Con đường nghệ thuật của Sỹ Tiến

NSND Sỹ Tiến - Năm 1975

Đêm ấy rạp Quảng Lạc quảng cáo diễn buổi tất niên, hiến khán giả tích hát đặc biệt: Tử Vi thu bạch trạch, có màn ảo thuật con bạch trạch cầm bát quái trấn áp bạch trạch, bạch trạch cũng dùng pháp thuật chống cánh gà để ông thầy tuồng châm ngòi ống pháo thăng thiên dài và to bằng ống nứa mà anh ngậm ở miệng để lửa sẽ phụt ra từ mồm bạch trạch. Không dè lửa cháy to bắt vào pháo,  pháo không kịp phun ra mà lại cháy hậu. Một tiếng nổ dữ dội. Con bạch trạch – đúng hơn là người kép hát mang lốt bạch trạch – ngã vật trên sân khấu, máu mồm máu mũi hộc ra lênh láng…Đưa vào nhà thương cấp cứu thì hai mắt đã mù. Người kép hát ấy không còn bao giờ trông thấy ánh sáng ban ngày nữa và cũng vĩnh biệt ánh sáng sân khấu luôn. Mất việc làm, ôm đau buồn bực, it lâu sau anh giã từ cuộc đời. Con người bất hạnh ấy la Hoa Ngân (thường gọi là kép Ngân), một diễn viên nổi tiếng đương thời, anh ruột nghệ sĩ Sỹ Tiến. Cái bi kịch khủng khiếp của nghề nghiệp ấy vẫn không ngăn cản được Sỹ Tiến theo nghề sân khấu. Ông nội anh: một nhà nho mạt vận quay về làm thuốc. Các ông già , bà cả ở ngõ Sầm của cụ. Nhưng thuốc của cụ “lang vườn” sao cạnh tranh được với thuốc “tây”. Gia đình đã khốn đốn càng kiệt quệ. Ông thân sinh ra anh bỏ nhà đi theo một gánh xiếc. Vào đến Nam Kỳ, gánh xiếc tan, ông đi làm phu tàu biển lênh đênh từ Sài Gòn sang Tân- gia- ba, Mạc-xây… Người anh, kép Hoa Ngân nói trên, đi theo nghề hát tuồng. Rồi Sỹ Tiến cũng bỏ nhà theo một gánh hát mặc dù những giọt nước mắt của bà mẹ cám cảnh cho cái đầu óc giang hồ của chồng, con, (sau ngày người con trai thứ ba của gia đình – tức là Sĩ Hùng – cũng đi nốt).

Năm ấy Sỹ Tiến mới chín tuổi: từ ban Đồng Ấu Sán Nhiên Đài, qua Quảng Lạc, qua rạp Ông Năm Bò, qua đoàn Ninh thọ, qua đoàn Phúc Thắng, qua đoàn Mụ Giám, qua đoàn Rạng Đông, qua Huynh Đệ ban, qua Tân Hỉ ban, qua Nam Trung ban, qua Hiệp Thành, qua Ngọc Hùng, qua Hồng Nhật, qua Quốc Hoa, qua Kim Khôi kịch đoàn, qua Lạc Xuân Đài, qua Tố Như, qua Anh Vũ, qua Tiên Điền… Sỹ Tiến đã làm một cuộc phưu lưu trên hầu hết các thành phố và thị trấn lớn khắp Bắc – Trung – Nam.

Năm 1941, thời kỳ oanh liệt của đoàn Tố Như với những vở Tàn phá Cô Tô, Huyền Trân công chúa, Mỵ Châu Trọng Thủy của Sỹ Tiến và những diễn viên tài nghệ Kim Chung, Khánh Hợi, Bích Thuận, Vân Thái, Sĩ Hùng… bầu gánh ra sức hốt tiền khán giả. Hồi ấy tôi chưa quen  Sỹ Tiến. Sau khi xem tích Mỵ Châu Trọng Thủy, tôi xúc động khác thường, gần như cả đêm không ngủ và sáng hôm sau tôi tìm đến gặp soạn giả. Tôi bước vào một ngôi nhà lụp xụp ở phố Hàng Bè, một thứ “ổ chuột” làm nơi cư trú của nhiều gia đình lao động nghèo. Trong cảnh lộn xộn, ồn ào, người lớn cãi nhau, trẻ con kêu khóc, người ta chỉ cho tôi Sỹ Tiến. Tôi nhìn thấy một người mặc cái áo sơ mi rách sã vai đang ngồi viết trước một cái bàn gỗ mộc xiêu vẹo dưới mái hiên ngay ở chỗ để vại nước người ta đang vo gạo, rửa bát. Sỹ Tiến ngẩng cái đầu bù lên nhìn tôi ngơ ngác, tất cả thần hồn còn đắm say với trang viết dở. Mấy phút sau anh mới “tỉnh” hẳn và xin lỗi vào nhà lấy cái áo lương bạc thếch của ông thân sinh mặc vào tiếp khách. Sau này chơi thân với  anh, tôi được biết: người ta chi tiền viết “vở” cho anh một cách thảm hại và cũng có nhiều đoàn “quịt”. Người ta biết anh “dễ tính”.

1945: một chỗ rẽ trong đời Sỹ Tiến. Anh và Sỹ Hùng đã bí mật hoạt đọng Việt Minh. Những khán giả năm ấy còn nhở ở Rạp Hàng Bạc có những đêm đang diễn đột nhiên đèn tắt hết, rồi khi bật lên một cán bộ Việt Minh xuất hiện từ bao giờ trên sân khấu “tuyên truyền” đánhTây, đuổi Nhật. Mấy phút sau đèn lại tắt rồi bật sáng trở lại: Anh cán bộ đã biến mất, buổi diễn tiếp tục đoạn đang trình diễn: cứ y như là ảo thuật!

Hồi ấy, có khi cùng đi với Sỹ Tiến trên đường phố Hà Nội, tôi hoảng vía. Cả một nửa tờ Cứu quốc thò ra ngoài túi áo anh, trông rõ cả hai chữ Cứu quốc. Tính anh vốn “hăng” như thế. Nghe nói thời kỳ Mặt trận Bình dananh là một tay bán báo Đảng rất đắc lực vì anh có thể đi suốt ngày không biết mỏi. (Ngày nay, tuổi đã sáu mươi mà anh vẫn đi bộ rất “cừ” anh không biết đi xe đạp). Cách mạng tháng Tám thành công, Sỹ Tiến nhận chỉ thị của đồng chí Trần Huy Liệu (khi ấy là bộ trưởng Bộ Tuyên truyền) vào tham kia văn hóa cứu quốc Nghệ An, lập đoàn kịch Hoàn chân Độc lập. Con đường nghệ thuật của anh có một bước thay đổi. Anh từ giã sân khấu cải lương với những vở ca kịch  lịch sử trữ tình vốn là sở trường của anh, để viết và diễn kịch nói về các đề tài cách mạng: Phạm  Hồng Thái, Đô lương khởi nghĩa, Phan Đình Phùng. Lê Tuấn (về cuộc khởi nghĩa của vua Hàm Nghi).

Cuộc kháng chiến nổ ra ở miền Nam, Sỹ Tiến để đoàn và vợ con ở lại Nghệ An, còn anh xung phong tập hợp một số bạn vào Mặt trận phía Nam, lập Đoàn kịch xung phong tuyên truyền kháng chiến miền Nam. Cả đoàn đã chết hụt ở Củng Sơn, tan như ong vỡ tổ. Số còn lại leo qua Bạch Mã, xuyên rừng ra Bắc. Sỹ Tiến lại vơ vét các anh em nghệ sĩ thủ đô tản cư ở  mọi nơi lập đoàn mới. Những năm đầu kháng chiến anh gầy và khô đét như thanh củi, nhưng không phải thanh củi mục mà là thanh củi cháy đùng đùng: cái “cá tánh” Trương Phi của anh (anh có biệt hiệu Xung Thiên) lúc này được phát triển tự do hơn bao giờ hết. Anh hùng hục lôi anh em và cả cha mẹ vợ con họ trên khắp nẻo đường, kháng chiến Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình. (Người ta đã thấy nữ nghệ sĩ Ngọc Dậu vừa tối hôm trước nhí nhảnh vô tư trên sân khấu với bài hát: “Hôm qua anh đến nhà em – thấy đôi mắt đẹp…anh thèm muốn xin”, sáng hôm sau đảm đang xếp gồng gánh cho cha mẹ và tự mình cõng đứa em lên vai đi theo đoàn). Bình sinh Sỹ Tiến rất ái mộ Mô-li-e. Cuộc kháng chiến đã biến anh thành một “nhà Mô-li-e” chống xâm lược pháp.

1952: lại một chỗ rẽ khác trong đời Sỹ Tiến. Anh tham gia những hoạt động chống địch trong nội thành. Thời kỳ này anh vẫn viết vở, làm đạo diễn cho một số đoàn, nhưng chủ yếu người ta biết anh vì viết báo. Mà cũng đúng là anh bỏ công sức vào báo chí nhiều hơn là sân khấu. Anh đã thẳng cánh giáng lưỡi tầm sét xuống Đồi thông hai mộ được Bảo Đại kính cẩn xây đắp với số tiền thưởng hai nghìn đồng. Anh vạch trần bộ mặt “lố lăng tung tăng” của tên ca sĩ tâm lý chiến Rô-lăng Tu Tanh mà thực dân Pháp trịnh trọng mời sang Hà Nội để nâng đỡ tinh thần cho bọn lính viễn chinh thất trận.

Và Điện Biên Phủ… Sỹ Tiến được triệu tập ra học lớp chuẩn bị tiếp quản thủ đô. Vở kịch nói Giành ánh sáng tự do của anh ra đời lấy đề tài trong cuộc đấu tranh của anh em công nhân nhà máy điện Yên Phụ chống lại âm mưu phá hoại máy móc và quyến rũ công nhân di cư của chủ sở. Quân xâm lược bị quét sạch khỏi nửa đất nước, miền Bắc hân hoan xây dựng chủ nghĩa xã hội, Sỹ Tiến trở lại vị trí của soạn ca kịch phục vụ đường lối khai thác vốn dân tộc trong nghệ thuật. Trên gian gác phố Lương Ngọc Quyến giữa những cái tủ, những cái bàn đầy ắp sách vở, người ta thấy Sỹ Tiến hì hục viết. Có điều là nếu trước đây anh viết rất nhanh. Từ 1937 đến 1954 nếu chỉ kể những vở anh soạn một mình và đứng tên, không kể những vở soạn chung và để người khác đứng tên soạn giả, anh đã viết trên 40 vở, thì từ 1954 anh viết chậm hơn. Không phải vì anh “bí” hoặc phải bỏ nhiều thì giờ vào những hoạt động “xã hội’. (Anh được bầu làm chủ tịch liên đoàn ca kịch Thủ đô, ủy viên Ban chấp hành hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, ủy viên Ban chấp hành hội Đoàn kết Á Phi, Ban trị sự câu lạc bộ Đoàn kết). Anh chuyển tốc độ vào chất lượng. Anh viết chậm, viết kỹ. Có người kêu anh là “rụt rè”, “quá thận trọng”, “thiếu sức bật”… anh xin tiếp thu tất cả và chỉ tự bào chữa bằng một quan điểm: cải lương hiện thực xã hội chủ nghĩa là cái gì rất khó, anh không dám vội vã.

Nói thế, nhưng từ 1954 đến nay anh cho ra mắt khán giả ngót hai mươi vở đặc sắc rút từ các chuyện nôm của dân tộc (Kiều, Tống Trân Cúc Hoa…) từ các truyền thuyết dân gian nổi tiếng (Bạch xà nương), về các đề tài lịch sử (Hội sóng Bạch Đằng, Hoàng Hoa Thám, Bến cũ Hương Sơn), về các đề tài cách mạng (Ngọc trai đõ tức truyện Nguyễn Đức Cảnh,vv…). Kết quả lao động của anh như thế không phải là ít. Ngoài ra, anh còn chỉnh lý, cải biên nhiều vở cũ cho các đoàn dàn dựng. Kỷ lục của anh chưa phải nhiều người đã vượt được.

Vả lại, nói cho thật đúng soạn vở chỉ là một việc làm mà Sỹ Tiến phải “tranh thủ thời gian”. Nhiều người vẫn khuyên anh nên hướng những hoạt động của mình vào công việc đào tạo những thế hệ diễn viên kế tiếp và viết lại lịch sử cải lương, cuộc đời nghệ thuật của các nghệ sĩ tiền bối. Từ 1964, Sỹ Tiến là chuyên viên nghiên cứu nghệ thuật sân khấu ở Viện nghệ thuật. Anh đã biên soạn được cuốn Nhà soạn kịch cải lương Trần Hữu Trang (viết chung), Hướng dẫn sử dụng nhạc cụ dân tộc(viết chung), Tìm hiểu nghệ thuật sân khấu thủ đô Hà Nội, Lịch sử cải lương. Hiện nay, anh đang viết: Ba mươi năm sân khấu cải lương xã hội chủ nghĩa để chào mừng nam 1975 lịch sử, và tiểu luận Viết một vở cải lương như thế nào? Công việc dài hơi của anh là khai thác những kinh nghiệm của các nghệ sĩ sân khấu đi trước cho các thế hệ sau.

Năm nay, Sỹ Tiến 60 tuổi. Vưa qua nhân ngày sinh của anh, đông đảo các đồng chí lãnh đạo văn hóa, văn nghệ, trí thức, nhà báo bạn bè đến mừng anh. Thành thực cảm ơn tất cả những người đã từng giúp đỡ, hoặc cộng tác với anh, Sỹ Tiến có nói: “Từ là một kép hát, một thầy tuồng dưới chế độ cũ tiến lên một nghệ sĩ, một tác giả, một người nghiên cứu lịch sử sân khấu dưới chế độ mới, cuộc đời tôi thật vinh dự”. Đó là phần thưởng cao quí nhất đối với anh vì đối với một người nghệ sĩ còn gì quí hơn là sự tín nhiệm của Đảng lãnh đạo và của quần chúng.

H.N.M



Chức năng phản hồi của bài viết này đang tạm dừng.