Bài viết trong danh mục »Tin trong Ngành «
Trong tháng 3/2025 này, Nhà hát Cải lương Hà Nội có hàng chục Chương trình nghệ thuật, một số vở diễn, trích đoạn tiêu biểu phục vụ nhiều địa phương ở Hà Nội và các tỉnh, thành khác…
Thời gian qua, Nhà hát Cải lương Hà Nội đã có nhiều chương trình nghệ thuật hấp dẫn, thu hút đông đảo công chúng đến với nghệ thuật truyền thống cái lương. Ngoài các vở diễn kinh điển được dàn dựng lại, Nhà hát còn dàn dựng những vở diễn mới, mang đậm hơi thở cuộc sống hiện đại.
Từ đầu năm 2025, Nhà hát Cải lương Hà Nội đã có nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc phục vụ nhiệm vụ chính trị và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, lễ hội ở các địa phương của Thủ đô và một số tỉnh thành trong cả nước. Nổi bật là các Chương trình nghệ thuật đặc biệt phục vụ Lễ đón nhận Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Bối Khê, huyện Thanh Oai; Lễ đón nhận Di tích Quốc gia đặc biệt đình Đại Phùng, huyện Đan Phượng; v.v.
Đầu tháng 3/2025, Nhà hát Cải lương Hà Nội đã tổ chức chuỗi Chương trình nghệ thuật Cải lương – Tinh hoa nghệ thuật Việt, gồm các show diễn cải lương đặc sắc và không gian sắp đặt giới thiệu văn hóa Việt nhằm thu hút đông đảo khách du lịch. Các show diễn cải lương của Nhà hát Cải lương Hà Nội được dàn dựng công phu, đã tái hiện những trường đoạn, khúc ca, làn điệu kinh điển. Không gian nghệ thuật mang tên Chạm đã khắc họa được nét đẹp văn hóa và tâm hồn Việt Nam. Sự kiện này nhằm giới thiệu và quảng bá nghệ thuật cải lương – một loại hình diễn ca truyền thống đặc sắc của Việt Nam đến với du khách quốc tế.
Tại Chương trình, khách đã được xem chương trình biểu diễn trích đoạn “Bán mình chuộc cha” trong vở Kiều với thời lượng 45 phút….
Trong tháng 3/2025 này, Nhà hát Cải lương Hà Nội còn có hàng chục Chương trình nghệ thuật, một số vở diễn, trích đoạn tiêu biểu phục vụ nhiều địa phương ở Hà Nội và các tỉnh, thành khác như Hải Phòng, Bắc Ninh…
Sáng ngày 08/4/2025, tại Nhà hát Kịch Hà Nội, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án “Giới thiệu và biểu diễn các vở diễn được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới có trong chương trình giáo dục phổ thông tại các trường học của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2024”.
Dự hội nghị có các đồng chí: Bạch Liên Hương, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội; Lê Thị Ánh Mai, Phó Giám đốc Sở; lãnh đạo Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội; lãnh đạo một số quận, huyện, thị xã; lãnh đạo các Phòng quản lý Nhà nước, Ban Giám đốc các Nhà hát thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; Ban Giám hiệu một số trường học trên địa bàn Thành phố…
Các đại biểu dự Hội nghị
Đề án “Giới thiệu và biểu diễn các vở diễn được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới có trong chương trình giáo dục phổ thông tại các trường học của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 – 2030 (gọi tắt là Đề án Sân khấu học đường) được thành phố Hà Nội triển khai trong những năm qua đã khẳng định tính hiệu quả, thiết thực: Tạo được sân chơi bổ ích, lành mạnh, giúp các em học sinh ngày càng am hiểu và yêu văn học, nghệ thuật dân tộc; mở ra một hình thức học tập hiệu quả mới cho các em học sinh Thủ đô.
Thời gian qua, các Nhà hát của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã triển khai hiệu quả Đề án sân khấu học đường và đã thu nhiều kết quả tốt đẹp. Có thể kể ra đây những tác phẩm văn học đã được chuyển thể thành kịch và được các nghệ sĩ Hà Nội biểu diễn thành công, như: Chùm kịch “Lời bà kể” sử dụng 2 bài học trong chương trình môn tiếng Việt tiểu học là “Mồ Côi xử kiện” và “Cây nêu ngày Tết”; “Tinh thần thể dục” dựa trên tác phẩm văn học “Tinh thần thể dục” của tác giả Nguyễn Công Hoan; vở diễn “Thúy Kiều – một kiếp đoạn trường”; “Kiều” được lấy cảm hứng từ kiệt tác “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du; “Nắm xôi kỳ diệu” dựa trên truyện thơ dân gian Thằng Bờm; “Cánh diều làng Vũ Đại” dựa trên tác phẩm Chí Phéo của nhà văn Nam Cao; “Cây tre trăm đốt” dựa trên cốt truyện dân gian Cây tre trăm đốt; “Chuyện người con gái Nam Xương” dựa trên tác phẩm truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ…
Qua các vở diễn được chuyển thể từ các tác phẩm văn học còn cho các em am hiểu thêm về những phong tục, tập quán, đức tính đẹp của người Việt, về không gian làng quê Việt, về những số phận người cụ thể. Bên cạnh đó còn phê phán, đả kích những thói hư, tật xấu vẫn còn trong mỗi người…
Từ sân khấu, các em học sinh được gặp gỡ các nhân vật bước ra từ tác phẩm văn học một cách đầy sinh động, đầy màu sắc và hấp dẫn.
Nhà hát Kịch Hà Nội được phân công là đơn vị điểm trong triển khai thực hiện Đề án sân khấu học đường này. Trong 3 năm thí điểm triển khai Đề án (từ 2022-2024), Nhà hát đã dàn dựng được 5 tác phẩm dựa trên tác phẩm văn học, biểu diễn được 172 buổi, phục vụ cho khoảng 80.000 học sinh tại 14 quận, huyện của Thủ đô. Các nhà hát Chèo, Cải lương Hà Nội cũng đã có hàng trăm buổi biểu diễn, phục vụ hàng ngàn các em học sinh xem các vở diễn chuyển thể từ tác phẩm văn học có trong chương trình sách giáo khoa. Riêng vở diễn “Nắm xôi kỳ diệu” của Nhà hát Chèo Hà Nội đã tham dự Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất – 2024 tại Hải Phòng và xuất sắc giành Huy chương Vàng tại Liên hoan.
Từ năm 2022-2030, là giai đoạn trọng điểm của Đề án sân khấu học đường. Hà Nội phấn đấu sẽ biểu diễn 1.600 buổi cho tất cả các trường phổ thông trên địa bàn Thành phố. Ở giai đoạn này, số lượng vở diễn được dàn dựng sẽ là 40 vở.
Đặc biệt, Đề án sân khấu học đường đặt ra mục tiêu cho Sở Sở Văn hoá và Thể thao là biểu diễn từ 1.800 – 2.000 buổi, cho khoảng 1.700 trường học trên địa bàn Thành phố. Cũng có nghĩa là 1 trường phổ thông của Hà Nội chỉ được tiếp cận 1 tác phẩm văn học của 1 loại hình nghệ thuật sân khấu trong suốt 8 năm triển khai Đề án.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã khẳng định những hiệu quả tích cực của Đề án. Đồng chí đề nghị: Việc triển khai Đề án phải được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội. Thời gian tới, việc triển khai Đề án cần triển khai có quy mô lớn hơn nữa, đồng bộ hơn nữa. Sở Văn hóa và Thể thao và Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội là những chủ thể cùng triển khai Đề án này. Đồng chí Giám đốc lưu ý việc tạo cơ chế hoạt động cho các Nhà hát, đồng thời cần tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền về Đề án sân khấu học đường./.
Tiếng vỗ tay tán dương liên tục vang lên trong khán đài, kết thúc buổi diễn và Chuỗi chương trình “Cải lương – Tinh hoa nghệ thuật Việt” nhiều du khách đã lên sân khấu xin chụp ảnh kỉ niệm cùng các diễn viên…
Chuỗi chương trình “Cải lương – Tinh hoa nghệ thuật Việt”, được tổ chức từ 16h hằng ngày, tại rạp Chuông Vàng, số 72 phố Hàng Bạc của Nhà Hát Cải Lương Hà Nội trong nhiều ngày qua đã thu hút đông đảo người xem.
Tại đây, khán giả được chiêm ngưỡng không gian sắp đặt mang tên “chạm” giới thiệu không gian hoàng gia, giới thiệu những công cụ biểu diễn, tạo sự kết nối giữa người thưởng thức và nghệ thuật, giữa hiện tại và quá khứ, giữa những giấc mơ sân khấu với những khán giả yêu mến cải lương. Khán giả được “chạm” vào những bộ y phục xưa, thử cầm trên tay cây kiếm, cây quạt, những nhạc cụ đã dệt nên hồn cốt của đờn ca tài tử và cải lương Việt Nam (Những nhạc cụ là tứ cầm, gồm: Đàn tranh, đàn bầu, đàn kìm, đàn nhị). Từ đó, đưa nghệ thuật cải lương đến gần hơn với công chúng. Đặc biệt khán giả còn được xem các show diễn cải lương đặc sắc, được dàn dựng công phu nhằm tái hiện những làn điệu cải lương, trích đoạn vở diễn cải lương Việt Nam, tiêu biểu là diễn trích đoạn “Bán mình chuộc cha” trong vở Kiều với thời lượng 45 phút.
Thành công bước đầu của Nhà hát Cải lương Hà Nội khi đưa nghệ thuật thành sản phẩm du lịch
Khán giả còn được sống trong không gian Nam Bộ gồm hình ảnh đặc trưng sông nước, cái nôi sản sinh ra cải lương truyền thống.
Trích đoạn “Bán mình chuộc cha” trong vở Kiều đã thu hút đông đảo khách du lịch, nhất là khách quốc tế đến xem. Quá trình diễn ra trích đoạn “Bán mình chuộc cha” còn có phần thuyết minh bằng tiếng Anh cho khán giả quốc tế hiểu rõ hơn về nhân vật Kiều và tác phẩm văn học Kiều của thi hào Nguyễn Du.
Khán giả rất thích thú khi xem trích đoạn Kiều bán mình chuộc cha. Tiếng vỗ tay tán dương liên tục vang lên trong khán đài, kết thúc buổi diễn, Chuỗi chương trình “Cải lương – Tinh hoa nghệ thuật Việt” nhiều du khách đã lên sân khấu xin chụp ảnh kỉ niệm cùng các diễn viên. Sự hấp dẫn đó, một lần nữa khẳng định hướng đi đúng của Nhà Hát Cải Lương Hà Nội trong việc đưa sân khấu truyền thống thành sản phẩm du lịch, để cải lương Hà Nội luôn sáng đèn và các nghệ sĩ của Nhà hát được sống với nghệ thuật.
Tối ngày 26/9/2022 (thứ Hai) tại Rạp Đại Nam, số 89 Phố Huế, Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Nhà hát Cải lương Hà Nội đã tham gia Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ V – năm 2022 với tác phẩm “Trời Nam”.
Tác phẩm “Trời Nam”
Chỉ đạo nghệ thuật: Nhạc sỹ Phạm Chỉnh – Giám đốc Nhà hát.
Tác giả KB văn học: Lê Duy Hạnh
Chuyển thể cải lương: Nguyên Phương
Đạo diễn: NSUT Lê Nguyên Đạt
Phó Đạo diễn: NSND Phạm Thanh Hương
Âm nhạc: Võ Thanh Liêm
Thiết kế Mỹ thuật : NSUT Doãn Bằng
Thực hiện phục trang: NSUT Minh Hùng
Biên đạo múa: Lê Hải – Diệu Linh
Thư ký đạo diễn: Diệu Linh
Một số hình ảnh:
Sáng 26/5, Nhà hát Cải lương Hà Nội đã chính thức khởi công dàn dựng 2 vở diễn mới “Những đứa con oan nghiệt” và “Trời Nam” tại Rạp Chuông Vàng 72 Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
“Những đứa con oan nghiệt” của tác giả NSND Doãn Hoàng Giang, chuyển thể cải lương Đình Tư, đạo diễn NSND Hoàng Quỳnh Mai là vở diễn khai thác về đề tài giáo dục. Có thể nói: Môi trường sống, môi trường giáo dục hình thành tính cách con người. Toàn bộ vở diễn xoay quanh hai gia đình ông Thầy Đồ và ông Tư Chớp – một tướng cướp. Ông Tư Chớp vì muốn cho con trai mình sau này không theo nghề trộm cướp mà phải đỗ đạt làm quan nên khi bà Chín – vợ ông và bà Đồ cùng chuyển dạ sinh con, ông đã cho người tráo đổi hai đứa con. Mâu thuẫn kịch bắt đầu từ đây.
Hai đứa con bị tráo đổi của hai nhà lớn lên trong môi trường khác nhau hoàn toàn. Hai Nhân – con ruột của ông Tư Chớp sống ở nhà ông Thầy Đồ vốn được học hành từ nhỏ nên đã sớm trở thành học trò giỏi, đi thi đỗ đạt thành quan tân trạng. Trong khi đó, Hai Đức – con ruột của ông Thầy Đồ sống ở nhà ông Tư Chớp ham mê tửu sắc, ăn nói thô tục, không thích học hành, chơi bời lêu lổng. Từ lòng ghen ghét đố kị, Hai Đức và anh trai Phi Long đã ra tay giết Hai Nhân trong lúc Hai Nhân trở về vinh quy bái tổ.
Ông Tư Chớp cho rằng bí mật tráo đổi con sẽ không bao giờ được phát hiện vì người thực hiện tráo đổi đã bị ông diệt trừ hậu họa, nhưng cái chết của Hai Nhân đã làm ông thức tỉnh. Tự bản thân ông đã nói ra sự thật và chịu sự trừng phạt của pháp luật và của chính lương tâm ông.
Bên cạnh đó, Nhà hát Cải lương Hà Nội còn dựng vở cải lương “Trời Nam” của tác giả kịch bản văn học Lê Duy Hạnh, chuyển thể cải lương Nguyên Phương, đạo diễn NSƯT Lê Nguyên Đạt. Vở cải lương “Trời Nam” là một tác phẩm sân khấu đề tài lịch sử, ngợi ca hình tượng người anh hùng áo vải Quang Trung trong cuộc chiến với nhà Thanh để đem lại hòa bình, mong muốn cho quốc thái dân an.
Một số hình ảnh trong trích đoạn “Trời Nam”
Chủ nghĩa anh hùng, sức mạnh của đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc được khẳng định và khắc họa rõ nét xuyên suốt trong toàn bộ tác phẩm. Những tình tiết nội tâm của các nhân vật cũng như những xung đột và nút thắt của kịch bản tạo cho người xem hiểu rõ hơn về một giai đoạn hào hùng của lịch sử với những con người đầy chí khí với non sông.
Các nhân vật như vua Quang Trung, Phạm Công Trị, Lê Ngọc Hân, Hoàng Cô, Lê Quyết, Bà Lão tướng… đã tạo cho tác phẩm nhiều tình tiết hấp dẫn đồng thời cũng làm sáng lên vẻ đẹp của những con người một lòng vì dân vì nước. Đặc biệt, sau khi đấu tranh với chính nội tâm của mình, hình ảnh Lê Quyết đã tự lấy trái tim từ lồng ngực mình gửi về đất mẹ “Trời Nam” đã tạo một điểm nhấn ấn tượng trong kịch bản, thể hiện rõ khí phách của một con người trung hiếu với non sông đất mẹ.
Với sự dàn dựng đầy sáng tạo của ê kíp có nhiều kinh nghiệm, cùng với sự thể hiện của các nghệ sĩ, diễn viên tài năng của Nhà hát Cải Lương Hà Nội, hy vọng vở diễn sẽ mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc, một góc nhìn mới về một giai đoạn lịch sử của dân tộc.
Nhạc sỹ Phạm Bá Chỉnh, Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội
Chia sẻ với phóng viên, Nhạc sỹ Phạm Bá Chỉnh, Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội cho biết: Trong thời gian 2 năm vừa qua, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Nhà hát Cải lương Hà Nội đã phải tạm dừng các hoạt động biểu diễn, tuy nhiên Nhà hát vẫn tổ chức dàn dựng các vở diễn theo kế hoạch hàng năm. Năm nay, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, Nhà hát Cải lương Hà Nội tiếp tục dàn dựng tác phẩm mới để giới thiệu tới đông đảo khán giả của Thủ đô cũng như cả nước. Các nghệ sĩ của Nhà hát rất vui mừng, phấn khởi sau thời gian bị ảnh hưởng của dịch bệnh đã có thể quay lại làm nghề, được cống hiến tài năng cho nghệ thuật. Hy vọng 2 vở diễn này sẽ đem tới cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc và những thông điệp ý nghĩa.
Nằm trong chuỗi hoạt động: Tuần Văn hóa “NGÀY HỘI TUẦN THÁNG 5” chào mừng các ngày lễ lớn trong năm và SEA games 31 của UBND huyện Đan Phượng, Tối ngày 19/5/2022, tại Sân khấu hội trường Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện Đan Phượng, Nhà hát Cải Lương Hà Nội đã tổ chức biểu diễn vở “Truyền thuyết Trinh Nương”
Tới dự chương trình có Nhạc sỹ Phạm Bá Chỉnh – Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội, các cán bộ chủ chốt của Nhà hát.
Đại biểu huyện Đan Phượng: các đồng chí cán bộ chủ chốt của quận, các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND các phường trên địa bàn quận.
Nội dung vở diễn kể về cuộc đời và sự nghiệp một trong những nữ anh hùng của lịch sử nước nhà: bà Triệu Thị Trinh (Bà Triệu) với sự tham gia của các nghệ sỹ: NSUT Quang Thanh, NS Thiên Hương và các diễn viên đoàn Hoa Mai tham gia biểu diễn đã thu hút đông đảo khán giả là cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên từ các đơn vị, tổ chức chính trị xã hội và đông đảo quần chúng nhân dân đến xem và cổ vũ.
Thực hiện Kế hoạch số 219/KH-SVHTT ngày 20/4/2022 của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về việc tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2022); 136 năm Này Quốc tế lao động 1/5 (01/5/1886 – 01/5/2022) và 68 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2022). Tối ngày 30/4/2022, tại vườn hoa Công viên Tổ dân phố số 12, phường Cự Khối, quận Long Biên, Nhà hát Cải Lương Hà Nội đã phối hợp Ủy ban nhân quận Long Biên tổ chức Chương trình biểu diễn nghệ thuật chào mừng Ngày kỷ niệm.
Tới dự và chỉ đạo chương trình có Nhạc sỹ Phạm Bá Chỉnh – Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội, các cán bộ chủ chốt Nhà hát và các diễn viên tham gia biểu diễn.
Đại biểu cơ sở có các đồng chí lãnh đạo Quận ủy – HĐND – UBND quận Long Biên, các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy – HĐND – UBND phường Cự Khối và các hội đoàn thể trên địa bàn quận.
Chương trình nghệ thuật chủ đề “VANG KHÚC KHẢI HOÀN” do Nhà hát Cải lương Hà Nội tổ chức biểu diễn với các tiết mục đồng ca hợp xướng, đơn ca, tốp ca, tân cổ, múa độc lập, độc tấu nhạc cụ …ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào dân tộc, Đảng quang vinh, Bác hồ vĩ đại; Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; Ngày Quốc tế lao động; những thành tựu trong sự nghiệp đổi mới của quê hương, đất nước…được dàn dựng công phu cùng dàn nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát tham gia biểu diễn: Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Hương, các Nghệ sĩ ưu tú: Mỹ Vân, Hoàng Viện, Nghệ sĩ Minh Đức, các nghệ sỹ trẻ Hồng Nhung, Quang Tuấn, Thu Hường, Nhật Linh …đã thu hút gần 1000 khán giả là cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên từ các đơn vị, tổ chức chính trị xã hội và đông đảo quần chúng nhân dân trên địa bàn quận Long Biên đến xem và cổ vũ.
Một số hình ảnh:
Nhạc sỹ Phạm Bá Chỉnh – Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội nhận hoa của Ban tổ chức
Các tiết mục biểu diễn:
Sáng ngày 08 tháng 02 năm 2022, Nhà hát Cải lương Hà Nội đã tổ chức gặp mặt Cán bộ chủ chốt nhân dịp đầu xuân Nhâm Dần 2022 tại số 77 Hàng Bồ, Hoàn Kiếm.
Buổi gặp mặt có sự tham dự của Ban Giám đốc và tập thể Cán bộ chủ chốt Nhà hát.
- Sau lời chúc tết các Cán bộ chủ chốt và toàn thể CBCNV Nhà hát, Nhạc sỹ Phạm Chỉnh – Bí thư Chi bộ, Giám đốc Nhà hát đã thông báo nhanh kết quả một số nội dung hoạt động trước, trong và sau tết: Toàn Nhà hát đảm bảo an toàn tuyệt đối mọi mặt hoạt động; thực hiện đầy đủ các quy định về phòng chống dịch bệnh; đồng thời triển khai các nội dung hoạt động trọng tâm của Nhà hát năm 2022.
- Các Cán bộ chủ chốt nhất trí cao với nội dung triển khai của Nhạc sỹ Phạm Chỉnh – Bí thư Chi bộ, Giám đốc Nhà hát. Đại diện Cán bộ chủ chốt Nhà hát phát biểu chúc sức khỏe và cảm ơn đồng chí Bí thư Chi bộ, Giám đốc Nhà hát.
- Buổi gặp mặt được diễn ra trong không khí ấm áp, phấn khởi, tràn đầy hy vọng cho một năm mới với nhiều thành công và thắng lợi mới.