Bài viết trong » Tháng Tám, 2020 «
Một trong những cái khó của việc viết kịch bản về đề tài lịch sử là sự hư cấu nghệ thuật không có đất mà vẫy vùng. Nếu như không khéo, người viết rất dễ sa vào lối mòn xưa là kể lại một câu chuyện đã biết bằng ngôn ngữ khác. Nhà văn Vũ Thanh Lịch đã vượt qua được lối mòn này khi viết kịch bản vở cải lương ‘Phận má đào’ vừa được khán giả đón nhận nhiệt tình khi trình diễn tại Nhà hát Cải lương Hà Nội.
Nhà văn Vũ Thanh Lịch hiện đang là đương kim quán quân của cuộc thi truyện ngắn do tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức. Lần này, chị thử nghiệm mình với kịch bản sân khấu, một thể loại mà rất nhiều nhà văn đã không thành công, bởi ngôn ngữ sân khấu và ngôn ngữ văn học khác nhau rất nhiều. Nhà văn viết kịch thường có văn nhưng ít kịch tính, bởi thế mạnh của văn chương là ở tâm lý, ở tả cảnh tả tình, ít khi lưu tâm vào sự kiện và sự biến như sân khấu.
“Phận má đào” kể về cuộc đời của công chúa Phất Kim, con gái của Đinh Tiên Hoàng. Công chúa được gả cho Ngô Nhật Khánh là một trong 12 sứ quân, và chính Đinh Tiên Hoàng cũng lấy mẹ của sứ quân này. Đây rõ ràng là một cuộc hôn nhân thuần túy về mặt chính trị, để giúp vị hoàng đế họ Đinh có thể quy giang sơn về một mối.
Dù là lần đầu viết kịch, nhưng nhà văn Vũ Thanh Lịch đã phần nào tránh được lối mòn kể lại câu chuyện lịch sử bằng ngôn ngữ khác. Kịch bản của chị có thêm một vài nhân vật, không có trong chính sử, có tham gia vào câu chuyện nhưng không làm sai lệch lịch sử. Với hiểu biết của mình về vùng đất Ninh Bình nơi mình sinh ra, lớn lên và cống hiến, Vũ Thanh Lịch gần như tung hết những hiểu biết của mình về lịch sử cũng như dân gian cho kịch bản. Và đó là điều tạo nên sự hấp dẫn của vở diễn.
Vở cải lương này quy tụ gần như những ngôi sao sáng nhất của Nhà hát Cải lương Hà Nội. Nghệ sĩ nhân dân Phạm Thanh Hương trong vai mẹ Ngô Nhật Khánh. Như mọi lần nghệ sỹ nhân dân Phạm Thanh Hương không bao giờ làm cho khán giả thất vọng. Với bản lĩnh sân khấu và nhất là khả năng làm chủ giọng ca cũng như lối diễn, chị đã lột tả đến tận cùng nỗi đau của nhân vật khi không thể khuyên nhủ con mình dừng việc soán ngôi trước khi quá muộn. Phạm Thanh Hương, còn rất biết “tới, lui” để nhường đất diễn cho bạn nghề, chỉ dồn sức vào cảnh độc thoại nội tâm của mình.
Nghệ sĩ Quang Tuấn trong những năm gần đây được đồng nghiệp đánh giá cao với những vai kép độc, và lần này, nhân vật Ngô Nhật Khánh được anh đẩy lên tận cùng, khi mà sự đam mê quyền lực đã khiến con người ta trở nên điên loạn và không kiểm soát được bản thân.
Chỉ tiếc một điều, Nghệ sĩ ưu tú Hồng Nhung trong vai công chúa Phất Kim lại không phát huy được hết những khả năng tiềm tàng của mình, có lẽ do khi thành vở diễn, nhân vật không được khai thác nhiều lắm. Trong khi, với thanh sắc của mình, Hồng Nhung hoàn toàn có thể khiến khán giả thăng hoa nhiều hơn nữa theo những cung bậc cảm xúc của nhân vật.
Đáng tiếc nhất là vai Thủy Tùng, người tình thời thanh mai trúc mã của công chúa Phất Kim do nghệ sĩ trẻ Nhật Linh thể hiện, lại không được đào sâu cho đến tận cùng, mà chỉ thấp thoáng đi qua đời công chúa. Bởi Nhật Linh với thanh sắc của mình, có thể tạo nên một vai phụ ấn tượng như cách anh tận hiến với sân khấu không kể vai lớn hay nhỏ.
Nghệ si ưu tú Hoàng Viện, một trong những giọng ca đẹp nhất của cải lương Bắc, vẫn tiếp tục tròn vai như mọi khi với vai diễn Tiên Hoàng. Chỉ tiếc, anh đã không thể hiện hết khí chất quân vương của một trong những vị hoàng đế có được ngai vàng từ chiến công chứ không phải do truyền lại. Nếu như Hoàng Viện trau chuốt thêm cách diễn xuất sao cho nhân vật tỏa ra một cái uy lớn hơn nữa, thì nhân vật do anh thủ vai sẽ trở thành mẫu mực của dạng vai thứ chính.
Với kịch hát truyền thống, nhiều khi, điều đọng lại với khán giả nhất lại là cách ca diễn. Với “Phận má đào”, điều này lại một lần nữa được khẳng định. Các nhân vật trong “Phận má đào” được ca theo chất cải lương Bắc, tạo ra một nét riêng như từ lâu nay Nhà hát Cải lương Hà Nội vẫn vậy. Mỗi đoàn nghệ thuật có truyền thống và bề dày đều có chất, hay còn gọi là phong cách riêng, bởi nghệ thuật cần cá tính, khán giả cần cá tính.
Nhà hát Cải lương Hà Nội, với tiền thân là các đoàn cải lương nghệ thuật lừng danh như Kim Phụng, Chuông Vàng, vẫn tiếp nối được điều ấy. Người ta đi nghe hát trước khi gọi là đi xem hát. “Phận má đào” làm rất tốt điều đó khi mà dung lượng bài bản vừa đủ, sử dụng linh hoạt, khi cần bi ai sẽ bi ai, khi cần da diết sẽ da diết, và khi đủ để lột tả tâm trạng thì bài ca dừng lại nhường đất cho diễn xuất.
Về tổng thể, “Phận má đào” chỉn chu, gọn gàng, giàu chất tự sự, tuy nhiên Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Quỳnh Mai, đạo diễn vở cải lương còn để xảy ra một vài hạt sạn không đáng có như trong lời của nhân vật có câu “lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”, nó giống hoàn toàn một câu trong danh tác “Kiều” của thi hào Nguyễn Du, mà xét về thời điểm thì thời nhà Đinh tồn tại trước khi danh tác này ra đời rất lâu, nên ở một góc độ nào đó cũng sẽ làm cho người xem có một sự liên tưởng nào đó.
Cũng một điều tiếc nữa, do tận dụng quá mức khả năng ca diễn tự sự của các diễn viên, mà vở diễn hơi dài và có phần nặng nề với khán giả. Tuy nhiên, trong bối cảnh cải lương đang ngày càng khó tìm được những kịch bản hay thì “Phận má đào” xứng đáng là một thỏi nam châm kéo người xem đến rạp!./.
Bảo Thoa
Được Sự đồng ý của Lãnh đạo Sở VH&TTHN, ngày 13/08/2020 Nhà hát Cải lương Hà Nội đã tổng duyệt tác phẩm mới “Phận Má Đào”
Tác giả: Vũ Thanh Lịch
Đạo diễn và chuyển thể Cải lương: NSND Hoàng Quỳnh Mai
Phó đạo diễn: NSND Thanh Hương
Âm nhạc: NSND Hoàng Anh Tú
Thiết kế mỹ thuật và thực hiện trang trí: NSƯT Đạt Tăng
Thực hiện phục trang: NSƯT Minh Hùng
Biên đạo múa: NS Lê Phương
Chỉ đạo nghệ thuật: Giám đốc – Nhạc sĩ Phạm Bá Chỉnh
Dưới đây là một số hình ảnh trong buổi tổng duyệt:
TTO – Lần đầu tiên sân khấu cải lương kể chuyện về nàng công chúa nhà Đinh – nàng Phất Kim, con vua Đinh Tiên Hoàng – qua vở diễn Phận má đào. Vở diễn vừa được Nhà hát Cải lương Hà Nội tổng duyệt tại rạp Hồng Hà, Hà Nội tối 13-8.
Phận má đào được mở ra từ câu chuyện vua Đinh Tiên Hoàng (NSƯT Hoàng Viện) thu phục các sứ quân cùng thuận lòng quy phục triều đình, trong số đó có sứ quân vẫn một mực chống đối – Ngô Nhật Khánh (nghệ sĩ Bạch Quang Tuấn) trấn ở Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội.
Vì thấy Ngô Nhật Khánh là người có tài và cũng vì không muốn tiếp tục binh đao đổ máu, vua dùng kế sách kết nối mối thâm giao gia đình khi ông kết hôn với mẹ Ngô Nhật Khánh, đồng thời gả cô con gái yêu của mình là Phất Kim (nghệ sĩ Hồng Nhung) cho hắn.
Bắt đầu từ đây, nàng công chúa Phất Kim đành chôn chặt mối tương tư với chàng lái đò năm xưa mà dấn thân vào cuộc hôn nhân chính trị những mong giúp cha bớt kẻ thù, cũng là giúp cho đất nước thái bình.
Từ kịch bản văn học của nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phận má đào được đạo diễn – NSND Hoàng Quỳnh Mai chuyển thể sang cải lương và trực tiếp dàn dựng. Lãng mạn đan cài hiện thực, Hoàng Quỳnh Mai khéo léo khắc họa nàng công chúa Phất Kim với biệt tài “thêu hoa kết ngọc” nên những đôi mắt của các linh vật trên những tấm hoàng bào.
Những tưởng nàng chỉ biết vui vầy bên khung cửi nhưng khi đất nước cần thì chính những đường kim mũi chỉ và tấm lòng trung trinh ái quốc của nàng đã kết thành linh khí nhấn chìm tham vọng của kẻ phản bội.
Phận má đào có một thiết kế sân khấu khá ấn tượng khi được “phủ kín” bởi 9 khung gỗ. Những khung gỗ ấy không hề khô cứng mà biến ảo, lúc là những khung cửi để công chúa thêu hoàng bào, lúc lại là bức bình phong thấp thoáng dáng hình thiếu nữ, lúc hóa thành đôi phượng uyên ương…
Đặc biệt, chính những khung gỗ ấy xếp hình thành đoàn thuyền vượt biển mang công chúa nhà Đinh quyết theo Ngô Nhật Khánh để ngăn cản chồng mưu phản…
Bởi thế, bên cạnh sự mùi mẫn của những câu vọng cổ, điệu lý của cải lương cùng chút bảng lảng từ những giai âm của ca trù, vở diễn còn khá hấp dẫn về phần nhìn.
Tuy nhiên, sẽ thuyết phục hơn nếu như các vai được trau chuốt, tự nhiên hơn, cũng như trang phục nhân vật gần với bối cảnh lịch sử câu chuyện được kể.
Theo nhạc sĩ Phạm Bá Chỉnh – giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội, nhà hát sẽ tiếp tục chỉnh sửa vở để công diễn trước khán giả thủ đô khi dịch Covid-19 được kiểm soát.