Bài viết trong » Tháng Mười 18th, 2012«

Báo chí viết về Nghệ thuật sân khấu:

Văn hoá 

Thứ Năm, 18/10/2012 09:38 http://baotintuc.vn

Nghệ thuật truyền thống:

Muốn bảo tồn, trước tiên

phải ‘sống’

Báo tin tức – Trong một thế giới phẳng như hiện nay, các nền văn hóa trên thế giới dễ dàng tràn vào trong nước bằng nhiều con đường và nhiều hình thức. Chưa cần nói đến sự thay đổi về thị hiếu thưởng thức các loại hình văn hóa dưới tác động của toàn cầu hóa, thì việc bảo tồn các giá trị nghệ thuật truyền thống đã bị đặt vào thế khó. Vì thế, việc bảo tồn nghệ thuật biểu diễn truyền thống như chèo, tuồng, cải lương… luôn là niềm trăn trở khôn nguôi của người trong cuộc, nhất là những người có tâm huyết. Nhưng bảo tồn để duy trì hay bảo tồn để phát triển đang là câu hỏi không dễ gì có thể trả lời rành rẽ được.
Muốn bảo tồn, trước tiên phải “sống được”
Trước khi nói đến việc bảo tồn các loại hình nghệ thuật của sân khấu truyền thống, vấn đề không chỉ mang tính ngành nghề mà còn là cả một chủ trương của một quốc gia, thì người làm nghề bao giờ cũng nghĩ đến ý nghĩa tự thân của nó trước: Đó là làm thế nào để không mất đi cái nghề mà họ, những người hoặc theo nghề cha truyền con nối, hoặc vì niềm đam mê mà quyết tâm hướng chí đi theo; và làm thế nào có thể sống được bằng nghề?

 

Vì thế, yếu tố tự thân luôn khiến họ phải thay đổi, tìm hướng ra, tìm đất diễn, khán giả và tìm cho được cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đỡ đầu để họ có thể được diễn, được tiếp tục sống với nghề, sống bằng nghề. Và chính trong quá trình làm thế nào để “sống được” ấy đã góp phần vào việc bảo tồn các giá trị truyền thống của các loại hình nghệ thuật dân tộc.

 

Một cảnh trong vở cải lương “Mong gió đừng đổi chiều”.

Vậy vấn đề đặt ra là làm thế nào để người yêu nghề, say nghề có thể sống bằng nghề, tồn tại với nghề, phát triển nghề (cả trong nước và được thế giới biết tới) chứ không chỉ là làm thế nào để nghề ấy không mất đi; làm thế nào để chèo, tuồng, cải lương, múa rối, dân ca,… có đất diễn, có khán giả thật sự của riêng mình trước khi có được khán giả đại trà? Và quan trọng hơn cả là bảo tồn để phát triển chứ không chỉ để tồn tại?

 

Thực tế, đây là trăn trở của không chỉ người trong nghề, mà của cả những người luôn đau đáu về những giá trị truyền thống trước cơn bão xâm nhập văn hóa thời hội nhập. Trước đây, chèo, tuồng, cải lương… đều có khán giả nhất định, người ta hay nhắc đến đất diễn của chèo, múa rối, tuồng ở phía Bắc và cả Trung, Nam, cải lương ở phía Nam là chính, dân ca ở các miền. Chèo thì phải diễn ở sân đình nên người ta gọi là chiếu chèo, và trong không gian ấy, tiếng hát cất lên càng say đắm lòng người. Tích tuồng thì phải là đề tài “trung quân ái quốc”… như từ khi hình thành trong chốn cung đình.

 

Một cảnh trong vở cải lương “Khi hoa nở trái mùa”.

Tuy nhiên, vị thế của các loại hình này ngày một lui về phía sau, khi phim ảnh nước ngoài tràn vào, phim chiếu rạp giờ công chiếu gần như ngang bằng với bản địa, phim truyền hình Hàn Quốc kênh nào cũng có, giờ chiếu phim nào cũng xuất hiện dù là trưa, chiều tối hay đêm; điện ảnh Mỹ đầy rẫy trên các kênh Star Movie, Cinemax, HBO,…

 

Thế nên, có một điều rất đau xót, mà như đạo diễn, NSƯT Lê Chức, nguyên Giám đốc Nhà hát cải lương Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam kể rằng, từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi đoàn đi lưu diễn ở Hòa Bình, đã có lúc phải chấp nhận cả việc diễn vào lúc 22 giờ 45. Bởi lúc ấy, thanh niên họ nói: “Đợi chúng cháu xem xong “Đơn giản tôi là Maria” (bộ phim truyền hình Mêhicô) đã, rồi chúng cháu xem các bác diễn”.

 

Suất diễn khoảng hai giờ đồng hồ, đến gần một giờ sáng mới kết thúc. Nhưng nếu không làm như thế thì lấy đâu khán giả. Nhưng thế cũng đã thực hiện được chỉ tiêu của đêm diễn, có thể thu được một vài triệu từ bán vé. Cũng theo lời ông, đã có lúc ông “ước”… có nơi nào đó còn chưa có điện, bởi nếu thế thì người ta mới đi xem cải lương khi nhà hát đến diễn, chứ có điện người ta xem phim Hàn Quốc chứ xem cải lương làm gì.

 

Những chuyến lưu diễn về vùng sâu, vùng xa, nơi người dân hàng ngày lo cái ăn còn chẳng đủ, nói gì đến có tiền mua vé, họ chỉ mong ngóng đến giờ “tháo khoán” để vào xem. Những kỳ liên hoan bây giờ, các suất diễn lúc nào cũng kín khán giả khiến cho nhiều người mừng vì khán giả chưa quay lưng lại với sân khấu, nhưng đấy cũng chỉ là con số “ảo” bởi đêm diễn ấy hoàn toàn là vé mời, người làm nghề ngậm ngùi khi nhìn khán giả thưa vắng khi bán vé thu tiền.
Hết dự án, chương trình cũng chấm dứt…
Lo lắng nghiệp diễn mai một, chèo, tuồng, cải lương rồi chẳng ai xem, ngành văn hóa vào cuộc, tiền tài trợ của nước ngoài rót vào làm theo dự án nhằm tìm khán giả, tạo cho chèo, tuồng, cải lương có đất để diễn, có kinh phí để chi trả. Kỳ công hơn còn có hướng đào tạo để bồi dưỡng những mầm tài năng cũng như tạo ra một lớp khán giả tương lai.

 

Nhưng thực tế đáng buồn, theo cách nói của đạo diễn Lê Chức, người từng gắn bó bao nhiêu năm với cải lương thì: “Chúng ta từng làm công tác bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc nhờ vào sự tài trợ từ nguồn quỹ của nước ngoài, chẳng hạn có thời kỳ Quỹ Ford tài trợ cho dự án bảo tồn rối nước, nhưng dự án kết thúc là hết. Nếu như chúng ta làm công tác bảo tồn văn hóa dân tộc bằng tiền của chúng ta thì tôi nghĩ trách nhiệm sẽ cao hơn và ý nghĩa hơn rất nhiều”.

 

NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam:

Đạo diễn của sân khấu nghệ thuật truyền thống rất khó

Nghề đạo diễn đã khó, nhưng đạo diễn của sân khấu truyền thống còn khó hơn. Hiện nay, vấn đề đào tạo của chúng ta cũng cần nhìn nhận nghiêm túc. Như những nhà hát tuồng hiện nay có rất nhiều đạo diễn nhưng tác phẩm không có, lại phải mời đạo diễn của các loại hình sân khấu khác đến, thời gian làm việc không nhiều, hiểu về loại hình không sâu sắc. Điều này không chỉ xảy ra với tuồng, ngay cả chèo cũng vậy.

Mặt khác, để tránh chủ quan, khi dựng vở xong, đạo diễn phải xem lại, mời những người có tầm có tài xem giúp, người ta nói cho mình những điểm yếu để học thì may ra sau vài vở mới lên tay. Nếu cứ “văn mình vợ người” thì rất nguy hiểm cho sự nghiệp sân khấu chung.

Bên cạnh đó, chúng ta phải hiểu biết cặn kẽ và trung thành với cấu trúc của sân khấu truyền thống. Chẳng hạn với cấu trúc của sân khấu cải lương, nếu bê nguyên xi cấu trúc của sân khấu kịch vào thì sẽ rơi vào trạng thái minh họa. Đạo diễn phải là người cấu trúc lại kịch bản chứ không phải chỉ là chuyển thể. Cấu trúc là đặc thù của từng loại hình nghệ thuật, đạo diễn phải hiểu cấu trúc thì mới có chìa khóa mở để bảo tồn chèo, tuồng, cải lương hay dân ca kịch.

Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội
Trần Quang Hùng:

Tìm thế hệ công chúng mới

Muốn khẳng định sự tồn tại của nghệ thuật sân khấu nói chung và cải lương nói riêng thì phải chứng minh bằng việc làm cụ thể và có hiệu quả. Bây giờ cứ nói rằng, các loại hình nghệ thuật truyền thống gặp khó khăn, diễn không có người xem, nhưng liệu ta có chứng minh được sự tồn tại đó hay không? Người ta hay nói, công chúng của cải lương chỉ thuộc “tầm cỡ trung trung”, đối tượng là người già, người lớn tuổi. Khi những người này trăm tuổi thì ai sẽ xem chúng ta biểu diễn? Vì thế, phải có chiến lược đi tìm công chúng mới.

Nhà hát Cải lương Hà Nội cũng rất trăn trở về điều này. Ngoài chức năng, nhiệm vụ xây dựng các tiết mục phục vụ công chúng ra thì xây dựng các dự án, trong đó hướng đến đối tượng là khách quốc tế và hiện nay đang triển khai, biểu diễn ấn định theo lịch. Nhà hát cũng thực hiện dự án thứ hai theo mô hình “Giọng ca cải lương hội tụ giữa lòng Hà Nội” với các tiêu chí rất rõ. Thứ nhất, tìm một thế hệ công chúng mới ở lứa tuổi khác nhau, ngành nghề khác nhau. Chẳng hạn: Một người rất yêu cải lương nhưng vì nhiều lý do họ không thể trở thành diễn viên chuyên nghiệp, nhưng có nhu cầu được ca hát, được diễn thì chúng tôi mời họ đến diễn, thậm chí khi họ muốn được diễn cùng các nghệ sĩ chuyên nghiệp thì chúng tôi sẵn sàng đáp ứng nhu cầu ấy. Thứ hai: Tiến gần đến với việc xã hội hóa, kinh phí do các hội viên đóng góp. Thứ ba: Giúp cho phong trào văn hóa văn nghệ không chuyên của quần chúng phát triển. Và sau cùng, thông qua các hoạt động này sẽ phát hiện ra các tài năng mà từ đó chúng tôi có hướng tuyển dụng, đào tạo họ trở thành những diễn viên chuyên nghiệp trẻ, xuất sắc.

Ngay như chương trình “Sân khấu học đường” với mục đích bồi dưỡng kiến thức cũng như khơi dậy niềm say mê, tiếp nối nghệ thuật dân tộc cho thế hệ trẻ trong các trường phổ thông cũng vậy. Thực hiện sân khấu học đường với thể loại chèo, tuồng, dân ca, nhưng chương trình này cũng chỉ thực hiện trong thời gian nhất định, khoảng chục năm. Mà thực tế, trong quá trình thực hiện chương trình cũng phát sinh nhiều vấn đề.
“Khi triển khai sân khấu học đường, người ta chọn ra một số trích đoạn mẫu của chèo như: “Tuần ti đào Huế”, “Mẹ đốp xã trưởng”, “Việc làng”,… (rất may là cũng có chọn trích đoạn Trần Quốc Toản ra quân, Bùi Thị Xuân đề cờ). Học trò phổ thông vì thế vào vai Lý trưởng, nói toàn những câu mà lẽ ra chỉ dành riêng cho người lớn như: “Hôm nào mát giời thì tao sang xin mày đứa con nhá”. Như thế, vô tình chúng ta đã để trẻ em bắt đầu ăn nói, hành xử theo những nhân vật phản diện trong vở diễn. Nếu có em nào nhập vai, diễn hay, được khen ngợi thì chưa biết chừng cái chất lưu manh của xã trưởng ấy lại ngấm vào cháu bé từ nhỏ mất rồi.

 

Hay như vai mẹ Đốp lẳng lơ, đanh đá; cháu gái nào diễn hay, được khen, thì vô tình đã nuôi dưỡng trong con người trẻ thơ tính cách lẳng lơ, đanh đá của mẹ Đốp… thì chúng ta đã nhầm về mặt giáo dục”. Cũng chính vì thế, theo NSƯT Lê Chức thì “Về mặt ý thức chúng ta có, nhưng về phương pháp và biện pháp như vậy là chưa chuẩn. Ở một góc độ nào đó nó còn phản giáo dục”.
Cũng theo ông, khi triển khai chương trình này ông từng đề nghị viết những câu chuyện phù hợp với trẻ thơ thành những trích đoạn chèo, chẳng hạn như: Ăn một quả khế, trả một cục vàng; hay viết một trích đoạn chèo về anh Kim Đồng… để cho các cháu diễn, chứ tại sao cứ phải là “Tuần ti đào Huế” mới được coi là vai mẫu… nhưng ý kiến này của ông đã không được quan tâm. Tuy nhiên, đó đã là câu chuyện của những năm trước, còn bây giờ thì không mấy ai nhắc đến sân khấu học đường nữa, vì dự án này đã chấm dứt từ năm 2010 và đến nay chưa được triển khai lại.
Bảo tồn nghệ thuật truyền thống, cách nào?
Nhưng dẫu cho khó khăn thế nào, những người làm nghề vẫn phải tìm mọi cách để sân khấu sáng đèn dù đều đặn hay không; mà trước hết, theo chính những người trong nghề, làm gì thì làm, bảo tồn để phát huy hay để tồn tại thì chèo, tuồng, cải lương, múa rối cũng phải có người đến xem đã, nghĩa là vở diễn phải hay. Tất nhiên làm được điều này không dễ dàng. Nhưng không phải là không thể.
Theo Giám đốc Nhà hát cải lương Hà Nội Trần Quang Hùng, nếu đòi hỏi một kịch bản hoàn chỉnh để đưa lên sân khấu dàn dựng thì thật khó. Chỉ cần kịch bản ấy có cái để công chúng xem, có cái để họ suy ngẫm khi ra về, thế là được. Việc còn lại là cùng tác giả hoàn chỉnh kịch bản ấy. Trong khi đó, cải lương hiện nay tìm kịch bản thuận lợi hơn chèo, tuồng vì ngoài kịch nói ra, cải lương rất gần với cuộc sống, là sự tổng hợp của các loại hình nghệ thuật khác, nó có thể làm được tất cả các nội dung của kịch đương đại, kịch cổ điển, kịch nước ngoài, dã sử, lịch sử.

 

Ông cũng khẳng định rằng, xây dựng các đề tài hiện đại trong cải lương có hiệu quả không kém gì kịch nói. Tất nhiên để đạt được điều đó thì có rất nhiều việc phải làm từ kịch bản, đạo diễn đến diễn viên. Nhà hát cải lương Hà Nội đã có những vở diễn như vậy, chẳng hạn như “Khi hoa nở trái mùa”, “Mong gió đừng đổi chiều”. Đây là những vở diễn được đánh giá là theo được đề tài hiện đại nhưng đậm chất cải lương.
Còn theo đạo diễn, NSƯT Lê Chức, phải cho lớp trẻ biết được chúng ta có gì trong vốn liếng văn hóa dân tộc, cho họ hiểu về cái họ vừa được biết và làm cho họ yêu được cái chúng ta có, cái chúng ta vừa cho họ hiểu, một cách tự nhiên. Để làm được điều đó, cần thiết tạo ra một môi trường, một không gian văn hóa dân tộc và cho khán giả thưởng thức nghệ thuật dân tộc một cách sang trọng. Chẳng hạn, diễn chèo ngày xưa hay bởi có không gian đình chùa, làm nên chiếu chèo, nay không thể cứ rập khuôn như thế, nhưng có thể “tạo” ra không gian ấy. Hoặc việc mở rộng đối tượng của chèo, đến với thiếu nhi chẳng hạn, có thể viết một trích đoạn ngắn, kể về câu chuyện cổ tích… Điều này đâu phải là khó.

 

Bên cạnh đó, ngoài đầu tư cho nghệ thuật, thì còn phải đầu tư cho công chúng, tức là đầu tư cho người xem, nghĩa là vé cần hợp lý với từng đối tượng người xem, hoặc miễn phí cho khán giả ở vùng sâu vùng xa, nhưng tất nhiên không được giảm chất lượng. Và điều này cần có sự quan tâm thích đáng của Nhà nước, vấn đề bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống phải thực sự được coi là quốc sách.
Tuy nhiên bên cạnh đó cũng cần phải xác định rằng, dù là chèo, tuồng hay cải lương thì chỉ có một số khán giả nhất định, bởi nghệ thuật truyền thống không giống như điện ảnh, chúng rất kén khán giả. Không phải ai cũng có thể xem được chèo, tuồng, cải lương; và không phải ai khi xem cũng có thể yêu thích một cách tự nhiên. Người xem chèo, tuồng, cải lương muốn gắn bó với môn nghệ thuật dân tộc này còn phải có sự hiểu biết và niềm say mê nó nữa. Và vì thế, không thể đòi hỏi tính đại chúng trong những loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống này.

 

Xuân Phong – Phương Lan

Báo chí viết về tác phẩm sân khấu mới:

Vở cải lương “Nguồn sáng phía chân trời”:

Bức tranh lãng mạn về người

chiến sỹ

Thứ tư 17/10/2012 08:00

ANTĐ - Xây dựng thành công hình ảnh người chiến sỹ Công an với vẻ đẹp lãng mạn và bay bổng, vở cải lương “Nguồn sáng phía chân trời” của tác giả Phạm Văn Quý, đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai đã làm khán giả vỡ òa trong xúc cảm. Vở diễn vừa ra mắt khán giả tại rạp Hồng Hà và sẽ tham dự Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2012.

 


Lớp học tạc tượng ngay tại trại giam đã làm vở diễn trở nên mềm mại, uyển chuyển

Hấp dẫn bởi sự gần gũi

Khai thác đề tài lực lượng CAND nhưng câu chuyện mở ra trước mắt người xem không bắt đầu bằng những màn võ thuật điệu nghệ, những cảnh săn bắt cướp đầy mạo hiểm mà được bắt đầu bằng hình ảnh của anh bán báo rất đời thường. Âm thanh quen thuộc của cuộc sống với tiếng động cơ xe chạy ồn ã trên đường, tiếng rao báo phát ra từ chiếc đài phía sau xe đạp hòa lẫn trong dòng người tấp nập đã đưa người xem đến với một vở diễn gần gũi, thân thương về hình tượng người chiến sỹ Công an. Vốn nổi tiếng với các vở cải lương đầy nữ tính về đề tài lịch sử, ở vở diễn lần này, đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai đã đi sâu khai thác hình ảnh người chiến sỹ Công an như người nghệ sỹ đi tìm cái đẹp trong cuộc sống.

Không đi theo một hình mẫu sẵn có về người chiến sỹ Công an, vở diễn đã xây dựng hình ảnh anh giám thị trại giam Văn (diễn viên Quang Thanh đảm nhiệm) là một người yêu nghệ thuật và thích tạc tượng. Anh đã có mối tình đẹp với Hường (diễn viên Thái Vân đảm nhiệm). Trước ngày lên đường nhập ngũ làm nhiệm vụ, Văn đã tạc một bức tượng có đôi mắt buồn thăm thẳm của người yêu làm vật làm tin. Nhưng những ngang trái của vở diễn đã được bắt đầu bằng những biến cố trong gia đình Hường và buộc cô kết hôn với Hoàng, một tay trùm xã hội đen. Tuy đã lập gia đình nhưng hình bóng người yêu cũ luôn ở trong trái tim cô. Sau những vụ làm ăn phi pháp bị phát giác, tay trùm xã hội đen đã gặp lại anh lính đảo ngày xưa giờ đã là giám thị trại giam trong nhà tù.

Lớp học tạc tượng trong… nhà tù

Nút thắt này của vở diễn đã được đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai tháo gỡ bằng những cảnh đối thoại và cảnh diễn đầy tính nghệ thuật. Vở diễn đã tái hiện hình ảnh người Công an – người nghệ sỹ hết lòng vì công việc và là người hàn gắn vết thương về nhân cách cho mỗi tù nhân. Ngay trong trại giam, một lớp học tạc tượng dành riêng cho các phạm nhân do anh giám thị Văn lập nên đã làm vở diễn trở nên mềm mại và uyển chuyển, xóa đi sự khô cứng của song sắt nhà tù, của những bức tường đá nặng nề nhà giam. Ở đó, tình yêu dành cho nghệ thuật đã kết nối những người con người tội lỗi và giúp học viên có những ngày tháng cải tạo thật ý nghĩa. Trái với những gì tay trùm xã hội đen nghĩ về người giám thị trại giam sẽ trả thù cho tội lỗi mà Hoàng gây ra cho Hường, Hoàng Quỳnh Mai đã đưa múa đương đại để diễn tả sự cao thượng và hình ảnh đẹp của người giám thị trại giam. Tiếng gió rít, vòng xoáy dữ dội của nước trong cơn lũ đang ào ạt đổ về trại giam đã được những vũ điệu múa thể hiện rất chân thực nhưng không kém phần hiệu quả. Hình ảnh giám thị Văn băng người trong dòng người để cứu các phạm nhân, cứu tay trùm xã hội đen thoát khỏi vòng vây của cơn lũ là một hình ảnh không chỉ đẹp mà còn mang chất anh hùng lãng mạn.

Văn đã ngã xuống để đổi lấy mạng sống cho các phạm nhân và khép lại toàn bộ vở diễn “Nguồn sáng phía chân trời”. Ngay ở cảnh kết đầy bi thương, đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai vẫn tìm thấy trong sự khốc liệt những hình ảnh thật lãng mạn. Cảnh trí sân khấu được chị chủ động cho đổ sập xuống và xếp thành hình trái tim trên sân khấu trước sự ra đi của Văn để tượng trưng cho sự gắn kết tình yêu thương giữa con người với con người và khơi gợi mầm sống lương thiện trong mỗi cá nhân. Vở cải lương “Nguồn sáng phía chân trời” với sự tham gia diễn xuất của các diễn viên Nhà hát Cải lương Hà Nội đã bám sát chủ đề tư tưởng rõ ràng, góp thêm một viên gạch xây dựng nên tượng đài văn học nghệ thuật về các chiến sỹ Công an nhân dân.
Phạm Thu Hương