Bài viết trong » «
Chương trình Tiếng đờn, giọng ca cải lương hội tụ giữa lòng Hà Nội của Nhà hát Cải lương Hà Nội sau một năm hoạt động, đã có 14 chương trình được thực hiện. Ngày kỷ niệm vừa tròn 1 tuổi của chương trình đã được Nhà hát cùng với đội ngũ cộng tác viên, những nghệ sĩ không chuyên chuẩn bị công phu. Dường như không còn ranh giới giữa chuyên nghiệp và nghiệp dư ở đêm diễn này. Tất cả chỉ còn lại sự háo hức, tưng bừng, thể hiện hết sự nhiệt tâm với nghệ thuật Cải lương. Lãnh đạo Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cùng các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ và rất đông khán giả yêu Cải lương đã tới dự đêm diễn.
Hình ảnh các Nam, nữ tài tử của chương trình “Tiếng đờn, giọng ca Cải lương hội tụ giữa lòng Hà Nội” kỷ niệm 01 năm hoạt động chương trìnhÔng Nguyễn Văn Trực, trưởng phòng Quản lý nghệ thuật của Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch rất vui mừng với thành công của chương trình và đánh giá, đây là một chương trình rất tốt, rất có ý nghĩa trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Nhà hát đã làm được một trong những hoạt động có sức lan tỏa trong cộng đồng và thực hiện đúng chủ trương phát triển văn hóa không chỉ trông chờ vào các nghệ sĩ chuyên nghiệp, trông chờ vào nguồn ngân sách Nhà nước mà đã mạnh dạn thực hiện phát triển văn hóa theo phương thức xã hội hóa. Có thể nói, đây là hoạt động đi rất đúng với tinh thần Nghị quyết TW 5 về phát triển văn hóa và rất cần được khuyến khích khi tạo sân chơi lành mạnh cho người dân.
Nam tài tử Đình Hải và nữ tài tử Thục Quyên thể hiện tiết mục kỷ niệm 01 năm hoạt động chương trình “Tiếng đờn, giọng ca Cải lương hội tụ giữa lòng Hà Nội”NSND Mạnh Tưởng cũng rất phấn khởi với kết quả này. Người nghệ sĩ lão thành của nghệ thuật Cải lương đã phát biểu:
“ Đây là một chương trình thể hiện được sự công phu, kết quả lao động sáng tạo nghệ thuật vất vả của anh em nghệ sĩ Nhà hát và của các nghệ sĩ tài tử. Theo tôi, đây là một hướng phát triển rất tốt, tuy về mặt kinh tế không lớn nhưng đã đạt tới cái đích nghề nghiệp khi có giá trị thúc đẩy, tạo đà cho nghệ thuật Cải lương đi sâu hơn vào tâm thức công chúng. Nhìn lại lịch sử phát triển của Cải lương thì có thể thấy, miền Bắc tuy không phải là chiếc nôi sản sinh loại hình nghệ thuật này nhưng sự hưởng ứng và niềm đam mê đối với Cải lương không hề thua kém bất kỳ địa phương nào. Ngay từ những năm đầu khi phong trào Đàn ca tài tử tiến dần lên thành hình thức sân khấu Cải lương thì khắp các tỉnh thành như Hải Phòng, Nam Định, Hà Nội, Thanh Hóa… phong trào đàn ca các bài bản Cải lương cũng diễn ra rầm rộ. Vì vậy, khi Nhà hát Cải lương Hà Nội có ý tưởng và mạnh dạn thực hiện chương trình thật đáng biểu dương. Anh em tài tử có nơi sinh hoạt, tạo môi trường hoạt động như một thú vui thanh tao và sau đó là sự lan tỏa tình yêu Cải lương. Một chương trình nhưng có nhiều tác dụng như: giúp khôi phục phong trào đờn ca Cải lương ở phía Bắc, kích thích tình yêu đối với Cải lương trong công chúng, tạo được nguồn cho những ai có khả năng bước vào con đường nghề nghiệp… Theo tôi, cần nhân rộng mô hình chương trình này, đặc biệt là trong bối cảnh Đờn ca tài tử đang trong thời kỳ trình lên UNESCO để được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của VN…”
Nữ tài tử Bích Dậu – một người rất ham mê ánh đèn sân khấu Nhà hát Cải lương Hà NộiNSUT Triệu Trung Kiên, người cũng có ý tưởng cho ra đời chương trình Đờn ca tài tử, khoảng trời phương Nam thì khẳng định, chương trình của Nhà hát Cải lương Hà Nội và chương trình của anh có nhiều điểm tương đồng về mục đích nhưng cách thức hoạt động có khác. Chương trình của anh và các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam là chương trình của các nghệ sĩ chuyên nghiệp biểu diễn, có sự giao lưu góp vui của các khách mời, các khán giả. Trong khi đó, chương trình Tiếng đàn giọng ca Cải lương giữa lòng Thủ đô lại là chương trình lấy các nghệ sĩ không chuyên, những người yêu thích Cải lương làm trung tâm, là sân chơi của họ và các nghệ sĩ chuyên nghiệp chỉ là người cùng tham gia, giúp đỡ. Cả hai đều là những chương trình làm phong phú thêm cho hoạt động nghệ thuật, đa dạng hóa các hình thức để tạo dựng niềm đam mê Cải lương cho đông đảo công chúng và có những điểm mạnh riêng. Về chương trình của Nhà hát Cải lương Hà Nội, NSUT Triệu Trung Kiên cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, thực hiện được như Nhà hát là rất tốt rồi, thật khó có thể làm tốt hơn được. Tuy còn có những điểm chưa thật hoàn chỉnh như sự ngỡ ngàng, nhịp phách chưa thật chỉnh… nhưng các chương trình thật sinh động, làm thành vẻ hồn nhiên, hồ hởi, tinh khôi của những nghệ sĩ không chuyên. Có được những chương trình như vậy cần ghi nhận công lao của NSUT Trần Quang Hùng, giám đốc Nhà hát cùng tập thể nghệ sĩ…
NSUT Trần Quang Hùng và nữ tài tử Thanh Vân trong trích đoạn “Mẹ của chúng con” nhân kỷ niệm 01 năm hoạt động chương trình “Tiếng đờn, giọng ca Cải lương hội tụ giữa lòng Hà Nội”Đánh giá chung về đêm kỷ niệm 1 năm hoạt động của Chương trình, tất cả những người tham dự đều rất tán đồng cách làm như một lễ hội nghệ thuật nhỏ của Cải lương. Sự lan tỏa sức ảnh hưởng của những Chương trình như thế này trong cộng đồng là điểm không thể phủ nhận. Chính từ một mặt bằng yêu thích, đam mê nghệ thuật của quân chúng, nghệ thuật Cải lương chuyên nghiệp mới có được nguồn nội lực cần thiết để tiếp tục đi tiếp và phát triển tới đỉnh cao… Có mặt trong đêm đó mới cảm nhận hết cái hay, cái đẹp cũng như tình yêu dành cho loại hình nghệ thuật này dường như chưa bao giờ phai nhạt trong lòng công chúng Thủ đô.
Một số hình ảnh của lễ Kỷ niệm 01 năm hoạt động chương trình
“Tiếng đờn, giọng ca Cải lương hội tụ giữa lòng Hà Nội”