NSƯT Khánh Hợi: Nhân chứng cuối cùng của thế hệ đầu đàn cải lương Bắc

Cải lương sinh ra và phát triển thịnh vượng ở miền Nam, nhưng lại có những nghệ sĩ từ Hà Nội làm các ngôi sao Cải lương thượng thặng đất Sài Gòn phải kính nể. Một trong số ít đó, là cặp vợ chồng NSND Sỹ Tiến – NSƯT Khánh Hợi…
Lễ tang “lão tướng” vừa diễn ra sáng qua (15/8), tại Nhà tang lễ Quốc gia. Cuộc đời trăm năm của nghệ sĩ Khánh Hợi là hội tụ những độc đáo chưa từng có.
Tại sao lại là “lão tướng”? – NSƯT Lê Đại Chức (Nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam), học trò của NSND Sỹ Tiến – NSƯT Khánh Hợi, qua điếu văn xúc động, đã làm hiện lên chân dung một nghệ sĩ hiếm biệt: Chuyên và là bậc thầy của các vai nam võ, dũng tướng.
8 tuổi theo nghề diễn
Tính tuổi đời đến lúc qua đời, NSƯT Khánh Hợi (sinh năm Quý Hợi 1923) là nghệ sĩ biểu diễn cao tuổi nhất Việt Nam. Làm sao tìm thấy người thứ hai là nhân chứng sân khấu Cải lương Hà thành từ đầu thập niên 30, thế kỉ trước, ở năm 2022?
Năm 2020, tôi xem phim tài liệu về nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi, từ Pháp về, ra mắt tập về họa sĩ Thang Trần Phềnh. Tôi nhớ ra đây là người thầy đầu tiên, người tuyển cô bé Hợi năm 1931 vào gánh hát của ông. Thang Trần Phềnh là người Hoa sống ở phố cổ Hà Nội, họa sĩ thiết kế bối cảnh sân khấu. Mọi cảnh trí của vở diễn là phông của ông. Thường bầu gánh chủ yếu là người có của hoặc diễn viên đi lên. Họa sĩ mà lập ban, gánh, dạy nghề từ nhi đồng là hiếm. Ít lâu sau, tôi gặp nhà báo Thang Đức Thắng (Nguyên Tổng Biên tập báo điện tử VnExpress) trao đổi khi biết anh là cháu nội họa sĩ Phềnh.

Nghệ sĩ Khánh Hợi đóng vai Lã Bố trong vở “Lã Bố hí Điêu Thuyền”.
Mồ côi cha năm 7 tuổi, cô bé Hợi là con thứ trong gia đình 4 chị em. Trên có chị gái Chanh, dưới là hai em Dung, Khôi. 5 mẹ con sống túng thiếu tại 11 Hàng Hành. Mẹ pha trà, Chanh và Hợi xách đi bán cùng với ít thuốc lào vặt. Hợi thường bán hết trước chị gái, vì Hợi mau mắn chào hỏi lễ phép và còn hát tặng mọi người. Được tuyển vào Đồng Ấu ban của Thang Trần Phềnh, Hợi nhận 3 đồng bạc Đông Dương mỗi tháng, đủ mua gạo ăn cho mấy mẹ con. Sớm nhận gánh vác gia đình, Hợi chăm chỉ học nghề: rèn ca, luyện vũ đạo, dọn dẹp sân khấu, tự lập sớm không nề hà nhọc mệt. Cô bé Hợi học giỏi nhất, thường được chọn làm mẫu cho cả lớp. Chớm thiếu nữ, Khánh Hợi có vai thứ, tại Nhật Tân ban.
Và 17 tuổi nổi danh là đào chính, lại chuyên là “kép võ”. Hiếm diễn viên nào vừa hát hay, diễn tốt lại vũ đạo điêu luyện thế. Thôi thì gươm đao khiên trượng vào tay Khánh Hợi cứ là vun vút cực mãn nhãn. Khán giả nữ mê tít, kể cả đầm Tây cũng… chặn cửa rạp mà theo tận nhà, dù biết thừa là nữ.
Vì đam mê nghề, trách nhiệm với bầu gánh (vai/tiết mục đinh không thể ai thay, mà không có không được, vì nó hút khách nuôi cả đoàn) mà bụng bầu bó lại, Khánh Hợi lại mặc bộ giáp, hổ phù nặng trĩu, chân đi hia cao, xiến chân dịch chuyển, thoắt nhảy từ bục xuống, khi lại phi thân. Một lần diễn ở Thanh Hóa năm 1947, bà sảy thai. Đến 1957, khi bầu to bà vẫn đai giáp làm võ tướng ở rạp Chuông Vàng.
Vợ chồng nghệ sĩ Sỹ Tiến – Khánh Hợi thời trẻ.
Những ngôi sao sáng mãi
Khởi quen, Sỹ Tiến – Khánh Hợi phục tài nhau và lẫy lững làm nên thời vàng son đỉnh cao của Cải lương Bắc khi cùng là ngôi sao của Đoàn Tố Như. Sỹ Tiến (1916 – 1982) – chú bé trốn nhà đi bộ ra ga tìm tàu xe vào Nam, dừng ở Huế tham gia gánh xiếc mong kiếm chút tiền dắt lưng, cuốc bộ qua đèo Hải Vân, xuyên miền Trung vào Nam Bộ học nghề. Tự học, đọc, tích trải vốn sống, Sỹ Tiến sau này đã viết nên những cuốn lịch sử đa lĩnh vực, đặc biệt là giáo khoa thư cho Cải lương Việt Nam.
Chưa có kép nào người Hà Nội có dung mạo tuấn tú, diễn hay như Sỹ Tiến nên ông đã thành ngôi sao trên quê hương Cải lương, được gặp, cộng tác với những tên tuổi lớn thế hệ đầu. Chính ông đã đưa Cải lương ra Bắc, phát triển nó trong vai trò tác giả, đạo diễn và người thầy lớn.
Thầm thương đào Hợi, Sỹ Tiến – tác giả đầu tiên đưa quốc sử lên sân khấu đã dành cho “kép võ” đặc biệt này những vai mà không ai diễn qua/bì được. Giao vai, vì thấy được tố chất, năng lực. Song để toả sáng thành ngôi sao sân khấu, Khánh Hợi chịu sự rèn giũa hà khắc của chồng cũng là người thầy lớn nhất của bà. Bà đóng vai nào là vai ấy thành điển hình, vai mẫu.

Lão nghệ sĩ Khánh Hợi đi ăn tại nhà hàng Paris. Ảnh: Gia đình cung cấp.
Khánh Hợi là trường hợp hiếm khi sự nghiệp lẫy lừng bằng vai nam, mở đầu là Lã Bố năm 1940. Sau này khi nghệ sĩ gạo cội Phùng Há cũng nổi tiếng bằng vai Lã Bố ra Hà Nội, xem Khánh Hợi diễn Lã Bố, đã chắp tay “Xá, xá!” nể phục. Vì vũ đạo, nhất là tay của Phùng Há không mạnh mẽ bằng Khánh Hợi. Khánh Hợi mê hoặc người xem đến mức làm họ không “để ý” đấy là nữ, thậm chí biết là “đào” vẫn coi là “kép”. Các vai: Khương Linh Tá, Khương Tử Nha, Trọng Thuỷ (vở Mỵ Châu Trọng Thuỷ), Trần Khắc Chung (vở Huyền Trân công chúa), Đinh Văn Tả (vở Mạc Tuyết Lan) lẫn các tích cổ: Hứa Tiên (Thanh xà Bạch xà), Tàn phá Cô Tô…
Năm 1946, Sỹ Tiến dẫn đầu đoàn diễn viên theo chỉ đạo của Trần Huy Liệu, vào vùng kháng chiến. Không biết đi xe đạp, bàn chân ông lúc thiếu thời qua bao dặm, khi trung niên lại rong ruổi khắp Hà thành phát báo Cứu quốc. Người nghệ sĩ toàn năng ấy đã lấy ngôi sao Khánh Hợi năm 1942. Họ cống hiến cho lĩnh vực đào tạo, dạy nên một thế hệ vàng cả trong biểu diễn và sáng tác: Mộng Dần, Tuấn Sửu, Bích Được, Tường Vy, Nhật Minh, Ngọc Thụ, Huỳnh Điệp, Bích Lân…

Nghệ sĩ Khánh Hợi cùng vợ chồng con gái Lệ Quyên (bìa phải) và Kim Duyên đi chơi. Ảnh: Gia đình cung cấp.
Đoàn Tố Như là đoàn lớn mạnh nhất của Cải lương Bắc trước 1954. Sau 1954, Đoàn Chuông Vàng lại tiếp tục ngời danh. Nghệ sĩ Kim Chung (chị gái NSƯT Tiêu Lang – bác ruột NSND Như Quỳnh) còn làm nên kỳ tích với sự giúp đỡ tài chính của chồng – Bầu Long: lập 13 đoàn Kim Chung tại Sài Gòn, làm mưa làm gió một thời “át” cả Cải lương Nam Bộ.
Là Liên đoàn trưởng Liên đoàn Ca kịch Thủ đô (tương đương Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội ngày nay), Sỹ Tiến đã góp công lớn cho cách mạng sân khấu. Không chỉ đưa quốc sử lên sàn diễn, ông là người đầu tiên chuyển kiệt tác Kiều lên sân khấu mà toàn bộ thoại là thơ Sỹ Tiến. Tại Hội diễn Sân khấu toàn miền Bắc 1962, vở Kiều rực sáng bởi hàng loạt Huy chương Vàng. Năm 1964, Sỹ Tiến chỉnh lý nhuận sắc, sửa kết cho vở Đời cô Lựu của Trần Hữu Trang hay hơn, tác giả gửi lời cảm ơn qua Đài Phát thanh giải phóng. Em trai ông – NSƯT Sỹ Hùng đã dựng vở này cho Đoàn Cải lương Phương Đông Hải Phòng khi là lãnh đạo đoàn, giúp đào Phi Nga tỏa sáng vai để đời – cô Lựu, sau bà được phong NSND.
Năm 1966, chủ khảo Sỹ Tiến trong Liên hoan sân khấu đã hạ HCV của Khánh Hợi xuống Bạc, dù hoàn toàn là “Vàng ròng”.

Hình ảnh nghệ sĩ Khánh Hợi cùng hai con gái và con rể tại đồi Montmartre. Ảnh: Gia đình cung cấp.
Khí khái thế, thanh bạch thế, cả đời Sỹ Tiến không một lần đi nước ngoài, không được phân nhà. Vậy mà ông luôn tự hào về sự giàu có. Giàu bạn, giàu trò, được tin trọng nên Sỹ Tiến lập Quốc Hoa ca kịch đoàn với mong muốn tạo cơ hội, sân khấu cho lớp trẻ. Trụ sở Đoàn là rạp Thái Bình Dương (Nhà hát Ca múa Thăng Long, 31 Lương Văn Can hiện nay). Một tác giả, thầy tuồng quá chuyên tâm sáng tác, không biết đếm tiền, sao tính toán lỗ lãi mà gánh cơm áo cho gần trăm con người. Quốc Hoa tan. Song dư âm về người thầy uy danh thì còn vang truyền mãi.
Xem sổ lưu bút sinh nhật tuổi 60 của Sỹ Tiến, tổ chức năm 1975, tôi choáng về những bạn hữu yêu mến ông: Thế Lữ, Trần Văn Giàu, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Tuân, Phạm Văn Khoa, Vũ Khiêu, Lưu Trọng Lư, Văn Cao, Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm, Lê Đại Thanh, Hoàng Quốc Việt, Huy Cận, Hoàng Minh Giám, Đoàn Phú Tứ, Ngọc Giao, Ái Liên, Lưu Quang Thuận… lứa hậu bối: Trà Giang, Đoàn Dũng… toàn các tên tuổi thượng thặng, bậc thầy, dàn sao chói sáng… Tinh hoa hội tụ trên căn gác nhà 24 Lương Ngọc Quyến, trung tâm rạp hát, ăn chơi kinh kỳ.
Gầy rộc vì viết đêm ngày nuôi 8 đứa con và đàn cháu, Sỹ Tiến sống thanh bạch nhưng luôn sang. Sang vì không bao giờ kêu khó nghèo khổ nhọc. Sang vì vợ lúc nào cũng hào phóng hiếu khách, dành cho bạn chồng những gì ngon nhất có thể, dù có lúc gia cảnh túng phải bán nữ trang. Khi tuổi 97, sát bách niên, lão nghệ sĩ Khánh Hợi vẫn nhớ lời thoại Đinh Văn Tả khóc trước mộ Mạc Tuyết Lan. Kịch bản Mạc Tuyết Lan thuộc cụm tác phẩm được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh 2012, vốn là niềm vui cuối cùng mà nghệ sĩ Kim Chung báo với đàn anh khi Sỹ Tiến nằm trên giường bệnh: Mạc Tuyết Lan diễn thành công tại Paris 1982.

Nghệ sĩ Khánh Hợi tại nhà con gái Lệ Quyên ở Pháp. Ảnh: Gia đình cung cấp.
Cuối đời, nghệ sĩ Khánh Hợi hay nhắc kí ức. Người già sống bằng hồi tưởng. Bà nhớ chồng. Nhớ cả kỉ niệm Xuân 1981. “Hôm đó, ông Sỹ Tiến có áo khoác dạ mới, lâu lắm mới chịu cho vợ sắm áo mới. Mặc ra phố về thì không thấy. Hỏi thì ông kể là tình cờ gặp chú Lưu Quang Thuận. Anh em quý nhau, dù chú là lĩnh vực Chèo. Chú ấy tỏ ý thích cái áo, nên tôi cởi tặng luôn”. Cái áo khoác năm ấy là tài sản khá, Sỹ Tiến vui một thì vợ vui ba. Vì bà hay bị tiếng “tiêu hoang” xởi lởi, không những không tiếc rẻ mắng chồng như phụ nữ thường tình, bà Hợi lại trách: “Thế mà ông không kéo chú ấy vào ăn cơm”.
Ngờ đâu, câu trách của vợ thành tiếc nuối của hai ông bà vì chỉ ít ngày sau Tết đó thì tác giả Lưu Quang Thuận đột ngột gục xuống trước khi mở màn vở kịch “Herostratos – Kẻ đốt đền” tại Nhà hát Lớn.
Hội ngộ 40 năm
Là vợ chồng 40 năm, Sỹ Tiến ra đi. 40 năm, nghệ sĩ Khánh Hợi là quả phụ. Sinh thời, ông chưa từng xuất ngoại, thì về già, bạn đời ông được đi sau tuổi 70. Bà sang Mỹ ở với con trai Ái Hữu, bà sống nhiều năm ở Pháp với gia đình con gái Lệ Quyên – Nữ hoàng nhạc nhẹ đầu tiên của Việt Nam, từ đó qua Bỉ, Hà Lan, sang Đức thăm cháu nội. Tới đâu, bà đều nhận được trầm trồ không chỉ vì đại thọ tinh anh, mà vì họ được diện kiến nghệ sĩ Khánh Hợi – một người Hà Nội phố cổ nguyên chất (vợ chồng bà đều sinh ra tại lõi Hoàn Kiếm), nhân chứng cuối cùng của thế hệ sân khấu đầu tiên Việt Nam.
Bốn câu thơ GS, NGND Hoàng Như Mai (1919 – 2013) hoạ lại thơ Sỹ Tiến thật duyên định cho những cuộc đời sân khấu: “Buông tấm màn rồi, danh vọng hết/ Người về, trút lại mọi sầu thương/ Người vào, cởi áo lau son phấn/ Bỏ lại vinh hoa lẫn đoạn trường”.

Hai chị em lão nghệ sĩ Khánh Hợi và Tiêu Lang cùng con gái của họ – Lệ Quyên (bìa trái) và Như Quỳnh (phía sau) tại sân nhà nghệ sĩ Như Quỳnh ở 48 Hàng Đào, Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hữu Bảo
Người về là khán giả sau buổi diễn. Người vào là diễn viên.
Cuộc đời thiêu thân tận hiến cho sân khấu của Sỹ Tiến – Khánh Hợi và thế hệ đầu tiên thiệt thòi cả danh, lợi lẫn tư liệu để lại mai sau vì hiếm băng hình và ít ảnh. Kí ức người xem vẫn luân lưu, lịch sử kịch hát dân tộc và sân khấu thế kỷ XX không thể quên cống hiến vô song của họ.
Hồi ký Những mảnh tình nghệ sĩ mà Sỹ Tiến xuất bản từ 1952, tôi đọc lại mấy lần vẫn ngỡ ngàng về kiến văn, không kìm nổi lệ. Qua 70 năm, tâm can ấy vẫn bỏng cháy tình yêu lớn.
Sau gần 40 năm cách biệt sống trong thương nhớ, 16/8/2022, lão nghệ sĩ Khánh Hợi được đoàn tụ với phu quân tại nghĩa trang quê chồng, Thường Tín, Hà Nội. Tôi tin, nếu có kiếp sau thì họ lại dốc sinh lực và năm tháng đẹp nhất đời mình cho thánh đường Cải lương với mê say vô hạn./.


Gửi phản hồi cho bài viết