BA GƯƠNG MẶT NỔI BẬT CỦA THẾ HỆ ĐẠO DIỄN CẢI LƯƠNG TRẺ ĐẤT BẮC

Điểm danh những tên tuổi các đạo diễn trẻ nối nghiệp cha anh của Cải lương Bắc, người ta không ngần ngại kể ra những cái tên đã trở nên quen thuộc với bạn nghề, ghi được những dấu ấn đáng kể trong lòng công chúng hâm mộ như Hoàng Quỳnh Mai, Triệu Trung Kiên, Trần Quang Hùng… Có người trẻ cả tuổi đời lẫn tuổi nghề như Triệu Trung Kiên, Hoàng Quỳnh Mai. Có người không còn trẻ tuổi nghề nữa, từng thành danh được phong NSUT với nghề diễn nhưng còn rất trẻ với nghề đạo diễn như Trần Quang Hùng. Có cả nam, cả nữ ở nhiều độ tuổi với rất nhiều cá tính, nhiều cái tôi nghệ sĩ và mức độ thành công cũng khác nhau, song họ cũng có những mẫu số chung. Nét chung đặc sắc nhất là họ đều là những diễn viên dày dạn kinh nghiệm, là những đào, những kép chính của các đơn vị cải lương trước khi quyết định khăn gói đi học để trở thành đạo diễn. Cái tên Hoàng Quỳnh Mai không phải chỉ được biết đến khi có Cung phi Điểm Bích, Bến nước Ngũ Bồ (kịch bản Hoàng Công Khanh) hay Trọn đời trung hiếu với Thăng long. Cô diễn viên của Nhà hát Cải Lương Việt Nam cũng đã có dấu ấn trong nghề với các vai Nhâm trong Điều không thể mất, Phượng trong Lôi Vũ, Chiosan trong Cô gái Phù Tang… Hơn 14 năm sáng tạo nghệ thuật, Trung Kiên được khán giả và bạn bè đồng nghiệp nhớ đến ở giọng hát chuẩn mực, âm vang, mượt mà và ở lối diễn đa dạng qua nhiều loại vai trong các vở thuộc nhiều đề tài khác nhau như: Trương Viên Đôi ngọc lưu ly, Bằng Lân Quận chúa Ngọc Sương, Minh Điều không thể mất, Thiện Trả lại tên cho anh, Ông chủ Cây đàn huyền thoại, Trịnh Giác Mật Tình sử lộ Đà giang, Tạ Thanh Vằng vặc ánh sao Khuê, Trịnh Sâm Bông Huệ tím, Lê Bắc Cội xưa v.v… Trần Quang Hùng cũng có một sự nghiệp diễn xuất rạng rỡ, luôn được tin tưởng giao vai chính và có những sáng tạo khiến cho nhiều đồng nghiệp phải ngưỡng mộ. Những vai diễn của Quang Hùng đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả có thể kể đến như vai Thúc Sinh Thúy Kiều, Đoàn Kỷ Cơn lốc, Thằng Gù Thằng Gù nhà thờ Đức Bà Paris, Dương Nhật Lễ Kẻ sĩ Thăng Long, …Sự nghiệp biểu diễn của họ không kết thúc khi họ chuyển sang làm đạo diễn mà đôi khi, họ lại hạnh phúc trong sự kiêm nhiệm: vừa chỉ đạo diễn xuất, vừa là diễn viên chính của vở. Việc từng là nghệ sĩ biểu diễn đã là một đảm bảo khá chắc chắn để các đạo diễn trẻ có thể đi xa trong quá trình dựng vở. Từng có những đạo diễn lớn của Cải lương đã đi trên con đường này như NSND Ngọc Dư, NSND Sĩ Tiến… rồi sau này là NSUT Lê Chức… Những đạo diễn hiểu rõ mọi ngọn ngành của nghề diễn, sẽ tránh được căn bệnh kịch hóa Cải lương, đẩy Cải lương xa rời tính tự sự trữ tình đặc biệt của loại hình sân khấu này, căn bệnh mà khá nhiều đạo diễn kịch nói mắc phải khi bước sang làm Cải lương.

Với nghề đạo diễn, mặc dù cả ba gương mặt này mới chỉ xuất hiện vài ba năm nay, nhưng họ đều đã ghi được những dấu ấn đáng kể, khiến cho ngay cả các bậc đàn anh phải khen ngợi. NSUT Lê Chức đã dành những lời đầy ưu ái khi nói về họ: Rất mừng là đã xuất hiện một thế hệ đạo diễn trẻ cải lương rất có bản lĩnh nghề nghiệp, tư duy rất mới. Họ đều là những người có học vị cao. Tuy khác nhau nhưng họ đều có lòng yêu nghề có thể nói là một cách thái quá. Họ sinh ra để làm Cải lương, như một nhu cầu tự thân vậy..

Để có được sự ghi nhận của người làm nghề, những đạo diễn này đã có sự học hỏi nghiêm túc, chăm chỉ. NSUT Trần Quang Hùng rồi Triệu Trung Kiên cũng đều rất yêu thích những năm tháng được ngồi học trên ghế nhà trường và nghiêm túc học hỏi bằng mọi cách những mảng miếng, thủ pháp của những bậc thầy trong nghề. Và những ngón nghề, những sáng tạo chỉ có thể bật ra dựa trên những nghiền ngẫm, suy tư. Hoàng Quỳnh Mai đã luôn trăn trở, luôn tìm tòi trong sáng tạo nghệ thuật. Những đột phá mới không thể từ trên trời rơi xuống mà phải qua những lăn lộn, những trải nghiệm từ cuộc đời. Hoàng Quỳnh Mai mất ăn mất ngủ bảy tám ngày trời để tìm cho được ý tưởng. Rồi có ý tưởng rồi, làm cách nào thể hiện tốt nhất, độc đáo nhất trên sàn diễn. Khuôn mặt rạng rỡ chỉ trở lại với cô gái Hoàng Quỳnh Mai mỗi khi tạm yên tâm với một vở diễn đã sang sửa rất nhiều lần sau những suy ngẫm qua đóng góp của mọi người. Một tố chất đáng kể của lớp đạo diễn trẻ này là họ rất chịu nghe góp ý của người khác, biết phân biệt đúng sai và luôn biết qui luật của sân khấu: mỗi vở diễn là một phiên bản nghệ thuật đặc biệt của một quá trình sáng tạo không ngừng nghỉ, kể cả khi đã công diễn. Triệu Trung Kiên lại đau đáu với những ước mơ nghệ thuật, giấc mơ đeo đuổi anh từ thủa thiếu thời. Tuy đầy gian khó trên hành trình ấy, nhưng những trở ngại khi làm nghề không ngăn cản được anh sáng tạo. Anh tâm sự về những vai trò hiện nay mình đang gánh vác: Cùng một lúc đóng ba vai trò vừa là tác giả, vừa là diễn viên lại đồng thời là đạo diễn. Tác giả là một niềm say mê, đạo diễn là công việc chính và đôi khi diễn xuất cũng cần mình nhảy vào. Công việc xuất phát từ niềm say mê, khao khát cống hiến, đổi mới Cải lương nên mong muốn cùng với những người trẻ, làm mọi cách để thuyết phục công chúng về một nghệ thuật Cải lương đang đổi mới, đầy sức cuốn hút, hấp dẫn…

Còn quá nhiều khó khăn cho những đạo diễn đầy tâm huyết này khi muốn thỏa sức tung hoành trên sàn diễn. Một không gian gò bó của sàn diễn, với muôn vàn bất cập khiến rất nhiều ý đồ bay bổng của họ luôn bị trì kéo như Trần Quang Hùng tâm sự: Có rất nhiều ý tưởng của đạo diễn, của êkip sáng tạo mà rất khó thực hiện trong bối cảnh trang thiết bị như các nhà hát hiện nay. Tất cả những sáng tạo hiện đang trong tình trạng chỉ thực hiện được hai ba phần trăm khi cái khó đang bó lấy cái sáng tạo, đổi mới. Nhưng với tâm huyết của mình, các anh các chị quyết biến cái sở đoản, cái bất cập đó thành mục tiêu vượt qua. Không nề hà, không vương vấn vào những toan tính thu chi cho riêng mình, các anh các chị chấp nhận vào cuộc với những thiếu thốn đó bằng mọi cách. Và họ vẫn sáng tạo ngày đêm để có thêm những vở diễn mới, những đêm diễn với một sàn diễn lung linh sắc màu, đầy biểu cảm như Hoàng Quỳnh Mai với những ý đồ rất duy lý mà vẫn đầy lãng mạn trong Gươm thiêng trao trả hồ thần. Hay Triệu Trung Kiên với rất nhiều sử lý sân khấu thành công ở những tác phẩm sân khấu được đánh giá cao như Dấu ấn giao thời, Con côi họ Triệu, Công chúa Ngọc Hân… và gần đây là Trời Nam. Còn đạo diễn Trần Quang Hùng trình làng trong vai trò đạo diễn vở “Lễ mở xiêm áo”, tác giả kịch bản là nhà văn Nguyễn Khắc Phục đã dành cho anh những lời khen ngợi xứng đáng. Sau Mệnh đế vương, Lễ mở xiêm áo, một loạt vở khác của Nhà hát cải lương Hà Nội đã được tiếp tục dàn dựng như Luận anh hùng, Mẹ của chúng con…để Nhà hát Cải lương Hà Nội như thoát được giấc ngủ dài, thức dậy trong tâm trí người hâm mộ. Nối dài thêm thành tích, dù vẫn còn nhiều, rất nhiều gian khó, nhưng những đạo diễn thế hệ mới này rất tin vào những người trẻ như mình. Đạo diễn Trần Quang Hùng khẳng định: Tôi hòan tòan tin vào những đạo diễn trẻ như Quốc Chiêm,Thanh Vân, Hòang Quỳnh Mai, Triệu Trung Kiên… vì chúng tôi thực sự tâm huyết và dám nghĩ, táo bạo trong sáng tạo để có thể cho ra đời những tác phẩm mới, với những ý tưởng mới. Và người làm nghề cũng chung niềm tin đó, cùng chờ đợi sân khấu nói chung, sân khấu Cải lương nói riêng sẽ thực sự khởi sắc cùng tâm huyết, khát vọng của những người làm nghề có tài, có tâm này.



Chức năng phản hồi của bài viết này đang tạm dừng.