Vở “Yêu là thoát tội”: Bi kịch lịch sử dưới lăng kính hiện đại
Hương Trà
Vụ án Lệ Chi Viên với muôn vàn câu hỏi chưa có lời xác đáp từ lâu đã trở thành đề tài đắt của sân khấu. Với sức mạnh nghệ thuật là chất bi, tấn bi kịch lớn của gia tộc danh nhân họ Nguyễn vừa được chuyển tải thành công trên sân khấu Nhà hát Cải lương Hà Nội khiến người xem nuốt nước mắt. Sự tri âm của người xem hôm nay với nỗi niềm của người xưa đạt đến “ngưỡng” cũng bởi hơi thở hiện đại được đạo diễn Trần Quang Hùng phả đẫm trong từng lớp lang của vở diễn.
Tấn bi kịch kinh điển
Dùng một tựa đề hiện đại và có phần khó đoán, vở cải lương “Yêu là thoát tội” thể hiện một cách nhìn mới về vụ án Lệ Chi Viên, sự kiện dẫn tới việc tru di ba họ danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi – vốn là một đại thần dưới triều Lê Sơ – một bi kịch thê thảm bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Không nhằm tìm kiếm một lời giải đáp cho vụ án lịch sử, câu chuyện dưới góc nhìn của tác giả kịch bản Lê Chí Trung và đạo diễn Trần Quang Hùng xoay quanh những cung bậc của “yêu” và “hận” để đồng điệu với nỗi niềm của người xưa ở góc độ “con người” nhất, nhân bản nhất.
Tấn bi kịch lớn của lịch sử được kết dệt và khởi đầu bằng bi kịch của mỗi cá nhân. Êkíp dàn dựng vở kịch cho rằng đây là cái nhìn phóng khoáng về lịch sử nhưng ở góc độ người xem, sẽ đúng hơn khi thấy rằng đây là cái nhìn thấu vào bi kịch của mỗi cá nhân trong lịch sử. Ngồi trên ngai vàng, luôn ý thức “mọi thứ, con người, cỏ cây đều là của trẫm” nhưng xung quanh nhân vật Vua là dằng dặc nỗi cô đơn, là sự thèm khát đến cực độ cái hạnh phúc bình thường, giản dị bên cạnh người tri kỷ. Còn nhân vật Thị Lan (Thị Lộ – người thiếp của Nguyễn Trãi), một học sĩ tài năng xinh đẹp, ngưỡng mộ chồng (Nguyễn Thái Úy – Nguyễn Trãi) như “mặt trời duy nhất” thì rơi vào bi kịch tình yêu bởi chính sự đa đoan, lòng trắc ẩn của mình. Ca dao có câu “Thấy anh như thấy mặt trời/ Chói chang khó ngó/ trao lời khó trao”. Giữa Thị Lan và Nguyễn Trãi, sự chênh lệch tuổi tác, sự xa cách mười mấy năm do nàng bị vời vào cung làm Thái học sĩ đã dọn chỗ cho một tình yêu khác nảy nở, bắt nguồn từ sự đồng cảm với nỗi cô đơn của một ông vua trên ngai vàng. Với Nguyễn Trãi, bi kịch đã bắt đầu từ khi “thầy không biết che bớt ánh sáng của mình lại”. Cộng dồn những điều đó, tấn bi kịch chính trị lớn đã xảy ra, bất chấp sự tự ý thức của mỗi người.
Tính hiện đại
Góc nhìn mới phải được thể hiện trong một hình thức mới. Với vở “Yêu là thoát tội”, công chúng hôm nay dễ đồng cảm bởi đạo diễn đã tìm được một lối thể hiện đầy tính hiện đại với nhiều màn ấn tượng.
Những vở chính – bi kịch mang tính luận đề cao có thể coi là sở trường của đạo diễn Trần Quang Hùng khi cả 3 vở Mệnh đế vương, Luận anh hùng, Mẹ của chúng con mà anh dựng cho Nhà hát cải lương Hà Nội gần đây đều để lại những ấn tượng sâu sắc. Đến vở Yêu là thoát tội, sự chỉn chu trong khai phá vở diễn, sự táo bạo trong cách sử dụng âm nhạc, tạo dựng sân khấu của anh dường như được đẩy lên một bậc. Trong màn diễn cao trào, sân khấu được chắn bởi một tấm bình phong trắng, hắt lên đó bóng Thị Lan đang tắm, đẹp như tranh thủy mặc. Nhà vua bất ngờ sa giá, Thị Lan hoảng hốt lao ra. Khi nhà vua xé toạc tấm bình phong cũng là lúc khoảng cách quân thần, lễ giáo đạo đức bị xé nát bởi nhục dục. Một cách tạo hình nhiều lớp ý nghĩa và rất hiện đại. Hay trong màn cuối, khi Hoạn quan Lê Đa vu oan cho Thị Lan giết vua, hàng trăm mét lụa hồng đổ xuống sân khấu, phủ lên vua cho một cái kết rất mở: Thị Lan không giết vua nhưng tất cả những gì liên quan đến bà khiến vua phải chết. Không có bóng dáng kẻ phạm tội trên sân khấu, chỉ có quần hồng, quần thoa phủ lên xác vua…
Sản sinh từ vùng đất Nam Bộ, sự dung nạp không thành kiến là một đặc trưng chung của văn hóa vùng miền và cũng là của nghệ thuật cải lương. Từ những năm 1920, đôi câu liễn “Cải cách hát ca theo tiến bộ, Lương truyền tuồng tích sánh văn minh” do đoàn hát Tân Thinh soạn đã được xem là những “định nghĩa” về nghệ thuật ca kịch này. Khi xem “Yêu là thoát tội”, dẫu có nhiều nét nhạc mới, dẫu tiếng trống, tiếng sanh ba đã bị lược bớt, người xem vẫn thấy rất ngọt, vẫn thấy những bài vọng cổ, Dạ cổ hoài lang,… “rỉ rả thêm muồi” rất cải lương. Đó là sự tri âm với cải lương mà đạo diễn Trần Quang Hùng đã có được sau mấy chục năm gắn bó trên sân khấu với tư cách một trong những diễn viên nổi tiếng nhất của Nhà hát Cải lương Hà Nội.
Đã khá lâu, tôi mới lại có dịp thấy khán giả khóc khi xem cải lương, mới lại được nghe họ thán phục ra mặt trước một vở diễn mới, chứ không phải chỉ là những tràng vỗ tay động viên. Đó là một ghi nhận với sân khấu mà ai cũng có quyền tự hào, không riêng gì đạo diễn Trần Quang Hùng, bởi sân khấu cải lương đã thiếu một sức sống như thế từ lâu.
Theo báo Hà Nội mới