Bài viết trong » «
(VOV) – Các nghệ sỹ sẽ biểu diễn bằng tiếng Việt và khán giả nước ngoài sẽ được nghe bản dịch tiếng Anh thông qua tai nghe.
Nhằm đưa nghệ thuật cải lương tiếp cận với khán giả nước ngoài, biến rạp Chuông Vàng thành một địa chỉ “vàng” trong tour du lịch phố cổ, ngày 17/2, Nhà hát Cải lương Hà Nội sẽ biểu diễn chương trình nghệ thuật thử nghiệm bằng tiếng Anh và biểu diễn chính thức vào ngày 18/2. Phóng viên VOV phỏng vấn NSƯT Trần Quang Hùng, Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội
PV: Được biết là đây không phải là lần đầu tiên Nhà hát Cải lương thử nghiệm chương trình biểu diễn bằng tiếng Anh. Dựa vào những kinh nghiệm nào mà Nhà hát tiếp tục chương trình thử nghiệm lần thứ 2 tới đây, thưa ông?
NSƯT Trần Quang Hùng: Đúng, đây là lần thứ hai chúng tôi thử nghiệm diễn cải lương có dịch tiếng Anh. Tháng 8 năm ngoái, cũng tại rạp Chuông vàng 72 Hàng Bạc, Hà Nội này, chúng tôi đã diễn vở Mệnh đế vương với hình thức có dịch ra Tiếng Anh.
Sau đợt diễn, chúng tôi có mở tổ chức cuộc phỏng vấn nho nhỏ đối với các đối tượng khách nước ngoài để họ đánh giá như thế nào, cảm nhận gì và có ý kiến gì đóng góp cho nhà hát. Nhìn chung mọi người cũng thấy đây là một hiện tượng rất lạ của sân khâu cải lương và họ rất thích thú. Thông qua ý kiến của họ chúng tôi lại tiếp tục ngồi bàn, rút kinh nghiệm và chuẩn bị đầu tư cho lần thử nghiệm thứ 2 này. Lần này chúng tôi chuẩn bị kỹ hơn.
PV: Những tiết mục nào được giới thiệu trong chương trình thử nghiệm lần thứ hai này?
NSƯT Trần Quang Hùng: Chương trình là một thử nghiệm mới mẻ của Nhà hát nhằm đa dạng hóa phong cách biểu diễn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả cũng như góp phần giới thiệu bộ môn nghệ thuật cải lương của nước ta đến với khán giả quốc tế.
Chương trình sẽ có 7 tiết mục: Màn trống Hội, bài hát Dạ cổ Hoài Lang, bài hát Lý Ngựa Ô, kịch ngắn Kẻ trộm đêm giao thừa, múa Chăm, bài hát tân cổ Tình yêu trên dòng sông Quan họ và múa Sáo.
PV: Dư luận vừa qua xôn xao lo lắng về chuyện diễn cải lương bằng Tiếng Anh thì sẽ… phá cải lương, ông nghĩ sao?
NSƯT Trần Quang Hùng: Nếu hiểu chúng tôi hát cải lương bằng Tiếng Anh là nhầm. Chúng tôi vẫn diễn như bình thường nên đối tượng khách trong nước vẫn xem như trước đây. Các nghệ sỹ sẽ biểu diễn bằng tiếng Việt và khán giả nước ngoài sẽ được nghe bản dịch tiếng Anh thông qua tai nghe đã được đặt sẵn tại ghế ngồi.
Với tiết mục kịch ngắn sẽ dịch trực tiếp theo từng lời thoại của diễn viên nhưng với các tiết mục hát sẽ có bản dịch giới thiệu sơ lược về nội dung. Với bản “Dạ cổ hoài lang”, sẽ có bản dịch nhằm thể hiện lịch sử của bài ca, sự tồn tại cũng như sức sống bền bỉ của bản ca có tuổi đời 90 năm này.
“Dạ cổ hoài lang” đóng vai trò quan trọng với sự hình thành, phát triển phong trào đờn ca tài tử Nam bộ; làm phong phú thêm các điệu thức của nghệ thuật sân khấu cải lương, góp phần tạo ra những giai điệu mới cho tân nhạc Việt Nam. Thông qua đó, bạn bè quốc tế sẽ hiểu thêm về nghệ thuật, sân khấu của Việt Nam.
Người dịch các tiết mục sang tiếng Anh cũng là “con nhà nòi” trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, có nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu về nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam, đặc biệt là sân khấu cải lương. Thêm vào đó, người dịch đã có nhiều năm làm việc, sinh sống ở nước ngoài nên việc chuyển ngữ đảm bảo truyền tải hết nội dung, ý nghĩa cũng như sự biểu cảm của từng tiết mục đến với khán giả quốc tế…
PV: Thưa ông, Nhà hát Tuồng đã có chương trình dành cho khách nước ngoài nhưng với hình thức dùng bảng chạy chữ nhưng không thu hút được khán giả, thậm chí có những suất chiếu chỉ thu hút được vài khán giả. Vậy trước khi đưa ra chương trình thử nghiệm này, Nhà hát có tham khảo hay nghiên cứu thông tin?
NSƯT Trần Quang Hùng: Tôi không biết các đơn vị khác thể nghiệm như thế nào. Hiện nay, chúng tôi đã tham khảo một số chuyên gia làm việc với người nước ngoài, hàng ngày họ làm việc với người nước ngoài, đặc biệt họ tiếp xúc lĩnh vực văn hóa thì họ tham vấn cho chúng tôi là người nước ngoài cần gì, muốn gì ở văn hóa Việt Nam, đặc biệt là sân khấu, trong đó có nghệ thuật cải lương. Tôi thấy là ít nhiều tham vấn đó ít nhiều có tác dụng dối với chúng tôi, để tôi biết cái gì, đưa ra gì và làm như thế nào. Trong những cái khó thì chúng tôi sẽ cố gắng ở mức độ có thể.
Không chỉ hướng tới khán giả là người nước ngoài, Nhà hát Cải lương Hà Nội đang có kế hoạch đưa các vở diễn về đề tài lịch sử đến với giới trẻ, nhất là học sinh, sinh viên để các em hiểu hơn về nghệ thuật cải lương và thêm yêu mến, trân trọng văn hóa lịch sử nước nhà, kéo khán giả đến với sân khấu cải lương.
PV: Những khó khăn nào mà Nhà hát Cải lương Hà Nội phải vượt qua để thực hiện những thể nghiệm táo bạo của mình?
NSƯT Trần Quang Hùng: Hiện nay tất cả mọi thứ chúng tôi đang làm chỉ trong phạm vi nhà hát chứ chưa có sự đầu tư nào từ phía nhà nước, chưa có quy chế nào cho hoạt động này, còn sau đây biến thành hiện thực thì chúng tôi sẽ có quy chế cụ thể. Một khó khăn nữa về khâu dịch ra Tiếng Anh. Tiếng Việt của chúng ta thường hiểu theo nghĩa đa nghĩa, khi dịch sang Tiếng Anh thì phải là người giỏi Tiếng Anh và am hiểu sâu về nghệ thuật nói chung và nghệ thuật cải lương mới dịch thành công được.
PV: Khi mới có thông tin là Nhà hát cải lương Hà Nội thử nghiệm chương trình bằng tiếng Anh, nhiều người ủng hộ thử nghiệm táo bạo này, nhưng cũng có nhiều người e ngại. Là người đứng đầu Nhà hát, ông nghĩ sao về vấn đề này?
NSƯT Trần Quang Hùng: Chúng tôi không có ý định trèo cao nên sẽ không ngã đau. Nếu chương trình thu hút không nhiều khách quốc tế thì chúng tôi vẫn phục vụ khán giả trong nước, đồng thời cải thiện về chuyên môn trong nhà hát. Chúng tôi nâng cấp các tiết mục hiện nay đang biểu diễn để phù hợp với đối tượng phục vụ và có tính chuyên nghiệp. Chưa làm thì chưa biết như thế nào, cứ phải làm đã, đúng không?
PV: Vậy ông kỳ vọng gì từ chương trình thử nghiệm này?
NSƯT Trần Quang Hùng: Chúng tôi không cho rằng làm gì cũng phải kỳ vọng. Chức năng của chúng tôi là phải phục vụ công chúng. Trong những năm gần đây văn hóa nước ngoài du nhập vào nước ta rất nhiều, tại sao chúng ta không quảng bá văn hóa của mình đến những người đang trên đất nước mình bằng nhiều cách, nhiều loại hình nghệ thuật, trong đó nghệ thuật cải lương cũng có bề dày và có sự hình thành trên dưới 100 năm rồi.
Chúng tôi cũng không kỳ vọng là khách sẽ nườm nượp đến và ngay lập tức có nhiều hợp đồng. Trước mắt chúng tôi thấy là chúng tôi không thụ động chờ khán giả đến, mà chúng tôi quyết đi tìm một công chúng mới. Công việc này có thể thành công, cũng có thể không thành công. Nhưng cái chính là chúng tôi đã làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, chúng tôi vận động và thể hiện sự tâm huyết của mình, đúng với sự phát triển của sân khấu.
PV: Các chương trình biểu diễn thử nghiệm lần này có bán vé không thưa ông?
NSƯT Trần Quang Hùng: Hiện nay chúng tôi chưa bán vé, 2 buổi sắp tới chúng tôi mời các tổ chức tour du lịch trong nước cũng như các tổ chức nước ngoài ở Việt Nam. Chúng tôi cũng mạnh dạn mời một số tham tán văn hóa ở các đại sứ quán, các nhà quản lý liên quan tới du lịch và những nhà chuyên môn đến xem để sau đó góp ý với chúng tôi tất cả mọi lĩnh vực, từ khâu tổ chức, tiết mục, cách làm sao cho chuyên nghiệp.
Sau đêm diễn, Nhà hát Cải lương Hà Nội sẽ dành thời gian trưng cầu ý kiến khán giả để có điều chỉnh chương trình biểu diễn cho phù hợp. Nếu chương trình thử nghiệm thành công, Nhà hát Cải lương Hà Nội sẽ kết hợp với du lịch để bán vé, giới thiệu rộng rãi tới công chúng chương trình này và và có hướng đầu tư dự án lớn hơn trong tương lai.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Mai Hồng – Lê Thu/VOV1