Bài viết trong » Tháng Mười Một, 2022 «

CHI BỘ NHÀ HÁT TỔ CHỨC LỄ KẾT NẠP ĐẢNG VIÊN

Được sự đồng ý của Đảng ủy cơ quan Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, sáng ngày 25/11/2022, tại Rạp Chuông Vàng, số 72 Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Chi bộ Nhà hát Cải lương Hà Nội đã tổ chức lễ kết nạp cho quần chúng ưu tú: Hoàng Anh Thúy vào Đảng.

Tham dự buổi Lễ có các đồng chí đại điện lãnh đạo, chuyên viên các Phòng, ban của Sở.

Lãnh đạo Nhà hát có Nhạc sỹ Phạm Chỉnh – Bí thư Chi bộ, Giám đốc Nhà hát; các đồng chí trong Chi ủy chi bộ; Ban Giám đốc; đại diện đoàn thể Công đoàn, Đoàn thanh niên, các quần chúng ưu tú và toàn thể đảng viên Chi bộ.


Trong không khí trang nghiêm, sau khi đảng viên mới đọc lời tuyên thệ, Nhạc sỹ Phạm Chỉnh – Bí thư Chi bộ, Giám đốc Nhà hát thay mặt Chi ủy Chi bộ nói rõ nhiệm vụ, quyền hạn của người đảng viên để đảng viên mới nắm rõ và nghiêm túc thực hiện đồng thời phân công đảng viên chính thức tiếp tục giáo dục, giúp đỡ đảng viên dự bị trở thành đảng viên chính thức theo quy định của Đảng./.

Hà Nội có một cô “đào thương”


Sinh trưởng trong một gia đình không hề có truyền thống nghệ thuật ở vùng nông thôn Hà Tây (cũ), tình yêu cải lương đến với Lê Thị Hồng Nhung tự nhiên, nhẹ nhàng qua những làn điệu ngọt ngào, sâu lắng mà cô được nghe trên sóng phát thanh từ thuở nhỏ.
Có năng khiếu, nhưng ban đầu Hồng Nhung cũng không dám chắc mình có thể trụ được với nghề, bởi khi cô thi đậu vào Khoa Cải lương, Trường đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội, sân khấu cải lương đang gặp rất nhiều khó khăn. Hồng Nhung chia sẻ rằng mình may mắn, khi tốt nghiệp đã được đầu quân cho nhà hát cải lương Hà Nội và sớm được giao vai chính.
Từ vai diễn đầu tiên là Vương phi Nhật Lệ (vở diễn Vụ án một vương phi), Hồng Nhung dường như cũng gắn luôn với hình tượng đào thương chuẩn mực trên sân khấu cải lương – một dạng nữ nhân vật có số phận truân chuyên, éo le khiến khán giả cảm thương.

Vai diễn thứ hai, cũng là vai diễn Hồng Nhung tâm đắc là Lý Chiêu Hoàng trong vở Mệnh đế vương (2007). Mỗi lần diễn xong, cô đào trẻ lại nặng trĩu cõi lòng, khó thể thoát vai. Nhung rất thương nhân vật nên đã chọn vai Lý Chiêu Hoàng để dự thi Tài năng trẻ diễn viên sân khấu cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2014 tại Cần Thơ.
Trước đó, năm 2009, nàng Đào Mây mong manh nhưng quật cường trong vở Lễ mở xiêm áo dự Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc cũng làm khán giả TPHCM phải vương vấn. Mới đây, tại Liên hoan cải lương toàn quốc (đang diễn ra tại Long An), Hồng Nhung lại tiếp tục gắn với một số phận truân chuyên không kém nữa là Công chúa Phất Kim trong vở Phận má đào.
“Cầm kịch bản trong tay, tôi mới biết đến vị công chúa này. Chỉ đọc kịch bản mà tôi đã có rất nhiều cảm xúc. Phất Kim là một nàng công chúa phải hy sinh thân mình vì những mục đích lớn lao, dẹp bỏ tình riêng để làm tròn nhiệm vụ. Lúc tập khai vở rồi chuẩn bị lên đường dự liên hoan, tôi đều đến viếng đền thờ Công chúa Phất Kim ở Ninh Bình. Cứ cảm thấy ẩn hiện đâu đấy hình ảnh những người phụ nữ bất hạnh trong lịch sử, luôn nhận thua thiệt về mình cho những sứ mệnh cao cả” – Hồng Nhung nói.
Cô đồng cảm sâu sắc với những thân phận phụ nữ bi thương đó, đồng thời vô cùng khâm phục tấm lòng nhân ái bao la, sức mạnh nữ tính nội tại của họ.
Sự thấu cảm đó đã giúp Hồng Nhung chuyển tải những cảm xúc chân thành nhất đến người xem. Dạng nhân vật bi kịch điển hình vốn không khó thể hiện, nhưng nếu không khéo sẽ dễ thành sướt mướt. Hồng Nhung có lối diễn chừng mực, không rền rĩ, nức nở, mà vẫn lay động lòng người. Không sở hữu giọng ca quá đặc sắc, cũng không bùng nổ về diễn xuất, nhưng những Lý Chiêu Hoàng, Đào Mây, Phất Kim… của Hồng Nhung đều giàu cảm xúc.

Hồng Nhung (trái) trong một chương trình biểu diễn của Nhà hát Cải lương Hà Nội – Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đặc biệt, lợi thế về ngoại hình cũng hỗ trợ rất nhiều cho cô. Với vẻ đẹp mong manh, vóc dáng tơ liễu, động tác hình thể uyển chuyển, đẹp mắt, Hồng Nhung là lựa chọn hàng đầu cho những nhân vật phụ nữ có số phận bất hạnh trong xã hội xưa, nhất là các hình tượng trâm anh đài các. Đó chính là “chất đào thương” mà không nhiều nữ nghệ sĩ hiện nay có được.
Vì thế, cũng dễ hiểu khi ở tuổi gần 40, Hồng Nhung “vẫn cứ là công chúa”. Với vai trò lãnh đạo đoàn Chuông Vàng (nhà hát cải lương Hà Nội hiện có 3 đoàn là Chuông Vàng, Kim Phụng và Hoa Mai), Hồng Nhung cũng lo lắng về việc bồi dưỡng lực lượng kế thừa, nhất là tình trạng thiếu đào trẻ. “Các bạn có thanh, có sắc nhưng cách hát, cách truyền tải nhân vật còn thiếu sót nhiều. Đã thử giao vai, nhưng khi các vai nhỏ mà các bạn còn chưa đạt yêu cầu, thì không thể hoàn thành vai lớn được”.
Nghề này cần đào luyện, mà bẵng đi thời gian dài vì dịch bệnh, không được hát, không luyện tập thường xuyên, nên lại càng khó hơn. Với sự phục hồi của sàn diễn sau thời gian dịch bệnh, chúng tôi càng phải nghiêm túc, nỗ lực hơn trong việc tìm kiếm và bồi dưỡng đội ngũ kế thừa” – Hồng Nhung chia sẻ.
Càng thương, càng thấu hiểu những nhân vật của mình, Hồng Nhung cho biết cô càng tự hào về người phụ nữ hôm nay. Họ hoàn toàn tự chủ, có trí tuệ, có bản lĩnh, có ý thức vươn mình, tự phát triển về mọi mặt.
Hồng Nhung có sự nghiệp thành công và gia đình luôn ủng hộ. Là một nghệ sĩ năng động, ngoài hoạt động biểu diễn và công tác quản lý tại nhà hát, cô còn làm MC, kinh doanh, thỉnh thoảng tham gia đóng phim.
Đã hoàn thành chương trình cao học, Hồng Nhung còn tiếp tục nuôi ý định học đạo diễn sân khấu. Cô chia sẻ: “Liên hoan năm nay có sự xuất hiện của nhiều đạo diễn trẻ, có những người cũng xuất thân là diễn viên như tôi. Tôi không thể làm công chúa mãi được, cần bứt phá cho nghề nghiệp của mình”.

NHÀ HÁT CẢI LƯƠNG HÀ NỘI ĐẠT THÀNH TÍCH CAO TẠI LIÊN HOAN CẢI LƯƠNG TOÀN QUỐC NĂM 2021

Tối ngày 20/11/2022, tại Đoàn nghệ thuật Cải lương Long An, Liên hoan Cải lương toàn quốc 2021 đã bế mạc sau 15 ngày tranh tài của 22 đơn vị nghệ thuật với 27 vở diễn, với sự tham gia diễn thi của gần 1000 diễn viên.


Nhà hát Cải lương Hà Nội đã đạt thành tích cao tại Liên hoan với tổng số 4 Huy chương vàng, 4 Huy chương bạc và 4 Huy chương đồng cùng các giải Họa sỹ xuất sắc, Biên đạo múa xuất sắc, thiết kế phục trang xuất sắc.

Với sự khác biệt và sang trọng của một đơn vị nghệ thuật Thủ Đô, Nhà hát Cải lương Hà Nội đã mang đến Liên hoan 02 tác phẩm: “PHẬN MÁ ĐÀO” và “THIÊN MỆNH”. Các tác phẩm mang chủ đề lịch sử, được dàn dựng hoành tráng, công phu và tinh tế kết hợp với công nghệ âm thanh, ánh sáng cùng lối tư duy mới đã tạo được không gian diễn xuất cho các nghệ sỹ và để lại ấn tượng đặc biệt cho Hội đồng nghệ thuật và quý khán giả đến xem, cổ vũ cho Liên hoan.


Nhạc sỹ Phạm Chỉnh – Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội cho biết: Đây là phần thưởng xứng đáng cho sự nỗ lực không ngừng, phong độ đỉnh cao cùng tinh thần đoàn kết của ekip sáng tạo và toàn thể nghệ sỹ, CBCNV Nhà hát trong quá trong quá trình chuẩn bị, tập luyện và tổ chức tham gia Liên hoan năm nay.




Cũng tại Liên hoan, Nhà hát Cải lương Hà Nội đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Long an tặng Giấy khen: “Đơn vị có Thành tích tiêu biểu đóng góp tham gia liên hoan cải lương toàn quốc năm 2021 tại Long An”
Tổng hợp kết quả:
1. Tác phẩm: “PHẬN MÁ ĐÀO” đạt:
- Giải Vở diễn: 01 Huy chương Vàng
- Giải Diễn viên:
+ 02 Huy chương Vàng (NSND Thanh Hương vai Hoàng hậu Ca Ông; NS Hồng Nhung vai Công chúa Phất Kim)
+ 02 Huy chương Bạc (NSƯT Hoàng Viện vai Vua Đinh Tiên Hoàng; NS Quang Tuấn vai Ngô Nhật Khánh)
- Giải Thành phần sáng tạo:
+ 01 Giải Biên đạo múa xuất sắc ( NS Nông Lê Phương)
+ 01 Giải Họa sỹ xuất sắc (NSƯT Đạt Tăng)
+ 01 Giải Thiết kế phục trang xuất sắc (Nhà thiết kế Minh Hùng)
2. Tác phẩm: “Thiên Mệnh” đạt:
– Giải Vở diễn: 01 Huy chương Đồng
- Giải Diễn viên:
+ 01 Huy chương Vàng (NSƯT Quang Thanh vai Thái sư Trần Thủ Độ)
+ 02 Huy chương Bạc (NS Mai Hiền vai Công chúa Thiên Thành; NS Xuân Vương vai Trần Quốc Tuấn)
+ 03 Huy chương Đồng (NSƯT Thái Vân vai Công chúa Lý Hân; NSƯT Tuấn An vai Trần An Quốc; NS Thiên Hương vai Linh từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung)

Thuộc danh mục: Hình ảnh và vở diễn, Tin hoạt động nội bộ, Tin nhà hát  Chức năng phản hồi cho bài viết này đang tạm dừng
LỊCH BIỂU DIỄN THÁNG 11

Trân trọng thông báo và kính mời quý vị khán giả đón xem!