Giao duyên với người xem để… cứu mình!

Trà Giang

Báo HNM CT – Sau dự án dịch cải lương sang tiếng Anh nhằm phục vụ khách du lịch, Nhà hát Cải lương Hà Nội lại vừa gây sốc với việc đưa những người yêu mến nghệ thuật này lên sàn diễn chuyên nghiệp trong chương trình “Tiếng đàn, giọng ca cải lương hội tụ giữa lòng Hà Nội”. Thật bất ngờ, những thử nghiệm nhằm tìm kiếm công chúng mới cho nghệ thuật cải lương ấy đã nhận được sự đón nhận nhiệt tình của khán giả.

Ảnh 1: NSƯT Trần Quang Hùng (phải) biểu diễn cùng diễn viên không chuyên

HNMCT đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn, NSƯT Trần Quang Hùng, giám đốc nhà hát quanh thử nghiệm táo bạo này.

(?) Tối 29/8, khán giả đến với rạp Chuông Vàng đã thực sự bất ngờ bởi trên sân khấu, bên cạnh những diễn viên tên tuổi của nhà hát là những gương mặt mới tinh, những giọng ca không chuyên. Điều gì đã khiến nhà hát có quyết định táo bạo như vậy, thưa ông?

- Tình hình khó khăn của sân khấu nói chung và sân khấu cải lương nói riêng khiến chúng tôi không thể thụ động ngồi chờ khán giả. Ý tưởng xây dựng chương trình thử nghiệm này xuất phát từ nhiều yếu tố trong đó có 5 yếu tố chính là: đi tìm công chúng mới cho nghệ thuật cải lương; đáp ứng nhu cầu không nhỏ của một số bộ phận yêu mến nghệ thuật cải lương, có nguyện vọng được ca, diễn với những nghệ sĩ chuyên nghiệp; Thông qua đó tìm kiếm tài năng trẻ để bồi dưỡng phát triển; Góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa nghệ thuật không chuyên và tiếp cận với việc xã hội hóa sân khấu.

          (?) Những nghệ sĩ không chuyên này, nhà hát đã tìm kiếm, tuyển lựa họ như thế nào?

          -  Đây đều là những người yêu mến nghệ thuật cải lương nhưng vì nhiều lẽ, họ không thể trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp. Thường họ chỉ tổ chức ca hát với nhau một cách manh mún, sinh hoạt theo các nhóm nhỏ. Hàng năm, vào ngày giỗ tổ sân khấu, nhiều người đã đến Nhà hát, xin được ca hát, biểu diễn. Nắm bắt được nhu cầu này, nhà hát đã tạo điều kiện để họ được đứng trên sân khấu. Vừa là đáp ứng được nhu cầu chính đáng của họ, vừa đáp ứng được hoạt động, trách nhiệm của nhà hát. Đôi bên như một thứ giao duyên.

Thực ra chưa có một sự chắt lọc, tuyển lựa nào hết mà nhà hát mới chỉ thông báo trên website của nhà hát để những người có nguyện vọng thì đến đăng ký.

(?) Anh vừa nói đến những người yêu nghệ thuật cải lương, thường xuyên sinh hoạt với nhau theo nhóm. Thật khó hình dung ở giai đoạn này, khi các loại hình giải trí khác dường như lấn ất, vẫn có những người trải chiếu ngồi đờn ca, hát cải lương giữa thủ đô?!

          - Bản thân tôi cũng đã trải qua cách sinh hoạt cải lương theo nhóm thế này. Hoạt động này xuất hiện ở thủ đô từ sau năm 1975, khi băng đĩa Sài Gòn tràn ra ngoài Bắc và nhiều người yêu thích đã mua về tập hát theo. Sinh hoạt này được duy trì đến tận bây giờ. Họ có thể ngồi thâu đêm suốt sáng mà không thấy chán. Sức hấp dẫn của nghệ thuật cải lương với cộng đồng giúp chúng tôi tin tưởng rằng việc xã hội hóa sân khấu này là hoàn toàn có thể. Qua đó cũng thấy được sự tồn tại của cải lương là cần thiết chứ không phải như mọi người đánh giá sự tồn tại này là rất yểu, phải sống bằng thuốc, phải sống bằng oxi. Chúng tôi không dám khẳng định cái gì ghê gớm nhưng muốn chứng tỏ rằng chúng tôi không thụ động trong công tác, chúng tôi cũng trăn trở, vận động. Đây là do sự tâm huyết, trách nhiệm của anh em nghệ sĩ chứ hoàn toàn không có một đồng kinh phí nào của nhà nước đầu tư.

          (?) Nói như vậy là ngay từ đầu, Nhà hát đã rất tin vào thành công của dự án?

- Trong vòng một tuần kể từ khi có thông báo, chúng tôi đã nhận được khá nhiều đơn xin đăng ký tham gia. Bản thân tôi không bất ngờ bởi tôi biết có một lượng công chúng không nhỏ yêu mến nghệ thuật cải lương. Mới chỉ có khoảng 5 buổi tập, kể cả sơ duyệt và tổng duyệt mà đã có người nói: nhà hát là một lò luyện người, vì hôm đầu tiên lên sâu khấu họ còn ngượng, chân tay run nhưng hôm diễn họ đã là con người khác, bản thân tôi cũng rất ngạc nhiên bởi sự tiến bộ của họ. Cải lương là một nghệ thuật truyền thống và trong dân gian, còn có rất nhiều tài năng. Họ yêu thích nhưng không có điều kiện theo đuổi một cách bài bản, không nghĩ có một ngày được đứng trên mấy chục mét vuông của sân khấu chuyên nghiệp, được đầu tư nghiêm túc như vậy. Sân khấu chuyên nghiệp hút họ vào, làm họ cảm thấy được trân trọng.

          (?) Tôi đã được xem họ diễn, được cảm nhận tình cảm tha thiết với nghệ thuật cải lương và chứng kiến cả sự cổ vũ nhiệt tình, hồn nhiên của người xem. Nhưng thú thật, bên cạnh những giọng ca thiên phú vẫn có những giọng ca mang tính phong trào. Nhà hát làm thế nào để đảm bảo chất lượng nghệ thuật của buổi diễn, để không bị phong trào hóa sân khấu chuyên nghiệp?

     – Yêu cầu này là rất rõ ràng, nhưng tôi cũng hoàn toàn yên tâm vì mới có 5 buổi chính thức người ta tiếp cận với nhà hát mà chúng tôi đã thấy những thay đổi rất đáng kể. Họ được những diễn viên chuyên nghiệp kèm cặp, chỉ dẫn trong từng điệu hát. Tất nhiên, với những người không chuyên, cái hay lại là sự hồn nhiên, mộc mạc trong giọng hát và sức hấp dẫn của đam mê. Khi họ đi biểu diễn sẽ có người thân, công chúng mới đến, trong đó có những thế hệ tuổi tác khác nhau. Thông qua đó mà cải lương đến được với đông đảo công chúng hơn. Nó sẽ là điều kiện để cải lương chuyên nghiệp phát triển.

(?) Nhà hát cải lương Hà Nội là một trong những đơn vị mạnh dạn thử nghiệm tìm kiếm khán giả. Hai dự án: dịch cải lương sang tiếng Anh và đưa những nghệ sĩ không chuyên lên sân khấu, được công chúng và giới chuyên môn đánh giá như thế nào, thưa ông?

- Rất mừng là Nhà hát đã nhận được sự động viên lớn của cả công chúng lẫn giới chuyên môn cho hai dự án này. Sau buổi diễn đầu tiên dành cho nghệ sĩ không chuyên, các nghệ sĩ gạo cội như NSND Mạnh Tưởng đã công nhận rằng đây là mô hình rất hay và gửi gắm hy vọng sẽ nhân lên được tình cảm yêu mến nghệ thuật cải lương trong công chúng. Dự kiến sắp tới nhà hát sẽ tổ chức chương trình này 2 buổi/tháng.

Với dự án dịch cải lương sang tiếng Anh chúng tôi đã ký hợp đồng với đối tác biểu diễn định kỳ vào thứ 7 hàng tuần và được quảng cáo trên website du lịch của nước ngoài.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện và chúc nhà hát gặt hái được nhiều thành công hơn nữa!


Gửi phản hồi cho bài viết