Khi hoa nở trái mùa: Thông điệp về sự thức tỉnh!

(suckhoedoisong.vn)

Thứ Ba, 06/12/2011 08:24

Lâu lắm mới thấy một vở diễn có tìm tòi và xây dựng được một kết cấu chặt khá hấp dẫn, có tính thuyết phục như Khi hoa nở trái mùa của Nhà hát Cải lương Hà Nội. Vở diễn dung dị nhưng sâu lắng với một thông điệp về sự thức tỉnh của con người dù có lúc lầm lỗi.

Tác giả Chu Thơm tỏ ra có nghề nhưng không “thợ” với cách xây dựng nhân vật. Chú rể Phong trong ngày cưới phát hiện trong đống quà mừng “chiếc khăn trinh tiết” của ai đó gửi và cơn ghen, sự hồ đồ ích kỷ khiến anh ra đi bỏ mặc cô dâu Hoài với đứa con trong bụng. Hoài bị oan và không thể thanh minh đã tìm đến cái chết. Tại bờ sông, Hoài gặp người bạn cũ là nghệ sĩ nhiếp ảnh cứu và rồi họ lấy nhau.

Cái bi kịch khởi đầu ấy đeo đẳng suốt 20 năm dù Thiết yêu con riêng của vợ như con đẻ. Lòng biết ơn không làm nên tình yêu và Thiết chán chường sa vào rượu chè cùng những cuộc tình bất tận. Hoài muốn ly hôn nhưng Thiết không đồng ý. Phong sau 20 năm tìm về muốn nhận lại con nhưng Hoài cũng chẳng thuận

Cảnh trong vở “Khi hoa nở trái mùa”

Thế rồi toàn bộ tuyến kịch và nhận thức của các nhân vật bỗng đảo ngược khi Thiết bị trọng bệnh. Biết mình sắp chết, Thiết đồng ý ly hôn nhưng Hoài lại đau đớn phản đối là một nét nhân bản khi viết về phụ nữ. Nguyện vọng của Thiết trước khi chết muốn được ghép trái tim mình cho con nuôi đang bị bệnh tim bẩm sinh và muốn nói lên sự thật nhưng Phong lại muốn giữ kín vì người nuôi dưỡng, yêu thương con mình mới thực sự là cha. Với cách tổ chức xung đột để thay đổi nhận thức nhân vật theo kiểu đảo chiều của tác giả làm vở diễn có chiều sâu, mang được tính nhân văn sâu sắc.

Đạo diễn, NSƯT Trần Quang Hùng sau một loạt vở dàn dựng thành công gần đây như một hiện tượng sân khấu lại một lần nữa thành công trong cách thể hiện kịch bản bằng ngôn ngữ đạo diễn rất riêng, có phong cách ở Khi hoa nở trái mùa. Không sa vào trò, miếng để câu khách dễ dãi, anh tìm sự hấp dẫn của vở diễn qua việc khai thác chiều sâu nội tâm nhân vật, đi đến tận cùng những góc khuất của tâm hồn nhân vật. Lớp kịch “trả ảnh người tình cũ” gọn mà sinh động thể hiện sự bất cần, thậm chí ích kỷ của nhân vật nhưng trong con người ích kỷ ấy có tình yêu thương con nuôi thật sự, yêu đến nồng nàn. Những chi tiết kịch được đạo diễn chăm chút, chuẩn bị khiến hành động kịch phát triển tự nhiên, tính cách nhân vật và phẩm chất bên trong được bộc lộ một cách logic, làm nên tính thuyết phục. Cảnh  kịch “trong bệnh viện” là cảnh kịch xúc động nhất mang được thông điệp toàn vở diễn nhưng không gò ép và áp đặt. Xúc động còn bởi cảm xúc khán giả được đạo diễn chuẩn bị suốt tuyến hành động để đến cao trào bùng nổ thành nhận thức về sự cảm thông và tha thứ trong cuộc sống này.

Thành công của vở diễn không thể không nói đến tác giả chuyển thể Triệu Trung Kiên với những lời ca mượt mà, đậm chất dân gian trong một vở kịch hát đích thực chứ không phải “kịch nói pha ca” như vẫn thường gặp.

Giữa lúc sân khấu ngập tràn hề kịch hoặc những vở diễn vô thưởng vô phạt khiến khán giả quay lưng thì sự xuất hiện của Khi hoa nở trái mùa là một tín hiệu đáng mừng bởi sự nghiêm túc trong kịch bản và dàn dựng cũng như tính nhân văn trong nội dung vở diễn.

Khi hoa nở trái mùa là vở diễn đáng xem và suy ngẫm. Tập thể sáng tạo của Nhà hát Cải lương Hà Nội đã lao động nghiêm túc, để lại được dấu ấn trong lòng khán giả sau đêm diễn với những dấu hỏi cõng nặng suy tư trong đầu khi tấm màn nhung khép lại…

Lưu Thủy


Gửi phản hồi cho bài viết