Bài viết trong danh mục »Tin nhà hát «
Đợt phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT vừa qua Nhà hát Cải lương Hà Nội đã vinh dự được Nhà nước tôn vinh phong tặng danh hiệu NSƯT cho 05 Nghệ sĩ, Nhạc công:
- NSƯT Đỗ Thục Vân
- NSƯT Đào Văn Trung
- NSƯT Nguyễn Gia Túc
- NSƯT Đinh Văn Tuyến
- NSƯT Trần Văn Hà
Thật vui mừng và vinh dự cho nền nghệ thuật sân khấu nói chung và Nghệ thuật cải lương nói riêng. Cố đạo diễn Nghệ sỹ nhân dân Sỹ Tiến đã được Đảng và nhà nước tặng danh hiệu giải thưởng Hồ Chí Minh
Lễ trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh sẽ được tổ chức tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội, ngày 27/5/2012.
Nhà hát cải lương Hà Nội đang triển khai dàn dựng tác phẩm sân khấu mới:
“Còn có ngày mai” (hay “Mong gió đừng đổi chiều“)
Tác giả : Lê Chí Trung (cảm tác từ tác phẩm “Sám hối” của PGS.TS Phạm Quang Long)
Chuyển thể CL : Th.s Triệu Trung Kiên
Đạo diễn : NSUT Th.s Trần Quang Hùng
Trợ lý Đạo diễn : NSUT Thanh Hương
Thư ký : Thu Hà
Hướng dẫn ca hát : NSUT Mỹ Vân
Âm nhạc : Nhạc sĩ Như Sơn
Họa sỹ : NSUT Tất Ngọc
Biên đạo múa : Th.s Hoàng Thùy Linh
Chủ nhiệm công trình: NSUT Thanh Vân
Chỉ đạo Nghệ thuật: Giám đốc nhà hát NSUT Th.s Trần Quang Hùng
DỰ KIẾN PHÂN VAI
NHÂN VẬT DIỄN VIÊN
Ông Mưu: Quang Huy – Minh Đức
Bà Mưu: Kim Dung
Phan: NSUT Hồng Tuyến – Lại Xuân Tiến
Luân: Quang Thuyết – Khương Duy
Huyền (Vợ Luân): Hồng Nhung
Linh: Quang Tuấn – Quang Hưng
Nga(Vợ Linh): Vân Anh
Tuấn: Hoàng Viện
Vân: Thy Nhung
Quỳnh (con gái Phan): Anh Thúy – Thùy Trang
Hải (người yêu Quỳnh): Khương Duy
Cô gái hàng xóm: Mai Liên – Thùy Trang
Và một số nhân vật khác.
Có địa thế đẹp, hoạt động nghề nghiệp là hình thức sân khấu giàu màu sắc dân tộc, để sử dụng hết những lợi thế đó là điều trăn trở của Ban giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội. Làm thế nào để nghệ thuật Cải lương độc đáo của dân tộc đến với công chúng, đến với bạn bè quốc tế khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam thăm quan, lao động, học tập ngày một mở rộng… Vấn đề khó khăn nhất với đối tượng khán giả này là việc chuyển ngữ, làm sao để họ hiểu được những gì đang diễn ra trên sân khấu.
Các đơn vị nghệ thuật Việt Nam truyền thống như Nhà hát Tuồng cũng đã có những buổi biểu diễn định kỳ hằng tuần, Nhà hát Tuổi trẻ cũng đã dày công nghiên cứu, thể nghiệm biểu diễn các chương trình có hướng dẫn trước mỗi tiết mục, thậm chí biểu diễn bằng Tiếng Anh…Nhưng các mô hình đó dường như vẫn chưa đạt tới đích. Bắn phụ đề bằng bảng điện tử, phát tờ rơi giới thiệu nội dung trước khi biểu diễn… là những biện pháp đã được sử dụng…
|
Tối 17 và 18/2, Nhà hát Cải lương Hà Nội tổ chức biểu diễn thử nghiệm chương trình nghệ thuật có dịch trực tiếp tiếng Anh qua tai nghe hướng tới đối tượng là khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Một ý tưởng hay
Buổi diễn thử nghiệm này diễn ra tại rạp Chuông Vàng, số 72 Hàng Bạc (khu phố cổ Hà Nội) để lấy ý kiến Hội đồng nghệ thuật, doanh nghiệp du lịch, khán giả.
Tiết mục Màn trống hội. |
Chương trình gồm các tiết mục: “Màn trống hội”, bài “Dạ cổ hoài lang”, “Lý ngựa ô”, kịch ngắn “Kẻ trộm đêm giao thừa”, “Múa Chăm”, bài tân cổ “Tình yêu trên dòng sông quan họ”, “Múa Sáo”. Ông Trần Quang Hùng, Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội cho biết: “Đây là lần thứ hai chúng tôi thử nghiệm diễn cải lương có dịch tiếng Anh. Tháng 8/2011, chúng tôi đã diễn vở “Mệnh đế vương” và có dịch ra tiếng Anh. Sau đợt diễn, chúng tôi có phỏng vấn khách nước ngoài cảm nhận ra sao và đóng góp ý kiến. Lần thử nghiệm thứ 2 này của nhà hát nhằm đa dạng hóa phong cách biểu diễn, cũng như góp phần giới thiệu bộ môn nghệ thuật cải lương của nước ta đến với khán giả quốc tế. Các nghệ sỹ sẽ biểu diễn bằng tiếng Việt và khán giả nước ngoài sẽ được nghe dịch tiếng Anh trực tiếp qua tai nghe được đặt sẵn tại ghế ngồi”.
Đánh giá về chương trình, NSND Thanh Trầm cho rằng, hình thức thử nghiệm dịch trực tiếp qua tai nghe hơn hẳn phụ đề hoặc đưa trước tờ giấy dịch nội dung cho khách. Các tiết mục súc tích, ngắn gọn, dễ hiểu. Chương trình phục vụ cho du khách là cần thiết, nhất là Nhà hát Chuông Vàng tọa lạc trung tâm khu phố cổ, rất thuận lợi thu hút khách. Tuy nhiên, theo NSND Thanh Trầm, chương trình nên tận dụng tối đa các màn múa và khai thác thêm nhiều những nét đặc sắc của nghệ thuật cải lương.
Còn ông Phạm Quang Long, Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội nhận xét: “Ý tưởng về một chương trình phục vụ du khách ngay trong khu phố cổ là cần thiết. Sở sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ để đơn vị đưa loại hình nghệ thuận dân tộc tới du khách, góp phần quảng bá hình ảnh Hà Nội cũng như Việt Nam. Về chuyên môn, chúng ta không nên biến cải lương thành ca nhạc tạp kỹ mà nên đưa tinh hoa của cải lương vào chương trình. Phần dịch hết sức lưu ý vì dịch hay có thể mang tới sự sáng tạo, gợi sự đam mê nhưng dịch sai cũng đồng nghĩa với “diệt”. Do đó nên tham khảo các chuyên gia để có bản dịch chuẩn”.
Phải quảng bá nghệ thuật truyền thống bản sắc Việt
“Đây là hướng đi cần thiết, bởi từ trước đến nay du khách đến Hà Nội có câu “Ăn tối, rối nước” là hết, không biết đi đâu; trong khi chúng ta luôn tự hào là Thủ đô ngàn năm văn hiến. Vì vậy, chương trình này sẽ làm đa dạng hoá sản phẩm du lịch phục vụ khách, đặc biệt rạp Chuông Vàng ở vị trí đắc địa trong khu phố cổ thuận tiện thu hút khách. Tuy vậy, các tiết mục nên chắt lọc, rút ngắn chỉ khoảng 1 tiếng để khách cảm nhận được bản sắc văn hóa dân tộc của vùng miền đang đến, nhất là Hà Nội. Ở một số trích đoạn cải lương cổ có thể giữ nguyên gốc vì đó là bản sắc. Tuy nhiên cũng có sự sáng tạo cho hợp thời vì thực tế một số nước làm du lịch quanh ta khi giới thiệu nghệ thuật truyền thống họ cũng ngắn gọn lắm, làm sinh động chương trình và thậm chí có tiết mục để khán giả giao lưu”, đại diện một doanh nghiệp lữ hành cho biết.
Đại diện phòng lữ hành, Sở VH,TT&DL Hà Nội cho biết: “Rạp Chuông Vàng với vị trí thuận tiện ngay trung tâm phố cổ và hoàn toàn có thể trở thành một địa chỉ “vàng” trong tour du lịch phố cổ, vấn đề là giới thiệu như thế nào nghệ thuật truyền thống tới du khách? Việc tự đầu tư để cho một sản phẩm mới sẽ còn được chỉnh sửa hợp lý theo nhu cầu của khách. Bên cạnh những chương trình khung cố định, Nhà hát Cải lương Hà Nội có thể làm theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp lữ hành chuyên đưa khách quốc tế đến Việt Nam”.
Xuân Cường
Khi cải lương “quốc tế hóa”
Thứ ba 14/02/2012 22:24
ANTĐ – Ưu ái khán giả “nội” nhưng Nhà hát Cải lương Hà Nội cũng không ngừng tìm kiếm khán giả “ngoại” cho bộ môn nghệ thuật truyền thống này.
Mà tất nhiên, để khán giả “ngoại” hiểu và yêu cải lương thì chỉ cần một bước chuyển từ cải lương tiếng Việt sang cải lương tiếng Anh là đủ đáp ứng được yêu cầu. Nhưng câu chuyện đằng sau sự chuyển đổi này là muôn vàn khó khăn. PV Báo ANTĐ đã có cuộc trò chuyện cùng NSƯT Trần Quang Hùng, Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội, xung quanh dự án.
Thà muộn còn hơn không làm gì
- PV: Sau khi thực hiện vở “Mệnh đế vương” bằng tiếng Anh, khán giả nước ngoài đã nhận xét ra sao về cách làm mới của Nhà hát, thưa ông?
- NSƯT Trần Quang Hùng: Lần đầu tiên thực hiện việc chuyển lời ca từ của vở cải lương “Mệnh đế vương” sang tiếng Anh, chúng tôi đã rất chú ý tới những nhận xét của khán giả nước ngoài bằng việc thực hiện các cuộc phỏng vấn ngắn. Và bên cạnh những góp ý tích cực thì nhược điểm lớn mà các khán giả “ngoại” cho biết là vở diễn quá dài và nhiều phần dịch không… hiểu.
- Vì lẽ đó mà lần thử nghiệm thứ 2 này, Nhà hát đã thay thế bằng một chương trình ngắn nhưng nhiều tiết mục?
- Không chỉ vậy đâu, chúng tôi còn đưa nhiều loại hình nghệ thuật khác nhưng vẫn nằm trong kịch hát dân tộc như quan họ, trống hội, múa Chăm… để khắc phục nhược điểm của lần thử nghiệm đầu tiên. Và phần dịch thì chúng tôi đã nhờ một người không chỉ am hiểu về nghệ thuật truyền thống mà còn hàng ngày hàng giờ làm việc và tiếp xúc với người nước ngoài để chuyển lời của các trích đoạn được rõ nghĩa nhất. Điều quan trọng là làm thế nào để các du khách nước ngoài hiểu được những gì đang diễn ra trên sân khấu.
- Nếu chỉ dịch đơn thuần như thế, liệu có ảnh hưởng tới khả năng cảm nhận của khách nước ngoài về cải lương?
- Không nên hiểu một cách máy móc rằng việc dịch chỉ giải nghĩa ngôn ngữ của lời thoại trên sân khấu. Khi bắt tay vào thực hiện dự án này, chúng tôi đã tính đến việc thưởng thức nghệ thuật của du khách sẽ bị ảnh hưởng do chú tâm nghe lời thoại. Nhưng có lẽ cũng nên chấp nhận điều này. Bởi với điện ảnh thì việc theo dõi một bộ phim có phụ đề rõ ràng khiến cho khán giả không thể toàn tâm toàn ý thưởng thức tác phẩm. Chúng tôi đã khắc phục nhược điểm này của việc nghe cải lương có thuyết minh bằng cách “dịch có tình cảm”. Người thuyết minh sẽ không dịch đều đều mà cũng có ngữ điệu lên xuống để giúp khán giả hình dung được câu chuyện kịch tính trên sân khấu.
- Được ra đời trong bối cảnh như hiện nay, ông có cho rằng cách làm này là mới ?
- Qua nhiều kênh thông tin thì văn hóa nước ngoài đã có mặt trong đời sống của người dân Việt. Thế nhưng, ngay tại Việt Nam, lại có rất nhiều người nước ngoài lưu trú, sinh sống và học tập. Vì thế, thiết nghĩ tại sao chúng ta không quảng bá văn hóa nước Việt đến người nước ngoài? Tôi cho rằng, cách làm của Nhà hát Cải lương Hà Nội trong thời điểm này là lạc hậu, là muộn màng. Nhưng thôi, thà muộn còn hơn là không làm
gì cả.
Tìm khán giả “mới” để giữ khán giả “cũ”
- Bên cạnh lý do muộn, còn nguyên nhân nào khác để Nhà hát quyết tâm thực hiện dự án này?
- Tận mắt tôi đã từng chứng kiến có du khách nước ngoài đã bỏ tiền túi ra mua vé vào xem vở diễn. Nhưng do bất đồng ngôn ngữ nên chỉ xem được chừng mươi phút là họ bỏ ra về. Nên bên cạnh những lý do quảng bá văn hóa thì còn lý do khác nữa là để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người nước ngoài. Chúng tôi muốn tìm kiếm khán giả mới cho bộ môn nghệ thuật cải lương.
- Ông có tán đồng với ý kiến cho rằng: Việc tìm kiếm khán giả “mới” chứng tỏ nghệ thuật cải lương đang dần mất đi khán giả “cũ”?
- Tôi nghĩ ý kiến trên mới chỉ đúng một phần. Khán giả trong nước không quay lưng lại với cải lương. Mà các nhà hát nên năng động để giữ chân khán giả trước sự đòi hỏi và phát triển ngày nay. Chỉ với những cách làm hay và hấp dẫn mới thu hút sự chú ý của khán giả. Nhà hát chúng tôi hướng đến khán giả “mới” là các du khách nước ngoài thực chất là để giữ chân khán giả “nội”. Bởi nó đánh vào tâm lý hiếu kỳ của người Việt. Một vở diễn mà thu hút được nhiều khán giả nước ngoài đến xem thì chắc hẳn khán giả “nhà” không thể làm ngơ.
- Tuy đang trong giai đoạn thể nghiệm nhưng ông có tin dự án sẽ thành công?
- Ban lãnh đạo Nhà hát và các anh nghệ sỹ đang trên con đường mày mò, tự suy nghĩ, tự bàn và tự làm. Chúng tôi không đặt nhiều kỳ vọng lớn trong dự án nghệ thuật. Còn kết quả đến mức độ nào thì chúng tôi đều sẵn sàng đón nhận. Nhưng tôi nghĩ, hãy cứ làm và mạnh dạn làm thì mới “phát lộ” ra nhiều ý tưởng hay và nghệ thuật cải lương sẽ phát triển.
- Xin cảm ơn ông!
Phạm Thu Hương (Thực hiện)
Nhà hát Cải lương Hà Nội một thời đã từng được khán giả yêu thích với hai đoàn Chuông Vàng, Kim Phụng. Tuy nhiên cùng với sự khó khăn của sân khấu nói chung, một thời gian dài Nhà hát hoạt động cầm chừng, thậm chí nhiều người còn không biết đến sự tồn tại của thương hiệu một thời của sân khấu cải lương phía Bắc này. Những năm gần đây, Nhà hát Cải lương Hà Nội đã và đang có nhiều hoạt động tích cực với lịch diễn đều đặn hàng tháng, chỉ tiêu đỏ đèn hai đêm cuối tuần tại Rạp Chuông Vàng cũng được duy trì. Bên cạnh đó, Nhà hát còn cho ra mắt nhiều vở diễn được yêu thích như: Lễ mở xiêm áo, Luận anh hùng, Mẹ của chúng con… và gần đây nhất là Khi hoa nở trái mùa đang rất thu hút khán giả. Không chỉ vậy, hiện nay Nhà hát Cải lương Hà Nội đang thử nghiệm việc giới thiệu cải lương đến với khán giả nước ngoài. NSƯT Trần Quang Hùng, Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội đã chia sẻ về những thử nghiệm mới mẻ này.
Là một trong những đơn vị nghệ thuật được đánh giá có nhiều hoạt động tích cực trong năm 2011. Với tư cách là người quản lý, anh có thể nói cụ thể hơn về những thành công này? Xem chi tiết…
Một đời mê đắm cải lương
Trà Giang
Đã hơn một lần, đạo diễn, NSƯT Trần Quang Hùng, Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội kể với tôi về giây phút đầu tiên khi anh nhìn thấy tấm màn nhung sân khấu và cái khoảnh khắc đầy mê hoặc đó. Cái khoảnh khắc anh biết mình thuộc về sân khấu cải lương, theo nó và gắn bó với nó đến tận phút này, từ vai diễn đến vở diễn, từ diễn viên đến đạo diễn và thành danh với cải lương Hà Nội.
Tấm màn nhung mê hoặc
Người nghệ sĩ không mấy ai gọi nghệ thuật mình theo đuổi là một nghề, với họ, đó là “nghiệp”, nó vận vào thân, vào đời từ giây phút Tổ nghề chọn họ và thời gian chỉ làm cho niềm tin ấy thêm sâu sắc hơn mà thôi. Cảm giác ấy rất rõ rệt khi tôi được trò chuyện với đạo diễn, NSƯT Trần Quang Hùng, dù rằng môn nghệ thuật mà anh theo đuổi suốt 40 năm qua không có cái may mắn được nuôi dưỡng ở quê gốc, đất tổ: nghệ thuật cải lương.
Không rõ có phải vì anh là đạo diễn hay bởi ấn tượng về giây phút ấy đã ám ảnh cuộc đời anh mà khi nghe kể, tôi cứ có cảm giác trước mắt mình là một thước phim quay chậm, chậm trôi về một buổi tối hơn 40 năm trước ở trước cửa rạp Chuông Vàng – địa chỉ nghệ thuật sang trọng trên phố Hàng Bạc. Lúc ấy, một cậu bé theo bố đến nhà hát chỉ vì muốn được bố giao cho chiếc xe đạp để thoả sức tập xe bỗng thần người khi ngó vào trong rạp. Sân khấu còn chưa khai màn, chỉ có tấm riđô nhung the mầu tiết dê được chiếu bằng đèn tum lay động, loá mắt mê hoặc cậu. Từ giây phút đó, cậu bé ấy đã biết mình sẽ thuộc về sân khấu này. Và cũng từ hôm đó, mỗi khi dành dụm đủ tiền, cậu bé ấy lại đến rạp Chuông Vàng để nghe hát, để ngấm vào mình nghệ thuật cải lương.
Sau này, khi đã gặt hái được nhiều thành công với nghệ thuật cải lương, Trần Quang Hùng vẫn luôn nghĩ rằng đó là giây phút định mệnh của đời anh, bị quyến rũ bởi vẻ đẹp khác lạ của tấm màn nhung, của ánh sáng sân khấu mà đến với nghệ thuật. Chẳng một chút đắn đo, chẳng một lăn tăn nào suy tính bởi anh như một tờ giấy trắng đã được cái hào quang mầu nhiệm của sân khấu hắt lên.
Chăm chút từng chi tiết diễn
15 tuổi, đọc trên báo Hànộimới thấy thấy trường Nghệ thuật Hà Nội tuyển diễn viên cải lương, Trần Quang Hùng thi tuyển và bắt đầu con đường diễn viên chuyên nghiệp từ ấy. Ra trường, Trần Quang Hùng về Đoàn Cải lương Kim Phụng, nay thuộc Nhà hát Cải lương Hà Nội, nơi anh có ấn tượng đầu tiên với sân khấu. Vóc dáng thư sinh, điển trai rất Hà Nội, Trần Quang Hùng được chọn thể hiện ngay những vai chính như Trương Cảnh Yên trong Câu chuyện nàng Phương Hoa và những vai tính cách khó quên như: vai Thằng Bạc trong Khi tình yêu đã chết, Quasimođo trong Thằng gù ở Nhà thờ Đức Bà, Hán trong Dạ khúc tình yêu, Lâm Hồng trong Pha lê và cát bụi, Đoàn Kỷ trong Cơn lốc… Sân khấu cải lương lúc ấy đang ở thời kỳ hưng thịnh. Nhiều vở diễn kéo dài tới 3 tiếng mà khán giả xem xong vẫn thấy thòm thèm. Trần Quang Hùng nhanh chóng trở thành gương mặt được yêu thích nhất trên sân khấu cải lương. Trai Hà Nội, lại có tài, Trần Quang Hùng thừa nhận anh cũng có một thời trai trẻ ngang bướng, có phần ăn chơi nên lúc đầu, anh không mấy được lòng NSND Ngọc Dư – người thầy mà anh luôn kính trọng. Nhưng trong chuyên môn thầy Ngọc Dư vẫn đánh giá anh rất cao, cho rằng anh là một diễn viên say nghề và diễn cực kỳ chi tiết. Nếu đã từng xem anh diễn, hẳn ai cũng thừa nhận điều này. Chỉ một cái xốc áo, một cái liếc mắt, cách cầm chén rượu, thậm chí đến một bước đi trên sân khấu dường như cũng được suy tính cặn kẽ để thể hiện một thông điệp nào đó, để làm bật lên nét đặc trưng nhất trong tính cách nhân vật mà anh thể hiện. Một đồng nghiệp của anh ở Nhà hát Cải lương nói vui rằng: sợ nhất là phải diễn ở kíp 2 vai của Trần Quang Hùng bởi khó mà diễn được bằng anh. Bằng chứng là năm nay đã 54 tuổi, đã chuyển sang làm đạo diễn và công tác quản lý từ lâu, nhưng mỗi khi diễn vở Chú Ngốc cứu đời, một vở diễn nổi tiếng của Nhà hát, đồng nghiệp vẫn phải “viện” tới anh thể hiện vai chính, một chàng trai ngoài 20 tuổi, bởi không có ai thay thế được. Vai diễn Trần Thủ Độ trong vở Luận anh hùng mới đây cũng được đánh giá xuất sắc.
Đạo diễn ấn tượng
“Già đời” trên sân khấu với tư cách một diễn viên, Trần Quang Hùng chuyển sang “địa hạt” đạo diễn như một bước đi tất yếu trong nghệ thuật. Người ta vẫn nói tác phẩm phản ánh chân dung tác giả và quả thật, khi “gặp” anh qua mỗi vở diễn, tôi phục anh hơn nhiều.
Phục anh ở những ngón nghề. Sân khấu Hà Nội quy tụ nhiều đạo diễn tài danh nhưng rất nhiều trong số họ đã lặp lại chính mình. Trần Quang Hùng dù sao cũng là một đạo diễn trẻ, chưa nhiều kinh nghiệm nên cách dàn dựng của anh có phần tươi mới, là một thứ gió lạ trong thưởng thức nghệ thuật. Nhưng không phải thứ gió mơn trớn. Thành công của những vở diễn dàn dựng cho Nhà hát Cải lương Hà Nội gần đây: Mệnh đế vương, Lễ mở xiêm áo, Luận anh hùng, Mẹ của chúng con, Yêu là thoát tội, Khi hoa nở trái mùa, cho thấy sở trường của NSƯT Trần Quang Hùng trong những vở chính – bi kịch mang tính luận đề cao, một cách tư duy đa tầng, sắc sảo và nhiều chiêm nghiệm.
Trần Quang Hùng là một đạo diễn có cách nhìn hiện đại. Tác phẩm của anh đặc biệt chú trọng tới việc tạo ấn tượng thị giác, tôn trọng yếu tố “nhìn”, bên cạnh yếu tố “nghe” đặc trưng của kịch hát dân tộc. Anh vận dụng triệt để tính chất “tuồng tích sánh văn minh”, sự dung nạp không thành kiến của nghệ thuật cải lương trong khai phá và thể hiện tác phẩm của mình. Anh cho rằng việc dàn dựng tác phẩm bây giờ phải giản dị mới dễ thuyết phục người xem, tiết tấu tác phẩm phải nhanh. Nhưng để thông điệp vở diễn được chuyển tải một cách giản dị và đi thẳng vào cảm xúc người xem, lại đòi hỏi sự cầu kỳ nơi đạo diễn. Tác phẩm của anh gần như đều mở màn ngay bằng những cao trào và liên tục đẩy tính kịch lên cao khiến sân khấu gần như không có phút “chết”. Anh truyền cho diễn viên của mình sự chi tiết trong lối diễn. Sân khấu cải lương của anh đẹp, nhiều ngụ ý và đẫm chất xi-nê. Điều này có thể thấy rất rõ trong hai tác phẩm gần đây: Yêu là thoát tội và Khi hoa nở trái mùa. Trong âm nhạc, Trần Quang Hùng cũng cho thấy một lối xử lý táo bạo. Khi xem Yêu là thoát tội, dẫu có nhiều nét nhạc mới, dẫu tiếng trống, tiếng sanh ban đã bị lược bớt, người xem vẫn thấy rất ngọt, vẫn thấy những bài vọng cổ, Dạ cổ hoài lang,… “rỉ rả thêm muồi” rất cải lương. Đó là sự tri âm với cải lương mà đạo diễn Trần Quang Hùng đã có được sau mấy chục năm gắn bó trên sân khấu với tư cách một trong những diễn viên nổi tiếng nhất của Nhà hát Cải lương Hà Nội. Quan trọng hơn, cách nhìn của đạo diễn đã đồng điệu được với khán giả hôm nay. Tôi đã thấy nhiều người gạt nước mắt khi xem vở diễn của anh. Một điều hiếm của sân khấu hiện tại, càng hiếm hơn với sân khấu truyền thống.
Phục anh hơn ở sự say nghề. Nhiều lần nghe bạn nghề kể anh mang của nhà đi dựng vở, bỏ tiền túi bồi dưỡng anh em, tôi hỏi, anh chỉ cười nhận mình là “người dại”. Nhưng nếu anh không “dại” thì làm sao có chuyện giấy tờ vẫn nằm ở phòng tài vụ mà vở diễn đã được tổng duyệt rồi? Làm sao có chuyện anh gọi điện cho phóng viên “khoe” thành tích hộ hai diễn viên hài trong Nhà hát đoạt giải ở Liên hoan sân khấu hài miền Bắc?… Nhưng bù lại, NSƯT Trần Quang Hùng đã có được trong tay nhiều thứ: vai diễn, vở diễn được bạn nghề nể phục, một vị trí để có thể thực hiện ước mơ nghệ thuật. Thế mới hay, cái khôn, dại trong tình yêu, nhất là yêu nghệ thuật, chẳng thể nào đoán định được. Với anh, đơn giản sân khấu là cuộc sống, và anh đã sống hết mình với nó.
Box:
Những buổi công diễn vở mới của Nhà hát Cải lương Hà Nội gần đây luôn đầy ắp khán giả. Đó là sự tri âm của công chúng với tình yêu nghề của một tập thể hơn 60 diễn viên thuộc 3 đoàn: Chuông vàng, Kim Phụng và Hoa Mai – những cái tên một thời làm nức lòng người hâm mộ cải lương Hà Nội. Đây cũng là nhà hát sở hữu nhiều ngôi sao của nghệ thuật cải lương phía Bắc: NSƯT Thanh Hương, Ngôi sao tài năng trẻ Hoàng Viện (HCV Tài năng trẻ năm 2007, Huy chương Bạc Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp (HDSKCL) năm 2009), Hồng Nhung (HCB Hội diễn tài năng trẻ 2007, HCV HDSKCL 2009), Quang Thanh (HCV Tài năng trẻ 2007, HCV HDSKCL 2009), Tuấn An (HCB Tài năng trẻ 2007), nghệ sĩ Thi Nhung, Thiên Hương, diễn viên trẻ Thu Liệu, Lưu Đạt, Thu Hường,… Hiện tại Nhà hát cũng đang định hình phong cách nghệ thuật riêng cho mình với nhiều dự án nghệ thuật. Đặc biệt, Nhà hát đang tiến hành thử nghiệm Dự án dịch tiếng Anh một số trích đoạn, vở diễn ngắn và vở diễn tiêu biểu để đưa cải lương tiếp cận với khách du lịch nước ngoài, biến rạp Chuông Vàng thành một địa chỉ “vàng” trong tour du lịch Phố cổ.
Nguồn Trà Giang
Báo Hà Nội mới Số Xuân 2012:
(LV) – Nhà hát Cải lương Hà Nội ra mắt vở cải lương “Khi hoa nở trái mùa” vào tối ngày 17/11/2011 tại rạp Hồng Hà, 51 Đường Thành, Hà Nội.
Một cảnh trong vở cải lương “Khi hoa nở trái mùa”. |
“Khi hoa nở trái mùa” của tác giả Chu Thơm do NSƯT Trần Quang Hùng làm đạo diễn.
Vở diễn là câu chuyện về một hoạ sĩ yêu đắm say người thiếu nữ nhưng cô lại lựa chọn người bạn khác. Quá cay đắng, anh ta đã nguỵ tạo chứng cứ cùng bức thư giả để làm quà tặng hôn lễ. Đúng đêm tân hôn, gói quà được mở ra. Chú rể là người quá trọng sự hoàn hảo, không thể chấp nhận tình huống có thể bị cô dâu lừa dối nên hôn nhân tan vỡ. Cô gái với mầm sống trong bụng mình đã không thể chịu đựng nổi tình trạng oan trái, gieo mình tự vẫn. Nhưng cô đã được anh hoạ sĩ cứu sống và chấp nhận cô cùng đứa con trong bụng mà anh yêu quí như con đẻ. Hai mươi năm sau… rất nhiều đổi thay đã đến với gia đình nhỏ của họ khi người bố hoàn toàn biến thành người khác và mắc trọng bệnh. Cô con gái nhỏ lại có trái tim yếu đuối cần được thay. Trước cái chết cận kề, sự thật đã được bộc lộ để cần đến sự cảm thông, thấu hiểu và tha thứ…
Vở diễn với sự tham gia diễn xuất của dàn diễn viên có kinh nghiệm: NSƯT Thanh Hương – Hồng Nhung, Quang Tuấn, Hoàng Viện, Thu Liệu, Anh Thúy, Lưu Đạt, Quang Hưng, Thu Hường, Diệu Linh…
Với những diễn biến tâm lý và hoàn cảnh éo le, làm xúc động người xem, vở diễn như một sự chia sẻ với khán giả trước thực trạng của đời sống xã hội, khi con người với nhiều lo toan mà vô tình quên tình cảm của con người với con người, nhất là những người có hoàn cảnh cần sự giúp đỡ, quan tâm của những người xung quanh.
Vũ Minh (theo Lang Viet)
http://langvietonline.vn/Van-Hoa-Nghe-Thuat/121734/Ra-mat-vo-cai-luong-%E2%80%9CKhi-hoa-no-trai-mua%E2%80%9D.html