Nhà hát cải lương Hà Nội:Đưa nghệ thuật truyền thống tới du khách quốc tế
23:38:00 Chủ Nhật, 19/02/2012

Báo tin tức -

Tối 17 và 18/2, Nhà hát Cải lương Hà Nội tổ chức biểu diễn thử nghiệm chương trình nghệ thuật có dịch trực tiếp tiếng Anh qua tai nghe hướng tới đối tượng là khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Một ý tưởng hay

Buổi diễn thử nghiệm này diễn ra tại rạp Chuông Vàng, số 72 Hàng Bạc (khu phố cổ Hà Nội) để lấy ý kiến Hội đồng nghệ thuật, doanh nghiệp du lịch, khán giả.

Tiết mục Màn trống hội.

Chương trình gồm các tiết mục: “Màn trống hội”, bài “Dạ cổ hoài lang”, “Lý ngựa ô”, kịch ngắn “Kẻ trộm đêm giao thừa”, “Múa Chăm”, bài tân cổ “Tình yêu trên dòng sông quan họ”, “Múa Sáo”. Ông Trần Quang Hùng, Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội cho biết: “Đây là lần thứ hai chúng tôi thử nghiệm diễn cải lương có dịch tiếng Anh. Tháng 8/2011, chúng tôi đã diễn vở “Mệnh đế vương” và có dịch ra tiếng Anh. Sau đợt diễn, chúng tôi có phỏng vấn khách nước ngoài cảm nhận ra sao và đóng góp ý kiến. Lần thử nghiệm thứ 2 này của nhà hát nhằm đa dạng hóa phong cách biểu diễn, cũng như góp phần giới thiệu bộ môn nghệ thuật cải lương của nước ta đến với khán giả quốc tế. Các nghệ sỹ sẽ biểu diễn bằng tiếng Việt và khán giả nước ngoài sẽ được nghe dịch tiếng Anh trực tiếp qua tai nghe được đặt sẵn tại ghế ngồi”.

Đánh giá về chương trình, NSND Thanh Trầm cho rằng, hình thức thử nghiệm dịch trực tiếp qua tai nghe hơn hẳn phụ đề hoặc đưa trước tờ giấy dịch nội dung cho khách. Các tiết mục súc tích, ngắn gọn, dễ hiểu. Chương trình phục vụ cho du khách là cần thiết, nhất là Nhà hát Chuông Vàng tọa lạc trung tâm khu phố cổ, rất thuận lợi thu hút khách. Tuy nhiên, theo NSND Thanh Trầm, chương trình nên tận dụng tối đa các màn múa và khai thác thêm nhiều những nét đặc sắc của nghệ thuật cải lương.

Còn ông Phạm Quang Long, Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội nhận xét: “Ý tưởng về một chương trình phục vụ du khách ngay trong khu phố cổ là cần thiết. Sở sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ để đơn vị đưa loại hình nghệ thuận dân tộc tới du khách, góp phần quảng bá hình ảnh Hà Nội cũng như Việt Nam. Về chuyên môn, chúng ta không nên biến cải lương thành ca nhạc tạp kỹ mà nên đưa tinh hoa của cải lương vào chương trình. Phần dịch hết sức lưu ý vì dịch hay có thể mang tới sự sáng tạo, gợi sự đam mê nhưng dịch sai cũng đồng nghĩa với “diệt”. Do đó nên tham khảo các chuyên gia để có bản dịch chuẩn”.

Phải quảng bá nghệ thuật truyền thống bản sắc Việt

“Đây là hướng đi cần thiết, bởi từ trước đến nay du khách đến Hà Nội có câu “Ăn tối, rối nước” là hết, không biết đi đâu; trong khi chúng ta luôn tự hào là Thủ đô ngàn năm văn hiến. Vì vậy, chương trình này sẽ làm đa dạng hoá sản phẩm du lịch phục vụ khách, đặc biệt rạp Chuông Vàng ở vị trí đắc địa trong khu phố cổ thuận tiện thu hút khách. Tuy vậy, các tiết mục nên chắt lọc, rút ngắn chỉ khoảng 1 tiếng để khách cảm nhận được bản sắc văn hóa dân tộc của vùng miền đang đến, nhất là Hà Nội. Ở một số trích đoạn cải lương cổ có thể giữ nguyên gốc vì đó là bản sắc. Tuy nhiên cũng có sự sáng tạo cho hợp thời vì thực tế một số nước làm du lịch quanh ta khi giới thiệu nghệ thuật truyền thống họ cũng ngắn gọn lắm, làm sinh động chương trình và thậm chí có tiết mục để khán giả giao lưu”, đại diện một doanh nghiệp lữ hành cho biết.

Đại diện phòng lữ hành, Sở VH,TT&DL Hà Nội cho biết: “Rạp Chuông Vàng với vị trí thuận tiện ngay trung tâm phố cổ và hoàn toàn có thể trở thành một địa chỉ “vàng” trong tour du lịch phố cổ, vấn đề là giới thiệu như thế nào nghệ thuật truyền thống tới du khách? Việc tự đầu tư để cho một sản phẩm mới sẽ còn được chỉnh sửa hợp lý theo nhu cầu của khách. Bên cạnh những chương trình khung cố định, Nhà hát Cải lương Hà Nội có thể làm theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp lữ hành chuyên đưa khách quốc tế đến Việt Nam”.

Xuân Cường


Gửi phản hồi cho bài viết