Bài viết trong danh mục »Báo chí viết về nhà hát «
Khi cải lương “quốc tế hóa”
Thứ ba 14/02/2012 22:24
ANTĐ – Ưu ái khán giả “nội” nhưng Nhà hát Cải lương Hà Nội cũng không ngừng tìm kiếm khán giả “ngoại” cho bộ môn nghệ thuật truyền thống này.
Mà tất nhiên, để khán giả “ngoại” hiểu và yêu cải lương thì chỉ cần một bước chuyển từ cải lương tiếng Việt sang cải lương tiếng Anh là đủ đáp ứng được yêu cầu. Nhưng câu chuyện đằng sau sự chuyển đổi này là muôn vàn khó khăn. PV Báo ANTĐ đã có cuộc trò chuyện cùng NSƯT Trần Quang Hùng, Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội, xung quanh dự án.
Thà muộn còn hơn không làm gì
- PV: Sau khi thực hiện vở “Mệnh đế vương” bằng tiếng Anh, khán giả nước ngoài đã nhận xét ra sao về cách làm mới của Nhà hát, thưa ông?
- NSƯT Trần Quang Hùng: Lần đầu tiên thực hiện việc chuyển lời ca từ của vở cải lương “Mệnh đế vương” sang tiếng Anh, chúng tôi đã rất chú ý tới những nhận xét của khán giả nước ngoài bằng việc thực hiện các cuộc phỏng vấn ngắn. Và bên cạnh những góp ý tích cực thì nhược điểm lớn mà các khán giả “ngoại” cho biết là vở diễn quá dài và nhiều phần dịch không… hiểu.
- Vì lẽ đó mà lần thử nghiệm thứ 2 này, Nhà hát đã thay thế bằng một chương trình ngắn nhưng nhiều tiết mục?
- Không chỉ vậy đâu, chúng tôi còn đưa nhiều loại hình nghệ thuật khác nhưng vẫn nằm trong kịch hát dân tộc như quan họ, trống hội, múa Chăm… để khắc phục nhược điểm của lần thử nghiệm đầu tiên. Và phần dịch thì chúng tôi đã nhờ một người không chỉ am hiểu về nghệ thuật truyền thống mà còn hàng ngày hàng giờ làm việc và tiếp xúc với người nước ngoài để chuyển lời của các trích đoạn được rõ nghĩa nhất. Điều quan trọng là làm thế nào để các du khách nước ngoài hiểu được những gì đang diễn ra trên sân khấu.
- Nếu chỉ dịch đơn thuần như thế, liệu có ảnh hưởng tới khả năng cảm nhận của khách nước ngoài về cải lương?
- Không nên hiểu một cách máy móc rằng việc dịch chỉ giải nghĩa ngôn ngữ của lời thoại trên sân khấu. Khi bắt tay vào thực hiện dự án này, chúng tôi đã tính đến việc thưởng thức nghệ thuật của du khách sẽ bị ảnh hưởng do chú tâm nghe lời thoại. Nhưng có lẽ cũng nên chấp nhận điều này. Bởi với điện ảnh thì việc theo dõi một bộ phim có phụ đề rõ ràng khiến cho khán giả không thể toàn tâm toàn ý thưởng thức tác phẩm. Chúng tôi đã khắc phục nhược điểm này của việc nghe cải lương có thuyết minh bằng cách “dịch có tình cảm”. Người thuyết minh sẽ không dịch đều đều mà cũng có ngữ điệu lên xuống để giúp khán giả hình dung được câu chuyện kịch tính trên sân khấu.
- Được ra đời trong bối cảnh như hiện nay, ông có cho rằng cách làm này là mới ?
- Qua nhiều kênh thông tin thì văn hóa nước ngoài đã có mặt trong đời sống của người dân Việt. Thế nhưng, ngay tại Việt Nam, lại có rất nhiều người nước ngoài lưu trú, sinh sống và học tập. Vì thế, thiết nghĩ tại sao chúng ta không quảng bá văn hóa nước Việt đến người nước ngoài? Tôi cho rằng, cách làm của Nhà hát Cải lương Hà Nội trong thời điểm này là lạc hậu, là muộn màng. Nhưng thôi, thà muộn còn hơn là không làm
gì cả.
Tìm khán giả “mới” để giữ khán giả “cũ”
- Bên cạnh lý do muộn, còn nguyên nhân nào khác để Nhà hát quyết tâm thực hiện dự án này?
- Tận mắt tôi đã từng chứng kiến có du khách nước ngoài đã bỏ tiền túi ra mua vé vào xem vở diễn. Nhưng do bất đồng ngôn ngữ nên chỉ xem được chừng mươi phút là họ bỏ ra về. Nên bên cạnh những lý do quảng bá văn hóa thì còn lý do khác nữa là để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người nước ngoài. Chúng tôi muốn tìm kiếm khán giả mới cho bộ môn nghệ thuật cải lương.
- Ông có tán đồng với ý kiến cho rằng: Việc tìm kiếm khán giả “mới” chứng tỏ nghệ thuật cải lương đang dần mất đi khán giả “cũ”?
- Tôi nghĩ ý kiến trên mới chỉ đúng một phần. Khán giả trong nước không quay lưng lại với cải lương. Mà các nhà hát nên năng động để giữ chân khán giả trước sự đòi hỏi và phát triển ngày nay. Chỉ với những cách làm hay và hấp dẫn mới thu hút sự chú ý của khán giả. Nhà hát chúng tôi hướng đến khán giả “mới” là các du khách nước ngoài thực chất là để giữ chân khán giả “nội”. Bởi nó đánh vào tâm lý hiếu kỳ của người Việt. Một vở diễn mà thu hút được nhiều khán giả nước ngoài đến xem thì chắc hẳn khán giả “nhà” không thể làm ngơ.
- Tuy đang trong giai đoạn thể nghiệm nhưng ông có tin dự án sẽ thành công?
- Ban lãnh đạo Nhà hát và các anh nghệ sỹ đang trên con đường mày mò, tự suy nghĩ, tự bàn và tự làm. Chúng tôi không đặt nhiều kỳ vọng lớn trong dự án nghệ thuật. Còn kết quả đến mức độ nào thì chúng tôi đều sẵn sàng đón nhận. Nhưng tôi nghĩ, hãy cứ làm và mạnh dạn làm thì mới “phát lộ” ra nhiều ý tưởng hay và nghệ thuật cải lương sẽ phát triển.
- Xin cảm ơn ông!
Phạm Thu Hương (Thực hiện)
Nhà hát Cải lương Hà Nội một thời đã từng được khán giả yêu thích với hai đoàn Chuông Vàng, Kim Phụng. Tuy nhiên cùng với sự khó khăn của sân khấu nói chung, một thời gian dài Nhà hát hoạt động cầm chừng, thậm chí nhiều người còn không biết đến sự tồn tại của thương hiệu một thời của sân khấu cải lương phía Bắc này. Những năm gần đây, Nhà hát Cải lương Hà Nội đã và đang có nhiều hoạt động tích cực với lịch diễn đều đặn hàng tháng, chỉ tiêu đỏ đèn hai đêm cuối tuần tại Rạp Chuông Vàng cũng được duy trì. Bên cạnh đó, Nhà hát còn cho ra mắt nhiều vở diễn được yêu thích như: Lễ mở xiêm áo, Luận anh hùng, Mẹ của chúng con… và gần đây nhất là Khi hoa nở trái mùa đang rất thu hút khán giả. Không chỉ vậy, hiện nay Nhà hát Cải lương Hà Nội đang thử nghiệm việc giới thiệu cải lương đến với khán giả nước ngoài. NSƯT Trần Quang Hùng, Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội đã chia sẻ về những thử nghiệm mới mẻ này.
Là một trong những đơn vị nghệ thuật được đánh giá có nhiều hoạt động tích cực trong năm 2011. Với tư cách là người quản lý, anh có thể nói cụ thể hơn về những thành công này? Xem chi tiết…
Một đời mê đắm cải lương
Trà Giang
Đã hơn một lần, đạo diễn, NSƯT Trần Quang Hùng, Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội kể với tôi về giây phút đầu tiên khi anh nhìn thấy tấm màn nhung sân khấu và cái khoảnh khắc đầy mê hoặc đó. Cái khoảnh khắc anh biết mình thuộc về sân khấu cải lương, theo nó và gắn bó với nó đến tận phút này, từ vai diễn đến vở diễn, từ diễn viên đến đạo diễn và thành danh với cải lương Hà Nội.
Tấm màn nhung mê hoặc
Người nghệ sĩ không mấy ai gọi nghệ thuật mình theo đuổi là một nghề, với họ, đó là “nghiệp”, nó vận vào thân, vào đời từ giây phút Tổ nghề chọn họ và thời gian chỉ làm cho niềm tin ấy thêm sâu sắc hơn mà thôi. Cảm giác ấy rất rõ rệt khi tôi được trò chuyện với đạo diễn, NSƯT Trần Quang Hùng, dù rằng môn nghệ thuật mà anh theo đuổi suốt 40 năm qua không có cái may mắn được nuôi dưỡng ở quê gốc, đất tổ: nghệ thuật cải lương.
Không rõ có phải vì anh là đạo diễn hay bởi ấn tượng về giây phút ấy đã ám ảnh cuộc đời anh mà khi nghe kể, tôi cứ có cảm giác trước mắt mình là một thước phim quay chậm, chậm trôi về một buổi tối hơn 40 năm trước ở trước cửa rạp Chuông Vàng – địa chỉ nghệ thuật sang trọng trên phố Hàng Bạc. Lúc ấy, một cậu bé theo bố đến nhà hát chỉ vì muốn được bố giao cho chiếc xe đạp để thoả sức tập xe bỗng thần người khi ngó vào trong rạp. Sân khấu còn chưa khai màn, chỉ có tấm riđô nhung the mầu tiết dê được chiếu bằng đèn tum lay động, loá mắt mê hoặc cậu. Từ giây phút đó, cậu bé ấy đã biết mình sẽ thuộc về sân khấu này. Và cũng từ hôm đó, mỗi khi dành dụm đủ tiền, cậu bé ấy lại đến rạp Chuông Vàng để nghe hát, để ngấm vào mình nghệ thuật cải lương.
Sau này, khi đã gặt hái được nhiều thành công với nghệ thuật cải lương, Trần Quang Hùng vẫn luôn nghĩ rằng đó là giây phút định mệnh của đời anh, bị quyến rũ bởi vẻ đẹp khác lạ của tấm màn nhung, của ánh sáng sân khấu mà đến với nghệ thuật. Chẳng một chút đắn đo, chẳng một lăn tăn nào suy tính bởi anh như một tờ giấy trắng đã được cái hào quang mầu nhiệm của sân khấu hắt lên.
Chăm chút từng chi tiết diễn
15 tuổi, đọc trên báo Hànộimới thấy thấy trường Nghệ thuật Hà Nội tuyển diễn viên cải lương, Trần Quang Hùng thi tuyển và bắt đầu con đường diễn viên chuyên nghiệp từ ấy. Ra trường, Trần Quang Hùng về Đoàn Cải lương Kim Phụng, nay thuộc Nhà hát Cải lương Hà Nội, nơi anh có ấn tượng đầu tiên với sân khấu. Vóc dáng thư sinh, điển trai rất Hà Nội, Trần Quang Hùng được chọn thể hiện ngay những vai chính như Trương Cảnh Yên trong Câu chuyện nàng Phương Hoa và những vai tính cách khó quên như: vai Thằng Bạc trong Khi tình yêu đã chết, Quasimođo trong Thằng gù ở Nhà thờ Đức Bà, Hán trong Dạ khúc tình yêu, Lâm Hồng trong Pha lê và cát bụi, Đoàn Kỷ trong Cơn lốc… Sân khấu cải lương lúc ấy đang ở thời kỳ hưng thịnh. Nhiều vở diễn kéo dài tới 3 tiếng mà khán giả xem xong vẫn thấy thòm thèm. Trần Quang Hùng nhanh chóng trở thành gương mặt được yêu thích nhất trên sân khấu cải lương. Trai Hà Nội, lại có tài, Trần Quang Hùng thừa nhận anh cũng có một thời trai trẻ ngang bướng, có phần ăn chơi nên lúc đầu, anh không mấy được lòng NSND Ngọc Dư – người thầy mà anh luôn kính trọng. Nhưng trong chuyên môn thầy Ngọc Dư vẫn đánh giá anh rất cao, cho rằng anh là một diễn viên say nghề và diễn cực kỳ chi tiết. Nếu đã từng xem anh diễn, hẳn ai cũng thừa nhận điều này. Chỉ một cái xốc áo, một cái liếc mắt, cách cầm chén rượu, thậm chí đến một bước đi trên sân khấu dường như cũng được suy tính cặn kẽ để thể hiện một thông điệp nào đó, để làm bật lên nét đặc trưng nhất trong tính cách nhân vật mà anh thể hiện. Một đồng nghiệp của anh ở Nhà hát Cải lương nói vui rằng: sợ nhất là phải diễn ở kíp 2 vai của Trần Quang Hùng bởi khó mà diễn được bằng anh. Bằng chứng là năm nay đã 54 tuổi, đã chuyển sang làm đạo diễn và công tác quản lý từ lâu, nhưng mỗi khi diễn vở Chú Ngốc cứu đời, một vở diễn nổi tiếng của Nhà hát, đồng nghiệp vẫn phải “viện” tới anh thể hiện vai chính, một chàng trai ngoài 20 tuổi, bởi không có ai thay thế được. Vai diễn Trần Thủ Độ trong vở Luận anh hùng mới đây cũng được đánh giá xuất sắc.
Đạo diễn ấn tượng
“Già đời” trên sân khấu với tư cách một diễn viên, Trần Quang Hùng chuyển sang “địa hạt” đạo diễn như một bước đi tất yếu trong nghệ thuật. Người ta vẫn nói tác phẩm phản ánh chân dung tác giả và quả thật, khi “gặp” anh qua mỗi vở diễn, tôi phục anh hơn nhiều.
Phục anh ở những ngón nghề. Sân khấu Hà Nội quy tụ nhiều đạo diễn tài danh nhưng rất nhiều trong số họ đã lặp lại chính mình. Trần Quang Hùng dù sao cũng là một đạo diễn trẻ, chưa nhiều kinh nghiệm nên cách dàn dựng của anh có phần tươi mới, là một thứ gió lạ trong thưởng thức nghệ thuật. Nhưng không phải thứ gió mơn trớn. Thành công của những vở diễn dàn dựng cho Nhà hát Cải lương Hà Nội gần đây: Mệnh đế vương, Lễ mở xiêm áo, Luận anh hùng, Mẹ của chúng con, Yêu là thoát tội, Khi hoa nở trái mùa, cho thấy sở trường của NSƯT Trần Quang Hùng trong những vở chính – bi kịch mang tính luận đề cao, một cách tư duy đa tầng, sắc sảo và nhiều chiêm nghiệm.
Trần Quang Hùng là một đạo diễn có cách nhìn hiện đại. Tác phẩm của anh đặc biệt chú trọng tới việc tạo ấn tượng thị giác, tôn trọng yếu tố “nhìn”, bên cạnh yếu tố “nghe” đặc trưng của kịch hát dân tộc. Anh vận dụng triệt để tính chất “tuồng tích sánh văn minh”, sự dung nạp không thành kiến của nghệ thuật cải lương trong khai phá và thể hiện tác phẩm của mình. Anh cho rằng việc dàn dựng tác phẩm bây giờ phải giản dị mới dễ thuyết phục người xem, tiết tấu tác phẩm phải nhanh. Nhưng để thông điệp vở diễn được chuyển tải một cách giản dị và đi thẳng vào cảm xúc người xem, lại đòi hỏi sự cầu kỳ nơi đạo diễn. Tác phẩm của anh gần như đều mở màn ngay bằng những cao trào và liên tục đẩy tính kịch lên cao khiến sân khấu gần như không có phút “chết”. Anh truyền cho diễn viên của mình sự chi tiết trong lối diễn. Sân khấu cải lương của anh đẹp, nhiều ngụ ý và đẫm chất xi-nê. Điều này có thể thấy rất rõ trong hai tác phẩm gần đây: Yêu là thoát tội và Khi hoa nở trái mùa. Trong âm nhạc, Trần Quang Hùng cũng cho thấy một lối xử lý táo bạo. Khi xem Yêu là thoát tội, dẫu có nhiều nét nhạc mới, dẫu tiếng trống, tiếng sanh ban đã bị lược bớt, người xem vẫn thấy rất ngọt, vẫn thấy những bài vọng cổ, Dạ cổ hoài lang,… “rỉ rả thêm muồi” rất cải lương. Đó là sự tri âm với cải lương mà đạo diễn Trần Quang Hùng đã có được sau mấy chục năm gắn bó trên sân khấu với tư cách một trong những diễn viên nổi tiếng nhất của Nhà hát Cải lương Hà Nội. Quan trọng hơn, cách nhìn của đạo diễn đã đồng điệu được với khán giả hôm nay. Tôi đã thấy nhiều người gạt nước mắt khi xem vở diễn của anh. Một điều hiếm của sân khấu hiện tại, càng hiếm hơn với sân khấu truyền thống.
Phục anh hơn ở sự say nghề. Nhiều lần nghe bạn nghề kể anh mang của nhà đi dựng vở, bỏ tiền túi bồi dưỡng anh em, tôi hỏi, anh chỉ cười nhận mình là “người dại”. Nhưng nếu anh không “dại” thì làm sao có chuyện giấy tờ vẫn nằm ở phòng tài vụ mà vở diễn đã được tổng duyệt rồi? Làm sao có chuyện anh gọi điện cho phóng viên “khoe” thành tích hộ hai diễn viên hài trong Nhà hát đoạt giải ở Liên hoan sân khấu hài miền Bắc?… Nhưng bù lại, NSƯT Trần Quang Hùng đã có được trong tay nhiều thứ: vai diễn, vở diễn được bạn nghề nể phục, một vị trí để có thể thực hiện ước mơ nghệ thuật. Thế mới hay, cái khôn, dại trong tình yêu, nhất là yêu nghệ thuật, chẳng thể nào đoán định được. Với anh, đơn giản sân khấu là cuộc sống, và anh đã sống hết mình với nó.
Box:
Những buổi công diễn vở mới của Nhà hát Cải lương Hà Nội gần đây luôn đầy ắp khán giả. Đó là sự tri âm của công chúng với tình yêu nghề của một tập thể hơn 60 diễn viên thuộc 3 đoàn: Chuông vàng, Kim Phụng và Hoa Mai – những cái tên một thời làm nức lòng người hâm mộ cải lương Hà Nội. Đây cũng là nhà hát sở hữu nhiều ngôi sao của nghệ thuật cải lương phía Bắc: NSƯT Thanh Hương, Ngôi sao tài năng trẻ Hoàng Viện (HCV Tài năng trẻ năm 2007, Huy chương Bạc Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp (HDSKCL) năm 2009), Hồng Nhung (HCB Hội diễn tài năng trẻ 2007, HCV HDSKCL 2009), Quang Thanh (HCV Tài năng trẻ 2007, HCV HDSKCL 2009), Tuấn An (HCB Tài năng trẻ 2007), nghệ sĩ Thi Nhung, Thiên Hương, diễn viên trẻ Thu Liệu, Lưu Đạt, Thu Hường,… Hiện tại Nhà hát cũng đang định hình phong cách nghệ thuật riêng cho mình với nhiều dự án nghệ thuật. Đặc biệt, Nhà hát đang tiến hành thử nghiệm Dự án dịch tiếng Anh một số trích đoạn, vở diễn ngắn và vở diễn tiêu biểu để đưa cải lương tiếp cận với khách du lịch nước ngoài, biến rạp Chuông Vàng thành một địa chỉ “vàng” trong tour du lịch Phố cổ.
Nguồn Trà Giang
Báo Hà Nội mới Số Xuân 2012:
Thứ hai 21/11/2011 23:19
Đưa nghệ thuật cải lương đến gần hơn với công chúng bằng việc đưa nhịp sống đương đại vào vở diễn
Kịch tính ngay từ phút mở màn
Dựa trên kịch bản văn học của nhà viết kịch Chu Thơm, đạo diễn Trần Quang Hùng đã dựng nên vở cải lương có kết cấu gọn nhẹ nhưng súc tích và hàm chứa nhiều ẩn ý về tình người bao la. Cho dù, được mở màn bằng những cảnh rất lãng mạn của tình yêu đôi lứa với bóng bay, hoa hồng… nhưng không vì thế mà vở diễn sa đà vào nhiều tình tiết không cần thiết. Kịch tính của vở diễn được đẩy lên ngay từ đầu bằng đêm tân hôn của đôi bạn trẻ. Bức thư của người yêu cũ Hoài (Hồng Nhung đóng) đến đúng vào thời khắc này. Và sự xuất hiện của nó khiến Phong (Quang Tuấn đóng) dấy lên mối hoài nghi về tình cảm và sự trong trắng của vợ mình. Sự ghen tuông quá đà đã khiến Hoài muốn quyên sinh để chứng tỏ sự trong trắng của mình… Xem chi tiết…
Khán giả nước ngoài nghe Cải
lương bằng tiếng Anh
Đó là vở diễn “Mệnh đế vương” do Nghệ sỹ ưu tú Trần Quang Hùng đạo diễn cùng các nghệ sỹ của Nhà hát Cải lương Hà Nội thực hiện.
Vở diễn có phần dịch và thu âm tiếng Anh. Khi thưởng lãm, khán giả nước ngoài sẽ được đeo tai nghe để nghe bản dịch.
Vở “Mệnh đế vương” khai thác nhân vật Lý Chiêu Thánh, công chúa con vua Lý Huệ Tông được vua cha truyền ngôi do ông không có con trai, lấy hiệu Lý Chiêu Hoàng.
Lúc bấy giờ nhà họ Trần giữ binh quyền, Trần Thủ Độ đã ép nàng lấy Trần Cảnh và phải nhường ngôi cho chồng, chuyển giao quyền lực từ nhà Lý sang nhà Trần. Do lấy chồng hơn mười năm vẫn không có con nên Lý Chiêu Hoàng lại phải nhường chồng cho chị gái.
Vở kịch khắc họa hình tượng nhân vật lịch sử Lý Chiêu Hoàng với bi kịch về số phận người phụ nữ trước những giằng xé đau đớn trong mối quan hệ vợ chồng, nỗi đau về nhân tình thế thái…
Đây là lần đầu tiên một vở cải lương được dịch ra tiếng Anh để phục vụ khán giả nước ngoài./.
Thiên Linh (Vietnam+)
“Yêu là thoát tội”
Thứ ba 26/07/2011 00:46
Lạ và quen
Vở diễn chưa ra mắt, nhiều khán giả đã kháo nhau: Đây chính là vở “Đêm của bóng tối” mà Nhà hát Kịch Việt Nam đã dàn dựng cách đây vài tháng. Điều này mới chỉ đúng một nửa khi 2 vở diễn có cùng một cha đẻ là nhà viết kịch Lê Chí Trung. Tuy nhiên, khác với NSND Lê Hùng khi xây dựng vở diễn theo lối phản ánh lịch sử thì đạo diễn Trần Quang Hùng lại nảy ra ý tưởng sẽ dã sử hóa kịch bản. Vì thế, khán giả khi xem vở diễn đều cảm nhận được sự quen thuộc trong cái lạ, lạ về cách kết thúc của câu chuyện, lạ về nhiều thủ pháp nghệ thuật được sử dụng ăn nhập với ngôn ngữ và tiết tấu của cải lương.
Tác phẩm lịch sử về vụ án Lệ Chi Viên của tác giả Lê Chí Trung được Nhà hát Cải lương Hà Nội chuyển thể thành vở cải lương “Yêu là thoát tội” công diễn vào tối qua (14/6), tại rạp Hồng Hà (Hà Nội). “Yêu là thoát tội” như một cái nhìn tự do, phóng khoáng của dã sử, như một góc nhìn của con người thời đại với một khoảnh khắc bi thảm trong lịch sử dân tộc.
Bi kịch của gia tộc danh nhân họ Nguyễn được lý giải một cách khác, dưới một góc nhìn khác, rất đậm tính nhân văn.
“Yêu là thoát tội” từng được NSND Lê Hùng dàn dựng thành vở kịch ăn khách của Nhà hát Kịch Việt Nam. Tuy nhiên, ở góc nhìn cải lương, vở diễn được khai thác thêm chất bi trong mối tình Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ cũng như phẩm chất “tâm thượng quang khuê tảo” của trung thần Ức Trai. Vở cải lương “Yêu là thoát tội” do Triệu Trung Kiên chuyển thể, NSƯT Trần Quang Hùng đạo diễn.
Theo báo Nông nghiệp Việt Nam nongnghiep.vn
Vở “Yêu là thoát tội”: Bi kịch lịch sử dưới lăng kính hiện đại
Hương Trà
Vụ án Lệ Chi Viên với muôn vàn câu hỏi chưa có lời xác đáp từ lâu đã trở thành đề tài đắt của sân khấu. Với sức mạnh nghệ thuật là chất bi, tấn bi kịch lớn của gia tộc danh nhân họ Nguyễn vừa được chuyển tải thành công trên sân khấu Nhà hát Cải lương Hà Nội khiến người xem nuốt nước mắt. Sự tri âm của người xem hôm nay với nỗi niềm của người xưa đạt đến “ngưỡng” cũng bởi hơi thở hiện đại được đạo diễn Trần Quang Hùng phả đẫm trong từng lớp lang của vở diễn.
Tấn bi kịch kinh điển Xem chi tiết…
Một cảnh trong vở diễn. (Ảnh: Thiên Linh/ Vietnam+)
Có nhiều giả thiết về vụ án Lệ Chi Viên dẫn đến việc tru di cả ba họ của danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi vốn là một đại thần dưới triều Lê Sơ. Vụ án với nỗi bi kịch được xem là thê thảm bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam đến nay vẫn còn làm nhói đau bao trái tim người Việt.
Với mong muốn mang lại cho người đương đại cái nhìn khác qua một góc chiếu mới vào lịch sử, bằng cái nhìn nhân văn, đạo diễn Trần Quang Hùng cùng Nhà hát Cải lương Hà Nội đã dàn dựng vở “Yêu là thoát tội” để lý giải cho một giả thiết mới về vụ án này.
Góc chiếu khác vào lịch sử
“Yêu là thoát tội” như một cái nhìn tự do, phóng khoáng của con người thuộc thời đại ngày nay về một khoảng bi thảm của lịch sử dân tộc trong vụ án Lệ Chi Viên.
Bi kịch của gia tộc danh nhân họ Nguyễn được lý giải dưới một góc nhìn mới đậm tính nhân văn. Tác giả đã cảm thông sâu sắc với thân phận nữ nhi của học sĩ Thị Lan (Thị Lộ, người thiếp của Nguyễn Trãi). Bà là một phụ nữ tài, sắc vẹn toàn, có một tình yêu chân thành đi kèm với sự tôn kính người chồng là Nguyễn Thái Úy (Nguyễn Trãi), một bậc khai quốc công thần có rất nhiều công lao với triều đình.
Đạo diễn Trần Quang Hùng đã dành cho Thiên tử của thời Lê Sơ một cái nhìn vị tha hơn. Ông khám phá góc khuất vốn chưa được nhắc đến trong con người vị Vua này. Đó là nỗi đau, niềm day dứt của Thiên tử, khi ông ở đỉnh cao tột độ của sự vinh quang, đứng trên muôn người nhưng lại luôn bị nỗi cô đơn dày vò.
Trong Vua luôn xảy ra mâu thuẫn giữa tình cảm thực, khao khát có một tri kỷ, mong muốn được hưởng hạnh phúc bình thường của một thứ dân với ý thức về vị thế của một vị Thiên tử. Xem chi tiết…
Một cảnh trong vở diễn. (Ảnh: Nhà hát Cải lương Hà Nội cung cấp).
Xuất phát từ tư tưởng đạo lý ấy, nghệ sỹ ưu tú Trần Quang Hùng đã cùng các nghệ sỹ của Nhà hát Cải lương Hà Nội khôi phục lại vở kịch “Lời ru hai người mẹ.”
Lời ru-đời người
Nội dung tác phẩm sân khấu này kể lại việc tranh giành quyền lực ở chốn hoàng cung trong bối cảnh triều đình phong kiến đang mục ruỗng. Câu chuyện bắt đầu khi hoàng cung có “song hỷ lâm môn” đó là cả Hoàng hậu và Thứ phi cùng lúc sinh hạ hoàng tử.
Mọi chuyện bắt đầu từ hai vị hoàng tử này được nuôi dạy theo những cách khác nhau. Vốn là một phụ nữ hiền lương, Hoàng hậu dạy con trai là Vương Tùng bất kể địa vị ra sao cũng phải biết yêu thương, trân trọng mọi người. Xem chi tiết…