Bài viết trong » «

Cải lương tiếp tục ‘giải mã’ về thái sư Trần Thủ Độ

TTO – Thêm một lần nữa, nhân vật lịch sử thời nhà trần tốn không ít giấy mực luận bàn, khi thái sư Trần Thủ Độ được sân khấu Cải lương tiếp tục “giải mã” qua vở diễn Thiên Mệnh (tác giả: Hoàng Thanh Du, Đạo diễn NSND Hoàng Quỳnh Mai).

TTO - Thêm một lần nữa, nhân vật lịch sử thời nhà Trần tốn không ít giấy mực luận bàn, khi thái sư Trần Thủ Độ được sân khấu cải lương tiếp tục "giải mã" qua vở diễn Thiên mệnh (tác giả: Hoàng Thanh Du, đạo diễn: NSND Hoàng Quỳnh Mai).

Đây là vở cải lương mới được đoàn Hoa Mai, Nhà hát cải lương Hà Nội dàn dựng. Vượt qua cái lạnh tê tái, hàng trăm khán giả đã đến hội trường Trung tâm Văn hóa TP Hà Nội số 7 Phùng Hưng để xem buổi tổng duyệt vở mới đây.

Không quá ôm đồm, Thiên mệnh chỉ chọn hai chi tiết lịch sử để “giải mã”. Đó là vụ việc Trần Quốc Tuấn nhảy tường, lẻn vào “cướp” công chúa Thiên Thành làm vợ được kể ngắn gọn trong một lớp diễn mà thấy được cách dùng người của Trần Thủ Độ: “Nếu có đức có tài thì dù là con của kẻ thù ta vẫn trọng dụng, còn không có đức có tài thì dù có là thân quyến của ta, ta cũng sẽ không dùng”.

Phần lớn thời lượng còn lại, vở diễn khắc họa đậm nét vụ việc hai anh trai của Trần Thủ Độ là Trần An Quốc và Trần An Hạ mưu làm phản, để từ đó góp phần làm sáng tỏ những băn khoăn về chuyện có thật ông là người tàn độc đã sát hại cả huynh đệ như lời đồn thổi bao đời?

Ở đây, thật ấn tượng với hai lớp diễn: thái sư Trần Thủ Độ can gián việc vua Trần Thái Tông có ý phong Trần An Quốc là tể tướng cùng nỗi lòng “thôi đành làm điều trái đạo để người đời chê cười” nhưng để “chỉ mong sao trong ấm ngoài êm rạng rỡ một cơ triều”…

Xuất sắc trong cả ca và diễn trong nhiều lớp diễn độc thoại, NSƯT Quang Thanh đã hóa thân thành công trong vai thái sư Trần Thủ Độ bên ngoài đanh thép, lạnh lùng, công tư phân minh mà bên trong luôn thấu tình đạt lý cùng những nỗi đau đáu về vận nước, day dứt, giằng xé khôn nguôi về cốt nhục, tình nhà.

Từ đó, khán giả đã không khỏi lặng đi trước những nỗi niềm đâu phải chỉ có ở người xưa: Rằng “nếu huynh đệ cũng là tể tướng thì thiên hạ sẽ coi khinh, hậu thế sẽ chê cười”, rằng “quân pháp bất vị thân”, và rằng “hà cớ gì để lòng dân chia rẽ?”…

Tuy nhiên, “ra quân” với không ít nghệ sĩ trẻ nên có những vai diễn vẫn còn non nớt nên cần được đầu tư chăm chút hơn.

Theo nhạc sĩ Phạm Chỉnh – giám đốc Nhà hát cải lương Hà Nội, vở cải lương Thiên mệnh sẽ sớm được biểu diễn phục vụ nhân dân thủ đô trong dịp khai xuân Tân Sửu 2021.

Từ những tư liệu khai thác được khi thực hiện 30 tập phim tài liệu về nhà Trần mà tác giả Hoàng Thanh Du viết kịch bản Thiên mệnh. Năm 2019, kịch bản này được nhận giải B (không có giải A) của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.

“Tôi muốn viết về lịch sử không phải để minh họa mà để giải mã những vấn đề có giá trị cho ngày hôm nay. Những ứng xử, cách dùng người và cách tề gia, trị quốc của thái sư Trần Thủ Độ trong Thiên mệnh rất đáng để người đời nay cùng soi” – tác giả Hoàng Thanh Du nói.

TTO – Thêm một lần nữa nhân vật lịch sử thời nhà trần tốn không ít giấy mực luận bàn, khi thái sư Trần Thủ Độ được sân khấu Cải lương tiếp tục “giải mã” qua vở diễn Thiên Mệnh (tác giả: Hoàng Thanh Du, Đạo diễn NSND Hoàng Quỳnh Mai).