Bài viết trong » «
Cải lương Hà Nội:
Kiên trì tìm khán giả
Trích nguồn: Báo Hà Nội mới số Cuối tuần (Số 9) Thứ Bảy ngày 03/03/2012.; Tg: Hà Trường
Đưa tiếng Anh vào cải lương để phục vụ khách du lịch, đem hiệu ứng hình ảnh của sân khấu hiện đại vào vở diễn, tận dụng những mảng miếng rất mới… không ai có thể phủ nhận sự cố gắng đến cần mẫn của Nhà hát Cải lương Hà Nội trong việc đổi mới tìm khán giả.
Nhiều tìm tòi…
Lần nào gặp tôi cũng “bị” đạo diễn, NSƯT Trần Quang Hùng “quấn phăng” vào cuộc nói chuyện dài tới vài tiếng về các vở diễn. Câu chuyện lúc nào cũng bắt đầu từ cảm hứng, ý tưởng vở diễn, cảm xúc cực trào ở các mảng miếng và kết thúc trong nỗi trăn trở tìm khán giả. Thước đo của sân khấu là khán giả, người đạo diễn dẫu có tài năng, nhà hát dẫu có dàn diễn viên tốt mà khán giả không tìm đến thì cũng chỉ là con số không tròn trĩnh mà thôi. Vì muốn tìm khán giả, với những vở diễn mới ra lò, Nhà hát đều bấm bụng thuê rạp rộng hơn để diễn. Vì khán giả, có khi tập thể Nhà hát phải bớt phần tiền công của mình để chi cho những đạo cụ đắt tiền. Vì khán giả, ban giám đốc Nhà hát cũng “lặn lội” hơn trong việc tìm tới các đơn vị truyền thông, báo chí… Nhưng để tìm thêm đất sống cho cải lương bằng cách đưa tiếng Anh vào vở diễn, đó là một thử nghiệm táo bạo, không chỉ riêng với Nhà hát Cải lương Hà Nội.
Nằm trong khu phố cổ Hà Nội, rạp Chuông Vàng là một địa chỉ được nhiều khách du lịch nước ngoài ghé thăm. Nhưng do chưa tìm được cách tiếp cận đúng nên đây mới chỉ là nơi du khách ghé qua, chưa thành một địa chỉ đỏ trong tour du lịch Hà Nội. Chính điều này đã tạo nên động lực cho một dự án được ấp ủ từ lâu: đưa cải lương đến với du khách nước ngoài. Đạo diễn, NSƯT Trần Quang Hùng, giám đốc Nhà hát chia sẻ: “Trước đây, với mỗi vở diễn, Nhà hát đều làm các tờ rơi, trong đó có phần tóm tắt nội dung bằng tiếng Anh để phát cho du khách. Tháng 8/2011, Nhà hát có thử nghiệm dịch trực tiếp nội dung lần đầu tiên với vở “Mệnh đế vương”, dịch cả lời thoại, lời hát và thu đĩa sau đó phát qua tai nghe cho người xem. Tuy nhiên, thời lượng vở diễn quá dài, cách dịch trước này đôi khi không khớp, khiến khán giả theo dõi rất mệt mỏi, thậm chí… không hiểu. Vì vậy, mới đây Nhà hát đã cho ra mắt dự án dịch tiếng Anh trực tiếp với những trích đoạn tiêu biểu của nghệ thuật cải lương, dân ca. Chúng tôi xây dựng một phòng thu riêng, dịch trực tiếp theo thoại, hát trên sân khấu”.
Có công mài sắt…
Đầu tư khá tốn kém, việc dịch cũng phải chọn mặt gửi vàng, nhờ người am hiểu nghệ thuật cải lương thực hiện… nhưng những gì Nhà hát Cải lương Hà Nội nhận được sau hai đêm diễn công bố dự án, tối 17, 18/2 vừa qua chưa thật sự như kỳ vọng. Khán giả vẫn chật rạp Chuông Vàng, nhưng du khách thì thưa thớt. Có lẽ họ chưa biết nhiều tới dự án này. Nỗ lực làm mới chưa được truyền thông một cách thích đáng?
Tuy nhiên, sự mới mẻ và tính thu hút của dự án được những người tham dự đánh giá rất cao. Đứng ở góc độ của khách du lịch, những trích đoạn ngắn với phần dịch nội dung đầy đủ có thể giới thiệu đến du khách nghệ thuật cải lương một cách hợp lý nhất. Đại diện một công ty lữ hành cho rằng việc bắt tay với Nhà hát Cải lương Hà Nội sẽ làm tăng thêm nhiều chương trình đa dạng để “chào mời” du khách nước ngoài khi đi tour trong nội đô Hà Nội. Tuy nhiên vẫn còn những hạt sạn trong việc chọn tiết mục biểu diễn. NSND Mạnh Tưởng góp ý Nhà hát nên chọn những gì tinh túy nhất của cải lương để giới thiệu cho khán giả trong và ngoài nước thay vì thực hiện những chương trình mang tính tạp kỹ.
Sân khấu kịch hát truyền thống đang trong cơn khủng hoảng khán giả và những người tha thiết với nó không còn cách nào khác ngoài việc tìm tòi đổi mới. Nỗ lực ấy nhọc nhằn ở ngay cả ở quê hương cải lương, nơi vùng đất Nam Bộ, khi chúng ta đã chứng kiến những vở cải lương được đầu tư cả tỷ đồng vẫn vắng khách. Ở đất Bắc, nỗ lực ấy càng nhọc nhằn hơn, dù rằng nơi này, nghệ thuật cải lương cũng đã có những thời kỳ thăng hoa. Chính NSƯT Trần Quang Hùng thừa nhận: Ban lãnh đạo Nhà hát và các anh nghệ sỹ đang trên con đường mày mò, tự suy nghĩ, tự bàn và tự làm. Chúng tôi không đặt nhiều kỳ vọng lớn trong dự án nghệ thuật. Còn kết quả đến mức độ nào thì chúng tôi đều sẵn sàng đón nhận. Nhưng tôi nghĩ, hãy cứ làm và mạnh dạn làm thì mới “phát lộ” ra nhiều ý tưởng hay và nghệ thuật cải lương sẽ phát triển.
Và với một tình yêu chân thành dành cho kịch hát truyền thống như thế, một nỗ lực như thế, khán giả nỡ lòng nào quay lưng với họ?!