Bài viết trong » Tháng Chín, 2013 «

“Khi hoa nở trái mùa” Dự án phối hợp điện ảnh ra mắt khán giả thủ đô!

(sankhau.com.vn)

19/09/2013 4:58:09 CH

Tối 18/9, tại Rạp Hồng Hà (Hà Nội), Nhà hát Cải lương Hà Nội đã ra mắt vở cải lương đương đại “Khi hoa nở trái mùa” được lồng ghép ngôn ngữ điện ảnh. Đây là tác phẩm thứ 2 trong dự án đưa ngôn ngữ điện ảnh vào tác phẩm sân khấu của Nhà hát Cải lương Hà Nội.

Việc đưa tiếng động, âm thanh của nghệ thuật điện ảnh phục vụ cho sinh hoạt, hành động của diễn viên trong tác phẩm sân khấu đương đại “Khi hoa nở trái mùa” có mục đích như cầu nối làm liền mạch tác phẩm, sân khấu không còn bị gián đoạn giữa các màn. Với cách làm như vậy, không gian của sự việc rõ ràng được mở rộng, làm tăng tính hiệu quả tổng thể.

 

Một cảnh trong vở “Khi hoa nở trái mùa”

Hướng đi mới này của Nhà hát Cải lương Hà Nội hiện đang nhận được nhiều luồng phản ứng trái chiều từ phía khán giả và giới chuyên môn. “Sân khấu và điện ảnh (nhất là loại hình nghệ thuật Cải lương) có nên song hành trong cùng một tác phẩm nghệ thuật?” lại một lần nữa được đặt ra với “Khi hoa nở trái mùa”.

 

Vở cải lương “Khi hoa nở trái mùa” xoay quanh câu chuyện của một hoạ sĩ yêu đắm say người thiếu nữ nhưng cô lại lựa chọn người bạn khác. Quá cay đắng, anh ta đã nguỵ tạo chứng cứ cùng bức thư giả để làm quà tặng hôn lễ. Đúng đêm tân hôn, gói quà được mở ra. Chú rể là người quá coi trọng sự hoàn hảo, không thể chấp nhận tình huống có thể bị cô dâu lừa dối nên hôn nhân tan vỡ. Cô gái với mầm sống trong bụng mình đã không thể chịu đựng nổi tình trạng oan trái, gieo mình tự vẫn. Nhưng cô đã được anh hoạ sĩ cứu sống và chấp nhận cô cùng đứa con trong bụng mà anh yêu quí như con đẻ.

 

Hai mươi năm sau… rất nhiều đổi thay đã đến với gia đình nhỏ của họ khi người bố hoàn toàn biến thành người khác và mắc trọng bệnh. Cô con gái nhỏ bị bệnh tim cần phải được phẫu thuật thay tim. Ông bố, trước cái chết cận kề, sự thật và những mối quan hệ rắc rối của 20 mươi năm trước đã bộc lộ mong đến sự thông cảm, thấu hiểu và xin được tha thứ.

 

Trước “Khi hoa nở trái mùa”, Nhà hát Cải lương Hà Nội từng cho ra mắt khán giả vở “Yêu là thoát tội” cũng theo hình thức lồng ghép giữa nghệ thuật sân khấu và nghệ thuật điện ảnh(?)

 

Một số thông tin về vở cải lương “Khi hoa nở trái mùa”:

 

Tác giả: Chu Thơm

Chuyển thể cải lương: Thạc sĩ, NSƯT Triệu Trung Kiên

Cố vấn văn học: PGS, TS Phạm Quang Long

Cố vấn nghệ thuật: NSƯT Trần Quốc Chiêm

Đạo diễn: NSƯT Trần Quang Hùng

Trợ lí đạo diễn: NSƯT Thanh Hương

Thư ký đạo diễn: Thu Hà

Âm nhạc: Đào Trung

Thiết kế mỹ thuật: NSƯT Tất Ngọc

Biên đạo múa: Hoàng Thùy Linh

Hướng dẫn ca hát: Mỹ Vân

Âm thanh: Ngọc Tiến

Ánh sáng: Anh Thao, Hồng Hải, Bá Bảo

Chủ nhiệm công trình: Tô Hồng

Chỉ đạo nghệ thuật: Giám đốc Nhà hát – NSƯT Trần Quang Hùng

Chỉ huy đêm diễn: Lại Xuân Tiến

 

Bảng phân vai:

 

Hoài: NSƯT Thanh Hương – Hồng Nhung

Phong: Quang Tuấn

Thiết: Hoàng Viện

Hoài Thu: Thu Hường – Diệu Linh

Cam Ly: Thy Nhung – Phương Hà

Lộc: Xuân Đại– Đôn Hồ

Bà mẹ: Kim Dung – Ngọc Dung

Giáo sư: Hoàng Dân

Người mẫu: Thuỳ Trang, Thanh Hà, Vân Anh,

Bác sĩ, y tá: Đức Long, Công hợp, …

 

Cùng tập thể nam, nữ nghệ sĩ, nhạc công, kỹ thuật viên tham gia biểu diễn.

 

Hội NSSK VN

 

Khi hoa nở trái mùa: Thông điệp về sự thức tỉnh!

(suckhoedoisong.vn)

Thứ Ba, 06/12/2011 08:24

Lâu lắm mới thấy một vở diễn có tìm tòi và xây dựng được một kết cấu chặt khá hấp dẫn, có tính thuyết phục như Khi hoa nở trái mùa của Nhà hát Cải lương Hà Nội. Vở diễn dung dị nhưng sâu lắng với một thông điệp về sự thức tỉnh của con người dù có lúc lầm lỗi.

Tác giả Chu Thơm tỏ ra có nghề nhưng không “thợ” với cách xây dựng nhân vật. Chú rể Phong trong ngày cưới phát hiện trong đống quà mừng “chiếc khăn trinh tiết” của ai đó gửi và cơn ghen, sự hồ đồ ích kỷ khiến anh ra đi bỏ mặc cô dâu Hoài với đứa con trong bụng. Hoài bị oan và không thể thanh minh đã tìm đến cái chết. Tại bờ sông, Hoài gặp người bạn cũ là nghệ sĩ nhiếp ảnh cứu và rồi họ lấy nhau.

Cái bi kịch khởi đầu ấy đeo đẳng suốt 20 năm dù Thiết yêu con riêng của vợ như con đẻ. Lòng biết ơn không làm nên tình yêu và Thiết chán chường sa vào rượu chè cùng những cuộc tình bất tận. Hoài muốn ly hôn nhưng Thiết không đồng ý. Phong sau 20 năm tìm về muốn nhận lại con nhưng Hoài cũng chẳng thuận

Cảnh trong vở “Khi hoa nở trái mùa”

Thế rồi toàn bộ tuyến kịch và nhận thức của các nhân vật bỗng đảo ngược khi Thiết bị trọng bệnh. Biết mình sắp chết, Thiết đồng ý ly hôn nhưng Hoài lại đau đớn phản đối là một nét nhân bản khi viết về phụ nữ. Nguyện vọng của Thiết trước khi chết muốn được ghép trái tim mình cho con nuôi đang bị bệnh tim bẩm sinh và muốn nói lên sự thật nhưng Phong lại muốn giữ kín vì người nuôi dưỡng, yêu thương con mình mới thực sự là cha. Với cách tổ chức xung đột để thay đổi nhận thức nhân vật theo kiểu đảo chiều của tác giả làm vở diễn có chiều sâu, mang được tính nhân văn sâu sắc.

Đạo diễn, NSƯT Trần Quang Hùng sau một loạt vở dàn dựng thành công gần đây như một hiện tượng sân khấu lại một lần nữa thành công trong cách thể hiện kịch bản bằng ngôn ngữ đạo diễn rất riêng, có phong cách ở Khi hoa nở trái mùa. Không sa vào trò, miếng để câu khách dễ dãi, anh tìm sự hấp dẫn của vở diễn qua việc khai thác chiều sâu nội tâm nhân vật, đi đến tận cùng những góc khuất của tâm hồn nhân vật. Lớp kịch “trả ảnh người tình cũ” gọn mà sinh động thể hiện sự bất cần, thậm chí ích kỷ của nhân vật nhưng trong con người ích kỷ ấy có tình yêu thương con nuôi thật sự, yêu đến nồng nàn. Những chi tiết kịch được đạo diễn chăm chút, chuẩn bị khiến hành động kịch phát triển tự nhiên, tính cách nhân vật và phẩm chất bên trong được bộc lộ một cách logic, làm nên tính thuyết phục. Cảnh  kịch “trong bệnh viện” là cảnh kịch xúc động nhất mang được thông điệp toàn vở diễn nhưng không gò ép và áp đặt. Xúc động còn bởi cảm xúc khán giả được đạo diễn chuẩn bị suốt tuyến hành động để đến cao trào bùng nổ thành nhận thức về sự cảm thông và tha thứ trong cuộc sống này.

Thành công của vở diễn không thể không nói đến tác giả chuyển thể Triệu Trung Kiên với những lời ca mượt mà, đậm chất dân gian trong một vở kịch hát đích thực chứ không phải “kịch nói pha ca” như vẫn thường gặp.

Giữa lúc sân khấu ngập tràn hề kịch hoặc những vở diễn vô thưởng vô phạt khiến khán giả quay lưng thì sự xuất hiện của Khi hoa nở trái mùa là một tín hiệu đáng mừng bởi sự nghiêm túc trong kịch bản và dàn dựng cũng như tính nhân văn trong nội dung vở diễn.

Khi hoa nở trái mùa là vở diễn đáng xem và suy ngẫm. Tập thể sáng tạo của Nhà hát Cải lương Hà Nội đã lao động nghiêm túc, để lại được dấu ấn trong lòng khán giả sau đêm diễn với những dấu hỏi cõng nặng suy tư trong đầu khi tấm màn nhung khép lại…

Lưu Thủy

Đưa điện ảnh vào vở cải lương “Khi hoa nở trái mùa”!

(hanoimoi.vn)

Thứ hai, 16/09/2013 15:34

Sau thời gian thử nghiệm việc đưa ngôn ngữ điện ảnh vào sân khấu cải lương, Nhà hát cải lương Hà Nội đã hoàn tất vở diễn mới “Khi hoa nở trái mùa”, dự định ra mắt vào tối 18-9.

Cảnh trong vở “Khi hoa nở trái mùa”

Việc thử nghiệm dự án mới đưa ngôn ngữ điện ảnh vào sân khấu cải lương bằng sự hỗ trợ của kỹ thuật Điện ảnh (Hình ảnh ngoại cảnh, nội cảnh và các âm thanh của tình huống) được Nhà hát Cải lương Hà Nội thực hiện từ lâu với mục đích mang đến hơi thở mới cho sân khấu cải lương đương đại.

Những yếu tố điện ảnh được đưa lên sân khấu để làm tăng tính hiệu quả tổng thể của vở diễn, mở rộng không gian của sự việc, “chạy cảnh” từ màn trước sang màn sau của quá trình diễn tiến vở diễn. Cách làm này của Cải lương Hà Nội đang nhận được nhiều phản hồi tích cực từ giới chuyên môn và khán giả yêu thích cải lương.

Vở diễn sân khấu “Khi hoa nở trái mùa” là một trong những sản phẩm thử nghiệm do NSƯT Trần Quang Hùng đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên chuyển thể cải lương.

Vở diễn là câu chuyện về một hoạ sĩ yêu đắm say người thiếu nữ nhưng cô lại lựa chọn người bạn khác. Quá cay đắng, anh ta đã nguỵ tạo chứng cứ cùng bức thư giả để làm quà tặng hôn lễ. Đúng đêm tân hôn, gói quà được mở ra. Chú rể là người quá trọng sự hoàn hảo, không thể chấp nhận tình huống có thể bị cô dâu lừa dối nên hôn nhân tan vỡ. Cô gái với mầm sống trong bụng mình đã không thể chịu đựng nổi tình trạng oan trái, gieo mình tự vẫn. Nhưng cô đã được anh hoạ sĩ cứu sống và chấp nhận cô cùng đứa con trong bụng mà anh yêu quí như con đẻ.

Hai mươi năm sau… rất nhiều đổi thay đã đến với gia đình nhỏ của họ khi người bố hoàn toàn biến thành người khác và mắc trọng bệnh. Cô con gái nhỏ lại có trái tim yếu đuối cần được thay. Trước cái chết cận kề, sự thật đã được bộc lộ để cần đến sự cảm thông, thấu hiểu và tha thứ…

Vở diễn với sự tham gia diễn xuất của dàn diễn viên có kinh nghiệm: NSƯT Thanh Hương – Hồng Nhung, Quang Tuấn, Hoàng Viện, Thu Liệu, Anh Thúy, Lưu Đạt, Quang Hưng, Thu Hường, Diệu Linh…

Vở diễn sẽ ra mắt vào 20h tối 18-9 tại rạp Hồng Hà, Hà Nội.

Hoàng Lân
Theo HNM

Lễ Giỗ Tổ ngành sân khấu – Nhà hát Cải lương Hà Nội

 

Nhân ngày Sân khấu Việt Nam 12/08 (âm lịch), với đạo lý uống nước nhớ nguồn – cây có gốc mới sinh ra cành ra ngọn, ăn quả nhớ người trồng cây, để tỏ lòng biết ơn nghiệp tổ, biết ơn các thế hệ nghệ sỹ những viên gạch đầu tiên đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp sân khấu cải lương.

Nhà hát Cải lương Hà Nội trân trọng tổ chức lễ dâng hương và báo cáo với Tổ và các cấp Lãnh đạo, các cụ, các bác, các cô chú nghệ sỹ những hoạt động của Nhà hát trong năm qua và những công việc, những dự án đang được thực hiện đến thời điểm này.

Đến dự Lễ giỗ Tổ ngành sân khấu Nhà hát Cải lương Hà Nội năm nay, có đại diện Lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nội cùng các cụ, các bác, các cô chú nghệ sỹ đã nghỉ hưu và toàn thể Cán bộ, nghệ sĩ, công nhân viên Nhà hát Cải lương Hà Nội dâng lên Tổ nghề những nén tâm hương cầu chúc cho nghiệp tổ ngày càng phát triển.

Sau đây là một số hình ảnh dâng hương trong lễ Giỗ Tổ ngành sân khấu của Nhà hát Cải lương Hà Nội.

KHI NGƯỜI HÀ NỘI ĐƯỢC CA CẢI LƯƠNG!

(Theo Báo TUỔI TRẺ – cơ quan của Đoàn TNCSHCM- TPHCM

- Số 236/2013 ngày 1/9/2013)

Rạp Chuông Vàng Hà Nội, một tối giữa tuần mà chật như nêm. Không phải là đêm Nhà hát Cải lương Hà Nội có vở diễn mới ra mắt mà là đêm người Hà Nội được ca…

Ngoài 70 tuổi, bà Đỗ Thanh Tân vẫn lên sân khấu. Bà Tân hát Dạ cổ hoài lang  dù không thể nhả hơi dài nhưng vẫn mùi mẫn. Lần từng bậc rời sân khấu, bà Tân bảo: “lúc trẻ tôi mê Chuông Vàng, Kim Phụng. Nhưng mê chỉ để chiêm ngưỡng nghệ sĩ, sân khấu từ xa. Ai ngờ đến lúc đầu hai thứ tóc tôi lại được đặt chân vào thánh đường, được diễn cùng Nghệ sĩ”.

“Diễn hay quá!”, “Anh Tài An khổ quá!”, nhiều người khe khẽ thốt lên. Lời khen ấy khán giả dành cho đôi vợ chồng Thu Hương và Tài An cùng lên sân khấu với trích đoạn Máu nhuộm sân chùa.

Người Hà Nội ở nội, ngoại thành mê cải lương có đủ thành phần: giáo viên, nhà báo, công chức, bảo vệ, kỹ sư xây dựng, lao động tự do … Nhưng lực lượng đông đảo nhất vẫn là giới doanh nhân, tiểu thương nhỏ lẻ. Có thể giữa dòng đời khô khan, cứng nhắc, thậm chí chao chát, xô bồ. Vậy nhưng mỗi đêm, khi được đứng dưới ánh đèn sân khấu, mỗi người lại đắm mình trong những lời ca, vai diễn cùng tâm hồn nghệ sĩ phơi phới. Lê Gia Thanh (quản lý xây dựng) thành chàng công tử Hà thành với bài tân cổ Tiếng hát tình yêu. Văn Tài (chủ cơ sở đồ gỗ) mang bộ quân phục say sưa với ca khúc Cung đàn mới. Bích Dậu (kinh doanh thuốc bắc) lại hoá thân thành nàng Chiêu Quân đầy nỗi niềm …

Đã một năm trôi qua, mỗi tháng đôi lần các tài tử đều được diễn trên sân khấu của rạp Chuông Vàng. Đêm nào cũng đông kín khán giả mà phần nhiều là những người thân được mời đến để thưởng thức tài nghệ của họ. Từ đây, người Hà Nội thoả lòng mơ ước được một lần lên sân khấu. Nhưng có lẽ cái lợi lớn hơn vẫn là Nhà hát Cải lương Hà Nội. Nhà hát đã bằng cách này hay cách khác khéo léo kéo khán giả về với cải lương giữa thời sân khấu vắng vẻ. “Chúng tôi muốn tạo sân chơi để người Hà Nội trở về với cải lương như những năm 1980-1990. Hơn nữa, chính họ sẽ nói cho chúng tôi nghe khán giả hôm nay cần gì” – NSUT Trần Quang Hùng, giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội, nói.

Chưa đến 20h đã mở màn nhưng đêm kỷ niệm một năm chương trình “Tiếng đờn, giọng ca Cải lương hội tụ giữa lòng Hà Nội” tối 27/8 không thể khép lại trước 23h. Cũng vì tài tử nào cũng muốn diễn, muốn hát. Phần nhiều giọng hát đã đến độ mượt nhưng cách diễn của họ vẫn ngượng ngập. Có người hồi hộp quá còn quên cả lời, bước chân luýnh quýnh. Nhưng sao tất cả đều đáng yêu, đáng nhớ …

Tác giả: Đức Triết

NGÀY HỘI CỦA NHỮNG GIỌNG CA TÀI TỬ!

Chương trình Tiếng đờn, giọng ca cải lương hội tụ giữa lòng Hà Nội của Nhà hát Cải lương Hà Nội sau một năm hoạt động, đã có 14 chương trình được thực hiện. Ngày kỷ niệm vừa tròn 1 tuổi của chương trình đã được Nhà hát cùng với đội ngũ cộng tác viên, những nghệ sĩ không chuyên chuẩn bị công phu. Dường như không còn ranh giới giữa chuyên nghiệp và nghiệp dư ở đêm diễn này. Tất cả chỉ còn lại sự háo hức, tưng bừng, thể hiện hết sự nhiệt tâm với nghệ thuật Cải lương. Lãnh đạo Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cùng các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ và rất đông khán giả yêu Cải lương đã tới dự đêm diễn.

Hình ảnh các Nam, nữ tài tử của chương trình “Tiếng đờn, giọng ca Cải lương hội tụ giữa lòng Hà Nội” kỷ niệm 01 năm hoạt động chương trình

Ông Nguyễn Văn Trực, trưởng phòng Quản lý nghệ thuật của Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch rất vui mừng với thành công của chương trình và đánh giá, đây là một chương trình rất tốt, rất có ý nghĩa trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Nhà hát đã làm được một trong những hoạt động có sức lan tỏa trong cộng đồng và thực hiện đúng chủ trương phát triển văn hóa không chỉ trông chờ vào các nghệ sĩ chuyên nghiệp, trông chờ vào nguồn ngân sách Nhà nước mà đã mạnh dạn thực hiện phát triển văn hóa theo phương thức xã hội hóa. Có thể nói, đây là hoạt động đi rất đúng với tinh thần Nghị quyết TW 5 về phát triển văn hóa và rất cần được khuyến khích khi tạo sân chơi lành mạnh cho người dân.

Nam tài tử Đình Hải và nữ tài tử Thục Quyên thể hiện tiết mục kỷ niệm 01 năm hoạt động chương trình “Tiếng đờn, giọng ca Cải lương hội tụ giữa lòng Hà Nội”

NSND Mạnh Tưởng cũng rất phấn khởi với kết quả này. Người nghệ sĩ lão thành của nghệ thuật Cải lương đã phát biểu:

“ Đây là một chương trình thể hiện được sự công phu, kết quả lao động sáng tạo nghệ thuật vất vả của anh em nghệ sĩ Nhà hát và của các nghệ sĩ tài tử. Theo tôi, đây là một hướng phát triển rất tốt, tuy về mặt kinh tế không lớn nhưng đã đạt tới cái đích nghề nghiệp khi có giá trị thúc đẩy, tạo đà cho nghệ thuật Cải lương đi sâu hơn vào tâm thức công chúng. Nhìn lại lịch sử phát triển của Cải lương thì có thể thấy, miền Bắc tuy không phải là chiếc nôi sản sinh loại hình nghệ thuật này nhưng sự hưởng ứng và niềm đam mê đối với Cải lương không hề thua kém bất kỳ địa phương nào. Ngay từ những năm đầu khi phong trào Đàn ca tài tử tiến dần lên thành hình thức sân khấu Cải lương thì khắp các tỉnh thành như Hải Phòng, Nam Định, Hà Nội, Thanh Hóa… phong trào đàn ca các bài bản Cải lương cũng diễn ra rầm rộ. Vì vậy, khi Nhà hát Cải lương Hà Nội có ý tưởng và mạnh dạn thực hiện chương trình thật đáng biểu dương. Anh em tài tử có nơi sinh hoạt, tạo môi trường hoạt động như một thú vui thanh tao và sau đó là sự lan tỏa tình yêu Cải lương. Một chương trình nhưng có nhiều tác dụng như: giúp khôi phục phong trào đờn ca Cải lương ở phía Bắc, kích thích tình yêu đối với Cải lương trong công chúng, tạo được nguồn cho những ai có khả năng bước vào con đường nghề nghiệp… Theo tôi, cần nhân rộng mô hình chương trình này, đặc biệt là trong bối cảnh Đờn ca tài tử đang trong thời kỳ trình lên UNESCO để được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của VN…”

Nữ tài tử Bích Dậu – một người rất ham mê ánh đèn sân khấu Nhà hát Cải lương Hà Nội

NSUT Triệu Trung Kiên, người cũng có ý tưởng cho ra đời chương trình Đờn ca tài tử, khoảng trời phương Nam thì khẳng định, chương trình của Nhà hát Cải lương Hà Nội và chương trình của anh có nhiều điểm tương đồng về mục đích nhưng cách thức hoạt động có khác. Chương trình của anh và các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam là chương trình của các nghệ sĩ chuyên nghiệp biểu diễn, có sự giao lưu góp vui của các khách mời, các khán giả. Trong khi đó, chương trình Tiếng đàn giọng ca Cải lương giữa lòng Thủ đô lại là chương trình lấy các nghệ sĩ không chuyên, những người yêu thích Cải lương làm trung tâm, là sân chơi của họ và các nghệ sĩ chuyên nghiệp chỉ là người cùng tham gia, giúp đỡ. Cả hai đều là những chương trình làm phong phú thêm cho hoạt động nghệ thuật, đa dạng hóa các hình thức để tạo dựng niềm đam mê Cải lương cho đông đảo công chúng và có những điểm mạnh riêng. Về chương trình của Nhà hát Cải lương Hà Nội, NSUT Triệu Trung Kiên cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, thực hiện được như Nhà hát là rất tốt rồi, thật khó có thể làm tốt hơn được. Tuy còn có những điểm chưa thật hoàn chỉnh như sự ngỡ ngàng, nhịp phách chưa thật chỉnh… nhưng các chương trình thật sinh động, làm thành vẻ hồn nhiên, hồ hởi, tinh khôi của những nghệ sĩ không chuyên. Có được những chương trình như vậy cần ghi nhận công lao của NSUT Trần Quang Hùng, giám đốc Nhà hát cùng tập thể nghệ sĩ…

NSUT Trần Quang Hùng và nữ tài tử Thanh Vân trong trích đoạn “Mẹ của chúng con” nhân kỷ niệm 01 năm hoạt động chương trình “Tiếng đờn, giọng ca Cải lương hội tụ giữa lòng Hà Nội”

Đánh giá chung về đêm kỷ niệm 1 năm hoạt động của Chương trình, tất cả những người tham dự đều rất tán đồng cách làm như một lễ hội nghệ thuật nhỏ của Cải lương. Sự lan tỏa sức ảnh hưởng của những Chương trình như thế này trong cộng đồng là điểm không thể phủ nhận. Chính từ một mặt bằng yêu thích, đam mê nghệ thuật của quân chúng, nghệ thuật Cải lương chuyên nghiệp mới có được nguồn nội lực cần thiết để tiếp tục đi tiếp và phát triển tới đỉnh cao… Có mặt trong đêm đó mới cảm nhận hết cái hay, cái đẹp cũng như tình yêu dành cho loại hình nghệ thuật này dường như chưa bao giờ phai nhạt trong lòng công chúng Thủ đô.

Một số hình ảnh của lễ Kỷ niệm 01 năm hoạt động chương trình

“Tiếng đờn, giọng ca Cải lương hội tụ giữa lòng Hà Nội”