Bài viết trong » «

NHỮNG BÀI VIẾT VỀ BUỔI TỔNG DUYỆT VỞ CẢI LƯƠNG “NƯỚC MẮT KHÔNG CHẢY NGƯỢC” NGÀY 27/09/2016.

 

09:24 | 28/09/2016

Bản in Email

Khán giả bật khóc khi xem vở ‘Nước mắt không chảy ngược’

(PetroTimes) - Chạm đến vấn đề muôn thuở là chữ “Hiếu” trong gia đình, thế nhưng cách chuyển tải thông điệp trong vở kịch mới của Nhà hát Cải lương có tên “Nước mắt không chảy ngược” đã khiến người xem phải bật khóc…!

Trong buổi tổng duyệt vở diễn mới có tên “Nước mắt không chảy ngược” của Nhà hát Cải lương vào tối qua (27/9), rạp Đại Nam chật kín người xem, rất nhiều khán giả đã phải khóc với thông điệp mà vở diễn chạm đến.

Vẫn là cốt chuyện cũ, vẫn là vấn đề muôn thuở là đề cập đến chữ Hiếu thế nhưng phải công nhận rằng “Nước mắt không chảy ngược” đã chạm tới trái tim của bất kỳ ai khi xem vở diễn này.

Người ta thường nhắn nhủ với nhau rằng, những ai còn mẹ cha nên trân quý những phút giây được sống bên đấng sinh thành. Nhưng sống với người mẹ già vì tháng năm tuổi tác nên bệnh tật, nhớ nhớ, quên quên. Nhớ những chuyện xưa thật là xưa, quên những yêu cầu con van lạy mẹ nhớ. Để rồi mẹ vô tình trở thành tác nhân đem đến nhiều phiền toái cho con cái.

Chuyện kể về cuộc đời người mẹ nhặt rác nuôi ba con khôn lớn

Đó là câu chuyện đầy bi kịch mà “Nước mắt không chảy ngược” đưa đến trong gia đình của ba anh em Minh – Hiếu – Mẫn. Mỗi anh em họ một tính cách, dẫn tới việc đối xử với mẹ già khác nhau… Từ những áp lực cuộc sống, sự ích kỷ trong bản ngã của mỗi con người mà họ đã vô tình đưa mẹ già vào những dằn vặt tội lỗi.

Nhà viết kịch Vương Huyền Cơ đã rất khéo léo khi đưa đến những nút thắt trong “Nước mắt không chảy ngược”.

Nhưng lại gặp phải bi kịch khi con cái đạt đến đỉnh cao của danh vọng

Dằn vặt của người mẹ

Cái hay của vở kịch ở chỗ đưa những chi tiết rất thường nhật của cuộc sống hiện đại hôm nay, khi mà những đứa con vì quá bận rộn bon chen nơi thành thị mà quên đi nơi quê nhà luôn có mẹ già ngóng đợi.

Những bi kịch được đẩy đến đỉnh cao khi mẹ già trở nên lạc lõng với thời cuộc, không biết được con cái mình đang cần gì, theo đuổi điều gì… Mẹ càng cố gắng để tốt cho con, thì càng lấn sâu vào bi kịch, để rồi vô tình trở thành “tội đồ” khi tước đi cơ hội phát triển của con cái mình.

Đi tìm mẹ ở bệnh viện nhưng Minh và Mẫn lại không nhớ nổi tên chính xác tên thật của mẹ mình

Đau đớn nào hơn khi người mẹ nhặt rác đã một đời lam lũ vì con thế nhưng khi con đạt đến đỉnh cao sự nghiệp thì vì danh vọng lại chối bỏ quá khứ. Vì danh vọng mà làm tổn thương chính người đã sinh thành, cưu mang và nuôi dưỡng mình.

Tất cả những tình tiết ấy được chuyển tải nhẹ nhàng, không giáo điều mà cứ thế đi vào lòng người xem. Có một phần bi kịch được đẩy lên ở chỗ, khi các con đã nhận ra rằng mình sai thì người mẹ đã đi xa mãi.

Khi nhận ra lỗi lầm thì mẹ đã đi xa mãi

Cái kết ấy đem đến sự tiếc nuối, nỗi xót xa, cay đắng, tuy phũ phàng nhưng khiến người xem phải thức tỉnh. Và chỉ riêng thông điệp “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc” đã là thành công lớn của “Nước mắt không chảy ngược”.

“Nước mắt không chảy ngược” của tác giả Vương Huyền Cơ được chuyển thể cải lương bởi NSƯT Triệu Trung Kiên, do đạo diễn NSƯT Trần Quang Hùng, Nhà hát Cải lương thực hiện. Được biết, sau buổi tổng duyệt này vở kịch sẽ được đưa vào phục vụ công chúng tại Rạp Chuông Vàng, Hà Nội.

Huyền Anh

Văn hóa – Nghệ thuật17:18 | 28/09/2016

“Nước mắt không chảy ngược” và những nghịch lý cuộc đời

(LV) – Tối 27/9, Nhà hát Cải lương đã tổ chức báo cáo vở diễn “Nước mắt không chảy ngược” tại rạp Đại Nam. Với đề tài không mới nhưng vở diễn đã nêu bật lên những nghịch lý của cuộc đời. Những nghịch lý gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh trong thực tế của xã hội đương đại.

 >>> Kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Nhà hát Cải lương Việt Nam

Những nghịch lý cuộc đời

Nhà viết kịch Vương Huyền Cơ khéo léo đẩy những nghịch lý lên cao trào, rồi từ từ chạm vào từng góc khuất trong tâm hồn mỗi nhân vật. Mẫn – hình ảnh một cô gái chớm chạm đến ngưỡng của tiền tài và danh vọng đã quay lại chối bỏ cái quá khứ mà cô vốn cho là “nghèo hèn”, cái quá khứ mà người mẹ “nhặt rác” tảo tần sớm hôm để cho cô có một cuộc sống như hôm nay. Cái quá khứ mà cái tên Khế của cô cũng nhếch nhác, quê mùa. Vì danh vọng mà cô sẵn lòng trà đạp, tổn thương người đã nuôi dạy mình thành người. Còn Minh – đứa con dứt ruột của bà thì lại là một người đàn ông nhu nhược, hám danh. Anh mong mẹ nhắc lại cái quá khứ đau thương, nghèo hèn để lấy lòng lãnh đạo. Nhưng không, người mẹ ấy lại nói những lời dối trá mà Mẫn đã muốn bà học thuộc để đánh bóng cho thanh thế gia đình. Tác giả đã cố tình đan xen sự nhớ – quên, quên – nhớ của căn bệnh quái ác kia. Nhưng thực tế, đằng sau sự nhớ quên ấy là tấm lòng bao la của người mẹ rất mực thương con, luôn hướng con mình sống một cách chân thật, không hề giả dối.

 

Một cảnh trong vở diễn.

Nghịch lý tiếp theo được tác giả đưa đến khiến người xem bật cười trong đau đớn, một thực trạng đáng buồn khi hai người con được xem là con đẻ không nhớ nổi họ tên của mẹ mình. Đau đớn thay, người hết lòng rong ruổi khắp mọi nơi tìm mẹ đi lạc lại chính là đứa con nuôi mà cả Minh và Mẫn luôn đùn đẩy trách nhiệm của mình. Và cũng thật công bằng khi, người mẹ ấy chỉ nhớ đến Hiếu – đứa con nuôi luôn hiếu thuận với mình.

 

Cao trào của những nghịch lý.

Và đỉnh điểm khi sự phân biệt, tranh giành giữa con đẻ – con nuôi được đẩy lên một cao trào, khán giả không khỏi bất ngờ vì sự thật: Mẫn và Hiếu chính là hai đứa con nuôi được bà nhặt về cùng lúc. Và bi kịch đã dấy lên khi những người con nhận ra những sai lầm, ăn năn hối lỗi thì cũng là lúc người mẹ không còn trên cõi đời. Cái kết ấy đem đến sự tiếc nuối, nỗi xót xa, cay đắng, tuy phũ phàng nhưng khiến không ít người xem phải thức tỉnh.

Và những thông điệp cuộc sống

Thành công của vở diễn chính là những thông điệp được tác giả khéo léo chuyển tải một cách nhẹ nhàng mà sâu lắng. Những thông điệp đằng sau tấn bi kịch ấy chính là tình yêu thương vô bờ bến là sự giáo dục nhân cách lối sống của người mẹ dành cho những đứa con. Thông điệp tiếp theo chính là “một mẹ nuôi được 10 con chứ 10 con không chăm nổi mình mẹ” đó là một thông điệp gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh trong xã hội hiện nay. Và thông điệp cuối cùng mà nhà viết kịch Vương Huyền Cơ muốn gửi đến công chúng chính là chữ “hiếu” được gửi gắm qua câu thơ “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc, đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không”.

 

Những thông điệp cuộc đời.

Bằng những tình tiết rất thật, rất hiện đại vở diễn đã đem đến cho công chúng những cung bậc cảm xúc khác nhau. Bạn Nguyễn Duy Mạnh (26 phố Hàng Cân) một khán giả trung thành với nghệ thuật cải lương chia sẻ: Sau khi xem xong vở diễn, tôi thấy mình cần phải biết trân trọng những hạnh phúc bên cạnh và đặc biệt là vai trò của chữ “hiếu” trong cuộc sống đương đại. Có thể nói vở diễn mang giá trị giáo dục, nhân văn cao đẹp”.

“Nước mắt không chảy ngược” của tác giả Vương Huyền Cơ được chuyển thể cải lương bởi NSƯT Triệu Trung Kiên, do đạo diễn NSƯT Trần Quang Hùng, Nhà hát Cải lương thực hiện. Được biết, sau buổi tổng duyệt này vở kịch sẽ được đưa vào phục vụ công chúng tại Rạp Chuông Vàng, Hà Nội.

Tố Oanh