Nhà viết kịch Hoàng Luyện

Nhà viết kịch Hoàng Luyện


Hoàng Luyện tên thật là Phạm Vũ La sinh ngày 3/4/1925 tai xã Dĩ Sử, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Đây là mảnh đất giàu truyền thống đấu tranh Cách mạng đồng thời cũng là địa phương thuộc chiếu chèo Đông nổi tiếng.

Tiếng dội của phong trào Cách mạng chính tại nơi chôn rau cắt rốn những năm tháng sôi động 1936-1939, đã làm rung chuyển nhận thức cả một thế hệ thanh thiếu niên trong đó có cậu bé Phạm Vũ La. Để rồi sang tuổi thanh niên – đầu năm 1943 Hoàng Luyện đã chính thức thoát ly gia đình đứng trong đội ngũ chiến sĩ Cách mạng hoạt động bí mật hoặc công khai. Khi tiếng súng chống thực dân pháp bùng nổ thì Hoàng Luyện trở thành một cán bộ năng động xông xáo khi giữ vai trò chủ bút tờ báo của tỉnh, lúc làm công tác tuyên huấn ở khu Tả ngạn.

Do yêu cầu của thực tế Cách mạng, Hoàng Luyện đã cầm bút viết ca dao, hò vè động viên, tuyên tuyền các tầng lớp nhân dân tham gia kháng chiến. Rồi từ đó làm quen với sân khấu lửa trại lưu động của thời kháng chiến mà chắp bút hàng loạt những hoạt cảnh, những kịch ngắn hoặc những lớp chèo phục vụ kịp thời phong trào du kích vùng ven tả ngạn sông Hồng.

Thế là từ một cán bộ hoạt động bí mật trở thành hạt nhận tích cực của văn nghệ quần chúng. Càng tham gia phong trào diễn kịch, đền Chèo cơ sở, khả năng sáng tác tiềm ẩn sâu xa trong con người Hoàng Luyện càng được dịp bộc lộ. Với tinh thần hiếu học, cần cù, Hoàng Luyện đã không ngừng rèn luyện bản thân, vươn mình thử sức sáng tác từ kịch ngắn đến ngững vở dài với vóc dáng của một tác giả sân khấu. Năm 1957, hoàn thành bản thảo “Chử Đồng Tử – Tiên Dung” dựa theo sự tích của chuyện kể dân gian được ngay một đoàn Cải lương chuyên nghiệp nhận dựng. Qua năm 1959,Hoàng Luyện lại cho ra mắt kịch bản “Bà mẹ sông Hồng”, lấy hiện thực của cuộc kháng chiến vừa qua làm chất liệu mô tả. Đây là tác phẩm tiêu biểu nhất của Hoàng Luyên, đồng thời cũng được thừa nhận là thành tựu đáng tự hào của bộ môn nghệ thuật sân khấu Cải lương đi vào đề tài chiến tranh Cách Mạng. Vở diễn qua diễn xuất của đoàn Cải lương Kim Phụng đã nhận huy chương vàng tại hội diễn sân khấu chuyên nghiệp năm 1962.

“Bà mẹ sông Hồng” khắc hoạ chân thật, sinh động và đầy sức truyền cảm cuộc đời của một bà mẹ Việt nam Anh Hùng tiêu biểu cho truyền thống yêu nước, bất khuất, trung hậu, đảm đang của người phụ nữ Việt nam mới là tấm gương cho nhiều người tin tưởng vào đường lối Cách mạng và hăng say lao động sản xuất.

Bằng tài năng và tâm huyết với nghệ thuật đã được khẳng định qua thực tế sáng tác, Hoàng Luyện được điều động về công tác tại vụ nghệ thuật (nay là Cục Nghệ thuật biểu diễn) trực thuộc bộ văn hoá thông tin từ năm 1960. Trong lúc về hưu vào năm 1991. Trong môi trường mới, với nhiều thuận lợi và cả những đòi hỏi cao hơn, Hoàng Luyện vẫn giữ được cốt cách của một nghệ sĩ – chiến sĩ. Một mặt tự học, nâng cao trình độ chuyên môn, mặt khác tiếp tục mạch sáng tác vốn có, âm thầm và cần mẫn lần lượt công bố liên tiếp những kịch bản mới như “Nắng tháng Tám( 1970);Bài ca mùa Xuân” (1976 ), “Vó ngựa trong mây” (1983), “Giấc mộng hoa đào” (1987); Dưới dạng thức Cải lương và loạt sáng tác theo hình thức Chèo như “Suối lệ vườn xưa”, “Cánh buồm nâu”, “Trên đồi quang vinh”, “Nàng tiên áo trắng” … Một số vở diễn của ông được nhiều đơn vị sân khấu trên cả nước dàn dựng như: Đoàn Cải lương Kim Phụng, đoàn Cải lương Chuông Vàng – Hà Nội, Nhà hát Cải lương Trung ương, đoàn Cải lương Hải phòng, đoàn Cải lương Bình Minh – Nam định, đoàn Cải lương Lúa Vàng – Quảng Ninh, Đoàn Cải lương Tuý Nguyệt – Đà Nẵng, đoàn Cải lương Tiếng Ca sông Cửu long, đoàn Cải lương Hương Dạ Thảo – Minh Hải và các đoàn chèo Thanh Hoá, Hải Hưng, .. Đặc biệt, vở Bà mẹ trên sông Hồng” đã trải qua đêm diễn thứ 2000 và được xem như một sự kiện của sân khấu.

Qua 40 năm cầm bút, Hoàng Luyện sáng tác không thật dồi dào về số lượng, không kể những vở ngắn, hoạt cảnh thời kháng chiến mang tính chất thử bút, những tác phẩm chính của ông chỉ khoảng hơn mười kịch bản dài. Nhưng điều đáng ghi nhận là sự nhất quán trong hành trình sáng tác tạo của người nghệ sỹ này.Trước sau ông chỉ thuỷ chung với hai bộ môn sân khấu kịch hát mà mình am hiểu nhất, là Chèo và Cải lương và cũng chỉ thao thức đi về với hai mảng đề tài mà ông tâm đắc là hiện thực đấu tranh Cách mạng cùng những chiến công của cuộc kháng chiến cứu nước và việc khai thác, chiếu rọi ánh sáng mới vào những tích truyện dân gian. Phải chăng chính ý thức thâm canh, chuyên sâu vào lĩnh vực sở trường nhất của bản thân mình, Hoàng Luyện đã sáng tạo nên những tác phẩm sân khấu gây tiếng vang lớn trong dư luận, trở thành những giá trị có ý nghĩa cắm mốc một thời kỳ phát triển chuyên nghiệp hoá của bộ môn nghệ thuật sân khấu Cải lương Việt Nam hiện đại.



Chức năng phản hồi của bài viết này đang tạm dừng.