NGÔI SAO SÁNG TRÊN SÂN KHẤU CẢI LƯƠNG

Báo Hà Nội mới

Chủ nhật ngày 6 tháng 10 năm 2002.

Tác giả Ngô Thi

Từ thủa ấu thơ, cô bé Lệ Thanh đã đam mê sân khấu. Nhà nghèo, mẹ dành ít xu cho con ăn sáng. Tích cóp lại, cô bé rủ Bích Hợp, bạn gái cũng mê cải lương, mua vé, lén mẹ đi xem diễn. 11 tuổi, Lệ Thanh được đoàn Quốc Hoa thu nhận. Sẵn lòng yêu nghề, trí thông minh, và cũng do trời phú cho nhan sắc, Lệ Thanh sớm bộc lộ tài năng. Đến năm 14 tuổi mới được đóng vai người lớn và 15 tuổi đã là diễn viên chính. Tuy vậy, cũng phải đến vai Lã Tam Nương, từng làm khán giả bang khuâng về tài sắc, sân khấu Cải lương Thủ đô hồi đó mới thực sự công nhận một ngôi sao mới, Lê Thanh. Luôn cầu tiến bộ, nghệ sĩ khiêm tốn học thầy học bạn, chú trọng nghiên cứu các loại kịch chủng, chú ý lời hát đẹp, lối diễn hay. Năm 1953, nghệ sĩ bậc thấy Phùng Há từ Sài Gòn ra diễn tại Hà Nội, lại thêm dịp tốt để nghệ sĩ Lệ Thanh đến xin thụ giáo.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, binh sĩ Pháp chuẩn bị cuốn gói. Đã có người đưa từng sấp bạc Đông Dương đến nhà nghệ sĩ nhỏ to, hết dụ dỗ đến doạ nạt, song vợ chồng nghệ sĩ Ngọc Dư – Lệ Thanh một mực từ chối. Chính NSND Ngọc Dư đã bí mật dẫn một số lớn diễn viên Đoàn Cải lương Kim Phụng ra vùng tự do ở Sơn Tây, diễn phục vụ đồng bào kháng chiến. Được cán bộ cách mạng tiếp sức, anh chị Ngọc Dư- Lệ Thanh vận động nhiều đồng nghiệp ở lại Hà Nội, đấu tranh bảo toàn cơ sở vật chất của đoàn, chờ đại quân tiến vào.

Rồi từ năm 1964, Đoàn Kim Phụng trở thành một đoàn nghệ thuật thuộc Sở Văn hoá- Thông tin và sau này nằm trong Nhà hát Cải lương Hà nội, các nghệ sĩ mới thực sự nhận được tình ưu ái của đồng bào.

Con chim đầu đàn của nhà hát, nghệ sĩ Lệ Thanh đã sắm non một trăm vai diễn. Hơn 40 năm qua, Lệ Thanh là diễn viên chính của hầu hết các tiết mục trên sân khấu Cải lương thủ đô, trên nhiều địa phương trong nước và ngoài nước. Chị là một diễn viên hoàn mỹ, một người truyền nghề cho lớp trẻ hết sức nhiệt tình. Nghệ sĩ đã nhập thân vào từng vai, từ những tiểu thư tram anh khuê các, những công chúa, hoàng hậu lá ngọc cành vàng, đến những nhân vật chân chất trong cuộc sống thực tại: cô du kích, bà mẹ Việt Nam. Có thể nói rằng, không ai quên được Lệ Thanh trong vai Phi Nga ( Vở Hồng Kiều diễm sử tức Nữ tú tài) cũng như chưa ai vượt nổi Hoa Tâm trong Thị Mầu, Sĩ Tiến trong các vai Chu Du, Quan công…

Nhiều người công nhận Lệ Thanh quả thật đã chói sáng trong các vai Mộng Hoa Vương, Dương Quý Phi, Đát Kỷ, Chiêu Quân, Thôi Oanh Oanh, Lục Vân Tiên (vai nam)… Để đóng vai cô du kích, nghệ sĩ Lệ Thanh phải đầu quân vào hàng ngũ tự vệ, cũng đeo sung, ngắm bắn máy bay Mỹ xâm phạm bầu trời thủ đô. Chị là tiểu đội trưởng tiểu đội 1. Có những đêm vừa tẩy trang sau khi diễn, chị cùng đồng đội vội vác sung đi tuần khu vực hồ Gươm. Để đóng được vai bà mẹ sông Hồng, chị phải “ba cùng” với các bà nông dân, học lời ăn tiếng nói  của họ. Vở “Chiếc áo giáp thần kỳ” (Tác giả Việt Dung, đạo diễn Ngọc Dư) tả chuyện quân ta đánh sân bay Gia Lâm, đốt cháy nhiều máy bay Pháp. Nhân dân các xã, các bà mẹ đã chở che, giúp đỡ anh bộ đội Cụ Hồ. Đó là những chiếc áo giáp thần kỳ. Để đóng được vai mẹ Hiền trong vở, nghệ sĩ Lệ Thanh phải vận dụng nhiều kinh nghiệm. Những tình cảm trỗi dậy khi nhập vai, chính là hình ảnh người con trai của anh chị đang là anh giải phóng quân xông pha ở đường Chín- Nam Lào khói lửa.

Lệ Thanh được sân khấu Cải lương đánh giá có nhiều vai diễn xuất thần như vai anh hùng dân tộc Trưng Trắc “nghĩa cả tình riêng đau xé nỗi lòng, thề quyết đền nợ nước, trả thù nhà”.

Người xem ở Liên Xô gọi Lệ Thanh là “bà hoàng”, còn các bạn Trung Quốc thì nói rằng, đó là “ngôi sao sáng”.

Thật cảm động khi chúng ta biết rằng ngay 21- 12- 1972, giặc Mỹ điên cuồng rải thảm. Căn nhà của anh chị cùng nhiều gia đình khác, như gia đình người phát ngôn Nguyễn Thành Lê của đoàn đại biểu chính phủ ta tại Hội nghị Pari, bị tàn phá. Anh chị vội vơ vài chiếc áo quần sót lại, cấp tốc theo đoàn ra các xã ngoại thành vừa mới trúng bom, biểu diễn phục vụ, cổ vũ tình thần toàn dân đoàn kết, chiến thắng quân xâm lược.

Tình cảm cách mạng của người nghệ sĩ Lệ Thanh lớn dần cùng thành tựu trong công tác nghệ thuật của chị. Tình cảm đó được nhân lên sau mỗi lần chị được gặp Bác Hồ kính yêu. Đó là lần đầu vào năm 1955, nghệ sĩ được ngâm Kiều để Bác và khách của Bác nghe tại Phủ Chủ tịch. Năm sau, 1956, Lệ Thanh sắm vai Lục Vân Tiên. Xem xong, Bác tặng hoa từng diễn viên. Đến chỗ Lệ Thanh, Bác nói vui:

- Sao dại thế, lúc nãy Kiều Nguyệt Nga tặng trâm, sao không nhận?

Bác và các cháu cùng cười. Năm 1957, trên đường đi dự Đại hội lien hoàn thanh niên và sinh viên thế giới, dừng chân tại Bắc Kinh, Bác Hồ đang công tác tại đó, cho đoàn nghệ thuật đến gặp. Bác hỏi han sức khoẻ và dặn dò. Và đâu có ngờ rằng nghệ sĩ Lệ Thanh được gặp Bác lần cuối là vào năm 1965 trong Đại hội chiến sĩ thi đua toàn miền Bắc.

Mắt ngấn lệ, nghệ sĩ Lệ Thanh chậm rãi nói: “Qua các chặng đường, chúng tôi thấy rõ hơn vinh dự của người hoạt động nghệ thuật chân chính trong chế độ mới. Chúng tôi ai cũng tâm niệm một điều: Phải sống tốt hơn nữa để đáp lại phần nào tình sâu nghĩa nặng này”.

Ngô Thi



Chức năng phản hồi của bài viết này đang tạm dừng.