Cải lương Hà Nội thử nghiệm tìm kiếm khán giả mới

Nhà hát Cải lương Hà Nội một thời đã từng được khán giả yêu thích với hai đoàn Chuông Vàng, Kim Phụng. Tuy nhiên cùng với sự khó khăn của sân khấu nói chung, một thời gian dài Nhà hát hoạt động cầm chừng, thậm chí nhiều người còn không biết đến sự tồn tại của thương hiệu một thời của sân khấu cải lương phía Bắc này. Những năm gần đây, Nhà hát Cải lương Hà Nội đã và đang có nhiều hoạt động tích cực với lịch diễn đều đặn hàng tháng, chỉ tiêu đỏ đèn hai đêm cuối tuần tại Rạp Chuông Vàng cũng được duy trì. Bên cạnh đó, Nhà hát còn cho ra mắt nhiều vở diễn được yêu thích như: Lễ mở xiêm áo, Luận anh hùng, Mẹ của chúng con… và gần đây nhất là Khi hoa nở trái mùa đang rất thu hút khán giả. Không chỉ vậy, hiện nay Nhà hát Cải lương Hà Nội đang thử nghiệm việc giới thiệu cải lương đến với khán giả nước ngoài. NSƯT  Trần Quang Hùng, Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội đã chia sẻ về những thử nghiệm mới mẻ này.

Đạo diễn, NSƯT Trần Quang Hùng - Giám đốc Nhà Hát

Là một trong những đơn vị nghệ thuật được đánh giá có nhiều hoạt động tích cực trong năm 2011. Với tư cách là người quản lý, anh có thể nói cụ thể hơn về những thành công này?

Tôi chưa dám nói là thành công nhưng năm 2011 là một trong những năm mà Nhà hát Cải lương Hà Nội đã hoàn thành khá tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Nhà hát đã kiện toàn được bộ máy tổ chức và hoạt động một cách ổn định. Với lĩnh vực nghệ thuật, Nhà hát đã dàn dựng được 3 vở diễn mới, vượt một vở so với chỉ tiêu. Bên cạnh đó Nhà hát có lịch diễn đều đặn hàng tháng (được đăng tải trên website của Nhà hát), duy trì được mục tiêu đỏ đèn tại Rạp Chuông Vàng và tham gia nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật của Thủ đô.  Đặc biệt, năm vừa qua, Cải lương Hà Nội không chỉ biểu diễn phục vụ khán giả trên địa bàn Hà Nội mà còn có nhiều đêm biểu diễn tại các điểm vùng sâu, vùng xa của các tỉnh phía Bắc như: Hà Giang, Cao Bằng… Nhà hát được Sở VHTT&DL Hà Giang tặng bằng khen về biểu diễn phục vụ đồng bào vùng cao.

Lịch diễn đều đặn nhưng điều dễ nhận ra là phần lớn các đêm diễn đó  là những chương trình ca nhạc, tạp kỹ, rất ít đêm giới thiệu các vở diễn dài hơi?

Sân khấu khó khăn là một thực tế rõ ràng nhiều năm qua. Trong điều kiện đó, việc duy trì hoạt động của một đơn vị nghệ thuật, nhất là đơn vị nghệ thuật cải lương quả là không dễ dàng gì. Và những chương trình tạp kỹ như bạn nói là một trong những giải pháp tình thế của Nhà hát. Tuy nhiên tôi có thể nói rằng trong những chương trình đó có các trích đoạn cải lương, các bài tân cổ nên đa phần đối tượng khán giả đến xem vẫn là những người yêu thích cải lương. Tuy nhiên, Nhà hát đang rất cố gắng để tới đây sẽ có cơ hội để giới thiệu tới người xem nhiều vở dài hơi.

Hình ảnh vở diễn "Khi hoa nở trái mùa"

Khán giả hiện nay không còn mấy “mặn mà” với cải lương, vì vậy việc giới thiệu những vở diễn dài hơi liệu có còn hấp dẫn đối với người xem?

Tôi không đồng ý hoàn toàn với nhận định khán giả ngày nay không còn yêu thích cải lương. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì cái chính là sân khấu nói chung và sân khấu cải lương chưa đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của khán giả hiện nay. Nói một cách công bằng, nhiều lúc tôi nhìn lại sân khấu của 40 năm trước so với bây giờ không có gì mới mẻ, trong khi đó nhìn sự phát triển của công nghệ hôm nay thì đó là sự thay đổi hàng giờ, hàng ngày chứ chưa nói đến hàng năm. Cùng với đó thì khán giả hôm nay cũng khác, vì vậy sân khấu cần phải theo kịp sự phát triển này. Không biết tôi có chủ quan không khi vẫn luôn tin rằng nếu có một vở diễn hay, có vấn đề để mọi người quan tâm và được dàn dựng tốt thì không có lý do gì mà không hấp dẫn khán giả cả. Thế nhưng thực tế để tìm được một vở diễn như vậy khó lắm. Vì thế việc duy trì và tìm kiếm khán giả quan trọng đến sự sống còn của nghệ thuật sân khấu.

Được biết, năm 2011, Nhà hát còn thử nghiệm việc giới thiệu cải lương đến khán giả là người nước ngoài. Phải chăng đây cũng là việc tìm kiếm đối tượng khán giả mới của Nhà hát?

Thực tế hiện nay, khán giả của cải lương đa phần là những người trung tuổi và cao tuổi còn giới trẻ rất ít, vì vậy đây là điều đáng lo ngại đối với những người làm nghề. Việc tìm kiếm cho mình những đối tượng khán giả mới và khán giả trẻ là điều mà Nhà hát đang hướng tới. Vì vậy năm qua, chúng tôi thử nghiệm việc dịch tiếng Anh một số vở cải lương để giới thiệu tới khán giả là người nước ngoài. Mặt khác, chúng tôi cũng đang có kế hoạch đưa những vở diễn về đề tài lịch sử giới thiệu tới các bạn học sinh, sinh viên. Mong muốn của chúng tôi là không chỉ để giới trẻ hiểu hơn về nghệ thuật cải lương mà còn mong qua những vở diễn về đề tài lịch sử đó các bạn trẻ sẽ hiểu và trân trọng hơn đối với văn hóa, lịch sử của dân tộc ta. Và xa hơn nữa đây sẽ là những lớp khán giả mới của sân khấu cải lương sau này. Tuy nhiên tất cả những công việc này còn đang trong giai đoạn thử nghiệm, nếu thành công chúng tôi sẽ lập dự án cụ thể.

Việc đưa nghệ thuật Việt Nam giới thiệu tới khán giả nước ngoài không phải là việc làm mới nhưng đó cũng là việc không dễ dàng gì. Vậy với Nhà hát Cải lương Hà Nội thì sao?

Rất nhiều khó khăn nhưng khó nhất vẫn là ở phần dịch thuật bởi sự khác nhau về ngôn ngữ nên đòi hỏi người dịch phải có kinh nghiệm cũng như hiểu về sân khấu mới có thể đảm bảo được sự chuyển đổi từ tiếng Việt sang tiếng Anh mà không mất đi sự biểu cảm của từng tình huống cụ thể trong vở diễn. Khó khăn nữa là ở phần thể hiện, chúng tôi đã thử nghiệm bằng cách dịch và lồng tiếng ghi vào đĩa để phát trong quá trình diễn nhưng nhiều khi không chủ động được. Chẳng hạn như diễn ở sân khấu rộng và sân khấu hẹp thì các tình huống sẽ nhanh, chậm khác nhau, vì thế dẫn đến tình trạng không khớp lời. Tới đây, chúng tôi đang có kế hoạch chuyển sang dịch trực tiếp từng đêm diễn. Đến xem, khán giả sẽ được đeo tai nghe. Hy vọng cách làm mới này sẽ khả quan hơn.

Xin cảm ơn và chúc nghệ sĩ sức khỏe, thành công. Mong rằng trong năm mới 2012, những dự định của Cải lương Hà Nội sẽ trở thành hiện thực.

Nhân dịp xuân Nhâm Thìn, tôi cũng mong rằng sẽ có nhiều hơn những khán giả đến với sân khấu nói chung và sân khấu cải lương nói riêng. Qua đây tôi xin chúc bạn đọc gần xa cũng như tất cả mọi người một năm mới sức khỏe, thành công, an khang, thịnh vượng.

Thy Lan


Gửi phản hồi cho bài viết