Trước ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội (10/10/1954), những diễn viên Đoàn Chuông vàng Thủ đô đa số là diễn viên của gánh hát Kim Chung. Một số anh chị em ra vùng tự do, một số trụ lại trong thành phố, tới ngày bộ đội ta tiếp quản Thủ đô thì tập trung lại, tổ chức biểu diễn dưới sự chỉ đạo của Sở văn hóa-Thông tin Hà Nội và lấy tên là Chuông Vàng. “Chuông Vàng” theo tiếng Hán chính là Kim Chung.
Những gương mặt diễn viên nổi tiếng của Đoàn Chuông vàng lúc bấy giờ phải kể đến các nghệ sỹ như: Sỹ Tiến, Sỹ Hùng, Lê Chiêm, Tư Giã, Khánh Hợi, Tường Vy, Triệu Tường, Mộng Dần, Duy Diễm, Ngọc Tước, Tuấn Sửu, Bích Được, Kim Xuân, Tiêu Lang, Ánh Tuệ, Sỹ Cát, Ngân Chung, Vân Quý, Châu Thuận, Anh Tý, Túy Mai, Trần Bính… và các nhạc công như: Đinh Lạng, Chu Bảo Cầu, Kim Sinh, Văn Kha, Văn Giỏ, Văn Xuân, Đào Hữu… Chính thế hệ diễn viên và nhạc công này đã làm nên một Chuông vàng có tiếng tăm khắp miền Bắc với những vở ca kịch nổi tiếng. Từ những vở có tích của Trung Quốc như: Quan công khán binh thư, Giang tả cầu hôn, Phụng Nghi Đình (là các tích từ truyện Tam quốc diễn nghĩa), Lý Công, Trinh nữ Xuân Hương, Kiều, Bạch xà nương, Nhị độ mai, Bạch Viên Tôn Các, Mắc vòng cạm bẫy, Đời cô Lựu, Lửa Diên Hồng… Khán giả Hà Nội thời bấy giờ mê xem cải lương tới mức có bà bán rau ở chợ Hàng Bè mua vé có chỗ ngồi cố định tại rạp hàng Bạc, có người vừa đan len vừa xem hát; Nói đến đi xem Chuông vàng diễn là phải nói đến cô đào Kim Xuân, chàng kép Mộng Dần với giọng ca làm ngây ngất người xem. Các buổi diễn hôm nào cũng hết vé, thậm chí có ngày Đoàn phải diễn hai xuất (chiều và tối) để phục vụ nhân dân Thủ đô. Và chính thế hệ diễn viên gạo cội này đã trực tiếp đào tạo nên một thế hệ diễn viên kế tiếp như: Mạnh Dung, Thanh Dậu, Kim Khôi, Hồng Thái, Từ Thạch, Khắc Ninh, Nam Cường, Huỳnh Điệp, Bích Lân, Tố Phụng, Kim Dung, Lâm Ngà, Kim Chính, Huỳnh Kim, Chung, Dư Dẫn và sau có thêm Anh Dũng, Bích Hạnh- những diễn viên sau này là nòng cốt của Đoàn Chuông Vàng (Đội 2) với những vở diễn như: Mỵ Châu – Trọng Thủy, Sơn Tinh – Thủy Tinh, Lục Vân Tiên, Cánh chim hải yến, Mùa hoa đào, Bất tử, Đêm Sài Gòn…Đạo diễn chính của Đoàn thời bấy giờ là ông Sỹ Tiến, Tuấn Sửu và sau này có thêm nghệ sỹ Bích Được. Họa sỹ của Đoàn là họa sỹ Nguyễn Lân ( chồng của nghệ sỹ Tố Phụng), thợ may trang phục là ông Đinh Đăng Nhiêu, chỉ huy dàn nhạc sau này là nhạc sỹ Đức Thịnh ( chồng của nghệ sỹ Kim Dung). Có thể nói, Đoàn cải lương Chuông Vàng không chỉ gắn bó với nhau trong quan hệ nghề nghiệp mà còn có tình nghĩa gia đình như anh với em, vợ với chồng, cha, mẹ với con cái (có yếu tố cha truyền, con nối) . Chính yếu tố này cũng tạo nên sự gắn bó giữa tập thể với gia đình. Đoàn Chuông vàng đã đi diễn ở khắp nơi trên miền Bắc, từ những tỉnh phía bắc như: Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, các tỉnh đồng bằng, miền duyên hải cho tới Bến Hải, Cửa Tùng (Vĩnh Linh- Quảng Trị)… Đi đến đâu, Đoàn cũng nhận được sự mến mộ của công chúng, khán giả. Thời gian này, đồng chí Ngô Minh được trên cử về làm trưởng đoàn phụ trách chung và nghệ sỹ Tuấn Sửu là phó đoàn phụ trách chuyên môn nghệ thuật.
Tháng 8/1964, giặc Mỹ đánh phá miền Bắc, Đoàn Chuông vàng Thủ đô nhận nhiệm vụ đi diễn ở các tỉnh, các vùng nông thôn xa Hà Nội ngày càng nhiều hơn. Quá trình vận chuyển phải dùng đến xe tải có rơ mooc để chở phông cảnh, diễn viên phải ngồi trên thùng xe tải chứ không có xe ca như bây giờ. Để phục vụ biểu diễn, diễn viên phải ăn nghỉ nhờ nhà dân hoặc ở tập trung tại các sân kho, sân đình nhưng các buổi diễn luôn được lên đèn đúng giờ, không có một ai kêu ca, phàn nàn vì ai cũng yêu nghề, yêu ngành. Khi có báo động máy bay Mỹ tới thì sân khấu tắt đèn chờ đến lúc báo an lại diễn tiếp.
Giữa năm 1965, trước nhu cầu phải có sự hỗ trợ lẫn nhau giữa 2 đoàn Chuông vàng và Kim Phụng nên Sở văn hóa –Thông tin Hà Nội đồng ý cho thành lập Nhà hát cải lương Hà Nội do đồng chí Hồng Trang làm Chủ nhiệm Nhà hát, 2 phó chủ nhiệm phụ trách 2 đoàn là: Nghệ sỹ Tuấn Sửu phụ trách Đoàn Chuông Vàng và nghệ sỹ Ngọc Dư phụ trách Đoàn Kim Phụng. Tháng 7 năm 1965, Nhà hát tổ chức cho con em diễn viên của 2 đoàn đi sơ tán ở thôn Phủ, xã Thuận Đức, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh (do cô Túy Mai, cô Hiệp, bà Ruấn, ông Lân trông nom, quản lý các cháu) để diễn viên của Nhà hát yên tâm tập luyện và biểu diễn theo chế độ thời chiến lúc bấy giờ. (Địa điểm đó nay là Trại Thương binh nặng Thuận Thành, Bắc Ninh). Sau này, vào năm 1968, đồng chí trưởng đoàn Ngô Minh nhận nhiệm vụ mới ở đơn vị khác, nghệ sỹ Tuấn Sửu phụ trách Đoàn. Những năm cuối thập kỷ 70 đầu năm 80, Sở văn hóa –Thông tin cử đồng chí Tuấn Nghĩa về làm trưởng đoàn, nghệ sỹ Tuấn Sửu là phó đoàn phụ trách chuyên môn nghệ thuật. Năm 1972, giặc Mỹ đánh phá lại miền Bắc và cao điểm là chúng dùng máy bay B52 và máy bay cánh cụp cánh xòe F 111 ném bom vào cả các khu dân cư, Đoàn đi sơ tán ở Thôn Quảng Phú Cầu, xã Quảng Nguyên huyện Thanh Oai, Hà Tây (cách Hà Nội khoảng 35 km). Sau khi dân tộc ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ trên không vào tháng chạp năm 1972 (Từ ngày 18/12 đến 31/12/1972) buộc đế quốc Mỹ phải ký hiệp định Paris, ngừng đánh phá miền Bắc và rút quân đội viễn chinh Mỹ khỏi miền Nam thì Đoàn trở về Hà Nội tiếp tục làm nhiệm vụ biểu diễn phục vụ nhân dân. Thời gian này, các nghệ sỹ Tiêu Lang, Kim Xuân, Mạnh Dung, Thanh Dậu chuyển sang Đoàn cải lương Nam Bộ. (từ năm 1969)
Năm 1968, thời điểm giặc Mỹ tạm dừng đánh phá miền Bắc nhưng miền Bắc vẫn ở trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu thì cũng vào lúc này, Sở văn hóa-Thông tin Hà Nội tổ chức đào tạo một lớp học sinh cải lương tại Trường nghệ thuật Hà Nội (số nhà 89 phố Nguyễn Thái Học bây giờ) do nghệ sỹ Bích Được, Kim Sinh, Châu Thuận trực tiếp giảng dạy, đó là thế hệ diễn viên: Kiều Hiệp, Như Quỳnh, Phương Khanh, Thúy Vinh, Ngọc Dung, Kim Thanh, rồi sau này là Chí Hùng, Nam Cường, Long, Minh Hải… Chính thế hệ diễn viên này là nòng cốt của Đoàn sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.
Những ngày đầu giải phóng miền Nam, Đoàn đã vào thành phố Hồ Chí Minh biểu diễn trong đó có đêm diễn kỷ niệm 1.000 lượt diễn vở KIỀU với màn hát tập thể 6 câu vọng cổ dẫn chuyện mở màn cho vở diễn đã để lại dấu ấn đậm nét trong lỏng khán giả thành phố Hồ Chí Minh. Công chúng Sài Gòn vốn là nơi sành điệu về thưởng thức cải lương, kể cả các nghệ sỹ có tiếng tăm trong giới cải lương miền Nam như nghệ sỹ Lệ Thủy, Ngọc Giàu, Thành Được, Thanh Sang, Thanh Tuấn… đều thực sự ngỡ ngàng, thán phục vì họ chưa từng được nghe ca vọng cổ tập thể như vậy. Sự sáng tạo, mạnh dạn đổi mới cách làm trong nghệ thuật của Đoàn từng bước khẳng định vị thế của cải lương miền Bắc trong nghệ thuật nước nhà ngày càng được nâng lên. Thời gian đó phải nói đến thế hệ diễn viên như nghệ sỹ Như Quỳnh, Phương Khanh, Thúy Vinh, Ngọc Băng, Xuân Hương, Kim Thanh.
Đoàn Chuông vàng đã có nhiều đóng góp xây dựng vào sự nghiệp văn hóa ở Thủ đô Hà Nội nói riêng và của nước nhà nói chung trong lĩnh vực nghệ thuật cải lương. Đoàn là một đơn vị tiêu biểu của Sở văn hóa – Thông tin Hà Nội.
Phần sau này, tôi đã nghỉ hưu nên không tham gia gì nhiều.
Phụ lục: Những vai diễn đã gắn với tên tuổi diễn viên được công chúng, khán giả mến mộ:
- Nghệ sỹ Sỹ Tiến: vai Quan Công ( vở Quan Công khán binh thư).
- Nghệ sỹ Mộng Dần: vai Hứa Tiên ( vở Bạch xà nương), Lý Công, Thúc Sinh, anh điên ( vở Mắc vòng cạm bẫy)
- Nghệ sỹ Khánh Hợi: vai Lã Bố (vở Phụng Nghi Đình), Tú Bà ( vở Kiều).
- Nghệ sỹ Tường Vy: vai Tú bà (vở Kiều)
- Nghệ sỹ Ngọc Tước: vai thày bói ( vở Lý Công), Tiểu đồng ( vở Trinh nữ Xuân Hương)
- Nghệ sỹ Ánh Tuệ: vai Bạch xà nương
- Nghệ sỹ Tuấn Sửu: vai Triệu Tử Long ( vở Giang tả cầu hôn), Nhân Vương ( vở Lý Công), Từ Hải ( vở Kiểu), Hội đồng Thăng ( Đời cô Lựu), Trần Quốc Tuấn ( vở Lửa Diên Hồng), Vương Tư Đồ ( vở Phụng Nghi Đình)
- Nghệ sỹ Bích Được: vai Hoạn Thư (vở Kiều), a Hoàn ( Nhị độ mai), Tiểu Thanh ( Bạch xà nương), Lã Bố ( vở Phụng Nghi Đình)
- Nghệ sỹ Sỹ Cát: vai Hồ Tôn Hiến, Sở Khanh (vở Kiều), đại úy Duynlơ ( Đêm Sài Gòn)
- Nghệ sỹ Tiêu Lang: vai Kim Trọng ( vở Kiều), Trương Chi, Mỵ Nương.
- Nghệ sỹ Kim Xuân: vai Kim Vân Kiều, Ngọc Nương ( vở Lý Công), cô Lựu ( vở Đời cô Lựu)
- Nghệ sỹ Triệu Tường: vai Biện Học Đạo (vở Trinh nữ Xuân Hương)
- Nghệ sỹ Lê Chiêm: vai Hồ Tôn Hiến ( vở Kiều), An Dương ( vở Mỵ Châu Trọng Thủy)
- Nghệ sỹ Duy Diễm: vai ông Hương ( vở Đời cô Lựu), vương Ông ( vở Kiều)
- Nghệ sỹ Vân Quý: vai bà Hương ( vở Đời cô Lựu), bà Vương ( vở Kiều)
- Nghệ sỹ Huỳnh Điệp: vai Kim Trọng ( vở Kiều), Lý Công, Trọng Thủy ( vở Mỵ Châu-Trọng Thủy)
- Nghệ sỹ Mạnh Dung: vai Lục Vân Tiên, anh Trỗi ( vở Bất tử), Trung úy Cảnh ( vở Đêm Sài Gòn)
- Nghệ sỹ Từ Thạch: vai Nhân Vương ( vở Lý Công), Từ Hải ( vở Kiều), ông Thôi ( vở Bông Hoa Đỏ )
- Nghệ sỹ Kim Khôi: vai Vương Chí Hùng ( vở Cánh chim hải yến), Tửu Bồi ( vở Lý Công), Sở Khanh ( vở Kiều)
- Nghệ sỹ Khắc Ninh: vai Cận thần ( vở Lý Công), Mã Giám Sinh ( vở Kiều)
- Nghệ sỹ Hồng Thái: vai Lưu Mai ( vở Lý Công), Mã Giám Sinh (vở Kiều), Cao Lỗ ( vở Mỵ Châu-Trọng Thủy)
- Nghệ sỹ Bích Lân: vai Kim Vân Kiều, vai Ngọc Nương ( Bạch xà nương), vai Quỳnh Nga ( vở Lục Vân Tiên), công chúa An Tư ( vở Lửa Diên Hồng)
- Nghệ sỹ Thanh Dậu: vai Cô gái Ba ( vở Đêm Sài Gòn)
- Nghệ sỹ Tố Phụng: vai Xuân Hương (vở Trinh nữ Xuân Hương).
- Nghệ sỹ Kiều Hiệp: vai Hoạn Thư ( vở Kiều)
- Nghệ sỹ Như Quỳnh: vai Kim Vân Kiều
- Nghệ sỹ Phương Khanh: vai Tú Bà ( vở Kiều)
NSUT Bích Được