NGUỒN SÁNG PHÍA CHÂN TRỜI

 Tạp chí Sân khấu (Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam)

Số ra Tháng 11/2012

Thu Thuỷ – Hà Anh

 

          Tấm màn nhung mở ra, trên sân khấu Rạp Hồng Hà ồn ào náo nhiệt với nhiều không gian, mỗi không gian là một hiện tượng tiêu cực của xã hội: chính giữa là vũ trường, bên phải, bên trái là hiện trường xảy ra các vụ án cướp bóc, hiếp dâm, giết người v.v… và tiếp đó là các chiến sĩ công an phải đối mặt để giải quyết các vụ việc và tiếng giao báo lại vẳng lên sau mỗi cảnh kịch, những tưởng vở diễn sẽ cuốn theo các vụ án giết người hoặc dồn dập các tiêu cực của xã hội nhưng đến cảnh hai của vở diễn “Nguồn sáng phía chân trời” lại là một bức tranh hoàn toàn khác, một bức tranh phản ánh về nhà tù không có song sắt, ở đó chỉ có lòng vị tha sâu sắc của một chiến sĩ công an mang tâm hồn của người họa sĩ đi tìm cái đẹp, cái nhân văn thẳm sâu trong những con người vì lý do nào đó đã không còn quyền công dân và giúp họ khơi gợi lòng hướng thiện.

 

Vở diễn xoay quanh nhân vật Văn (NS Quang Thanh thủ) và Hường (NS Thái Vân), họ yêu nhau tha thiết, luôn mong muốn sau khi Văn hết nghĩa vụ trở về họ sẽ đoàn viên bằng đám cưới và tiếng ê a của trẻ thơ. Nhưng hoàn cảnh quá trớ trêu, khi biết gia đình vướng vào nợ nần chồng chất không thể trả được, Hường đã bị Hoàng (NS Tuấn An) - nhân vật trùm xã hội đen ép buộc bằng việc lấy hắn thì món nợ kia sẽ được trả xong. Là một sinh viên sư phạm mới ra trường, hoàn cảnh gia đình khó khăn Hường không còn cách nào khác là sự miễn cưỡng đồng ý. Ông Bon (NSUT Trần Hà) – bố Hường đau đớn nhìn con gái trao thân gửi phận cho một người chỉ biết quý trọng đồng tiền ông cũng trở thành con người lúc tỉnh lúc điên. Vì những vụ làm ăn phi pháp bị phát giác, Hoàng bị vướng vào vòng lao lý, Hoàng bị tòa án tuyên xử tử.

Trái tim nhân hậu

Sự hội ngộ giữa ba con người trong hoàn cảnh trớ trêu giữa Hoàng  tử tù và Hường vợ Hoàng người yêu cũ của Văn cán bộ trại giam đã khiến trái tim Văn rung động. Một nút thắt mà đạo diễn NSUT Hoàng Quỳnh Mai đã tháo gỡ nó bằng những đối thoại và cảnh diễn hết sức sâu sắc, ấn tượng và đầy tính nghệ thuật. Văn – hình tượng người chiến sĩ công an tận tâm với công việc và cũng vì lòng nhân ái của con người đối với con người mà anh đã quyết tâm hàn gắn nhân cách cho các tù nhân của mình. Một lớp học tạc tượng ngay tại trại giam dành cho các tù nhân do Văn lập nên là sự nhân ái bao dung của người chiến sĩ công an dành cho họ. Còn gì quý giá hơn là nhân cách con người được khơi gợi lòng hướng thiện trong cuộc sống đương đại này. Và như lời kết của nhân vật Văn đã nói “Chúng ta hãy cùng nhau viết hận thù lên cát, mà khắc trọn yêu thương lên đá tạc muôn đời”. Đây chính là chủ đề tư tưởng của vở diễn mà toàn bộ ekíp sáng tạo của vở diễn muốn gửi gắm đến người xem thông qua vở cải lương này.

Ekip sáng tạo nhịp nhàng

Trang trí mỹ thuật xuyên suốt vở diễn đã góp phần làm nổi bật chủ đề tư tưởng mà vở diễn hướng tới. Những bức phù điêu hình người không hoàn thiện, khi là cái mắt, lúc là cái mũi .v.v… được hiểu là những phần khiếm khuyết của nhân cách con người. Đạo diễn NSUT Hoàng Quỳnh Mai chú trọng sử dụng mỹ thuật để làm nổi bật lên tính cách của nhân vật Văn, con mắt của người họa sĩ với cái nhìn nhân văn đã thấy được phần tốt trong con người, kể cả những kẻ tử tù. Cảnh kết của vở diễn tính nhân văn được đẩy lên cao trào, hình ảnh cán bộ Văn bất chấp vòng vây của cơn lũ xoáy để cứu các phạm nhân, cứu Hoàng thoát khỏi cái chết trong gang tấc.

Ý KIẾN NGHỆ SĨ VỀ VỞ DIỄN

Diễn viên Tuấn An (vai Hoàng)

Có được một vai diễn như thế này tôi đã phải cố gắng thật nhiều và đến bây giờ vẫn chưa thực sự thấy chín. Thời gian luyện tập không nhiều, chỉ hơn một tháng, trước khi đi thi cũng vẫn còn đang trong giai đoạn rèn luyện, đạo diễn vẫn chỉnh sửa.

Vai diễn của tôi có nhiều mâu thuẫn, vừa là một nhân vật phản diện, sẵn sàng dùng thủ đoạn để lừa đảo, thậm chí giết người nhưng lại rất yêu cô gái kia. Theo tôi đây là một vai diễn hay. Tôi đã đọc kịch bản và nghiên cứu nhân vật rất kỹ, phải học các diễn xuất cho ra một nhân vật đầy tội lỗi song cũng rất đáng thương. Đạo diễn cũng muốn cho thêm nhiều chi tiết nhằm làm tăng sức hấp dẫn của vở và tôi          vẫn đang nghiên cứu cách thể hiện các chi tiết đó. Đồng thời học cách xử lý đài từ thật tốt cho một vai diễn trong vở cải lương hiện đại vì đề tài này luôn luôn khó đối với diễn viên Cải lương.

Từ ngày về đoàn, tôi cũng đã đóng khoảng bốn đến năm vai diễn trong các vở diễn về đề tài hiện đại, thế nhưng đến nay tôi vẫn thấy mình diễn những vai cổ có nhiều thuận lợi hơn.

NSND Mạnh Tưởng

Theo tôi, đây là một vở Cải lương hiện đại đích thực đi đúng vào tình hình đời sống hiện nay. Cải lương diễn đề tài hiện đại là rất khó và các nghệ sĩ phải rất vất vả. Hiện đại nếu là về thời kỳ chống Pháp và Mỹ không quá khó, song đề tài hiện đại về cuộc sống đổi mới với vô vàn các thứ ngổn ngang như bây giờ thì vô cùng khó, nhất là việc lồng các bài ca vào thế nào cho đúng. Ở vở diễn này, Những làn điệu Cải lương đã được xử lý khá tốt. Về phương diện kịch bản, tác giả đã đưa được nhưng bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời mỗi nhân vật cùng với những diễn biến tâm lý đầy phức tạp. Đạo diễn đã xử lý những mảng miếng khá tài tình, trang trí mỹ thuật và trang phục cũng phù hợp thành một tổng thể thuyết phục. Tuy nhiên, các diễn viên cần diễn thật nhiều để tăng độ nhuần nhuyễn giữa các bộ phận: diễn viên, âm nhạc, ánh sáng …

Đạo diễn NSUT Hoàng Quỳnh Mai

Để dựng vở này, tôi đã phải rất cố gắng để không mắc phải lỗi tự nhiên chủ nghĩa, không bị trần trụi quá khi dựng một câu chuyện về đề tài hiện đại. Đề tài hiện đại tuy khó song nếu làm tốt lại có tác dụng đến cuộc sống nhanh và mạnh hơn rất nhiều so với cách làm “mượn xưa nói nay” nếu dựng vở lịch sử. Ngày nay giữa bộn bề cuộc sống, sự lẫn lộn đen trắng thì tình yêu giữa con người vẫn là một sự cứu rỗi. Nếu con người không biết yêu thương nhau, anh công an có thể bắn chết tên tù vượt ngục bởi tội lỗi và cũng bởi đây là người đã gây ra đau khổ cho người yêu mình. Nhưng anh công an không những tha thứ mà còn tạo điều kiện để kẻ tội phạm được sống tốt hơn. Qua đây, tôi muốn ngụ ý, cuộc đời dù có đen tối đến đâu đi chăng nữa thì cũng chưa phải đã hết hy vọng mà vẫn còn một nguồn sáng phía chân trời.


Gửi phản hồi cho bài viết