Bước đột phá của cải lương?

BÁO HÀ NỘI MỚI

Thứ Bảy 7:05 13/07/2013

(HNM) – Ý tưởng đưa kỹ thuật vào sân khấu luôn được Nhà hát Cải lương Hà Nội chú trọng mà việc thực hiện thành công chương trình “Cải lương có hỗ trợ phiên dịch tiếng Anh” trong vòng một năm trở lại đây là ví dụ cụ thể. Giữa tuần qua, các nghệ sĩ của nhà hát lại thử nghiệm hình thức mới – “Đưa nghệ thuật điện ảnh vào sân khấu cải lương” – thông qua vở “Yêu là thoát tội”.

Cảnh trong vở “Yêu là thoát tội”

“Yêu là thoát tội” không phải là vở diễn mới, bởi năm 2011 Nhà hát Cải lương Hà Nội đã dàn dựng và diễn liên tục ở nhiều địa phương. Tuy thế, ở lần ra mắt mới, sự có mặt của nghệ thuật điện ảnh trong vở diễn thực sự gây bất ngờ cho khán giả. Theo kịch bản của tác giả Lê Chí Trung, NSƯT Triệu Trung Kiên chuyển thể cải lương và NSƯT Trần Quang Hùng đạo diễn, “Yêu là thoát tội” có nội dung xoay quanh vụ án Lệ Chi Viên. Có nhiều vở diễn (cả của sân khấu kịch, chèo, cải lương) về vụ án lịch sử này đã được dựng, phần lớn đều phản ánh theo nội dung chính sử. “Yêu là thoát tội” năm 2013 được dựng theo hướng dã sử, khai thác chiều sâu tâm lý nhân vật.

Trong lần diễn thử nghiệm có kết hợp yếu tố điện ảnh, “Yêu là thoát tội” vẫn giữ nguyên cách dàn dựng, lối diễn xuất và diễn tiến sân khấu. Tuy nhiên, đạo diễn Quang Hùng đã đưa các đoạn phim, các clip hình ảnh vào những đoạn chuyển cảnh. Theo đó, vở diễn có tới 7 màn, tức là 6 lần chuyển cảnh, cũng có nghĩa 6 clip hình ảnh được trình chiếu. Mỗi lần chuyển cảnh, thay vì đèn phụt tắt, màn nhung che kín, sân khấu tối om để các diễn viên thay đổi cảnh trí, một tấm màn hình máy chiếu xuất hiện với những đoạn phim có ý nghĩa phụ trợ giúp khán giả hiểu thêm về vở diễn. Theo đạo diễn Trần Quang Hùng, để có được những đoạn phim ấy, anh cùng những người thực hiện đã phải đi khảo sát nhiều di tích, lựa chọn cảnh quay phù hợp, rồi lo trang phục của diễn viên, luyện cách đi lại, cách diễn xuất phù hợp với từng chi tiết của vở diễn trên sân khấu. Bởi vậy, với khán giả, những đoạn phim đã trở thành một phần của vở cải lương, hiệu quả dễ thấy. Nếu như trước đây, khán giả thường mất thời gian chờ đợi chuyển cảnh, mạch cảm xúc bị đứt quãng thì giờ đây, mạch cảm xúc được duy trì liên tục trong suốt vở diễn. Thêm vào đó, những clip chuyển cảnh còn giúp biểu đạt nội dung, bổ sung thêm chi tiết mà diễn xuất trên sân khấu chưa thể hiện được.

So với “Yêu là thoát tội” phiên bản 2011, rõ ràng là bản dựng kết hợp với điện ảnh này mang lại nhiều cảm xúc hơn cho người xem. Nghệ thuật điện ảnh đã bổ trợ, lấp đầy những khoảng khuyết mà ngôn ngữ cải lương chưa chuyển tải hết. Tuy thế, dù nhận được những tràng pháo tay dài của khán giả trong buổi diễn ra mắt, các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Hà Nội tự nhận đây chỉ là một dự án thử nghiệm, còn phải chỉnh sửa nhiều.

Sự thử nghiệm thường vấp phải phản kháng. Có thể một số khán giả khó tính không đồng tình với sự hiện diện của một loại hình nghệ thuật hiện đại trong một vở diễn mang tính truyền thống. Tuy thế, khi sự thể nghiệm mang lại hiệu quả, cảm xúc mới, thu hút nhiều đối tượng khán giả đến với nghệ thuật truyền thống thì đó là sự sáng tạo đáng khích lệ. Rất có thể, cách thử nghiệm nói trên sẽ được áp dụng đối với nhiều loại hình sân khấu khác như kịch nói, chèo… để tạo bước đột phá cho sân khấu truyền thống.

Lâm Đại


Gửi phản hồi cho bài viết