Bài viết trong » «
(Theo Báo TUỔI TRẺ – cơ quan của Đoàn TNCSHCM- TPHCM
- Số 236/2013 ngày 1/9/2013)
Rạp Chuông Vàng Hà Nội, một tối giữa tuần mà chật như nêm. Không phải là đêm Nhà hát Cải lương Hà Nội có vở diễn mới ra mắt mà là đêm người Hà Nội được ca…
Ngoài 70 tuổi, bà Đỗ Thanh Tân vẫn lên sân khấu. Bà Tân hát Dạ cổ hoài lang dù không thể nhả hơi dài nhưng vẫn mùi mẫn. Lần từng bậc rời sân khấu, bà Tân bảo: “lúc trẻ tôi mê Chuông Vàng, Kim Phụng. Nhưng mê chỉ để chiêm ngưỡng nghệ sĩ, sân khấu từ xa. Ai ngờ đến lúc đầu hai thứ tóc tôi lại được đặt chân vào thánh đường, được diễn cùng Nghệ sĩ”.
“Diễn hay quá!”, “Anh Tài An khổ quá!”, nhiều người khe khẽ thốt lên. Lời khen ấy khán giả dành cho đôi vợ chồng Thu Hương và Tài An cùng lên sân khấu với trích đoạn Máu nhuộm sân chùa.
Người Hà Nội ở nội, ngoại thành mê cải lương có đủ thành phần: giáo viên, nhà báo, công chức, bảo vệ, kỹ sư xây dựng, lao động tự do … Nhưng lực lượng đông đảo nhất vẫn là giới doanh nhân, tiểu thương nhỏ lẻ. Có thể giữa dòng đời khô khan, cứng nhắc, thậm chí chao chát, xô bồ. Vậy nhưng mỗi đêm, khi được đứng dưới ánh đèn sân khấu, mỗi người lại đắm mình trong những lời ca, vai diễn cùng tâm hồn nghệ sĩ phơi phới. Lê Gia Thanh (quản lý xây dựng) thành chàng công tử Hà thành với bài tân cổ Tiếng hát tình yêu. Văn Tài (chủ cơ sở đồ gỗ) mang bộ quân phục say sưa với ca khúc Cung đàn mới. Bích Dậu (kinh doanh thuốc bắc) lại hoá thân thành nàng Chiêu Quân đầy nỗi niềm …
Đã một năm trôi qua, mỗi tháng đôi lần các tài tử đều được diễn trên sân khấu của rạp Chuông Vàng. Đêm nào cũng đông kín khán giả mà phần nhiều là những người thân được mời đến để thưởng thức tài nghệ của họ. Từ đây, người Hà Nội thoả lòng mơ ước được một lần lên sân khấu. Nhưng có lẽ cái lợi lớn hơn vẫn là Nhà hát Cải lương Hà Nội. Nhà hát đã bằng cách này hay cách khác khéo léo kéo khán giả về với cải lương giữa thời sân khấu vắng vẻ. “Chúng tôi muốn tạo sân chơi để người Hà Nội trở về với cải lương như những năm 1980-1990. Hơn nữa, chính họ sẽ nói cho chúng tôi nghe khán giả hôm nay cần gì” – NSUT Trần Quang Hùng, giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội, nói.
Chưa đến 20h đã mở màn nhưng đêm kỷ niệm một năm chương trình “Tiếng đờn, giọng ca Cải lương hội tụ giữa lòng Hà Nội” tối 27/8 không thể khép lại trước 23h. Cũng vì tài tử nào cũng muốn diễn, muốn hát. Phần nhiều giọng hát đã đến độ mượt nhưng cách diễn của họ vẫn ngượng ngập. Có người hồi hộp quá còn quên cả lời, bước chân luýnh quýnh. Nhưng sao tất cả đều đáng yêu, đáng nhớ …
Tác giả: Đức Triết