Báo Hà Nội mới Cuối tuần
Thay vì đèn đóm bỗng tắt ngúm, phông màn kéo xuống và nhân viên hậu đài chạy lăng quăng trên sân khấu để thay cảnh, khâu chuyển cảnh của sân khấu cải lương sẽ được thay bằng những thước phim điện ảnh. Ý tưởng này vừa được đạo diễn, NSƯT Trần Quang Hùng thể nghiệm trong vở cải lương “Yêu là thoát tội”.
Một phân cảnh của vở “Yêu là thoát tội” được trình chiếu trong lúc thay cảnh.“Gặp” điện ảnh trong cải lương
“Yêu là thoát tội” là vở cải lương đã nổi tiếng của Nhà hát Cải lương Hà Nội. Dùng một tựa đề hiện đại và có phần khó đoán, vở cải lương “Yêu là thoát tội” thể hiện một cách nhìn mới về vụ án Lệ Chi Viên, sự kiện dẫn tới việc tru di ba họ danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi – vốn là một đại thần dưới triều Lê Sơ – một bi kịch thê thảm bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Không nhằm tìm kiếm một lời giải đáp cho vụ án lịch sử, câu chuyện dưới góc nhìn của tác giả kịch bản Lê Chí Trung và đạo diễn Trần Quang Hùng xoay quanh những cung bậc của “yêu” và “hận” để đồng điệu với nỗi niềm của người xưa ở góc độ “con người” nhất, nhân bản nhất. Trở lại sàn diễn vào tháng 7 này trong “phiên bản” mới, vở diễn khiến người xem bất ngờ bởi nhiều ý tưởng đổi mới. Đây có lẽ là vở cải lương đầu tiên được sử dụng thêm sự hỗ trợ của các yếu tố điện ảnh: tiếng động hỗ trợ cho các tình huống biểu diễn: tiếng đàn, tiếng gió, tiếng lá bay, tiếng vó ngựa, tiếng nước chảy… và các hình ảnh nội ngoại thất của lớp, cảnh diễn sắp tới, làm cho vở diễn được liên tục không bị cảm giác chờ đợi khó chịu về tâm lý khi chạy cảnh, thay đổi trang trí…
Đạo diễn, NSƯT Trần Quang Hùng, tác giả của dự án chia sẻ: Khán giả của sân khấu thay đổi từng ngày, bản thân các vở diễn cũng đã thay đổi rất nhiều nhưng công tác chuyển cảnh còn rất ấu trĩ, không khác gì 40 năm trước khi tôi bắt đầu vào nghề. Những phút tắt đèn giữa khi vở diễn đang hồi căng thẳng gây khá nhiều phản cảm, gián đoạn trong tiếp nhận của công chúng. Nhiều ấn tượng về cái thật, cái đẹp… đang được cảm nhận bỗng chốc bị xóa nhòa vì màn hạ, đèn tắt để chuyển cảnh. Rồi việc chuyển cảnh trong bóng tối với những nhân viên hậu đài, phụ thêm là các diễn viên trong quần áo trang phục lộn xộn, với cách làm việc còn chưa khoa học ở hầu hết các đơn vị sân khấu như hiện nay… dễ dẫn tới những rối loạn, nhầm lẫn, thậm chí gây ra những lỗi lớn về nghệ thuật, ảnh hưởng tới hiệu quả đêm diễn. Việc đưa nghệ thuật điện ảnh vào xử lý hình ảnh, âm thanh ở những phút thay cảnh kéo người xem tập trung tối đa cho cảnh diễn tiếp theo. Và rất nhiều cảnh diễn vì hạn chế của sàn diễn không thể diễn tả được sẽ được thể hiện trực tiếp trên màn hình, thông qua những kỹ xảo rất nghệ thuật của điện ảnh. Hiệu quả dễ thấy là sự liên tục không bị ngắt quãng trong tiếp nhận của khán giả, là một không khí nghệ thuật tràn đầy, không có chỗ cho những sự phân tán như việc thay cảnh trước đây.
Có làm… “mất chất”?
Để thực hiện được những clip thay thế cho phần chuyển cảnh, đạo diễn Trần Quang Hùng cho biết, anh cùng các thành viên nhà hát đã phải đi tìm những nơi có ngoại cảnh phù hợp với vở diễn, dàn dựng nội dung clip sao cho gắn liền với vở. Phần tiếng động, anh nhờ đến Hãng phim truyện Việt Nam. Nhưng ngay từ cái kỳ công đổi mới ấy của nhà hát đã làm nẩy sinh một câu hỏi: Liệu tính tả thực của điện ảnh có làm mất đi tính ước lệ, cách điệu của sân khấu?
Trả lời cho lo ngại này, nghệ sĩ Quang Hùng cho biết: với công chúng hôm nay, những cái có tính ước lệ, cách điệu quá sẽ khó hấp dẫn người xem. Việc đổi mới không làm “mất chất” cải lương, mà chỉ khắc phục những nhược điểm của việc chuyển cảnh, làm cho sân khấu thêm sống động. Đồng thời sẽ “cởi trói” phần nào cho những sáng tạo của đạo diễn, vốn trước nay bị bó gọn trong không gian sàn diễn.
Thực ra đưa nghệ thuật điện ảnh vào sân khấu không phải là việc mới mẻ nhưng việc thử nghiệm phương pháp áp dụng điện ảnh vào để mở rộng không gian cho sàn diễn, để thay cảnh là một cách làm mới. Ngay với sân khấu cải lương, từ trước tới nay, người ta cũng đã có nhiều cố gắng để đổi mới vở diễn. Cũng là sân khấu truyền thống, nhưng cải lương với đặc trưng “tuồng tích sánh văn minh” rất hợp với những đổi mới, cải tiến. Chúng ta cũng đã từng chứng kiến vở cải lương Kiều được đầu tư dàn dựng với số tiền lên tới cả tỷ đồng năm 2006, có kết hợp cải lương với các loại hình nghệ thuật khác như xiếc gây được ấn tượng nhất định với người xem. Hay như bản thân chương trình dịch cải lương sang tiếng Anh của Nhà hát Cải lương Hà Nội, lúc đầu được xem là “khó khả thi” đến nay cũng đã có được lượng khán giả thường xuyên.
Một ý tưởng mới, có thể làm hài lòng người này, chưa được lòng người kia, nhưng rõ ràng trong bối cảnh hiện nay, đó là một nỗ lực đáng trân trọng trong việc đi tìm công chúng cho sân khấu truyền thống. Để có đánh giá của riêng mình, khán giả hãy thử xem “Yêu là thoát tội” phiên bản mới!
Hà Trường