vua và vu cho Nguyễn Thị Lộ giết Vua, gây ra tấn bi kịch tru di tam tộc (ba họ)./.

Đưa nghệ thuật điện ảnh vào cải lương

An Ninh thủ đô

Giải trí

Thứ sáu 12/07/2013 07:04

ANTĐ - Được dàn dựng trên vở diễn đã từng ra mắt khán giả “Yêu là thoát tội”, tác giả Lê Chí Trung, đạo diễn NSƯT Trần Quang Hùng, Nhà hát Cải lương Hà Nội đã thực hiện việc thử nghiệm đưa nghệ thuật điện ảnh vào sân khấu cải lương. Nhờ đó, vở diễn đã mang màu sắc hiện đại hơn nhưng không làm mất đi tư tưởng, nội dung do tác giả Lê Chí Trung chắp bút.

Bằng sự hỗ trợ của kỹ thuật điện ảnh như đưa hình ảnh của ngoại cảnh, nội cảnh và âm thanh của các tình huống, hiệu quả tổng thể của vở diễn được tăng lên đáng kể, mở rộng không gian của sự việc, xóa đi dấu ấn bị cách quãng của việc chạy cảnh từ màn trước sang màn sau. “Yêu là thoát tội” được dựng lại từ vụ án Lệ Chi Viên nổi tiếng của lịch sử Việt Nam. Vở diễn là cái nhìn tự do, phóng khoáng của xã hội ngày nay về lịch sử dân tộc và chính thức “trình làng” sau 2 đêm ra mắt thành công (ngày 9 và 10-7) tại rạp Hồng Hà, số 51 Đường Thành, Hà Nội.

Hương Thủy